CHÚT CHÍT
CHÚT CHÍT
Radix et Folium Rumicis
Tên khác: Thổ đại hoàng, Lưỡi bò, Dương đề
Tên khoa học: Rumex microcarpus Campd., họ Rau răm (Polygonaceae).
Tên đồng nghĩa: Rumex wallichianus Meisn.; Rumex wallichii Meisn.
Mô tả:
Cây: Cây thảo, rễ khỏe, thân mọc đứng, có rãnh. Các lá gần gốc có kích thước lớn hơn các lá phần trên nhiều, phiến lá hình mũi mác dài, hẹp, hơi nhọn ở hai đầu, nhẵn, mép nguyên, các lá ở phần giữa có cuống và phiến hẹp hơn, còn các lá ở trên cùng thì rất hẹp, đầu thuôn dài, bẹ chìa mỏng, khá phát triển. Hoa họp thành chùy ở ngọn, và gần ngọn tạo thành những xim có mang rất nhiều hoa, mọc sát nhau nhất là ở đỉnh, trên cụm hoa có nhiều lá hẹp hình dài, cuống hoa mảnh, có đốt ở phần gốc. Bao hoa có 6 mảnh, vòng trong tròn, kéo dài ra thành một đầu nhọn. Nhị 6, đính ở gốc của bao hoa, bao phấn đính nhụy nhiều. Quả hình 3 cạnh nằm trong bao hoa tồn tại.
Dược liệu: Mấu rễ tròn, dài 10-20cm, đường kính 1-1,5cm, vỏ ngoài màu vàng nâu hay nâu tươi, có vết nhăn dọc, cắt ngang vết cắt không bằng phẳng, lổn nhổn màu vàng, mùi nhẹ, đặc biệt.
Bộ phận dùng: Rễ củ và lá (Radix et Folium Rumicis).
Phân bố: Trên thế giới cây có ở Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam. Ở nước ta, cây mọc dại ở bờ ruộng ẩm, hoặc ở trong các đất ruộng sâu; thường xuất hiện từ tháng 11-12 cho đến tháng 6 tại Hà Nội, Nam Hà ở Lâm Ðồng.
Sinh thái: Cây mọc hoang dại nơi đất không tốt thì rễ gẫy không thành củ. Nếu được trồng và chăm bón tốt thì củ to. Có thể trồng bằng hạt vào mùa xuân; đào lấy củ vào mùa thu, phơi khô dùng làm thuốc.
Thu hái, sơ chế: Rễ thu hoặc quanh năm, nhưng tốt nhất là vào mùa thu đông (Tháng 8, 9, 10). Đào lấy rễ cây già, rửa sạch, bỏ rễ con, để nguyên hoặc thái mỏng, phơi hay sấy khô.
Thành phần hóa học: Rễ và lá chứa anthranoid (1-2 %) (rumicin, emodin, acid chrysophanic, crizarobin..), tanin, nhựa.
Tính vị: vị đắng, tính lạnh
Tác dụng: Thanh nhiệt, lương huyết, nhuận trường, sát trùng.
Công dụng: Thuốc nhuận tràng, tẩy, chữa hoàng đản, mụn nhọt, hắc lào, đầu có vẩy trắng, ứ huyết sưng đau. Lá non làm rau ăn được như rau nghể.
Cách dùng, liều lượng: Nhuận tràng 4 - 6g; Tẩy 6 - 12g, dùng dưới dạng thuốc sắc, cao lỏng, bột. Rễ, lá tươi, giã vắt lấy nước (hoặc rễ khô ngâm cồn) bôi chữa hắc lào, tắm ghẻ.
Bài thuốc:
1. Chữa bí đại tiện: Dùng 8-12g củ tươi nhai sống hoặc sắc nước uống. Để nâng cao hiệu quả có thể dùng 10 g lá chút chít cùng các vị thuốc gồm: chỉ xác 12 g, mộc thông 8 g, đem rửa sạch rồi sắc lấy nước uống. Sắc nước lần 2 uống nếu vẫn chưa thể đi ngoài sau 1 giờ.
2. Chữa hắc lào và các loại lở ngứa: Dùng cành lá Chút chít nấu nước ngâm rửa kỹ lúc còn ấm; lại dùng củ mài giấm bôi. Có thể ngâm củ Chút chít trong cồn hoặc rượu rồi dùng nước thuốc để bôi, nếu có cây tươi thì dùng cành lá hoặc củ xát trực tiếp trị hắc lào và bệnh nấm da.
3. Chữa bệnh trứng cá: Phơi khô rễ cây chút chít và tán thành bột. Dùng 100 g bột này cho vào nửa lít rượu 60 độ và ngâm trong 10 ngày. Bôi hỗn hợp này lên các vết trứng cá thường xuyên sẽ giúp bệnh dứt hẳn.
4. Chữa chứng ruột ứ trệ: Lấy khoảng 8g lá cây chút chít tươi rửa sạch và thái nhỏ, trộn với 4g cam thảo, cho vào nồi sắc cùng 300 ml đến khi chỉ còn 150 ml. Thuốc này có công dụng như thuốc xổ, để có công hiệu bạn chia ra uống nhiều lần
5. Trị chứng hoàng đản: Cách trị bệnh này rất đơn giản, bạn dùng lá cây chút chít nấu canh với 100 g gan heo, nêm nếm cho vừa ăn và dùng như một món canh bình thường. Kiên trì ăn món canh rau chút chít liên tục trong 5 ngày sau đó giảm xuống còn 1 ngày ăn 1 lần đến khi hết bệnh.
6. Chưa táo bón, trĩ nội: dùng khoảng 30g rễ tươi cây chút chít và 120g thịt heo. Đem 2 nguyên liệu này đi rửa sạch, bỏ vào nồi nấu lấy nước và ăn phần thịt.
7. Chữa dị ứng biểu hiện bằng xuất huyết, tím: rễ cây chút chít lấy 30g, đem nghiền thành bột, mỗi lần uống 9g, chia ra làm 2 lần uống mỗi ngày.
8. Chữa viêm amidan cấp tính: 30g rễ cây chút chít mang đi sắc uống.
9. Chữa đầu nổi vẩy trắng: rễ cây chút chít châm với nước mật của dê rồi xoa lên vùng da cần điều trị.
10. Chữa đại tiện ra máu: Lấy rễ cây chút chít để nguyên vỏ, gừng giã nhuyễn, mỗi vị thuốc bạn lấy nửa chén rồi sao đỏ, cho vào chút giấm bỏ bã sắc uống.
Chú ý:
- Ngoài việc sử dụng làm thuốc lá của cây chút chít cũng được đùng để nấu ăn. Do lá của nó có vị chua nên nó được thêm vào các món xà lách để tăng thêm hương vị. Lá của nó cũng có thể dùng trong các món xúp và nước xốt. Nó cũng là thành phần cơ bản trong món xúp lòng đỏ trứng của người châu Âu.
- Những người hư hàn và tiêu chảy không nên dùng.
- Lá chút chít có vị chua nên có thể làm rau ăn hoặc thêm vào món xà lách để tăng thêm hương vị. Hoặc có thể nghiền nhuyễn trong các món súp và nước sốt, đặc biệt là món súp lòng đỏ trứng của người châu Âu.
Tham khảo:
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)
- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)
- theplanlist.org
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Bồng Nga truật - Boesenbergia rotunda
- Công dụng của cây Gõ mật - Sindora siamensis
- Công dụng của cây tía tô cảnh - Coleus monostachyus
- Công dụng của cây Đậu kiếm - Canavalia gladiata
- Công dụng của cây é dùi trống - Hyptis brevipes
- Công dụng của cây Chây xiêm - Buchanania siamensis
- Công dụng của cây Chiếc chum - Barringtonia racemosa
- Công dụng của cây Cỏ cói - Bolboschoenus yagara
- Công dụng của cây Gai lan - Boehmeria clidemioides
- Công dụng của cây Rau mác bao - Pontederia vaginalis
- Công dụng của cây San dẹp - Paspalum dilatatum
- Công dụng của cây Áo cộc - Liriodendron chinense
- Công dụng của cây Nghệ sen - Curcuma petiolata
- Công dụng của cây Cao lương đỏ - Sorghum bicolor
- Công dụng của cây Dương đào dai - Actinidia coriacea
- Công dụng của cây Lục đạo mộc trung quốc - Abelia chinensis
- Công dụng của cây Sú- Aegiceras corniculatum
- Công dụng của cây Ấu tàu - Aconitum carmichaelii
- Công dụng của cây Bù dẻ hoa đỏ - Uvaria rufa
- Công dụng của cây Chùm ruột núi- Antidesma pentandrum