Logo Website

CỎ SỮA LÁ NHỎ

18/06/2020
Cỏ sữa lá nhỏ có tên khác: Vú sữa đất, Cẩm địa, Thiên căn thảo, Nhả nực nọi (Thái), Nhả nậm mòn, Chạ cam (Tày). Công dụng dùng để chữa lỵ trực trùng, viêm ruột ỉa chảy. Chữa xuất huyết. Dùng cho phụ nữ sinh đẻ thiếu sữa hoặc tắc tia sữa.

 CỎ SỮA LÁ NHỎ

Herba Euphorbiae Thymifoliae.

Tên khác: Vú sữa đất, Cẩm địa, Thiên căn thảo, Nhả nực nọi (Thái), Nhả nậm mòn, Chạ cam (Tày)

Tên khoa học:  Euphorbia thymifolia L., họ  Thầu dầu (Euphorbiaceae). 

Tên đồng nghĩaAnisophyllum thymifolium (L.) Haw.; Aplarina microphylla (Lam.) Raf.; Chamaesyce mauritiana Comm. ex Denis; Chamaesyce microphylla (Lam.) Soják; Chamaesyce rubrosperma (Lotsy) Millsp.; Chamaesyce thymifolia (L.) Millsp.; Chamaesyce thymifolia f. suffrutescens (Boiss.) Hurus.; Euphorbia afzeliiN.E.Br.; Euphorbia botryoides Noronha; Euphorbia foliata Buch.-Ham. ex Dillwyn; Euphorbia microphylla Lam.; Euphorbia rubicunda Blume; Euphorbia rubrosperma Lotsy; Euphorbia thymifolia var. disticha Nutt.; Euphorbia thymifolia f. laxifoliata Chodat & Hassl.; Euphorbia thymifolia var. suffrutescens Boiss.

Mô tả: Cây thảo sống nhiều năm, mọc bò, có lông và có nhựa mủ trắng. Thân và cành tỏa rộng trên mặt đất, hình sợi, màu đỏ tím, hơi có lông. Lá nhỏ mọc đối, hình bầu dục hay thuôn, tù đầu, hình tim không đều hay tù ở gốc, có răng ở mép, có lông ở mặt dưới, dài 7 mm, rộng 4 mm. Cụm hoa dạng xim co ít hoa ở nách lá. Quả nang, đường kính 1,5mm, có lông. Hạt nhẵn, có 4 góc lồi, dài 0,7mm. Cây ra hoa vào mùa hè. 

Bộ phận dùng: Toàn cây (Herba Euphorbiae Thymifoliae).

Phân bố: Cây mọc hoang khắp nơi ở bãi cỏ, sân vườn, ở những nơi đất có sỏi đá, kẽ gạch sân, xi măng, dọc đường ray xe lửa có dải đá vôi xanh, sân vườn… Trên thế giới loài phân bố ở các nước nhiệt đới: Ấn Độ, Indonexia, Philippin, Trung Quốc.

Thu hái, sơ chế: Cây quanh năm, nhưng tốt nhất vào hè thu. Dược liệu được rửa sạch dùng tươi hay phơi khô.

Bảo quản: Dược liệu cần bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm.

Tác dụng dược lý: Dùng dung dịch cỏ sửa đưa vào ruột sẽ ức chế sự sinh sản của các loại vi trùng lỵ (Sonner, Shigella, Flexneri,...) cũng có tác dụng ức chế các chủng vi khuẩn tụ cầu vàng. Cỏ sữa lá nhỏ được xem là loại thuốc kháng khuẩn tụ cầu vàng. Cỏ sữa lá nhỏ được xem là loại thuốc kháng sinh trị bệnh đường ruột và bệnh ngoài da. Chất nhựa mủ của nó có tính gây xót đối với niêm mạc dạ dày và độc đối với cá và chuột. Ở Ấn Ðộ, người ta xem nó như có tác dụng làm thơm, săn da, kích thích và nhuận tràng.

Thành phần hoá học : 

- Cỏ sữa lá nhỏ có các nhóm chất: steroid, terpenoid, glycosid, tinh dầu, muối khoáng, tannin, flavonoid (quercetrin), dẫn chất phenolic.

- Trong cây có một loại tinh dầu màu xanh, mùi đặc biệt, vị kích ứng. Thành phần tinh dầu gồm cymol, carvacrol, limonen-sesquiterpen và acid salicylic. Lá và thân chứa flavonoid cosmosiin (5,7,4-trihydroxyflavon-7-glucosid). Rễ chứa taraxerol, tirucallol và myrixyl alcohol.

Tác dụng dược lý:

- Cây có tác dụng hạ đường huyết, chống nhiễm trùng, diệt khuẩn, chống HSV-2, chống oxy hóa, chống viêm, kháng khuẩn, tẩy giun, và nhuận tràng.

- Dịch chiết nươc từ cây cỏ sữa có tác dụng ức chế sự sản sinh của chủng vi trùng gây lỵ và chủng tụ cầu vàng. Nhờ vậy mà cỏ sữa được ứng dụng điều trị một số bệnh đường ruột, bệnh ngoài da. Ngoài ra, dược liệu trên cũng dùng làm thông sữa, kích thích tăng tiết sữa ở đối tượng phụ nữ đang cho con bú.

- Theo Copacdiuxki 1947 (Bull.Soc. Chimie biologique số 29:924-926) chất nhựa mủ của cỏ sữa có tính gây xót đối với niêm mạc và độc với cá và chuột 

- Dịch chiết cỏ sữa lá nhỏ 1/20 đến 1/40 có tác dụng ức chế sự sinh sản của các loại vi trùng lỵ Sonner, Flexne và Shiga.

- Ngoài tác dụng chữa bệnh, cây cỏ sữa lá nhỏ cũng được ứng dụng làm thuốc diệt sâu bọ (Ấn Độ).

Tính vị: tính hàn, vị hơi chua.

Công năng: Thông huyết, tiêu viêm, tiêu độc, lợi tiểu, kháng khuẩn, thông sữa.

Công dụng: Cỏ sữa lá nhỏ dùng để chữa

- Chữa lỵ trực trùng, viêm ruột ỉa chảy.

- Chữa xuất huyết.

-  Dùng cho phụ nữ sinh đẻ thiếu sữa hoặc tắc tia sữa.

-  Ở Ấn Độ còn dùng làm thuốc diệt sâu bọ, giã đắp chữa bệnh ngoài da.

Cách dùng, liều lượng: Toàn cây phơi khô, sao vàng, sắc uống, mỗi ngày 15-20g, có thể tới 50g cho trẻ em. Người lớn có thể dùng tới 100-150g.

Bài thuốc: 

1. Chữa kiết lỵ: 80 gam cỏ sữa lá nhỏ, 50 gam lá mơ lông tươi đem sắc uống hằng ngày. Trẻ em dùng nửa liều trên.

2. Dùng cho phu nữ thiếu sữa, tắc tia sữa: 100 gam cỏ sữa lá nhỏ, 40 gam hạt cây gạo đem sắc uống hằng ngày. Dùng liên tục  5 đến 7 lần.

3. Chữa mụn nhọt, ngứa: Cỏ sữa lá nhỏ đem giã nhuyễn, đắp lên vị trí bị nhọt, ngứa. Nên kết hợp thuốc đắp với thuốc tươi uống để tăng hiệu quả chữa bệnh.

4. Chữa đại tiện ra máu: 100 gam cỏ sữa lá nhỏ, 50 gam cây huyết dụ đem đun với 1 lít nước sôi, dợi đến khi nước cạn còn 400 ml thì tắt bếp, uống trong ngày.

5. Chữa lỵ thể nhẹ: Dùng 100 gam cỏ sữa lá nhỏ rửa sạch, thái nhỏ, đem sắc với 400ml, đợi khi nước cạn 100 ml thì dừng. Uống 2 lần mỗi ngày.

6. Chữa mụn nhọt ngoài da chưa vỡ mủ: 100 gam cỏ sữa đem giã nát, đắp lên vùng da bị nhọt. Đắp 2 lần mỗi ngày.

7. Chữa mẩn ngứa ngoài da: Cỏ sữa rửa sạch, giã nát thoa vào vùng da bị ngứa hoặc nấu nước để rửa.

8. Chữa giun sán: Lá cỏ sữa lá nhỏ có tác dụng điều trị giun sán và hiệu quả nhất là ở nhóm giun đũa, giun kim ở trẻ em. Cách dùng: hái một nắm lá cỏ sữa, giã nát và vắt lấy nước cốt cho trẻ uống.

9. Nuôi dưỡng và kích thích mọc tóc: Dùng mủ cỏ sữa bôi lên da đầu, giúp tóc mau mọc và tăng trưởng tốt.

10. Cầm máu: Dùng một nắm cây cỏ sữa, giã nát và đắp lên vết thương giúp cầm máu và làm lành nhanh.

11. Chữa lòi dom chảy máu: Cỏ sữa lá nhỏ tươi 80 - 100 g, giã nát, vắt lấy nước cốt uống. Có thể dùng cây khô sắc uống.

Chú ý: Cỏ sữa có độc nhẹ nên tránh dùng các loại cỏ sữa ở liều cao vì có thể gây kích ứng dạ dày và gây nôn mửa, nên uống cùng lúc khi ăn. Ngoài ra, chất “nhựa mủ” gây độc đối với cá và chuột.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)

- theplanlist.org

- Prashant Y. Mali and Shital S. Panchal, A review on phyto-pharmacological potentials of Euphorbia thymifoliaL.; Anc Sci Life. 2013 Jan-Mar; 32(3): 165–172.