ĐẠI BI
ĐẠI BI
Tên khác: Mai hoa băng phiến, Long não hương, Từ bi, đại ngải, mai phiến, mai hoa não, ngải nạp hương, co nát (Thái), phặc phà (Tày).
Tên khoa học: Blumea balsamifera (L.) DC., họ Cúc (Asteracea).
Tên đồng nghĩa: Baccharis balsamifera Stokes; Baccharis gratissima Blume ex DC.; Baccharis salvia Lour.; Blumea appendiculata DC.; Blumea balsamifera var. balsamifera; Blumea balsamifera var. microcephala Kitam. Blumea grandis DC.; Blumea zollingeriana (Turcz. / Sch. Bip.) C.B.Clarke; Conyza appendiculata Blume; Conyza balsamifera L.; Conyza saxatilis Zoll. ex C.B.Clarke; Pluchea appendiculata (DC.) Zoll. & Mor.; Pluchea balsamifera (L.) Less.
Mô tả: Cây nhỏ, cao khoảng 1-3m, thân phân cành ở phía ngọn, nhiều lông. Lá mọc so le, phiến lá có lông, mép có răng cưa hay nguyên. Cụm hoa hình ngù ở nách lá hay ở ngọn, gồm nhiều đầu, trong mỗi đầu có nhiều hoa màu vàng. Quả bế có lông. Toàn cây có mùi thơm của Long não. Cây ra hoa tháng 3-5, có quả tháng 7-8.
Phân bố: Cây phân bố rộng rãi khắp các vùng núi ở độ cao dưới 1000m, ở trung du và cả ở đồng bằng, thường gặp ven đường, quanh làng, trên các savan, đồng cỏ.
Thu hái, sơ chế: Có thể thu hái lá quanh năm, chủ yếu vào mùa hạ. Thu hái toàn cây vào mùa hạ và thu, dùng tươi, hoặc phơi hay sấy khô. Có thể dùng lá non và búp để chưng cất rồi cho thăng hoa thành Mai hoa băng phiến (Long não Ðại bi).
Bộ phận dùng: Lá, tinh dầu.
- Lá phiến to dày, nhiều lông có mùi hơi hắc, thu hái quanh năm nhưng tốt nhất là mùa hè. Rửa sạch phơi âm can.
- Mai hoa băng phiến (băng phiến đại bi, mai hoa não, mai hoa phiến, ngải phiến) thu được khi chưng cất lá rồi cho thăng hoa. Búp và lá non chứa nhiều mai hoa băng phiến hơn các bộ phận khác. Mai hoa băng phiến ở dạng tinh thể hình phiến trong suốt hoặc nửa trong suốt giống như phiến cánh hoa mai, có mùi thơm nhẹ dễ chịu, vị cay mát, y học hiện đại gọi hoạt chất này là borneol.
Có thể cất mai hoa băng phiến theo phương pháp thủ công như sau:
Dùng nồi chõ trên để một thau nước lạnh, cho lá cành đại bi đã băm nhỏ vào nồi thêm nước đến ngập lá, trát kín chõ và chậu thau. Đun nhỏ lửa, 3-4 giờ sau, mai hoa băng phiến thăng hoa bám vào đáy chậu, lấy ra cạo bột băng phiến, ép cho kiệt hết tinh dầu rồi tinh chế lại bằng cách trộn bột băng phiến thô (100 phần) với bột than củi (5 phần) vôi bột (3 phần), cho vào nồi gang, đặt lên nồi một thau nước lạnh, trát kín đun nhỏ lửa rồi lấy bàng phiến như trên. Hiệu suất mai hoa báng phiến trong lá tươi là 0,3-0,5% (Đỗ Tất Lợi. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, 1999, trang 606).
Thành phần hoá học: Lá chứa từ 0,2-1,8% tinh dầu. Trong đó thành phần chủ yếu là D-borneol, L-camphor, cineol, limonen, acid palmitic, acid myristic. Còn có sesquiterpen alcol. Thành phần chính của mai hoa băng phiến là borneol; đó là một chất có tinh thể óng ánh và trắng như hoa mai, do đó mà có tên mai hoa băng phiến hay băng phiến đại bi.
Lá chứa 0,2-1,8% tinh dầu. Thành phần chính của tinh dầu là D-borneol, L-camphor cineol, limonen, acid palmitic, acid myristic còn chứa các sesquiterpen alcol. Có tác giả đã phân lập từ lá đại bi các blumea lacton A, B, c đều là các sesquiterpen lacton (Từ điển bách khoa dược học 1999-204).
Đại bi ở Trung Quốc chứa chủ yếu là borneol ở Myanma chứa 1-9% tinh dầu trong đó 75% camphor và 25% borneol (The Wealth of India 1948, vol. 1, p. 197).
Theo tài liệu nước ngoài, long não hữu tuyền được kết tinh từ nhựa và tinh dầu đại bi.
Nhựa và tinh dầu đại bị còn chứa các chất triterpen, humulen, beta-elemen và caryophyllen. Cho đến nay, người ta đã phát hiện từ nhựa đại bi 18 chất triterpen, trong đó, 10 chất triterpen 5 vòng như erythrodiol, acid hedragonic, acid maslinic, hederagenin, acid ajunolic, acid asiatic, acid hydroxyasiatic, acid 11 oxoasiatic, alphitol... Ngoài ra, có 5 loại triterpen 4 vòng như damarendiol II, dipterocarpol, dryobalanon, acid dryobalanonolíc, và ocortillol II... (Trung dược từ hải tập I 2231). Các chất 2R, 3R dihydroquercetin, 2R, 3R, dihydroquercetin 47' dimethyl ether, cryptomeridol, blumealacton A(3) B(2) C(3) các chất có tác dụng chống dị ứng như acid rosmarinic, astragalin, nicotinflorin bauerol... (Trung dược từ hải tập I 1387)
Đại bi còn chứa các flavonoid như 3,5,3-trihydroxy-7-4-dimethoxy isofavon 3,5,3,4 tetrahydroxy 7-methoxy flavon (CA. 121,1994 14182x)
Từ dịch chiết cloroform phần trên mặt đất của đại bi, còn phát hiện chất (2R, 3R)-7-5’ dimethoxy-3-5-2’ trihydroxy flavanol (CA 118, 1993, 19268 v).
Tác dụng dược lý:
Dịch chiết lá đại bi gây hạ huyết áp trên súc vật thí nghiệm, làm giãn mạch ngoại vi và ức chế hệ thần kinh giao cảm. Cũng trên súc vật thí nghiệm, nước sắc lá đại bi được tiêm tĩnh mạch làm xuất hiện huyết áp hạ do tim co bóp yếu và giãn mạch ngoại vi, hoạt động hô hấp của súc vật thí nghiệm được tăng cường có thể là do trung khu hô hấp bị kích thích, đồng ihời sức co bóp và trương lực của ruột và tử cung đều giảm.
Chất flavonoid blumeatin (5,3’,5’ trihydroxy 7-methoxy-dihydro-flavon) tiêm xoang bụng cho chuột cống trắng đã gây nhiễm độc bằng CCl4, có tác dụng ức chế sự gia tăng của các men alanin amino. transferase trong huyết thanh và triglycerid trong gan; những tổn thương về tổ chức học của gan ở lô chuột dùng blumeatin không nghiêm trọng bằng lô chuột đối chứng. Trên chuột nhắt trắng gây ngộ độc bằng thioacetamid, dùng blumeatin tiêm xoang bụng cũng có tác dụng ức chế sự gia tăng các men alanin aminotransferase trong huyết thanh và triglycerid trong gan. Các kết quả trên chứng tỏ blumeatin có tác dụng bảo vệ gan đối với nhiễm độc do CCl4 và thiocetamid gây nên. Ba chất sesquiterpen lacton chiết tách từ đại bi (Blumealacton A,B,C) đều có tác dụng chống ung thư đối với tế bào sarcom yoshida trên môi trường nuôi cấy. Cao chiết từ đại bị có tác dụng làm giảm khả năng gây đột biến của mitomycin c, dimethylnitrosamin và tetracyclin trên chuột nhắt trắng. Ngoài ra, đại bi còn có tác dụng kháng histamin, kháng nấm. Thành phần có tác dụng kháng histamin gồm có: acid rosmarinic, astragalin, nicotinflorin và bauerenol. Cao chiết bằng ethanol từ đại bi có tác dung đối với nấm Epidermophyton floccosum với nồng độ ức chế tối thiểu là dưới l0mg dược liệu/ml. Cao chiết bằng nước từ đại bi có tác dụng lợi tiểu như cà phê, chè. Đại bi còn có tác dụng diệt côn trùng, hoạt chất diệt côn trùng chưa được xác định.
Tính vị: vị cay đắng và tính ôn.
Quy kinh: Thận và Phế.
Mai hoa băng phiến có vị cay, đắng, tính hơi lạnh.
Công năng:
- Đại bi có công nămg: Khu phong, tiêu thũng, hoạt huyết, tán ứ.
- Mai hoa băng phiến có tác dụng thông khiếu, tán uất hoả, chỉ thống, tiêu thũng, minh mục, cường tim.
Công dụng:
- Chữa cảm sốt, ho, đầy bụng khó tiêu. Dùng ngoài chữa vết thương chấn thương, đinh nhọt, viêm mủ da, ngứa da.
+ Lá đại bi được dùng làm thuốc chữa cảm sốt, cúm, làm ra mồ hôi dưới dạng thuốc xông. Dùng lá phối hợp với một số dược liệu có tinh dầu như lá bưởi, lá chanh, lá sả mỗi thứ một nắm. Tất cả cho vào nồi nước đun sôi rồi xông. Khi xông cần ngồi nơi kín gió. Dùng chăn trùm kín cả người và nồi nước xồng, hơi nước có các chất thofm bốc lên làm ra mồ hôi. Xông xong dùng khăn khô lau hết mồ hôi, bệnh nhân cảm thấy dễ chịu ngay.
+ Nước sắc lá đại bị uống chữa đầy bụng, ăn uống khó tiêu, ho nhiều đờm. Ngày dùng 20-30g lá tươi. Dùng ngoài, lá đại bi nấu nước ngâm rửa, hoặc lá tươi giã nát đắp tại chỗ chữa lở loét, vết thương sưng đau. Lá đại bi phối hợp với lá cây dâm hôi (lượng bằng nhau), rửa sạch, giã nát, lấy nước bôi chữa mụn ghẻ. Ở Trung Quốc, lá đại bi được dùng làm thuốc kiện vị chữa đầy hơi, diệt giun sán, đắp tại chỗ chữa vết loét, ở Ân Độ, lá đại bi chữa mất ngủ, trạng thái tâm thần bị kích thích, ở Philippin, lá được dùng làm thuốc lợi tiểu chữa các bệnh sỏi thận, phù nề, dưới dạng viên nén 250mg bột. Người lớn dùng 1-2 viên mỗi lần, cứ 6 giờ uống một lần. Ở Thái Lan, lá thái nhỏ phơi khô cuộn thành điếu thuốc để hút chữa viêm xoang.
- Mai hoa băng phiến chữa mắt kéo màng, bụng đau, ho lâu ngày, ngạt mũi, tức ngực, cảm gió, cấm khẩu.
+ Mai hoa băng phiến được dùng từ lâu trong y học cổ truyền, chữa trúng phong cấm khẩu, đau bụng, đau ngực, ho lâu ngày, đau mắt, đau họng, liều dùng hàng ngày 0,l-0,2g chia làm nhiều lần uống trong ngày dưới dạng thuốc bột, hoặc phối hợp với các vị thuốc khác dưới dạng hoàn tán. Dùng ngoài, mai hoa băng phiến và phèn phi với lượng bằng nhau, tán bột rắc vào chỗ đau chữa bệnh thối loét chân ràng. Mai hoa băng phiến pha trong cồn dùng xoa bóp chữa thấp khớp, chấn thương tụ máu. Từ borneol, các nhà hoá học Đức đã sản xuất một loại thuốc chống kiến, thuốc này không độc, chỉ làm mất những mùi đánh dấu quan trọng của kiến và làm cho chúng mất phương hướng mà bỏ đi nơi khác.
Chú ý : Không được uống mai hoa băng phiến với rượu vì như vậy có thể dẫn tới bị ngộ độc.
Cách dùng, liều lượng: Xông chữa cảm mạo. Uống nước sắc 20 - 30g lá tươi/ngày chữa đầy bụng, khó tiêu. Uống 0,1 - 0,2g mai hoa băng phiến mỗi ngày, chia làm nhiều lần.
Bài thuốc:
1. Chữa cảm mạo, ho, sốt nóng dùng 5-12g lá Ðại bi nấu nước uống. Có thể nấu nước xông, dùng riêng hay phối hợp với các loại lá khác có tinh dầu.
2. Thấp khớp tạng khớp, dùng rễ Ðại bi, Kê huyết đằng mỗi vị 30g, sắc uống hoặc ngâm rượu uống.
3. Ðau bụng kinh, dùng rễ Ðại bi 30g, ích mẫu 15g sắc uống.
4. Chữa lòi dom: Lá Ðại bi giã nát với lá Câu đằng, đắp.
5. Chữa ghẻ: Lá Ðại bi tươi và lá Hồng Bì dại, mỗi thứ một nắm, rửa sạch, giã nát lấy nước đặc bôi.
6. Chữa ho: Lá Ðại bi 200g, lá Chanh 50g, rễ Cà gai leo 100g, rễ thuỷ xương bồ 100g, củ Sả 100g, Trần bì 50g, tất cả phơi khô, cắt nhỏ nấu với nước 2 lần để được 700ml dung dịch, lọc, rồi thêm 300ml xi rô để được 1 lít cao. Ngày uống 40ml, chia làm 2 lần. (Kinh nghiệm của Hợp tác xã thuốc dân tộc Hợp Châu - Chùa Bộc).
7. Chữa viêm khớp thấp: Đại bi với lá thầu dầu và thạch xương bồ, nấu nước đặc, ngâm rửa.
8. Chữa bị ngất, hôn mê: Mai hoa băng phiến xát vào chân răng.
9. Chữa bệnh chân răng thối loét: Mai hoa băng phiến và phèn phi với lượng bằng nhau, rắc vào chỗ đau.
10. Chữa viêm họng mạn tính, viêm amidan: Mai hoa băng phiến 1g, phèn chua phi 2,5g, hoàng bá đốt thành than 2g, đăng tâm thảo đốt thành than 3g. Tất cả tán thành bột, mỗi lần dùng 3-4g thổi vào họng.
11. Chữa trúng phong cấm khẩu, hôn mê: Mai hoa băng phiến xát mạnh vào chân răng.
Tham khảo:
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)
- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)
- theplanlist.org
- efloras.org
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Rau mác bao - Pontederia vaginalis
- Công dụng của cây San dẹp - Paspalum dilatatum
- Công dụng của cây Áo cộc - Liriodendron chinense
- Công dụng của cây Nghệ sen - Curcuma petiolata
- Công dụng của cây Cao lương đỏ - Sorghum bicolor
- Công dụng của cây Dương đào dai - Actinidia coriacea
- Công dụng của cây Lục đạo mộc trung quốc - Abelia chinensis
- Công dụng của cây Sú- Aegiceras corniculatum
- Công dụng của cây Ấu tàu - Aconitum carmichaelii
- Công dụng của cây Bù dẻ hoa đỏ - Uvaria rufa
- Công dụng của cây Chùm ruột núi- Antidesma pentandrum
- Công dụng của cây Cánh diều - Melanolepis multiglandulosa
- Công dụng của cây Sang sóc - Schima wallichii
- Công dụng của cây Tường anh - Parietaria micranta
- Công dụng của cây Bèo đất - Drosera burmannii
- Công dụng của cây Mắc cỡ tàn dù - Biophytum sensitivum
- Công dụng của cây Quả bánh mì - Artocarpus parvus
- Công dụng của cây Sồi bạc - Quercus incana
- Công dụng của cây Sang trắng - Putranjiva roxburghii
- Công dụng của Cỏ ba lá - Trifolium repens