Logo Website

DÂU TẰM

30/06/2020
Cây Dâu tằm có tên khoa học: Morus alba L., họ Dâu tằm (Moraceae). Công dụng: Tang bạch bì: Chữa ho, ho ra máu, phù thũng, đi tiểu ít. Tang diệp: Chữa cảm mạo, ho, họng đau, nhức đầu, mắt đỏ, chảy nước mắt, phát ban, huyết áp cao, mồ hôi trộm.

DÂU TẰM

Tên khác: Tang (桑), Mạy môn (dân tộc Thổ), Dâu cang (dân tộc Mèo), Nằn phong (Dao), Tầm tang, Dâu tàu, Mạy mọn, Mạy bơ (Tày), Co mọn (Thái).

Tên khoa học: Morus alba L., họ Dâu tằm (Moraceae). 

Tên đồng nghĩaMorus alba f. albaMorus alba var. albaMorus alba var. atropurpurea (Roxb.) Bureau; Morus alba var. bungeana Bureau; Morus alba var. latifolia (Poir.) Bureau; Morus alba var. multicaulis (Perr.) Loudon; Morus alba var. tatarica (L.) Ser.; Morus atropurpurea Roxb.; Morus chinensis Lodd. ex Loudon; Morus intermedia Perr.; Morus latifolia Poir.; Morus multicaulis (Perr.) Perr.

Mô tả: Cây gỗ, cao khoảng 2-3 m. Lá mọc so le, hình bầu dục, nguyên hoặc chia 3 thùy, có lá kèm, đầu lá nhọn hoặc hơi tù. Phía cuống hơi tròn hoặc hơi bằng, mép có răng cưa to. Từ cuống lá tỏa ra 3 gân rõ rệt. Hoa đực mọc thành bông, có lá đài, 4 nhị (có khi 3). Hoa cái cũng mọc thành bông hay thành khối hình cầu, có 4 lá đài. Quả mọc trong các lá đài, màu đỏ, sau đen sẫm, ăn được, còn dùng làm thuốc hoặc ngâm rượu để uống, mùi thơm, vị chua ngọt.

Bộ phận dùng:  Vỏ rễ (Tang bạch bì - Cortex Mori). Lá (Tang diệp - Folium Mori). Cành (Tang chi - Ramulus Mori). Quả (Tang thầm - Fructus Mori). Tầm gửi trên cây Dâu (Tang ký sinh - Ramulus Loranthi). Tổ bọ ngựa trên cây Dâu (Tang phiêu tiêu - Ootheca Mantidis).

Phân bố: Cây có nguồn gốc từ Trung Quốc, được trồng ở nhiều nước Châu Á. Ở Việt Nam, cây được trồng khắp nơi đẻ lấy lá nuôi tằm và làm thuốc.

Sinh thái: Cây ưa ẩm và sáng, thường được trồng trên diện tích lớn ở bãi sông, đất bằng, cao nguyên. Mùa hoa tháng 4-5, mùa quả tháng 5-7.

Thu hái, sơ chế: Nhiều bộ phận của cây Dâu được thu hái làm thuốc. Có những bộ phận có thể thu hái quanh năm. Tầm gửi chỉ gặp ở những cây gỗ lớn. Dùng tổ bọ ngựa chưa nở, phải đồ chín rồi sấy khô.

Thành phần hoá học : 

- Lá dâu chứa các thành phần bay hơi như tinh dầu (0,0035%), các thành phần không bay hơi gồm protein, carbohydrat, flavonoid, coumarin, vitamin… Các flavonoid: rutin, quercetin, moracetin (quercetin-3-triglucosid), quercitrin (quercetin 3-rhamnosid), isoquercitrin (quercetin-3- glucosid). Các dẫn chất coumarin: umbeliferon, scopoletin, scopolin. Các vitamin B, C, D, caroten. Các sterol: β-sitosterol, campesterol, β-sitosterol glycosid, β-ecdyson và inokosterol. Các acid hữu cơ: oxalic, malic, tartric, citric, fumaric, palmitic và ester ethyl palmitat.

- Vỏ rễ râu: Chứa chlorophyl, flavonoid, coumarin, acid amin, tannin, acid hữu cơ, tanin, pectin, những hợp chất flavonoid bao gồm morin, mulberrin, mulberronchromen, cyclomulberrin, cyclomulberrochromen. Các chất mulberin, cyclomulberin, mulberochomen, cyclomulberochromen, mulberanol, oxydihydromorusin (morusinol), kuwanon, mulberofuran, albanol, albafuran, albafuran B, C. Ngoài ra, vỏ rễ còn chứa p-tocopherol, umberiferon, socopoletin, ethyl 2,4-dihydrobenzoat, 5,7-dihydroxychoromon, morin (3,5,7,2’,4’-pentahydroxyfalavon) dihydromorin, dihydrokaemferol, acid betulenic, 2,4,4’,6-tetrahydroxybenzophenol (R=H), macrulin (2,3’,4,4’,6-pentahydroxybenzophenol (R=OH), sitosterol, resinotanol, moran A (glucoprotein).

- Cành dâu: Chứa cellulose, tanin, flavonoid.

- Quả râu: Chứa anthocyan (sắc tố màu đỏ của quả chín), đường (glucose, fructose), vitamin B1, C, tanin, protit và acid hữu cơ, acid malic và acid succinic, protein, tanin, vitamin C, caroten.

- Tổ bọ ngựa trên cây Dâu chứa protid, chất béo, muối sắt, calcium.

Tác dụng dược lý, lâm sàng:

- Hỗ trợ tiêu hóa: Nhờ chứa lượng lớn chất xơ, quả dâu tằm giúp cải thiện nhanh các vấn đề về đường ruột như táo bón, chuột rút và đầy bụng. Đồng thời giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.

- Giúp tim khỏe mạnh: Resveratrol là hoạt chất chống oxy hó có trong dâu tằm giúp làm tăng sản xuất oxit nitric, làm giãn mạch máu và giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Từ đó giúp ngăn ngừa các vấn đề về tim mạch như đột quỵ, đau tim.

- Tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch cho cơ thể: Vitamin C có trong dâu tằm được xem là vũ khí phòng thủ mạnh mẽ giúp tăng cường sức đề kháng, chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài.

- Làm chậm quá trình lão hóa da: Các hoạt chất chứa trong quả dâu tằm như vitamin A, E, C và các thành phần carotenoid như zea-xanthin, lutein, alpha carotene,… có tác dụng chống lại sự tấn công của các gốc tự do. Từ đó giúp da, tóc khỏe mạnh và căng mịn.

- Phòng chống ung thư: Các hợp chất phytonutrient, anthocyanin, polyphenolic và vitamin A,… chứa trong loại quả tự nhiên này có công dụng chống lại các gốc tự do có hại đối với tế bào khỏe mạnh, từ đó giúp ngăn ngừa ung thư.

Tính vị:

- Lá Dâu (Tang diệp) có vị đắng, ngọt, tính bình.

- Vỏ rễ Dâu (Tang bạch bì) có vị ngọt, hơi đắng, tính mát.

- Cành Dâu non (Tang chi) có vị đắng nhạt, tính bình.

- Quả Dâu (Tang thầm) có vị ngọt, chua, tính mát.

- Tầm gửi cây Dâu (Tang ký sinh) có vị đắng, tính bình.

- Tổ bọ ngựa cây Dâu (Tang phiêu tiêu) có vị ngọt mặn, tính bình

Công năng:

- Lá Dâu (Tang diệp) có tác dụng tán phong, thanh nhiệt, lương huyết, sáng mắt. Dùng lá Dâu có tác dụng chữa đái đường lại ức chế trực khuẩn thương hàn, tụ cầu khuẩn. 

- Vỏ rễ Dâu (Tang bạch bì) có tác dụng thanh phế nhiệt, lợi thuỷ, chỉ khái, hạ suyễn, tiêu sưng. 

- Cành Dâu non (Tang chi) có tác dụng trừ phong, lợi các khớp, thông kinh lạc, tiêu viêm, hạ nhiệt, giảm đau. 

- Quả Dâu (Tang thầm) có tác dụng dưỡng huyết, bổ gan thận, trừ phong. 

- Tầm gửi cây Dâu (Tang ký sinh) có tác dụng mạnh gân cốt, lợi huyết mạch, hạ hồng cầu, an thai, xuống sữa, lợi tiểu. 

- Tổ bọ ngựa cây Dâu (Tang phiêu tiêu) có tác dụng ích thận, cố tinh, lợi tiểu.

Công dụng, cách dùng, liều lượng:

- Tang bạch bì: Chữa ho, ho ra máu, phù thũng, đi tiểu ít.  Ngày dùng 4 - 12g, dạng thuốc sắc.

- Tang diệp: Chữa cảm mạo, ho, họng đau, nhức đầu, mắt đỏ, chảy nước mắt, phát ban, huyết áp cao, mồ hôi trộm.  Ngày dùng 4 - 12g, dạng thuốc sắc.

- Tang chi: Chữa tê thấp, chân tay co quắp.  Ngày dùng 20 - 40g, dạng thuốc sắc.

- Tang thầm: Chữa bệnh tiểu đường, lao hạch, mắt mờ, ù tai, thiếu máu.  Nước quả Dâu cô thành cao. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 5g. Liều dùng từ 12 - 20g.

- Tang ký sinh: Chữa các chứng phong thấp, tê bại, đau lưng, mỏi gối. Trị động thai, đau bụng. Ngày dùng 12-20g.

- Tang phiêu tiêu: Chữa hư lao, đổ mồ hôi trộm, di tinh, bạch đới, đái đục, đi đái không nín được (tẩm rượu sao, uống ngày 8g với nước chín). Trẻ em nổi mụn có mủ (đốt tồn tính, tán bột, hoà với dầu để bôi).

- Mộc nhĩ trên cây dâu chữa rong kinh.

- Sâu dâu nướng qua cho vào rượu trắng ngâm trong nhiều ngày, uống chữa cơ thể suy nhược, gầy yếu, hay mỏi mệt, rất thích hợp với cơ thể người cao tuổi.

- Phân của sâu dâu (miền Nam gọi là bù xè) sao vàng, tán bột mịn ngày uống 2 lần, mỗi lần 4 g với rượu chữa hậu sản ra máu, băng huyết.

Bài thuốc:

1. Chữa mồ hôi trộm ở trẻ em, ra mồ hôi ở bàn tay người lớn: Lá Dâu non nấu canh với tôm, tép hoặc dùng lá dâu bánh tẻ 12g, Cúc hoa, Liên kiều, Hạnh nhân đều 12g, Bạc hà, Cam thảo đều 4g, Cát cánh 8g, Lô căn 20g, sắc uống. 

2. Dự phòng cảm cúm: Bài thuốc gồm: Lá Dâu 12g, Cúc hoa 12g, Thảo quyết minh 8g sắc uống. 

3. Chữa đau mắt, viêm màng kết mạc cấp tính: Lá Dâu nấu nước xông vào mắt; lá Dâu bánh tẻ, rửa sạch, giã nát đắp, có thể làm tan huyết khi đau mắt đỏ sung huyết. 

4. Chữa cao huyết áp: Lá Dâu và hạt Ích mẫu nấu nước ngâm chân buổi tối 30-40 phút trước khi đi ngủ. 

5. Chữa viêm khớp sưng phù, chân tay tê bại, cước khí, đầu ngón tay đau nhức, ngứa đỏ về mùa đông đợt lạnh nhiều: Cành Dâu, Kê huyết đằng, Uy linh tiên, mỗi vị 12g, sắc nước uống. 

6. Chữa ho, hen suyễn: Vỏ rễ 20-40g sắc uống. Có thể thêm Địa cốt bì và Cam thảo. 

7. Chữa khó tiêu, chân tay phù nề: Vỏ rễ Dâu sắc uống hoặc phối hợp với vỏ Gừng, vỏ Quít, vỏ quả Cam, Phục linh sắc uống. 

8. Chữa thiếu máu, da xanh người gầy khô héo, mất ngủ, đầu choáng, chóng mặt; dùng quả Dâu chế xirô hay ngâm rượu hoặc dùng quả Dâu thêm Câu Kỷ tử, Hà thủ ô đỏ, nhân hạt táo, mỗi vị 10g, sắc uống. 

9. Chữa phong thấp, mạnh gân cốt, can thận yếu dẫn tới đau lưng mỏi gối: Tầm gửi cây Dâu, phối hợp với Cẩu tích, Ngưu tất, sắc nước uống. 

10. Chữa động thai: Bổ huyết, an thai khi bị động thai ra máu: Tầm gửi thêm rễ Gai, Tục đoạn sắc nước uống. 

11. Chữa di mộng tinh, hoạt tinh: 10 tổ Bọ ngựa sao cháy nghiền bột, thêm đường, uống trước khi đi ngủ, uống 3 ngày. Có thể thêm Long cốt, nghiền bột mịn, ngày 2 lần, trong 3 ngày. 

12. Chữa đái dắt, đái nhạt: Tổ Bọ ngựa Dâu cùng với quả Kim anh, nướng cháy, tán mịn, uống với rượu lúc đói. 

13. Bồi bổ cơ thể: Sâu Dâu thêm nước cơm hấp chín, ăn tất cả.

14. Chữa tiểu đường: Cách làm: Tang thầm đem ép lấy nước và cô đặc thành cao. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 5 gram. Liều dùng dao động trong ngày có thể từ 12-20 g.

15. Sơ cứu khi bị chảy máu cam: Dùng một nắm lá dâu tằm đem rửa sạch, vò nhẹ và nhét vào mũi, sau đó máu sẽ cầm.

Chú ý

- Nên lựa chọn loại quả tươi và căng mọng, không bị dập. 

- Trong nước quả Dâu có chứa nhiều tanin. Vì vậy, khi sử dụng nước dâu tằm không nên để lâu trong các dụng cụ chứa làm bằng kim loại như nhôm, đồng, sắt,.. Tốt nhất nên chứa đựng nước dâu ở nồi hoặc ly, bình bằng thủy tinh hoặc sứ.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Vin dược liệu)

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)

- theplanlist.org

- uphcm.edu.vn