ĐỊA HOÀNG
ĐỊA HOÀNG (地 黃)
Radix Rehmanniae glutinosae
Tên khác: Đại sinh địa, Can địa hoàng.
Tên khoa học: Rehmannia glutinosa (Gaertn.) DC., họ Hoa mõm chó (Scrophulariaceae).
Tên đồng nghĩa: Chirita chanetii H.Lév.; Digitalis glutinosa Gaertn.; Gerardia glutinosa (Gaertn.) Bunge; Rehmannia chinensis Libosch. ex Fisch. & C.A. Mey.; Rehmannia glutinosa (Gaertn.) Libosch. ex Fisch. & C.A. Mey.; Rehmannia glutinosa var. hemsleyana Diels; Rehmannia glutinosa var. huechingensis Chao & Shih; Rehmannia glutinosa f. huechingensis (Chao & Shih) P.G. Xiao; Rehmannia glutinosa f. purpurea Matsuda; Rehmannia sinensis (Buc'hoz) Libosch. ex Fisch. & C.A.Mey.; Sparmannia sinensis Buc'hoz
Mô tả:
Cây: Cây thảo sống nhiều năm cao 20-30cm, toàn cây có lông mềm và lông tiết màu tro trắng. Rễ mầm lên thành củ. Lá mọc vòng ở gốc; phiến lá hình bầu dục, gốc thuôn, đầu tròn, dài 3-15cm, rộng 1,5-6cm, mép khía răng tròn không đều; gân lá hình mạng lưới nổi rất rõ ở mặt dưới làm cho lá như bị rộp, chia lá thành những múi nhỏ. Hoa mọc thành chùm trên một cuống chung dài ở đầu cành. Đài và tràng đều hình chuông, tràng hơi cong dài 3-4cm, mặt ngoài tím đẫm, mặt trong hơi vàng với những đốm tím 4 nhị, nhị trường. Quả hình trứng, chứa nhiều hạt nhỏ. Hoa tháng 4-6, quả tháng 7-8.
Dược liệu: Tiên địa hoàng (Địa hoàng tươi): Hình thoi, hoặc dải dài 8 - 24 cm, đường kính 2 - 9 cm. Vỏ ngoài mỏng, mặt ngoài màu vàng đỏ nhạt, có vết nhăn dài, cong, có vết của mầm, có lỗ vỏ dài nằm ngang, có các vết sẹo không đều. Chất thịt, dễ bẻ, trong vỏ rải rác có các chấm dầu màu trắng vàng hoặc đỏ cam, phần gỗ màu trắng vàng với các dãy mạch xếp theo kiểu xuyên tâm. Mùi nhẹ, vị hơi ngọt đắng.
Sinh địa hoàng (Địa hoàng khô): Củ khô hình dạng không đều hoặc hình thuôn, khoảng giữa phình to, hai đầu hơi nhỏ, dài 6 - 12 cm, đường kính 3 - 6 cm. Loại củ nhỏ hình dải hơi dẹt cong queo, hoặc soắn, mặt ngoài màu nâu đen hoặc xám nâu, nhăn nheo nhiều, có các đường vân lượn cong nằm ngang không đều. Thể nặng, chất tương đối mềm, dai, khó bẻ gẫy. Mặt bẻ màu nâu đen hoặc đen bóng, dính, không mùi, vị hơi ngọt.
Bộ phận dùng: Rễ củ phơi hay sấy khô của cây Địa hoàng (Rehmania glutinosa (Gaerth) Libosh.), họ Hoa mõm chó (Scrophulariaceae) gọi là Sinh địa, sau khi chế biến theo một số quy trình nhất định gọi là Thục địa
Phân bố, sinh thái:
Địa hoàng được nhập trồng vào Việt Nam năm 1958. Cây được phát triển nhanh chóng ở các tỉnh miền Bắc từ năm 1960 đến 1990. Các tỉnh trước đây trồng nhiều địa hoàng là Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Vĩnh Phúc và Thanh Hoá. Năm 1980- 1983, cây được trồng thử ở một số tỉnh phía nam như Đắk Lắk, Bình Định, Khánh Hoà..., nhưng ít có kết quả.
Địa hoàng có nguồn gốc từ vùng ôn đới ấm của Trung Quốc, nên cây trồng ở Việt Nam thường đúng vào thời kỳ nhiệt độ trong năm thấp (dưới 30°C). Khi thời tiết nắng gắt, mưa nhiều, đã có thể thu hoạch. Địa hoàng ra hoa kết quả nhiều, nhưng người ta thường tận dụng khả năng tái sinh vô tính- nảy mầm tốt của rễ củ làm cây giống để trồng. Vài năm gần đây, do mở cửa thị trường dược liệu, việc trồng địa hoàng ở trong nước bị đình đốn. Nhu cầu dược liệu địa hoàng nay trở lại phụ thuộc vào nhập khẩu, như thời kỳ trước năm 1960.
Trồng trọt:
Địa hoàng là cây thuốc di thực từ Trung Quốc, đến nay đã thích nghi và trở thành quen thuộc ở Việt Nam. Cây ưa khí hậu ôn hoà, được trồng chủ yếu vào vụ thu đông ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ.
Cây có hoa nhưng không kết hạt, nên được nhân giống bằng rễ củ. Củ địa hoàng không có thòi gian ngủ nghỉ, thu hoạch xong phải trồng ngay. Nếu bảo quản lâu, củ giống bị già hoá, năng suất kém. Do đó, vụ xuân hè trở thành bắt buộc để có giống trồng cho vụ chính lấy dược liệu. Trước đây, khi thu hoạch dược liệu, người ta chọn lấy những củ nhỏ có đường kính 1- 1,5 cm, cắt thành từng đoạn 2- 3 cm để làm giống. Củ giống này có 5- 6 tháng tuổi và thường bị nhiễm bệnh, khi trồng không mọc hoặc mọc rồi chết hết. Gần đây, người ta phát hiện, củ giống có 3 tháng tuổi, trẻ hơn, vừa ít bệnh, vừa có sức sống cao. Cây mọc từ loại củ này sinh trưởng khoẻ, cho năng suất cao, củ to mà không ảnh hưởng tới chất lượng dược liệu. Có thể dùng củ giống này giâm cho ra mầm. Khi mầm có 4- 5 lá thật, tách khỏi miếng giống, giâm tiếp trong cát ẩm đến khi ra rễ thì đánh đi trồng. Lát cắt củ giống (dài 2- 2,5 cm) nên xử lý bằng dung dịch Benlat 0,3% trong 10 phút, vớt ra, để ráo trước khi giâm. Đoạn gốc (khoảng 1- 1,5 cm) của mầm tách cũng nên xử lý tương tự. Thời gian giữa hai vụ dược liệu kéo dài từ 180 đến 200 ngày, vì thế có thể trồng hai vụ giống liên tiếp. Cũng có thể bảo quản củ giống (lấy từ vụ dược liệu) qua 90- 100 ngày trong kho lạnh rồi trồng một vụ giống cho vụ dược liệu sau. Không nên làm ngược lại vì giống không cần củ to nhưng dược liệu thì củ càng to càng có giá trị. Bảo quản chỉ ảnh hưởng tới độ lớn của củ mà không làm giảm số củ.
Vụ dược liệu thường được trồng vào tháng 8-9, thu hoạch tháng 2- 3. Từ đó, có thể bố trí được kế hoạch trồng giống.
Đất trồng địa hoàng cần màu mỡ, tơi xốp, có tầng canh tác dày, thoát nước tốt, đủ ánh sáng. Địa hoàng không được trồng liên canh. Cây vụ trước không nên là cây họ cà, bầu bí, rau cải, cà rốt. Tốt nhất là luân canh với ngô, lúa. Sau khi cày bừa, để ải, đập nhỏ, lên luống cao 40- 50 cm, mặt luống rộng 50 cm. Phân lót trung bình là 20- 25 tấn phân chuồng hoai mục (không dùng phân tươi), 150 kg supe lân, 200 kg kali sulfat hoặc 1 tấn tro bếp cho một hecta. Sau khi rạch luống, rải phân lên mặt và hót đất ở rãnh luống để phủ kín phân dày ít nhất 10 cm. Rãnh luống phải có độ dốc để dễ thoát nước khi có mưa. Sau đó, trồng cây, mỗi luống 2 hàng với khoảng cách 25 x 25 cm. Nếu không tách mầm mà trồng thẳng bằng miếng giống, cũng cần ủ cho nảy mầm trước khi trồng.
Ruộng địa hoàng cần làm sạch cỏ, giữ ẩm và xới xáo nhẹ thường xuyên. Tránh để cho mặt đất đóng váng. Sau khi cây mọc đều, cần tỉa bớt mầm, mỗi gốc chỉ giữ lại 2- 3 mầm. Mầm tỉa có thể dùng để giặm, càng sớm càng tốt.
Địa hoàng sinh trưởng đến đâu, củ to đến đó. Vì vậy, sau khi trồng khoảng 30 ngày, cần tưới thúc tới khi cây chuyển sang giai đoạn ra hoa, cứ 20 ngày tưới một lần. Có thể dùng nước phân, nước giải ngâm kỹ hoặc đạm pha loãng. Nếu dùng đạm, mỗi lần cần 50kg pha thành dung dịch 2% để tưới. Đối với địa hoàng, đạm sulfat tốt hơn đạm urê.
Địa hoàng thường bị rệp hại lá, có thể diệt trừ bằng các loại thuốc thông thường. Cây mẫn cảm với nhiều loại bệnh, chủ yếu là bệnh khô lá, lở cổ rễ và thối củ. Trồng bằng củ giống trẻ, nhất là áp dụng phương pháp tách mầm và các biện pháp chăm sóc liên hoàn, đúng kỹ thuật là cách phòng bệnh có hiệu quả nhất. Ngoài ra, có thể dùng Benlat 0,1% phun 1-2 lần để phòng trừ.
Địa hoàng trồng 5,5- 6 tháng thì tàn lụi và cho thu hoạch củ. Cần đào củ cẩn thận, tránh làm dập nát, đứt gãy.
Một hecta trồng tốt có thể đạt 12-15 tấn củ tươi.
Thu hái, sơ chế: Thu hoạch vào mùa thu hoặc mùa xuân, đào lấy rễ, loại bỏ thân, lá, rễ con, rửa sạch, dùng tươi là Tiên địa hoàng. Tùy theo cách chế biến, ta có Sinh địa hoàng và Thục địa hoàng.
Bào chế:
Thục địa: Lấy 10kg Sinh địa, rửa sạch, để cho ráo nước. Lấy 5 lít nước, cho vào 300g bột Sa nhân, nấu cho cạn còn 4,5 lít. Lấy nước Sa nhân tẩm củ Sinh địa rồi xếp vào thùng men hoặc khạp, nấu trực tiếp với nước Sa nhân còn lại. Có thể thêm 100g Gừng tươi gĩa nhỏ và nước sôi cho đủ ngập hết các củ, nấu trong 2 ngày đêm cho chín, nước cạn đến đâu thấm nước sôi vào cho đủ mức nước cũ, nấu cho kỹ. Nếu nấu không đúng kỹ thuật, sau này có nấu lại củ cũng không mềm được. Khi nấu phải đảo luôn, lần cuối cùng thì để cho cạn, còn ½ mức nước cũ. Vớt củ Sinh địa ra, phơi cho ráo nước, lấy nước nấu, cứ 1 lít nước thêm ½ lít rượu, tẩm bóp rồi đồ 3 giờ, đem phơi. Làm 9 lần tẩm, đồ, phơi là tốt nhất.
Dùng khô (Sinh địa hoàng): Rửa sạch bằng nước để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn, thái thành các miếng nhỏ rồi đem phơi khô.
Bảo quản:
Đối với rễ củ địa hoàng tươi, sử dụng ngay sau khi thu hoạch, hoặc bỏ ngăn lạnh của tủ lạnh để sử dụng qua ngày.
Đối với rễ củ địa hoàng khô, cần bảo quản trong bọc hoặc hộp kín, đậy kín bao bì, tránh ẩm móc để sử dụng cho các lần sau.
Thành phần hoá học: Iridoid glycosid, acid amin, caroten.
Rễ củ địa hoàng chứa:
1. Iridoid glycosid: Catalpol (là chất phân lập đầu tiên từ rễ củ tươi), rehmaniosid A, rehmaniosid B, rehmaniosid C, rehmaniosid D, ajugol, aucubin, melitosid.
Ngoài ra, còn có các iridoid rehmaglutin A, rehmaglutin B, rehmaglutin C, rehmanglutin D và một iridoid glucosid có nguyên tố Cl là glutinosid.
2. Ionon glucosid: rehmaionosid A, rehmaionosid B, rehmaionosid C.
Ngoài ra, còn có monoterpen glucosid là rehmapicrosid
3. Carbohydrat gồm D-glucose, D-fructose, sucrose, maninotriose, vesbascose, D-manitol.
Stachyose là thành phần chính của dịch chiết nước của rễ củ.
Ngoài ra , còn có ethyl-ß-D-galactopyranosid.
4. Các thành phần khác là acid amin 0,15- 6,15% (ít nhất 15 acid amin tự do), ester của acid béo 0,01% (methyl linoleat, methyl palmitat, methyl-n octadecanoat), ß-sitosterol, daucosterol, acid palmitic, acid sucinic, campesterol, acid α-aminobutyric.
Phần trên mặt đất chứa catalpol, ajugol, aucubin, dihydrocatalpol và monomelitosid.
Lá chứa các flavon chrysoeriol.
Các thành phần của rễ củ đều tương tự như nhau trước cũng như sau khi chế biến thành thục địa. Tuy vậy, các thành phần có giảm đi như sau:
- Catalpol có hàm lượng cao nhất ở rễ củ tươi và thấp nhất sau khi chế biến.
- Monosacharid ở rễ củ đã chế biến có hàm lượng cao hơn gấp 3 lần so với rễ củ chưa chế biến.
- Acid amin của rễ củ chưa chế biến cao hơn so với rễ củ đã chế biến (A. Y. Leung và cộng sự, 1996).
Phạm Xuân Sinh và cộng sự, 1998 đã chứng minh rễ củ địa hoàng có hàm lượng catalpol 0,3% lúc mới thu hoạch, 1,09% sau khi chế biến sơ bộ và ủ ẩm 3 ngày và 0,1% sau khi chế biến thành thục địa. Lúc này, hàm lượng đường tăng từ 7,5% đến 21,58%.
Rehmannia glutinosa var. purpurea chứa 6 ajugol ester: E-feruloylajugol, Z- feruloylajugol, p. coumaroylajugol, p. hydroxybenzoylajugol, vaniloyl ajugol, 4 - (α-L. rhamnopyranosyloxy)-3-methoxybenzoylajugol.
Rehmannia glutinosa var. hueichingen chứa jioglutosid A và ioglutosid B.
Tác dụng dược lý:
+ Tác dụng kháng viêm: Nước sắc Địa hoàng có tác dụng kháng viêm. Đối với chuột cống thực nghiệm gây viêm bằng formalin vùng chân đùi, thuốc làm giảm viêm rõ (Trung Dược Học).
+ Tác dụng đối với đường huyết: Địa hoàng làm hạ đường huyết. Có báo cáo cho rằng Địa hoàng làm tăng cao đường huyết nơi chuột cống hoặc không ảnh hưởng đến đường huyết bình thường nơi thỏ (Trung Dược Học).
+ Nước sắc Địa hoàng có tác dụng cường tim, hạ áp, cầm máu, bảo vệ gan, lợi tiểu, chống chất phóng xạ, chống nấm (Trung Dược Học).
+ Đối với hệ miễn dịch: Nước sắc Địa hoàng có tác dụng ức chế miễn dịch kiểu corticoid nhưng không làm ức chế hoặc teo vỏ tuyến thượng thận. Thực nghiệm cho thấy Sinh địa, Thục địa đều có thể làm giảm tác dụng ức chế chức năng vỏ tuyến thượng thận của corticoid (Trung Dược Học).
+ Khi xử lý trước tế bào lách chuột với nước sắc địa hoàng, đã làm tăng hoạt tính tạo phân bào của phorbol myristat acetat và phytohemagglutinin trên tế bào lách chuột nhắt trắng. Khi không có các chất tạo phân bào, nước sắc địa hoàng không thể hiện hoạt tính tạo phân bào, kết quả cho thấy địa hoàng có tác dụng điều hoà hoặc kích thích miễn dịch theo như kinh nghiệm y học cổ truyền. Địa hoàng có hoạt tính chặn miễn dịch in vivo thành phần có hoạt tính là 2-phenylethyl glycosid: các jionosid A1 và B1. Khi thử nghiêm kết hợp địa hoàng với glucocorticoid, vẫn giữ được tác dụng điều trị trên thỏ, nhưng làm mất những tác dụng không mong muốn của glucocorticoid gây biến đổi về chức năng và hình thái ở tuyến yên và vỏ thượng thận của thỏ.
Địa hoàng có hoạt tính hạ đường máu trên động vật đái tháo đường với các thành phần có tác dụng là các ừiđoid glvcosid A, B, C và D. Khi tiêm trong màng bụng cho chuột nhắt trắng bình thường và chuột gây đái tháo đường với streptozotocin, phân đoạn gồm chủ yếu polysaccharid giống như pectin chiết từ địa hoàng, đã nhận xét thấy tác dụng hạ đường máu. Việc cho phân đoạn này cho chuột nhắt trắng bình thường làm tăng có ý nghĩa hoạt tính của glucokinase và glucose-6-phosphatase dehydrogenase ở gan, nhưng làm giảm hoạt tính của glucose-6-phosphatase và phosphofructokinase ở gan. Phân đoạn này kích thích tiết insulin và làm giảm lượng glycogen trong gan chuột nhắt bình thường.
Men aldose reductase gây tích luỹ sorbitol trong tế bào, có vai trò quan trọng trong bệnh sinh những biến chứng đái tháo đường mạn tính như bệnh võng mạc, bệnh thần kinh và bệnh thận. Trong nghiên cứu đánh giá những chất ức chế sự hình thành bệnh đục thể thuỷ tinh nguồn gốc thiên nhiên, đã thấy địa hoàng có tác dụng ức chế aldose reductase ở thể thuỷ tinh bò in vitro; mức độ ức chế 50- 70% với nồng độ 1 mg cao khô chiết với nước nóng trong 10 ml. Đã nghiên cứu thấy trong địa hoàng có 3 phenethyl alcohol glycosid có hoạt tính ức chế men aldose reductase in vitro trên thể thuỷ tinh chuột cống trắng, đó là: 2'-O-acetylacteosid và các jionosid C và D, có IC50 (nồng độ ức chế 50%) từ 10-7 đến 10-6M.
Acid cafeic là chất ức chế 5-lipoxygenase. Những phenethyl alcohol glvcosid này chứa nửa cafeoyl; trong thử nghiệm về hoạt tính ức chế 5-lipoxygenase, đã thấy các hợp chất: 2’-O-acetylacteosid, jionosid C và isoacteosid có hoạt tính ức chế với IC50 khoảng 10-5M. Địa hoàng có tác dụng an thần và lợi tiểu trong thử nghiêm trên động vật và có tác dụng chống oxy- hoá trong thí nghiệm in vitro. Thử nghiệm trên chuột nhắt cái thiến cho thấy cao chiết từ bài thuốc bổ tinh gồm thục địa và khởi tử có tác dụng gây động dục trên 100% chuột với liều 5g dược liệu/kg chuột/ngày.
Đã áp dụng thuốc tiêm bào chế từ địa hoàng và đan sâm cho 23 bệnh nhân có bệnh thần kinh ngoại biên do đái tháo đường, với 14 lần tiêm. Sau điều trị, các triệu trứng và dấu hiệu của bệnh giảm rõ rệt. Cơ chế tác dụng có thể là sự cải thiện vi tuần hoàn. Bài thuốc cổ truyền Nhật Bản gồm 10 dược liệu: địa hoàng, hoàng kỳ, quế, bạch thược, xuvên khung, thương truật, đương quy Nhật Bản, nhân sâm, phục linh, cam thảo dùng sắc uống, đã được chứng minh có nhiều hoạt tính điều hoà miễn dịch.
Những bệnh nhân có chảy máu đường dạ dày-ruột phần trên được điều trị với chế phẩm thuốc bột từ địa hoàng và bạch cập, và với bài thuốc sắc gồm địa hoàng, đại hoàng, hoàng liên và hoàng kỳ. Tỷ lệ có hiệu quả và thời gian trung bình hết máu lẫn trong phân với thuốc bột là 97% và 4,1 ngày, tương ứng và với bài thuốc sắc là 90% và 3,5 ngày tương ứng. Trong trường hợp chảy máu do ung thư dạ dày, giãn mạch thực quản, xơ gan, phải dùng cẩn thận. Sinh địa có trong thành phần một bài thuốc viên uống, dùng phối hợp với thuốc cao bôi tại chỗ để điều trị 50 bệnh nhân tổ đỉa. Kết quả điều trị: khỏi 36%, đỡ 48%, không kết quả: 16%.
Sinh địa có trong thành phần một bài thuốc viên uống kết hợp với bôi thuốc mỡ tại chỗ để điều tri 87 bệnh nhân vảy nến. Kết quả: khỏi 35,6%, đỡ 36,7%, không kết quả 27,7%. Thời gian điều trị trung bình 120 ngày. Đã áp dụng bài thuốc viên uống gồm địa hoàng, liên nhục, củ mài, mạch môn, long nhãn nhục, tâm sen để điều trị 24 bệnh nhi có di chứng viêm não, kết hợp với châm cứu. Tuỳ theo các triệu trứng, có gia thêm một số vị thuốc khác. Có 58,3% số bệnh nhi đạt kết quả tốt, các di chứng phục hồi nhanh chóng.
Đã áp dụng bài thuốc dưới dạng cao gồm thục địa, hà thủ ô đỏ, trạch tả, hoài sơn, cúc hoa để điều tậ 60 bệnh nhân viêm võng mạc trung lâm thanh dịch đạt kết quả tốt. Hơn 80% bệnh nhân tăng thị lực, và hơn 65% bệnh nhân hết ám điểm. Địa hoàng đã có tác dụng hỗ trợ trong điều trị phối hợp viêm thoái hoá hoàng điểm cùng với các thuốc khác.
Đã áp dụng bài thuốc bổ thận trong có địa hoàng để điều trị 70 nam giới suy giảm chức năng sinh dục, kém hoạt động sinh dục,có chất lượng tinh dịch kém, hoặc không có tinh trùng trong tinh dịch. Tác dụng của thuốc làm ăn ngon, ngủ tốt, tăng cường khả năng hoạt động sinh dục, chất lượng tinh dịch tốt hơn. Địa hoàng có trong thành phần một bài thuốc an thai được áp dụng điều trị cho 31 phụ nữ sẩy thai liên tiếp. Thời gian điều trị trung bình 45 ngày. đơn thuần bài thuốc an thai, đã với tỷ lệ 93,7% số phụ nữ động triệu chứng doạ sẩy thai ra máu lần thì kết quả điều trị không tốt.
Tính vị: Cây địa hoàng tươi có vị ngọt, đắng, có tính hàn.
Quy kinh: Cây địa hoàng được quy vào kinh tâm, can và thận.
Công năng:
Tiên địa hoàng: Thanh nhiệt, sinh tân, lương huyết, chỉ huyết.
Sinh địa hoàng: Thanh nhiệt, lương huyết, dưỡng âm, sinh tân dịch.
Thục địa: Dưỡng âm, bổ huyết, làm đen râu tóc.
Công dụng:
Tiên địa hoàng chữa nhiệt phong thương âm, lưỡi đỏ, bứt rứt khát nước, phát ban, phát chẩn, thổ ra huyết, nục huyết, họng sưng đau.
Sinh địa dùng chữa ho ra máu, đổ máu cam, băng huyết, lậu huyết, tiểu ra máu, tiểu đường, tâm thần không yên, mất ngủ.
Thục địa làm thuốc bổ huyết, điều kinh, chữa thận suy, chóng mặt, ù tai, râu tóc bạc sớm.
Cách dùng, liều lượng: Ngày 12 - 40g, dạng thuốc sắc. Địa hoàng là thành phần có trong các bài thuốc Bát vị, Lục vị, Thập toàn đại bổ, Hoàn hà xa đại tạo...
Bài thuốc: Từ Thục địa
1. Chữa mồ hôi trộm, đau lưng, mỏi gối, thận âm, nóng trong xương cốt:
Bài thuốc số 1 (Hoàn tả quy): Sử dụng 20 g thục địa, 16 g sơn dược cùng với sơn thù, câu kỷ tử, thỏ ty tử, cao ban long, ngưu tất mỗi loại 12 g. Đem tất cả nghiền thành bột, thêm một chút mật rồi hoàn thảnh viên. Sử dụng 12 g/ lần, mỗi ngày sử dụng 2 lần (buổi sáng sớm và tối trước khi đi ngủ).
Bài thuốc số 2 (Hoàn đại bổ âm): Thục địa và quy bản mỗi loại 20 g cùng với hoàng bá và tri mẫu mỗi loại 12 g. Đem tất cả nghiền nát thành bột mịn, trộn với tủy xương sống lợn rồi hoàn làm viên. Sử dụng 2 lần một ngày với liều lượng là 12 g/ lần. Uống thuốc lúc bụng đói, có thể uống cùng với nước gừng hoặc nước muối nhạt.
2. Chữa kinh nguyệt không đều và các chứng huyết hư khác: 20 g thục địa, 12 g đường quy, 12 g bạch thược cùng với 6 g xuyên khung, đem sắc lấy nước uống, có thể chia làm thành nhiều phần nhỏ để dễ uống.
3. Chữa bệnh đái tháo đường: 12 g thục địa, 16 g thái tử sâm, 20 g sơn dược cùng với 8 g ngũ vị tử thành một thang thuốc, rồi đem thang thuốc này sắc lấy nước uống, sử dụng mỗi ngày để đạt hiệu quả như mong muốn.
4. Chữa sốt phát ban, sốt xuất huyết, chảy máu cam:
Bài 1: Sắc lấy nước uống 40 g địa hoàng tươi.
Bài 2: Sắc lấy nước uống với các nguyên liệu: 24 g địa hoàng tươi, 12 g lá sen tươi, 12 g trắc bá diệp tươi, 8 g ngải diệp tươi.
Bài 3: Sử dụng 16 g sinh địa hoàng cùng với thạch lộc và mạch môn mỗi loại 12 gram, đem sắc lấy nước dùng.
5. Chữa chàm lở, nhiễm trùng nấm: Đem sắc lấy nước uống với các dược liệu như: Sinh địa, kinh giới, phòng phong, đường quy, khổ sâm, thương truật (đã sao), thuyền thoái, hồ ma nhân, thạch cao, ngưu bàng tử, cam thảo sống và mộc thông.
6. Chữa lao, viêm khớp dạng thấp, ung thư có hội chứng âm hư nội nhiệt:
Bài 1: Sắc lấy nước uống cùng với thanh hao, miết giáp, tri mẫu, đơn bì, tế sinh địa.
Bài 2: Sử dụng sinh địa, tri mẫu, hoàng vá, sơn thù, sơn dược, đơn bì, bạch linh, trạch tả, đem sắc lấy nước uống.
Bài 3 (Chu đan khê): Sử dụng 2400 g sinh địa, 480 g bạch linh, 249 g nhân sâm, 1200 g mật ong. Đem sinh địa giã nát rồi vắt nước, thêm mật ong nấu sôi; thêm bạch linh và nhân sâm đã tán nhỏ và lọ đậy kín. Đem tất cả nguyên liệu đã sơ chế đem đun cách thủy 3 ngày 3 đêm rồi để nguồi. Sử dụng 1 – 2 thìa/ lần, mỗi ngày sử dụng 2 – 3 lần.
7. Chữa tiểu đường:
Bài 1 (Hoàng liên viên): Sử dụng 800 g sinh địa, 600 g hoàng liên; đem sinh địa giã nát rồi vắt lấy nước tẩm vào hoàng liên phơi khô, thêm một ít mật, sau đó hoàn thành viên. Dùng 20 viên/ lần, mỗi ngày uống 2 – 3 lần.
Bài 2: Đem sắc lấy nước uống cùng với 40 g địa hoàng, 40 g sơn dược, 20 g hoàng kỳ, 20 g sơn thù, 12 g tụy heo.
8. Bài thuốc bổ huyết sinh tinh:
Nấu cháo cùng với 100 gram gạo tẻ và 50 gram địa hoàng khô, khi cháo chín cho thêm ít dấm và mật. Bệnh nhân dùng cháo khi cháo nguội bớt.
9. Chữa ho ra máu, giãn phế quản, ho khan ít đờm: Dùng 300 ml nước ép địa hoàng tươi hòa với cháo gạo chín, đem đun sôi rồi sử dụng khi đói.
10. Chữa sốt âm ỉ, đau nhức tay chân, ho khan, ho gà: Dùng sinh địa và thục địa mỗi loại 30 gram, đem nấu lấy nước lọc bỏ bã, sau đó đem hòa với 60 g mật ong khuấy đều, rồi bắt lên bếp nấu cho đến khi đặc thành siro . Sử dụng mỗi ngày 2 lần, uống 1 – 2 thìa/ lần.
11. Chữa suy nhược thần kinh, tiêu chảy mãn tính ở người cao tuổi: Thục địa (16g); sơn thù, hoài sơn (mỗi vị 12g); trạch tả, đan bì, phục linh, phụ tử chế (mỗi vị 8g); nhục quế (4g). Tất cả sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.
12. Chữa hen phế quản: Thục địa (16g); kỷ tử, phụ tử chế (mỗi vị 12g); sơn thù, hoài sơn, phục linh (mỗi vị 8g); cam thảo, nhục quế (mỗi vị 6g). Sắc uống trong ngày.
13. Chữa tăng huyết áp: Thục địa (16g), hoài sơn (12g); sơn thù, trạch tả, đan bì, phục linh, đương quy, bạch thược (mỗi vị 8g). Sắc uống ngày 1 thang.
14. Chữa chứng âm hư, tinh huyết suy kém, mỏi mệt…: Thục địa (150g); táo nhục, hoài sơn (mỗi vị 95g); trạch tả, khiếm thực (mỗi vị 70g); thạch hộc (60g); tỳ giải (50g). Thục địa chưng giã nát, cho vào mật ong, cô đặc. Các vị kia tán nhỏ. Tất cả làm thành viên, mỗi lần uống 16g, ngày 2 lần.
15. Chữa viêm tai giữa mãn tính: Thục địa, quy bản (mỗi vị 16g); hoàng bá, tri mẫu (mỗi vị 12g). Sắc uống ngày 1 thang hoặc làm viên uống mỗi ngày 18g chia 3 lần (uống dài ngày).
16. Chữa viêm quanh răng (lục vị hoàn gia giảm): Thục địa, hoài sơn, ngọc trúc, thăng ma, bạch thược, kỷ tử (mỗi vị 12g); sơn thù, tri mẫu, hoàng bá, trạch tả, đan bì, phục linh (mỗi vị 8g). Sắc uống trong ngày.
17. Chữa bế kinh, vô kinh: Thục địa, đẳng sâm (mỗi vị 16g); bạch thược (12g); xuyên khung, đương quy, hoàng kỳ (mỗi vị 8g). Sắc uống trong ngày. Hoặc thục địa, cỏ nhọ nồi (mỗi vị 16g); kỷ tử, hà thủ ô, sa sâm, long nhãn, ích mẫu (mỗi vị 12g). Sắc uống.
Chú ý:
- Trong quá trình điều trị bệnh, không được sử dụng đồng thời cây địa hoàng với lai phục tử, có thể gây phản tác dụng hoặc gia tăng ảnh hưởng của tác dụng phụ.
- Không được sử dụng cho các đối tượng kém ăn, bụng đầy trướng, tỳ hư, đi ngoài lỏng.
Tham khảo:
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)
- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)
- theplanlist.org
- efloras.org
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Bồng Nga truật - Boesenbergia rotunda
- Công dụng của cây Gõ mật - Sindora siamensis
- Công dụng của cây tía tô cảnh - Coleus monostachyus
- Công dụng của cây Đậu kiếm - Canavalia gladiata
- Công dụng của cây é dùi trống - Hyptis brevipes
- Công dụng của cây Chây xiêm - Buchanania siamensis
- Công dụng của cây Chiếc chum - Barringtonia racemosa
- Công dụng của cây Cỏ cói - Bolboschoenus yagara
- Công dụng của cây Gai lan - Boehmeria clidemioides
- Công dụng của cây Rau mác bao - Pontederia vaginalis
- Công dụng của cây San dẹp - Paspalum dilatatum
- Công dụng của cây Áo cộc - Liriodendron chinense
- Công dụng của cây Nghệ sen - Curcuma petiolata
- Công dụng của cây Cao lương đỏ - Sorghum bicolor
- Công dụng của cây Dương đào dai - Actinidia coriacea
- Công dụng của cây Lục đạo mộc trung quốc - Abelia chinensis
- Công dụng của cây Sú- Aegiceras corniculatum
- Công dụng của cây Ấu tàu - Aconitum carmichaelii
- Công dụng của cây Bù dẻ hoa đỏ - Uvaria rufa
- Công dụng của cây Chùm ruột núi- Antidesma pentandrum