Logo Website

ĐỊA LIỀN

20/07/2020
Địa liền có tên khoa học: Kaempferia galanga L., họ Gừng (Zingiberaceae). Công dụng: Chữa ăn uống không tiêu, ngực bụng lạnh đau, tê phù, tê thấp, nhức đầu, đau răng. Dùng ngoài làm thuốc xoa bóp, chữa tê thấp.

ĐỊA LIỀN (沙姜)

Rhizoma Kaempferiae

Tên khác: Sơn nại, Tam nại, Thiền liền, Sa khương, Faux galanga (Pháp), Galanga Resurrectionily Rhizome (Anh)

Tên khoa học: Kaempferia galanga L., họ Gừng (Zingiberaceae). 

Tên đồng nghĩaAlpinia sessilis J.Koenig; Kaempferia galanga var. galangaKaempferia galanga var. latifolia (Donn ex Hornem.) Donn; Kaempferia humilis Salisb.; Kaempferia latifolia Donn ex Hornem.; Kaempferia marginata Carey ex Roscoe; Kaempferia plantaginifolia Salisb.; Kaempferia procumbens Noronha; Kaempferia rotunda Blanco 

Mô tả: 

Cây: Cây thân thảo sống lâu năm, thân rễ hình trứng, gồm nhiều củ nhỏ. Lá 2 - 3 cái một, mọc xòe ra trên mặt đất, có bẹ, phiến rộng hình bầu dục, thót hẹp lại thành cuống, mép nguyên hơi có lông ở mặt d­ưới. Hoa trắng pha tím, không cuống mọc ở nách lá. Toàn cây nhất là thân rễ có mùi thơm và vị nồng. Hoa tháng 5 - 7.

Dược liệu: Phiến dày 2 - 5 mm, đường kính 0,6 cm trở lên, hơi cong lên. Mặt cắt màu trắng ngà, có khi hơi ngà vàng. Xung quanh là vỏ ngoài màu vàng nâu hoặc màu tro nhạt, nhăn nheo, có khi còn sót lại rễ con hoặc vết tích rễ con. Thể chất giòn dễ bẻ, có bột. Mùi thơm đặc trưng, vị hơi cay.

Bộ phận dùng: Dược liệu là thân rễ (Rhizoma Kaempferiae) đã thái lát, làm khô của cây Địa liền (Kaempferia galanga L.)

Phân bố, sinh thái:  

Loài địa liền phân bố ở Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Philippin, Thái Lan, Lào, Campuchia và Trung Quốc.

Địa liền là cây vốn mọc tự nhiên cũng ở Tây Nguyên và một số tỉnh miền núi như Hà Giang, Yên Bái, Sơn La. Cây đã được trồng ở nhiều nơi vùng đồng bằng sông Hồng (Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh...), Nghệ An và Thanh Hoá. Địa liền là cây ưa sáng, ưa ẩm và có khả năng chịu hạn. Hàng năm, cây mọc lá non vào tháng 4- 5, sinh trưởng nhanh trong mùa hè và sau đó ra hoa. Hoa nở mỗi ngày một cái vào lúc sáng sớm, rồi tàn lúc 10 giờ. Địa liền có khả năng đẻ nhánh khoẻ. Từ một củ con (mẩu thân rễ) lúc mới trồng, sau một năm đã tạo thành khóm lớn. Toàn bộ phần trên mặt đất tàn lụi vào mùa đông.

Đầu những năm 90, các tỉnh phía bắc trồng nhiều địa liền để xuất khẩu. Hiện nay, cây trồng chủ yêú cho nhu cầu sử dụng trong nước. Nguồn địa liền tự nhiên ở Tây Nguyên cũng cần chú ý để tận thu.

Trồng trọt:

Địa liền là loại cây quen thuộc và được trồng ở khắp nơi để làm thuốc. Thông thường, cây được trồng phân tán ở các vườn gia đình. Gần đây, khi thị trường có nhu cầu, cây mới được trồng trên quy mô sản xuất. Nông trường Hữu Nghị (Hoành Bồ- Quảng Ninh) và Trại nghiên cứu cây thuốc Văn Điển (Viện Dược liệu) trước đây đã nghiên cứu kỹ thuật trồng địa liền.

Cây được nhân giống bằng rễ củ. Khả năng tái sinh của rễ củ địa liền rất mạnh. Chỉ cần một mảnh nhỏ cũng có thể mọc thành cây. Tuy nhiên, để đảm bảo năng suất, cần chọn những nhánh củ chưa mọc thành cây, có đường kính 1,5- 2cm, không bị nhiễm bệnh, không dập nát.

Địa liền trồng được trên nhiều loại đất, nhưng phải tơi xốp, cao ráo, thoát nước, đủ ánh sáng. Cây hơi chịu bóng nên có thể trồng xen với các cây khác, ở các vườn gia đình, trong điều kiện bị che bóng một phần, cây vẫn sinh trưởng tốt. Đất cần làm nhỏ, để ải, vơ sạch cỏ, bón phân lót, lên luống rồi trồng. Củ địa liền ăn nông trên mặt đất nên luống chỉ cần cao 20- 30cm. Mặt luống rộng hay hẹp tuỳ theo việc chăm sóc. Trung bình, mỗi hecta dùng 20- 25 tấn phân chuồng hoai mục, 250kg supe lân, 150kg kali và có thể thêm 3- 5 tạ tro bếp để bón lót. Riêng đối với kali bón lót một nửa và một nửa để bón thúc. Phân có thể bón lót theo hốc, theo hàng hay trộn đều với đất trên mặt luống. Mầm được trồng với khoảng cách 15x20 hoặc 20x20cm, phủ đất dày 1- 2cm, cho trấu hoặc rơm rạ lên trên rồi tưới nước giữ ẩm hàng ngày. Mỗi hecta cần 1,5- 2 tấn củ giống.

Ruộng địa liền phải luôn sạch cỏ. Thời kỳ đầu, cần xới xáo nhẹ để giữ cho mặt luống thông thoáng. Từ tháng 5 đến tháng 8, dùng nước phân, nước giải hoặc đạm pha loãng để bón thúc cho cây, cứ 25- 30 ngày bón một lần.

Địa liền ít bị sâu bệnh. Tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý tháo nước sau mưa. Cây bị úng dễ thối củ.

Sang tháng 12, cây bắt đầu tàn lụi. Lúc này có thể thu hoạch củ hoặc để đến tháng giêng. Củ đào về, rửa sạch, thái nhỏ, sấy lưu huỳnh qua một đêm rồi phơi hoặc sấy nhẹ đến khô. Năng suất củ tươi đạt trung bình 15- 20 tấn/ ha. Tỷ lệ tươi/ khô giao động trong khoảng 3,5-4.

Thu hái, sơ chế: Thu hái thân rễ vào mùa khô, Đào củ về rửa sạch, thái phiến mỏng, xông lưu huỳnh rồi phơi khô, sao cho dược liệu không bị đen và kém thơm. Do có tinh dầu nên Địa liền để bảo quản, ít bị mốc mọt.

Thành phần hoá học: Thân rễ chứa tinh dầu (2,4 – 3,9%), trong có p-methoxytranscinnamat ethyl, acid p-methoxytranscinnamic, acid transcinnamic, p-methoxystyren, acid p-coumaric, n-pentadecan, ∆3-caren, borneol, camphen.

Tác dụng dược lý:

1. Tác dụng giảm đau: Trên mô hình gây đau nội tạng bằng cách tiêm dung dịch acid acetic 0,6% vào xoang bụng chuột nhắt trắng để tạo nên những cơn đau quặn, địa liền dùng với liều 5g/kg thể trọng, bằng đường uống, một giờ sau khi dùng thuốc làm giảm 69% số lần xuất hiện cơn đau (P< 0,02). Còn trên mô hình gây đau bằng sức nóng, địa liền không thể hiện tác dụng giảm đau kiểu morphin.

2. Tác dụng chống viêm: Trên mô hình gây phù bàn chân chuột cống trắng bằng cách tiêm nhũ dịch kaolin 10%, địa liền có tác dụng chống viêm rõ rệt, dạng cao cồn với liều l0g/ kg thể trọng ức chế viêm 63,8%, dạng cao nước với liều l0g/kg thể trọng cũng ức chế viêm 60% (P < 0,02). Tinh dầu và dạng tinh thể chiết từ địa liền cũng có tác dụng chống viêm tương tự.

3. Tác dụng hạ sốt: Trên thỏ gây sốt thực nghiệm bằng pyrogen chuẩn (natri nucleinat). Địa liền với liều 5g/kg bằng đường uống, 2 giờ sau khi dùng thuốc, làm hạ sốt 0,4 - 0,5°C so với lô đối chứng. Theo tài liệu nước ngoài, địa liền còn có một số tác dụng khác. Trên ống nghiệm, nước sắc thân rễ có tác dụng ức chế sự phát triển của một số nấm thường gây bệnh ngoài da; chất p-methoxycinamic acid ethylester có phổ kháng nấm khá rộng. Cao chiết bằng cloroform từ thân rễ trên ống kính có tác dụng ức chế co thắt giải động mạch chủ chuột cống trắng gây nên do K+ hoặc do phenylephrin. Thí nghiệm trên chuột lang, chất ethyl-p-methoxy-transcinamat gây giãn khí phế quản, chứng tỏ việc sử dụng địa liền trong điều trị bệnh hen suyễn là có cơ sở. Chất ethyl-p- methoxy-transcinamat còn có tác dụng như một chất ức chế men monoaminoxydase (monoaminoxydase inhibitor), có thể dùng làm thuốc chữa trầm cảm.

Cao chiết bằng ethanol từ địa liền có tác dụng độc tế bào đối với tế bào carcinom cổ tử cung (Hela) và diệt amip. Các thành phần ethyl cinnamat, p-methoxy-cinnamat và acid p-methoxy-cinnamic, có tác dụng diệt dòi bọ. Borneol có tác dụng làm ra mồ hôi, gây hưng phấn, giải co thắt.

Tính vị: Tính ấm và vị cay

Quy kinh: Tỳ và Vị

Công năng: Ấm trung tiêu, tán hàn, trừ thấp, trừ uế khí.

Công dụng:

Ăn uống không tiêu, ngực bụng lạnh đau, tê phù, tê thấp, nhức đầu, đau răng.

Dùng ngoài làm thuốc xoa bóp, chữa tê thấp.

Cách dùng, liều lượng:

- Uống mỗi ngày 4-8g dạng sắc hoặc hoàn tán, thường phối hợp với các vị thuốc khác.

- Ngâm cồn xoa bóp cùng các vị thuốc khác.

- Còn dùng trong kỹ nghệ cất tinh dầu chế nước hoa.

Bài thuốc:

1. Chữa ăn uống không tiêu, đau dạ dày, đau thần kinh Địa liền 2g, Quế chi 1g. Hai vị tán nhỏ, chia làm 3 lần uống trong ngày, mỗi lần 0,5 hay 1g bột. (Diệp Quyết Tuyền).

2. Chữa đau bụng, tức ngực do lạnh: Địa liền 6g, Đinh hương 3g, Đương quy 3g, Cam thảo 3g. Tán bột, làm thành thuốc viên, uống với một ít rượu.

3. Chữa cảm sốt nhức đầu: 5 g củ cây địa liền, 10 g cát căn và 5 g bạch chỉ, đem nghiền mịn và làm viên uống.

4. Chữa tiêu hóa kém, ngực bụng lạnh đau

Cách 1: 4-8 g địa liền sắc thuốc uống. Ngoài ra cũng có thể tán bột và uống. 

Cách 2: Dùng địa liền, đương quy, đinh hương và cam thảo, mỗi vị có liều lượng bằng nhau đem tán bột. Sau đó trộn hồ và hoàn viên to bằng hạt ngô. Mỗi ngày uống 2 – 3 lần, mỗi lần lấy 10 viên uống với rượu.

5. Chữa ho gà: 300 g địa liền, 1000 g rau sam tươi, 300 g lá chanh, 500 g tía tô, 1000 g rau má tươi và 1000 gram vỏ rễ dâu đã được tẩm mật ong và sao. Tất cả các vị thuốc được rửa sạch, cho vào nồi và thêm 12 lít nước và đun sôi trên ngọn lửa nhỏ. Sau khi thuốc cạn còn 4 lít cho vào bình thủy tinh, bảo quản và dùng dần. Mỗi ngày cho trẻ uống từ 15 – 30 ml.

6. Chữa táo bón kinh niên, nhức đầu. ăn không tiêu, cảm sốt theo kinh nghiệm của Hợp tác xã thuốc dân tộc Hợp Châu: 1000 g địa liền, 1000 g thổ phục linh, 1000 g rau má tươi và 500 g cam thảo. Đem phơi khô và nghiền thành bột. Mỗi ngày lấy 2-4 gram hòa tan nước và uống.

7. Chữa chứng ăn uống khó tiêu, đau thần kinh tọa, đau dạ dày: 20 g địa liền và 10 g quế chi đem tán bột. Mỗi ngày uống 3 lần và mỗi lần uống 2 g.

8. Chữa đau nhức răng, tê phù, đau mỏi gân cốt, đau lưng, trị tê thấp: Củ cây địa liền phơi khô, thái nhỏ và cho vào bình ngâm chung với rượu có nồng độ cồn 40-50%. Sau 5-7 kể từ khi ngâm, có thể dùng rượu để uống hoặc xoa bóp chữa đau nhức. Trừ trường hợp đau răng, ngậm rượu địa liền vài phút rồi sau đó nhổ ra.

Kiêng kỵ: Âm hư, thiếu máu hoặc vị có hoả uất không dùng.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)

- theplanlist.org

- efloras.org