ĐỘC HOẠT
ĐỘC HOẠT (独活)
Radix Angelicae
Tên khác: Khương thanh, Độc diêu thảo, Xuyên Độc hoạt, Sơn tiên độc hoạt, Trường sinh thảo
Tên khoa học: Angelica pubescens Maxim., họ Cần (Apiaceae).
Tên đồng nghĩa: Angelica myriostachys Koidz.; Angelica polyclada Franch.; Angelica schishiudo Koidz.
Mô tả:
Cây: Cây sống nhiều năm, cao 60-100m, toàn thân màu tía, không có lông, có rãnh dọc. Lá kép 2-3 lần lông chim; lá chét nguyên hoặc chia thuỳ, mép có răng cưa tù; cuống lá nhỏ phình thành bẹ ở gốc, trên gân lá có lông ngắn và thưa. Cụm hoa hình tán kép, gồm 10-25 cuống tán nhỏ; mỗi tán nhỏ có 15-30 hoa. Hoa màu trắng. Quả bế đôi, hình thoi dẹt, trên lưng có ống đầu. Hoa tháng 7-9, quả tháng 9-10.
Dược liệu: Rễ cái hơi hình trụ, trên to, dưới nhỏ, đầu dưới phân 2-3 nhánh hoặc hơn, dài 10-30 cm. Đầu rễ phình ra, hình nón ngược với nhiều vân ngang. Đường kính 1,5-3 cm, đỉnh trên còn sót lại ít gốc thân, mặt ngoài nâu xám hay nâu thẫm, có vân nhăn dọc, với các lỗ vỏ, hơi lồi ngang và những vết sẹo rễ con hơi nổi lên. Chất tương đối rắn chắc, khi ẩm thì mềm. Mặt bẻ gãy có vỏ màu xám trắng, với nhiều khoang dầu màu nâu rải rác, gỗ từ màu vàng xám đến vàng nâu, tầng phát sinh màu nâu. Mùi thơm ngát đặc biệt, vị đắng và hăng, nếm hơi tê lưỡi.
Bộ phận dùng: Vị thuốc có nguồn gốc rất phức tạp, thường là rễ của cây Độc hoạt thuộc chi Angelica, họ Cần (Apiaceae).
Phân bố, sinh thái:
Độc hoạt xuất xứ từ Trung Quốc, được trồng nhiều ở Triết Giang, Hồ Bắc, Hồ Nam. Cây được nhập vào Việt Nam đầu những năm 70 và được trồng ở Sa Pa (Lào Cai), sau đó đưa ra sản xuất ở huyện Sìn Hổ (Lai Châu). Song, hiện nay chỉ còn lại một ít giống ở Trại thuốc Sa Pa (Viện Dược liệu). Một số gia đình ở đây cũng có trổng, nhưng diện tích không đáng kể.
Độc hoạt là cây có nguồn gốc ở vùng ôn đới. Cây trồng ở Việt Nam tỏ ra thích nghi cao với điều kiện khí hậu của vùng á nhiệt đới nui cao, nhiệt độ trung bình khoảng 15°C. Hạt được gieo trước tết âm lịch, ra giêng nảy mầm nhiều và có thể trồng bằng cây con. Độc hoạt sinh trưởng và phát triển mạnh trong mùa hè, sau đó ra hoa quả, rồi tàn lụi vào cuối mùa thu. Vòng đời của cây khoảng 8 - 9 tháng.
Dược liệu chủ yếu nhập từ Trung Quốc.
Trồng trọt:
Độc hoạt là cây thuốc di thực từ Trung Quốc, ưa khí hậu mát mẻ, nhiệt độ 16 - 20°C, độ ẩm không khí 75 -90%.
Cây được nhân giống bằng hạt. Hạt giống cần lấy từ cây 2 năm tuổi trồng trên vùng núi cao. Hạt có thể gieo thẳng hoặc gieo trong vườn ươm rồi đánh đi trồng. Gieo thẳng tốn nhiều công nhưng giá trị thương phẩm của dược liệu cao hơn gieo qua vườn ươm. Rễ củ của cây gieo thẳng ít phân nhánh hơn rễ củ của cây trồng bằng cây con. Thông thường, người ta kết hợp cả hai cách: từ ruộng gieo thẳng, đánh tỉa cây con đi trồng còn ở ruộng gieo thẳng thì giữ lại cây theo khoảng cách đã định. Cây gieo thẳng hoặc cây trồng đều giữ ở khoảng cách 30 x 30cm hoặc 30 x 25cm, tuỳ theo chất đất. Hạt được gieo theo rạch cách nhau 30cm, phủ rơm rạ, tưới ẩm đều, khi hạt nảy mầm thì dỡ bỏ rơm rạ.
Thời vụ gieo: ở miền núi phía bắc như Sa Pa, Sìn Hồ, gieo vào tháng 2 - 3 (để thu hoạch vào tháng 11 - 12). ở đồng bằng và trung dụ Bắc Bộ gieo vào tháng 9 - 10 (để thu hoạch vào tháng 6-7).
Độc hoạt ưa đất thịt nhẹ, đất cát pha, màu mỡ, tầng đất mặt dày, cao ráo thoát nước. Đất cần cày bừa, để ải, đập nhỏ, lên luống cao 25 - 30cm, rộng 0,9 - l,2m.
Trung bình, mỗi hecta độc hoạt cần bón 15-20 tấn phân chuồng mục, 250 - 300 kg supe lân, 100 - 150 kg kali và 150 kg urê. Phân chuồng, phân lân và 1/2 lượng phân kali dùng để bón lót. Đạm urê chia làm 3 lần để bón thúc vào các thời kỳ cây con, giữa thời kỳ sinh trưởng và đầu thời kỳ ra củ. Số kali còn lại được chia làm 2 lần để bón cùng với đạm vào 2 thời kỳ sau.
Ruộng độc hoạt cần đảm bảo luôn sạch cỏ, đủ ẩm nhưng không bị úng. Đất cần được xới xáo đảm bảo thông thoáng và chú ý vun gốc cho cây. Độc hoạt ít bị sâu bệnh, chủ yếu đề phòng sâu xám gây hại ở thời kỳ cây con.
Khi cây già, một số lá ngả màu vàng là có thể thu hoạch. Khi thu, đào lấy củ, rửa sạch, phơi hay sấy khô, bảo quản nơi khô ráo.
Thu hái, sơ chế: Vào tháng 2 tháng 8, người ta đào rễ, rửa sạch phơi khô. Rễ lúc tươi màu trắng, mùi thơm hắc; khi phơi khô ngoài vỏ biến màu xám, trong ruột màu vàng, chất nhẹ xốp, vị cay.
Bào chế: Dược liệu khô, loại bỏ tạp chất, rửa sạch, ủ mềm, thái phiến mỏng, phơi khô hay sấy khô ở nhiệt độ thấp.
Thành phần hoá học: Trong rễ có tinh dầu, coumarin: bergapten, columbianadin, columbianetin, umbelliferon, angelol A-ll
Rễ độc hoạt chứa nhiều dẫn chất coumarin: osthol, bergapten, glabralacton, angelol, psoralen, xanthotoxin, isopimpinelin, byakangelicin, coumurayin, 7-methoxy-8- senecioylcoumarin, scopoletin, 8-(3-hydroxyisovaleroyl)-5, 7-dimethoxycoumarin, 5- isopentenyloxy-7-methoxy-8-senecioylcoumarin.
Cấu trúc của angelol (angelol A) là đề tài của nhiều nhà khoa học. Bên cạnh đó, nhiều chất prenylcoumarin mới được xác định là angelol B - H. Các angelol A và B, angelol C và F, angelol D, G, H là đồng phân lập thể.
Ngoài ra, nhiều dẫn chất furo-(2,3 - h)-benzopyran-2-on columbianadin, columbianetin và columbianetin acetat cũng được phát hiện.
Quả độc hoạt chứa 9 coumarin: osthol, byakangelicin, byakangelicol, oxypeucedanin, umbeliferon, umbeliprenin, imperatorin, neobyakangelicol và sec-O-acetylbyakangelicin.
Tác dụng dược lý :
1. Tác dụng trên điện não thỏ: Cấy điện cực trường diễn vào các trung khu nghe, nhìn và cảm giác vận động của não thỏ. Độc hoạt làm tăng thành phần các sóng chậm, đặc biệt là sóng delta, làm giảm tính hưngphấn và tàng quá trình ức chế ở vỏ não, đồng thời biên độ điện thế có giảm; kết hợp ghi điện tim ở những thỏ này, thấy độc hoạt ít ảnh hưởng trên hoạt động lim.
2. Tác dụng trên phản xạ tuỷ sống của ếch: Ếch đã cắt bỏ đại não. Chất gây kích thích phản xạ co chân ếch là dung dịch acid sulfuric 2%. Thuốc dùng là cao độc hoạt 1:1, tiêm vào túi bạch huyết liều 0,25ml/l ếch. Lô chứng tiêm NaCl 0,9% cùng thể tích. Theo dõi 2 thông số:
a. Thời gian phản xạ là thời gian từ khi cho chân ếch tiếp xúc với acid sulfuric đến khi chân ếch co lại. Bình thường thời gian này là 2-3 giây. Tiêm NaCl 0,9% vào túi bạch huyết, thời gian phản xạ có chậm hơn (4 - 5 giây), nhưng dùng thuốc, thời gian này là 7-8 giây, chứng tỏ độc hoạt làm chậm quá trình dẫn truyền phản xạ.
b. Số lượng phản xạ co: Sau khi dùng độc hoạt được 10 phút, một nửa số ếch mất phản xạ tuỷ sống (để chân ếch tiếp xúc với acid sulfuric 60 giây, chân ếch vẫn không co). Sau 20 phút, 2/3 số ếch mất phản xạ; sau 30 phút tất cả các ếch đều mất phản xạ. Nhưng sau 60 phút, phản xạ lại phục hồi dần. Có lẽ tác dụng làm giảm phản xạ là một trong những nguyên nhân để độc hoạt có tác dụng giảm đau.
3. Phản xạ lật của ếch: Dùng ếch l00g, đặt lưng ếch lên mặt bàn, ếch sẽ lật để chân và bụng xuống phía dưới. Lô chứng thử 20 con, ếch lật 100%. Lô dùng dung dịch NaCl 0,9% tiêm vào túi bạch huyết 0,25ml/ ếch, ếch lật 100%. Lô dùng cao độc hoạt 1:1, liều 0,25ml/ếch , ếch lật có 12/20 con (60%), có 3 ếch sau 1 giờ vẫn không lật.
4. Tác dụng làm tăng hàm lượng acetylcholin trong máu thỏ: Độc hoạt làm tăng 12,3%, từ 0,276 ± 0,037 lên 0,310 ± 0,05 µmol/l.
5. Tác dụng ức chế hoạt tính của cholinesterase trong huyết thanh thỏ: Độc hoạt có tác dụng ức chế rõ. Có lẽ đây là một nguyên nhân, độc hoạt làm tăng hàm lượng acetylcholin.
6. Tác dụng giảm đau: Dùng mô hình gây đau bằng acid acetic tiêm trong màng bụng, thấy độc hoạt có tác dụng giảm đau ở mức độ vừa phải.
7. Tác dụng trên tim ếch cô lập: ở nồng độ 2% thuốc trong dịch nuôi, độc hoạt không có ảnh hưởng gì trên hoạt động tim. Nâng lên đến nồng độ 2,5%, biên độ có hơi giảm, nhưng nhịp từn vẫn không đổi.
8. Tác dụng trên huyết áp: Với liều độc hoạt 1,2 - 2,4g/kg, huyết áp thỏ giảm khoảng 12 - 14%.
9. Tác dụng chống viêm: Dùng mô hình gây phù chân chuột bằng dextran, độc hoạt có tác dụng chống viêm
10. Độc hoạt có tác dụng giảm đau, an thần và kháng viêm rõ rệt.
11. Nước và thuốc sắc Độc hoạt đều có tác dụng hạ áp rõ rệt nhưng thời gian ngắn. Độc hoạt chích tĩnh mạch có tác dụng hưng phấn hô hấp. Độc hoạt còn có thành phần có tác dụng ức chế ngưng tập tiểu cầu trên ống nghiệm.
12. Độc hoạt có thành phần chống loét bao tử, đối với hồi tràng thỏ, thuốc có tác dụng co thắt.
Tính vị: Vị đắng, cay, tính ôn
Qui kinh: Thận, Can, Bàng Quang.
Công năng: Khu phong, trừ thấp, thông tý, chỉ thống.
Công dụng: Chữa phong thấp, thân mình đau nhức nhất là thắt lưng và đầu gối đau.
Cách dùng, liều lượng: Ngày 6-12g phối hợp trong các bài thuốc trừ phong thấp.
Bài thuốc:
1. Chữa trúng phong cấm khẩu, cắn răng cứng đờ: Độc hoạt 20g, Xuyên khung, Xương bồ, mỗi vị 10g, sắc uống.
2. Chữa phong thấp đau lưng, đau khớp xương, vận động khó khăn: Độc hoạt, Tầm gửi dâu, Xuyên khung, Đương quy, Ngưu tất, Cẩu tích, Thiên niên kiện, Sinh địa, mỗi vị 8-12g, sắc uống.
3. Chữa các khớp xương đau nhức (Độc hoạt thang): Độc hoạt 5g, Đương quy 3g, Phòng phong 3g, Phục linh 3g, Thược dược 3g, Hoàng kỳ 3g, Cát căn 3g, Nhân sâm 2g, Cam thảo 1g, Can khương 2g, Phụ tử 1g, Đậu đen 5g, nước 600ml, sắc còn 200ml. Chia 3 lần uống trong ngày.
4. Chữa khớp xương đau nhức: Dùng thục địa, đỗ trọng, hy thiêm thảo, cốt toái bổ, hà thủ ô, kê huyết đằng, độc hoạt, phòng đảng sâm, xuyên quy, kim ngân hoa, thổ phục linh mỗi thứ 12g, can khương 4g, cam thảo 4g, ngưu tất 8g, quế chi 8g, xuyên khung 8g. Đem sắc uống, mỗi ngày dùng 1 thang.
5. Chữa lưng đùi đau nhức, viêm khớp do phong thấp, tay chân co rút: Dùng tần giao 12g, tế tân 4g, độc hoạt 12g, phòng phong 12g đem sắc uống.
6. Chữa khớp xương đau nhức: Dùng đương quy 4g, bạch thược dược 4g, cát căn 4g, cam thảo 1,2g, phụ tử chế 1,2g, độc hoạt 6g, phục linh 4g, hoàng kỳ 4g, nhân sâm 2g, can khương 1,2g, đậu đen 6g. Đem sắc, chia thành 3 lần uống trong ngày.
7. Chữa vận động khó khăn, bụng đau, khớp xương đau nhức, phong thấp: Dùng tang ký sinh, đương quy, cẩu tích, sinh địa, độc hoạt, xuyên khung, ngưu tất, thiên niên kiện mỗi thứ 12g đem sắc uống.
8. Chữa đau khớp mãn tính do phong thấp, nhất là đau chi dưới: Dùng tang ký sinh, tế tân, sinh địa, xuyên khung, nhục quế, nhân sâm, đỗ trọng, tần giao, quy thân, bạch thược, phòng phong, phục linh, cam thảo, ngưu tất mỗi thứ 8g, độc hoạt 12g đem sắc uống.
9. Chữa lạnh toàn thân, trúng phong bất tỉnh nhân sự, cấm khẩu: Dùng độc hoạt 160g đem sắc với rượu 1 thăng, còn lại nửa thăng.
10. Chữa các chứng phong hư sau khi sinh: Dùng bạch tiên bì 120g, độc hoạt 120g đem sắc với 3 thăng nước, còn lại 2 thăng. Đem chia thành 3 lần uống trong ngày.
11. Chữa phế quản bị viêm mạn tính: Dùng đường đỏ 15g, độc hoạt chế thành cao. Ngày dùng 3 – 4 lần.
12. Chữa răng sưng đau: Dùng độc hoạt nấu với rượu và ngậm trong miệng. Nếu không cải thiện, dùng địa hoàng 120g, độc hoạt 120g tán bột. Mỗi lần dùng 12g bột sắc với chén nước, uống nóng.
13. Chữa trúng phong không nói được: Dùng rượu 2 thăng sắc với độc hoạt 40g còn lại 1 thăng. Uống rượu nóng với đại đậu 5 chén sao.
14. Chữa táo bón, đầu đau, cảm mạo phong hàn, cơ thể đau: Dùng ma hoàng 4g, đại hoàng 8g, sinh khương 4g, độc hoạt 8g, xuyên khung 3,2g, cam thảo 4g đem sắc uống.
Chú ý: Một số loài thuộc họ Ngũ gia cũng được dùng dưới tên Độc hoạt.
Kiêng kỵ:
- Khí huyết hư mà âm hư, đau nửa người, phụ nữ nửa người dưới hư yếu: Không sử dụng (theo Bản Thảo Phùng Nguyên).
- Không dùng cho chứng nội phong, thận trọng khi dùng cho bệnh nhân âm hư (theo Trung Dược Học).
- Không dùng cho người huyết hư (theo Lâm Sàng Thường Dụng Dược Thủ Sách).
- Huyết hư mà không có phong hàn thực tà, âm hư nội nhiệt: Cấm dùng (theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
- Huyết táo, âm hư: Cân nhắc trước khi dùng (theo Trung Dược Đại Từ Điển).
- Đầu gối đau, ngang lưng đau thuộc chứng hư: Không dùng độc hoạt (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).
Tham khảo:
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)
- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)
- theplanlist.org
- efloras.org
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Móng bò vàng - Bauhinia tomentosa
- Công dụng của cây Nam sâm tàu - Commicarpus chinensis (L.) Heimerl
- Công dụng của cây Vẹt rễ lồi - Bruguiera gymnorhiza
- Công dụng của cây A kê - Blighia sapida
- Công dụng của cây Âm địa quyết - Botrychium ternatum
- Công dụng của cây Bạch cập - Bletilla striata
- Cây Hài nhi cúc - Aster indicus L. chữa viêm tinh hoàn
- Công dụng của cây Bồng Nga truật - Boesenbergia rotunda
- Công dụng của cây Gõ mật - Sindora siamensis
- Công dụng của cây tía tô cảnh - Coleus monostachyus
- Công dụng của cây Đậu kiếm - Canavalia gladiata
- Công dụng của cây é dùi trống - Hyptis brevipes
- Công dụng của cây Chây xiêm - Buchanania siamensis
- Công dụng của cây Chiếc chum - Barringtonia racemosa
- Công dụng của cây Cỏ cói - Bolboschoenus yagara
- Công dụng của cây Gai lan - Boehmeria clidemioides
- Công dụng của cây Rau mác bao - Pontederia vaginalis
- Công dụng của cây San dẹp - Paspalum dilatatum
- Công dụng của cây Áo cộc - Liriodendron chinense
- Công dụng của cây Nghệ sen - Curcuma petiolata