Logo Website

ĐƠN LÁ ĐỎ

24/07/2020
Đơn lá đỏ có tên khoa học: Excoecaria cochinchinensis Lour.; họ Thầu dầu (Euphorbiaceae). Công dụng: Thường dùng chữa mẩn ngứa, mụn nhọt, đi lỵ, đái ra máu, đại tiện ra máu, ỉa lỏng lâu ngày.

ĐƠN LÁ ĐỎ

Tên khác: Đơn đỏ, Đơn tía, Đơn mặt trời, Liễu đỏ, Cây lá liễu, Đơn tướng quân, Hồng bối quế hoa, Bách thiên liễu, Bẩu tẩu đeng (Tày)

Tên khoa học: Excoecaria cochinchinensis Lour.; họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).

Tên đồng nghĩaAntidesma bicolor Hassk.; Excoecaria bicolor (Hassk.) Zoll. ex Hassk.; Excoecaria bicolorvar. orientalis (Pax & K.Hoffm.) Gagnep.; Excoecaria bicolor var. purpurascens Pax & K.Hoffm.; Excoecaria bicolor var. viridis Pax & K.Hoffm.; Excoecaria cochinchinensis var. cochinchinensisExcoecaria cochinchinensisvar. viridis (Pax & K.Hoffm.) Merr.; Excoecaria orientalis Pax & K.Hoffm.; Excoecaria quadrangularis Müll.Arg.; Sapium cochinchinense (Lour.) Kuntze

Mô tả: Cây nhỏ, cao khoảng 1 mét. Lá mọc đối, hình bầu dục ngược thuôn, mặt trên màu lục bóng, mặt dưới màu tía, mép có răng cưa. Hoa mọc thành bông ở nách lá hay ở ngọn, cùng gốc hoặc khác gốc. Quả nang 3 mảnh. Hạt hình cầu, màu nâu nhạt. Cây ra hoa vào mùa hè.

Bộ phận dùng: Lá, rễ

Phân bố, sinh thái:

Đơn lá đỏ là cây ưa sáng, ưa ẩm, thường được trồng ở vườn gia đình hay trong các vườn thuốc của các cơ sở y tế để làm cảnh và làm thuốc. Cây xanh tốt quanh năm. Những cây không bị thu hái cành lá thường xuyên mới có hoa quả. Chưa quan sát được cây con mọc từ hạt. Tái súứi vô tính khoẻ, trồng được bằng cành.

Thu hái, sơ chế:

Để thu được dược liệu tốt nhất, thường tiến hành hái lá cây đơn vào tháng 5 (âm lịch) hàng năm. Theo kinh nghiệm của người hái thuốc thì khoảng thời gian này là thời điểm mà cây phát triển tốt nhất. Nếu hái vào lúc này sẽ thu được những phần lá to, dày, chứa nhiều nhựa hơn nên chứa dược liệu cao hơn.

Sau khi hái được lá cây mang về, những lá bị đất bám thì đem rửa sạch, để ráo, sau đó thái nhỏ. 

Bảo quản: Sấy hoặc phơi khô rồi để ở nơi khô ráo.

Thành phần hoá học: Flavonoid, saponin, tanin.

Đơn lá đỏ chứa flavonoid 1,5%, saponin, coumarin, anthranoid, tanin, đường khử. Sơ bộ xác định flavonoid có 6 chất trong đó một chất thuộc nhóm flavonol (Phạm Xuân Sinh và cộng sự, 1998).

Tám hợp chất đã được lấy từ rễ và thân của Excoecaria cochinchinensis var. viridis phát triển ở huyện Tonghai của tỉnh Vân Nam. Đó là các hợp chất: acid shikimic, 1-cyclohexen-1-carboxylic acid-5-hydroxy-3,4-isopropylidene-dioxy, oxy-bis (5-metylen-2 ), beta-sitosterol, acid tetracosanoic, acid palmic, acid steric và hentriacontan. (Xie JM, Chen YS, Zhao SN, Zhou XD. Zhongguo Zhong Yao Za Zhi. 1989;14(5):292-319.)

Hai loại glucosid megastigman, được gọi là excoecarioides A và B được phân lập từ loài Excoecaria cochinchinensis Lour. var. cochinchinensis (Euphorbiaceae) ở Việt Nam (Giang PM, Son PT, Matsunami K, Otsuka H. New megastigmane glucosides from Excoecaria cochinchinensis Lour. var. cochinchinensis. Chem Pharm Bull (Tokyo). 2005;53(12):1600-1603.).

Tác dụng dược lý: Một số tác giả cho rằng cho rằng nhựa cây màu trắng sữa có độc đối với cá.

Tính vị: Lá cây có mùi hăng, vị đắng ngọt, tính mát

Công năng: Thanh nhiệt giải độc, khư phong trừ thấp, lợi tiểu, giảm đau.

Công dụng: Thường dùng chữa mẩn ngứa, mụn nhọt, đi lỵ, đái ra máu, đại tiện ra máu, ỉa lỏng lâu ngày.

Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 10 - 20g, sắc uống độc vị hoặc phối hợp trong các phương thuốc tiêu độc.

Bài thuốc:

1. Chữa mề đay, dị ứng: Lá đơn đỏ (khoảng 16 đến 20g), vỏ núc nác, kim ngân, ké đầu ngựa (mỗi thứ lấy từ 8 đến 10g). Đem nguyên liệu cho vào nồi, đổ thêm 1 lít nước sắc còn 2 hoặc 3 chén, cho người bệnh uống trong ngày. Sử dụng bài thuốc liên tục cho đến khi các triệu chứng mề đay, dị ứng hoàn toàn chấm dứt.

2. Chữa mẩn ngứa, mụn nhọt: Dùng 20-30g cành lá Đơn mặt trời, dạng thuốc sắc: Dùng riêng hay phối hợp với lá Thài lài tía, Bầu đất tía, Đậu ván tía. 

3. Chữa sưng đỏ ở đầu vú: Đầu vú là nơi khá mẫn cảm, do đó nếu bị mụn nhọt, sưng đỏ thì vô cùng đau nhức và khó chịu, đôi khi chúng ta vô tư nặn hoặc làm chúng vỡ ra sẽ dẫn đến nguy cơ gây viêm nhiễm. Để điều trị những nốt mụn, u đỏ khiến chúng mau chóng biến mất có thể sử dụng bài thuốc từ cây đơn lá đỏ như sau: Lá đơn đỏ (15 đến 20g). Đem nguyên liệu chuyển bị rửa sạch, cho vào nồi, thêm nước rồi sắc lấy nước thuốc uống. Lưu ý, sắc thuốc theo tỉ lệ đổ 3 còn 1. Phần nước thuốc còn lại được chia làm 3 phần uống trong ngày. Ngoài ra, để những nốt mụn không bị sưng, nhức thì lấy một nắm dược liệu từ lá đơn đỏ sao nóng, cho vào một lớp vải sạch rồi áp vào phần bị đau. Khi áp vào nhiệt độ vừa đủ, không nên để quá nóng, tránh gây bỏng da.

4. Chữa đi ỉa lỏng lâu ngày: Dùng 15 g lá khô sao vàng, thêm một miếng gừng nướng, sắc với 3 bát nước, còn 1 bát, chia 3 lần uống trong ngày. 

5. Chữa đại tiện ra máu và trẻ em đi lỵ: lá Đơn mặt trời 1 nắm sắc uống.

6. Chữa mất ngủ: Sử dụng từ 20 đến 30g lá đơn đỏ tươi, sau đó sao vàng, hạ thổ, cho vào nồi, đổ ngập nước rồi sắc trên lửa nhỏ cho đến khi phần nước bên trong còn khoảng 500ml. Dùng phần nước thuốc này chia làm 2 đến 3 phần cho người bệnh uống trong ngày giúp cải thiện giấc ngủ.

7. Chữa mẩn ngứa và zona thần kinh: 25g lá đơn đỏ tươi. Nguyên liệu được rửa sạch, để ráo nước, sau đó sao vàng, hạ thổ, cho vào nồi, đổ ngập nước và đun trên lửa nhỏ. Khi nước trong nồi còn lại 400 đến 500ml thì chắt ra chia làm 2 phần cho người bệnh uống trong ngày. Kiên trì dùng thuốc cho đến khi không còn mẩn ngứa và zona hoàn toàn biến mất.

8. Hỗ trợ điều trị bệnh viêm đại tràng: Chuẩn bị 15 đến 20g lá đơn đỏ khô. Tiếp đến cho nguyên liệu vào chảo, sao vàng, hạ thổ, để thuốc vào nồi thêm vài lát gừng và 1 lít nước rồi sắc trên lửa nhỏ. Khi phần nước trong nồi còn lại khoảng 300ml thì tắt bếp, chắt nước thuốc chia làm 2 lần cho người bệnh uống trong ngày.

9. Chữa viêm da cơ địa: Lá đơn đỏ tươi (5 lá); muối hạt (½ muỗng cà phê). Lá đơn đỏ tươi mới hái, rửa sạch, để ráo nước. Cho lá và muối hạt đã chuẩn bị vào cối, giã nát vắt lấy nước cốt uống ngay. Mỗi ngày ngày uống hai lần thuốc.

10. Chữa thấp khớp: Lá cây đơn đỏ (12g); lá đơn tướng quân (12g), rễ gối hạc (16g);  ké đầu ngựa (16g); lá thông (8g); dây kim ngân (10g); kinh giới (12g); vòi voi (16g); thổ phục linh (16g); tỳ giải (16g); lá bạc thau. Riêng lá thau bạc được sao vàng trước, sau đó bỏ tất cả nguyên liệu vào nồi, đổ thêm 1 lít nước, sắc trên lửa nhỏ cho đến khi nước cạn còn 300ml thì chia làm 3 lần uống trong ngày. Lưu ý, thuốc mang lại hiệu quả tốt nhất nếu uống trước khi ăn khoảng 15 đến 30 phút.

Ghi chú: 

- Không nhầm với cây Đơn đỏ (Ixora coccinea L.), thuộc họ Cà phê (Rubiaceae).

- Người bị chứng khó đông máu hoặc hay chảy máu không nên dùng.

- Các bài thuốc đắp, ngâm rửa, tắm từ cây đơn lá đỏ chỉ thích hợp với những trường hợp bệnh nhẹ và chưa có hiện tượng bội nhiễm. Trong trường hợp tổn thương da xảy ra trên diện rộng và có dấu hiệu viêm, sưng nóng, đau nhức, bạn nên phối hợp với các biện pháp điều trị chuyên sâu được bác sĩ chỉ định.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)

- theplanlist.org

- efloras.org