Logo Website

ĐƯƠNG QUY

28/07/2020
Đương quy có tên khoa học: Angelica sinensis (Oliv.) Diels, họ Cần (Apiaceae). Công dụng: Chữa huyết hư, chóng mặt, tim đập mạnh, điều hoà kinh nguyệt, kinh nguyệt bế tắc, hành kinh đau bụng, đau bụng do hư hàn, táo bón. Chữa các chứng đau đầu, đau lưng do thiếu máu, phong thấp tê đau, sưng đau do sang chấn.

ĐƯƠNG QUY (当归)

Radix Angelicae sinensis

Tên khác: Đương quy tàu, Vân quy, Tần quy, Nhân sâm dành cho nữ giới, Xuyên quy.

Tên khoa học: Angelica sinensis (Oliv.) Diels, họ Cần (Apiaceae)

Tên đồng nghĩaAngelica polymorpha var. sinensis Oliv.; Angelica sinensis var. sinensis

Mô tả : 

Cây: Cây thảo sống nhiều năm, cao 40-60cm. Rễ rất phát triển. Thân hình trụ, có rãnh dọc màu tím. Lá mọc so le, xẻ lông chim 3 lần; cuống dài 3-12cm, có bẹ to ôm thân; lá chét phía dưới có cuống, các lá chét ở ngọn không cuống, chóp nhọn, mép khía răng không đều. Cụm hoa tán kép gồm 12-36 tán nhỏ dài ngắn không đều; hoa nhỏ màu trắng hay lục nhạt. Quả bế, dẹt, có rìa màu tím nhạt. Mùa hoa quả tháng 7-9.

Dược liệu: Rễ dài 10-20 cm, gồm nhiều nhánh, thường phân biệt 3 phần: Phần đầu gọi là quy đầu, phần giữa gọi là quy thân, phần dưới gọi là quy vĩ. Đường kính quy đầu 1,0-3,5 cm, đường kính quy thân và quy vĩ 0,3-1,0 cm. Mặt ngoài màu nâu nhạt, có nhiều nếp nhăn dọc. Mặt cắt ngang màu vàng ngà, có vân tròn và nhiều điểm tinh dầu. Mùi thơm đặc biệt. Vị ngọt, cay và hơi đắng.

Bộ phận dùng: Rễ (Radix Angelicae sinensis) đã phơi hay sấy khô.

Phân bố: Loài cây của Trung Quốc phát triển ở vùng cao 2000-3000m, nơi khí hậu ẩm mát. Việt Nam nhập trồng vào đầu những năm 60 hiện nay phát triển trồng ở Sapa (Lào Cai). Ngọc Lĩnh (Kontum), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và Đà Lạt (Lâm Đồng). 

Thu hái: Đào rễ vào mùa thu. Chỉ thu hoạch ở cây từ 3 năm tuổi trở lên.

Chế biến: Cắt bỏ phần lá, giữ lại phần rễ. Loại bỏ đất cát, loại bỏ tạp chất. Sau đó đem phơi hoặc sao khô. Đương quy được chế biến với 3 cách sau:

Quy đầu: Lấy một phần phía đầu.

Quy thân: Chỉ lấy thân, bỏ đầu và đuôi.

Quy vĩ: Chỉ lấy phần rễ nhánh.

Bào chế:

Đương quy đã loại bỏ tạp chất, rửa sạch, ủ mềm, thái lát mỏng, phơi khô hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp.

Tửu Đương quy: Lấy Đương quy đã thái thành lát, phun rượu cho đều, ủ qua, cho vào chảo đun nhỏ lửa, sao nhẹ đến khô, lấy ra để nguội. Cứ 100 kg Đương quy dùng 10 kg rượu. Dược liệu này là phiến mỏng dạng tròn hoặc không đều, mặt cắt có vân nâu nhạt. Chất dai, màu vàng thẫm, vị hơi đắng, mùi thơm nồng, có mùi rượu.

Bảo quản: Dược liệu cần bảo quản ở nơi thoáng mát (độ ẩm không quá 15%).

Thành phần hoá học: 

1. Tinh dầu 0,2 - 0,4%: Tinh dầu đương quy là chất lỏng màu vàng sẫm, tỷ trọng ở 15°C 0,955.

Tinh dầu có: 

- Các terpen: myrcen, β-ocimen, allo-ocimen, (β-phelandren, p. cymen, α-pinen, trans-β-farnesen, β-bisabolen, bicycloelemen, γ-elemen, cedren, cuparen.

- Các hợp chất phenolic: acetophenon, acid anisic, o-creol, p-cresol, ethylresorcinol,

valerophenon-O-carboxylic, 2,4 - dihydroxyacetophenon, phenol, methylphenol, p-ethylphenol, 2,3 - dimethylphenol, guaiacol, carvacrol, isoeugenol, vanilin.

- Các dẫn chất phtalid: senkyunolid, Δ2,5-dihydrophtalic, ligustilid, n-butylphtalid, n-butyldenphtalid.

3 thành phần n-butylphtalid 1,81%, ligustilid 50,2% và n-butylidenphtalid 7,35% đặc trưng cho đương quy Trung Quốc.

- Các thành phần khác: 2-methyldecan-5-on, acid myristic, acid nonandioic, acid camphoric, acordinen, isoacoradinen, 6-n-butylcycloheptadien-1,4.

2. Coumarin: umbeliferon, scopoletin, xanthotoxin, isopimpinelm, bergapten, acutilobin, decursin

3. Acid hữu cơ: acid vanilic, acid palmitic, acid linoleic, acid nicotinic, acid sucinic.

4. Polysacharid khi thoỷ phân cho L-arabinose, D-galactose, D-glocose, L- rhamnose.

5. Acid amin: alanin, valin, isoleocin, serin, threonin, acid γ-aminobutyric, leucin, glycin, aspartat, acid glutamic, lysin, arginin, phenylalanin, tyrosin, prolin, tryptophan, histidin, methionin, cystidin, uracil, cholin 6. Vitamin: vitamin B1, vitamin B12, vitamin E.

7. Polyacetylen: falcarinol, falcarindiol, falcarinolon.

8. Sterol: β-sitosterol, stigmasterol, β-stigmasteryl, β-D- glucosid.

9. Nguyên tố vi lượng: Mg 48,10 ppm, Ca 60,50 ppm, A112,50 ppm, Cr 0,214 ppm, Cu 0,371ppm, Zn 1701ppm, As 0,832 ppm, Pb 0,201 ppm, Cd 0,018 ppm, Hg 0,207 ppm, p 118,4 ppm, Fe 6,345 ppm, Si 0,819 ppm, Ni 0,057 ppm, V 0,025 ppm.

10. Thành phần khác: brefeldin.

Tác dụng dược :

Đương quy Trung Quốc có tác dụng ức chế sự co thắt cơ trơn ruột cô lập gây bởi acetylcholin và histamin và có khả năng bảo vệ hệ thống miễn dịch đối với những bệnh nhân ung thư vòm họng đang điều írị bằng tia xạ. Nó làm tăng số lượng tế bào lympho T nói chung và số lượng tế bào lympho T hoạt động, đồng thời làm phục hồi khả năng tạo hoa hồng của tế bào lympho T bị ức chế bởi theophylin. Dược liệu làm tăng sức đề kháng của cơ thể bệnh nhân, tăng chất lượng của hồng cầu và hạn chế sự giảm tỷ lệ huyết sắc tố.

Rễ của đương quy Trung Quốc có 2 thành phần: một thành phần kích thích tử cung, và một thành phần ức chế tử cung. Thành phần ức chế chủ yếu là tinh dầu. Thành phần kích thích không phải tinh dầu và tan trong nước hoặc cồn. Trên chuột nhắt trắng được nuôi với thức ăn có 5% đương quy trong 4 tuần thấy ở tổ chức gan, lượng tiêu thụ oxy tăng và năng lực sử dụng glucose của lử cung tăng. Trong tử cung, sự tổng hợp acid nucleic không tăng, nhưng lượng ADN tăng rõ rệt, do đó đương quy có tác dụng gây tăng sinh tử cung.

Cao nước đương quy hoặc dạng chiết với ether tác dụng trên tâm nhĩ thỏ cô lập, kéo dài giai đoạn trơ, do đó có tác dụng đối kháng với chứng cuồng động nhĩ gây thực nghiệm bởi acetylcholin hoặc kích thích điện, và đối kháng với hoạt tính gây tăng nhanh nhịp tim của cà độc dược. Nước sắc hoặc cao cồn đương quy tiêm tĩnh mạch cho động vật gây mê có tác dụng hạ huyết áp. Có ý kiến cho rằng thành phần tinh dầu làm tăng huyết áp, thành phần không tinh dầu làm hạ huyết áp. Nước sắc và dạng chiết bằng ether của đương quy có tác dụng gây trấn tĩnh. Đương quy cho vào thức ăn của chuột với tỷ lệ 5-6% có tác dụng phục hồi đối với những chuột đực mà tinh hoàn bị thoái hoá do thiếu vitamin E. Đương quy chứa vitamin B12 và acid folic, nên có tác dụng chống thiếu máu ác tính. Thử với phương pháp hệ nồng độ cho thấy đương quy có tác dụng ức chế trực khuẩn dịch hạch ở nồng độ 1: 160 và Shigella shigae ở nồng độ 1: 80. Các trực khuẩn thương hàn và phó thương hàn, phẩy khuẩn tả cũng bị ức chế ở nồng độ 1 : 80. Nồng độ 1: 120 ức chế phế cầu khuẩn.

Cao nước đương quy có tác dụng ức chế sự ngưng tập tiểu cầu chuột cống trắng trong ống nghiệm cũng như khi tiêm tĩnh mạch cho chuột, và ức chế sự giải phóng serotonin từ tiểu cầu chuột cống gây bởi thrombin.

Hiệu quả của đương quy trong điều tri huyết khối não và viêm tắc tĩnh mạch huyết khối có thể có liên quan với tác dụng ức chế sự ngưng tập tiểu cầu và giải phóng serotonin từ tiểu cầu.

Một bài thuốc gồm đương quy, sinh địa, hà thủ ô đỏ, quả ích mẫu được thông báo có tác dụng kích thích nang trứng.

Nhiều nghiên cứu cơ bản đã chứng minh có mối liên quan giữa công năng tăng cường tuần hoàn não và điều trị ứ trệ máu của đương quy theo y học cổ truyền với việc điều trị những bệnh chẩn đoán theo tây y như bệnh Inn mạch, bệnh viêm mạch tạo huyết khối nghẽn, và nghẽn mạch não. Đương quy (cao cồn) có hoạt tính chống loạn nhịp; đương quy làm tàng hoạt tính thực bào của đại thực bào trên thực nghiệm.

Một thành phần chủ yếu khác (ligustilid) phân lập từ rễ đương quy Trung Quốc có tác dụng chống hen và chống co thắt rõ rệt. Ligustilid tiêm phúc mạc ức chế phản ứng hen gây bởi acetylcholin và histamin trên chuột lang. Ligustilid có tác dụng chống co thắt trên khí quản cô lập chuột lang được gây co thắt bởi acetylcholin, histamin hoặc bari clorid, và gây giãn khí quản không co thắt.

Đã chứng minh phthalid là thành phần chống hen chính của những dẫn chất phthalid của đương quy Trung Quốc. Tác dụng gây giãn cơ trơn của các phthalid không liên quan với các thụ thể beta-adrenergic và không bị ảnh hưởng bởi kích thích giải phóng chất trung gian từ hệ thần kinh giao cảm. Các phthalid có tác dụng ức chế mạnh co thắt cơ khí quản gây bởi acetylcholin và histamin, những tác dụng này không liên quan với các thụ thể đáp ứng với histamin và acetylcholin. Phthalid có hoạt lính đối kháng nhanh và mạnh đối với tác dụng của bari clorid gây co cơ trơn khí quản, gợi ý rằng phthalid gây giãn cơ trơn khí quản do tác dụng trực tiếp trên cơ trơn.

Đương quy Nhật Bản có tác dụng gây trấn tĩnh, kéo dài thời gian ngủ gây bởi thuốc ngủ; giảm đau đối với cơn quặn đau gây bằng tiêm màng bụng acid acetic; giải nhiệt, chống viêm, làm giảm khả năng đông máu; điều kinh, nhuận tràng; và kích thích miễn dịch, gây hoạt hoá lymphô bào B và T, làm tăng sản sinh kháng thể. Những phân đoạn polysacarid từ đương quy Trung Quốc và đương quy Nhật Bản được nghiên cứu về tác dụng chống bổ thể, hoạt tính sản sinh interferon và hoạt tính tạo phân bào. Phân đoạn polysacarid của rễ đương quy Nhật Bản có những tác dụng nêu trên mạnh nhất; phân đoạn polysacarid của rễ đương quy Trung Quốc có hoạt tính kém hơn, trừ hoạt tính sản sinh interferon. Những phân đoạn polysacarid có hoạt tính mạnh hơn chứa lượng arabinose nhiều hơn; những phân đoạn polysacarid có hoạt tính thấp hơn chứa lượng arabinose ít hơn.

Một bài thuốc cổ truyền Trung Quốc gồm 10 vị được dùng cho bệnh nhân trong giai đoạn hồi phục sau khi phẫu thuật, hoặc có bệnh mạn tính để điều trị thể trạng suy yếu. Hai vị trong bài thuốc này là đương quy Nhật Bản và nhân sâm, được thử nghiệm dưới dạng cao chiết với nước nóng, đã thể hiện hoạt tính điều hoà miễn dịch.

Tính vị: Tính ngọt, cay và tính ấm.

Qui kinh: Can, Tâm, Tỳ.

Công năng: Bổ huyết, hoạt huyết, điều kinh, giảm đau, nhuận tràng, thông đại tiện.

Công dụng:

Huyết hư, chóng mặt, tim đập mạnh, điều hoà kinh nguyệt, kinh nguyệt bế tắc, hành kinh đau bụng, đau bụng do hư hàn, táo bón. Chữa các chứng đau đầu, đau lưng do thiếu máu, phong thấp tê đau, sưng đau do sang chấn.

Tửu Đương quy: Dùng điều trị kinh nguyệt bế tắc, hành kinh đau bụng, phong thấp tê đau, sưng đau do sang chấn.

Cách dùng, liều lượng: Ngày 10-20g dạng thuốc sắc.

Bài thuốc:

1.  Chữa thiếu máu, cơ thể suy nhược, kinh nguyệt không đều, dùng bài Tứ vật thang gồm Đương quy 8g, Thục địa 12g, Bạch thược 8g, Xuyên khung 6g, nước 600ml, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày. 

2. Bổ máu, dùng cho phụ nữ sau khi sinh đẻ, thiếu máu, dùng bài Đương quy kiện trung thang gồm Đương quy 8g, Quế chi, Sinh khương, Đại táo mỗi vị 6g, Bạch thược 10g, Đường phèn 50g, nước 600ml, sắc còn 200ml, thêm Đường chia làm 3 lần uống trong ngày.

3. Chữa viêm quanh khớp vai, vai và cánh tay đau nhức không giơ tay lên được: Đương quy 12g, Ngưu tất 10g, Nghệ 8g sắc uống. Kết hợp với luyện tập hàng ngày giơ tay cao lên đầu.

4. Chữa phụ nữ kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, dùng Đương quy sắc nước uống trước khi thấy kinh 7 ngày, Phụ nữ sắp sinh nếu uống nước sắc Đương quy vài ngày trước khi sinh thì đẻ dễ dàng.

5. Chữa chảy máu tử cung: Dùng xuyên quy kết hợp với ngải diệp, sinh địa hoàng và a giao, đem sắc uống.

6. Chữa thiếu máu dẫn đến chóng mặt, hoa mắt, người gầy yếu, da dẻ xanh xao: Dùng xuyên khung, đương quy, thục địa, bạch thược, mỗi thứ 12g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang, uống trong 3-4 tuần hoặc uống đến khi triệu chứng dứt điểm hẳn.

7. Chữa đau bụng kinh, chứng bế kinh: Dùng xuyên quy, ngưu tất, xuyên khung, sinh địa, hồng hoa, mỗi thứ 6g, cam thảo, sài hồ, mỗi thứ 4g, chỉ xác 8g. Đem sắc uống mỗi ngày 1 thang.

8. Chữa tiêu hóa kém do tỳ hư dẫn đến cơ thể gầy yếu, kém ngủ, kém ăn, khí huyết đều kém: Dùng viễn chí, đương quy, cam thảo mỗi thứ 4g, hoàng kỳ, hắc táo nhân, bạch truật, bạch linh mỗi thứ 12g, mộc hương, đảng sâm mỗi thứ 6g. Đem sắc mỗi ngày 1 thang. Có thể thêm dược liệu này vào các món ăn hằng ngày để cải thiện tình trạng.

9. Chữa sốt rét: Dùng đương quy, miết giáp mỗi thứ 12g, quất bì 6g, ngưu tất 10g, sinh khương 3 lát, đem sắc uống.

10. Trị tâm huyết hư, không ngủ được: Dùng đương quy 12g, viễn chí 10g, nhân sâm 10g, toan táo nhân 8g, phục thần 10g, đem sắc uống.

11. Chữa bại liệt tứ chi và đau cột sống: Dùng đương quy 40g, tục đoạn, độc hoạt, đỗ trọng, chỉ xác, mỗi thứ 12g, tế tân 4g, lưu ký nô 8g, cam thảo 4g đem sắc với 300ml nước, còn lại 100ml. Chia thành 2 lần uống, sáng-tối.

12. Chữa bệnh động mạch vành: Dùng đương quy 10g, ngó sen 15g, sơn tra 90g, rễ hành 6g đem nấu thành canh. Uống 2 lần ngày, sáng – tối.

13. Chữa viêm tuyến tiền liệt: Dùng xuyên quy, hạt quýt, hạt vải, mỗi thứ 15g, thịt dê 50g đem nấu nhừ. Ăn hết thịt và nước. Tuần ăn 2 lần. Hoặc dùng xuyên quy 8g, lá hành 25g và trạch lan 5g sắc nước uống hằng ngày.

14. Chữa thiếu máu, cơ thể suy nhược, kinh nguyệt không đều, đau ở rốn: Dùng xuyên quy 12g, thục địa 12g, bạch thược 8g, xuyên khung 6g đem sắc với 600ml nước, còn lại 200ml. Chia thành 2 lần uống trong ngày.

15. Chữa vấp ngã gây đau: Dùng đương quy, đỗ trọng mỗi thứ 12g, ngưu tất, tục đoạn, địa hoàng mỗi thứ 10g, vảy sừng hươu 2g, 1 thìa cà phê bột quế, đem sắc. Uống khi thuốc còn nóng.

16. Chữa ra mồ hôi trộm: Dùng hoàng kỳ 10g, thục địa, sinh địa, mỗi thứ 8g, hoàng cầm, hoàng bá, hoàng liên, mỗi thứ 6g, đương quy 12g đem sắc uống.

17. Chữa các chứng tê, đau: Dùng quế chi 8g, cúc hoa 6g, ngưu tất 10g, đương quy 12g, thương thuật 10g đem sắc. Chia thành 2 lần uống, sáng-tối.

18. Chữa các chứng xuất huyết: Dùng bồ hoàng, xuyên quy, hòe hoa, a giao, đại hoàng mỗi thứ 30g. Đem tất cả tán bột và sao, thêm mật ong làm hoàn. Mỗi lần dùng 10g, mỗi ngày dùng 2 lần.

19. Chữa người mệt mỏi, da xanh xao, gầy còm, vô lực, khí và huyết đều kém: Dùng hoàng kỳ 40g, đương quy 12g sắc uống mỗi ngày 1 thang. Uống liền trong 3-4 tuần. Hoặc dùng nhân sâm, đương quy, bạch truật, bạch linh, thục địa, bạch thược mỗi thứ 12g, cam thảo 6g, xuyên khung 8g đem sắc uống mỗi ngày 1 thang. Dùng liền trong 3-4 tuần.

20. Chữa đau do ứ máu: Đau do chấn thương ngoài, dùng đương quy với táo nhân, nhũ hương, hồng hoa, một dược. Đay bụng sau khi đẻ, dùng đương quy với táo nhân, xuyên khung và ích mẫu thảo. Đau khớp, dùng đương quy với bạch thược, quế chi và kích huyết đằng. Đau do nhọt và hật bối, dùng đương quy với kim ngân hoa, liên kiều, mẫu đơn bì và xích thược.

21. Chữa vô kinh: Dùng đương quy phối hợp với hồng hoa và đào nhân.

22. Chữa loạn kinh nguyệt: Dùng sinh địa hoàng, đương quy, bạch thược và xuyên khung.

Kiêng kỵ, chú ý:

- Dùng cẩn thận trong trường hợp âm hư nội nhiệt, tiêu chảy.

- Không dùng cho các trường hợp ỉa chảy, phân lỏng.

- Đầu rễ có tác dụng bổ máu nhất, phần cuối rễ có khả năng hoạt huyết mạnh. Phần thân giữa vừa có tác dụng bổ máu và hoạt huyết. Cần chú ý khi sử dụng để đạt được hiệu quả như mong muốn.

- Có thể dùng phối hợp với rượu để tăng tác dụng bổ máu.

- Các tác dụng phụ có thể gặp phải: Chán ăn, kích ứng da, rối loạn cương dương, đầy hơi, rối loạn tiêu hóa, huyết áp thấp…

- Dùng dược liệu này với thuốc chống đông máu có thể gây chảy máu kéo dài do tác dụng chống ngưng tập tiểu cầu.

- Đương quy có khả năng gây sảy thai, do đó không nên dùng cho phụ nữ mang thai.

- Không dùng cho bệnh nhân bị viêm loét đường tiêu hóa, tiểu đường và rối loạn máu.

Chú ý: Dược điển Việt nam quy định loài Angelica acutiloba (Sieb. et Zucc.) Kitagawa là Đương qui di thực.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)

- theplanlist.org

- efloras.org