HÀ THỦ Ô ĐỎ
HÀ THỦ Ô ĐỎ (何首乌)
Radix Reynoutriae multiflorae
Tên khác: Dạ giao đằng, Má ỏn, Mằn năng ón (Tày), Khua lình (Thái), Xạ ú sí (Dao)
Tên khoa học: Reynoutria multiflora (Thunb.) Moldenke, họ Rau răm (Polygonaceae).
Tên đồng nghĩa: Aconogonon hypoleucum (Kudô & Sasaki) Soják; Bilderdykia multiflora (Thunb.) Roberty & Vautier; Fagopyrum multiflorum (Thunb.) Grinț.; Fagopyrum multiflorum (Thunb.) I. Grinţ.; Fallopia multiflora (Thunb.) Haraldson; Fallopia multiflora (Thunb.) Czerep.; Fallopia multiflora var. angulata (S.Y. Liu) H.J. Yan, Z.J. Fang & S.X. Yu; Fallopia multiflora var. hypoleuca (Ohwi) Yonek. & H.Ohashi; Helxine multiflorum(Thunb.) Raf.; Pleuropterus cordatus Turcz.; Pleuropterus hypoleucus Nakai; Pleuropterus multiflorus (Thunb.) Turcz. ex Nakai; Polygonum hypoleucum (Nakai) Kudô & Sasaki; Polygonum hypoleucum Ohwi; Polygonum multiflorum Thunb.; Polygonum multiflorum var. angulatum S.Y.Liu; Polygonum multiflorum var. hypoleucum(Ohwi) T.S.Liu, S.S.Ying & M.J.Lai
Tên Trung Quốc: 何首乌
Mô tả:
Cây: Dây leo, sống nhiều năm. Thân rễ phồng thành củ. Thân quấn, mọc xoắn vào nhau, mặt ngoài thân có màu xanh tía, nhẵn, có vân. Lá mọc so le, có cuống dài. Phiến lá hình tim, dài 4 - 8cm, rộng 2,5 - 5cm, đầu nhọn, mép nguyên hoặc hơi lượn sóng, cả hạị mặt đều nhẵn. Bẹ chìa mỏng, màu nâu nhạt, ôm lấy thân. Hoa tự chùm nhiều nhánh. Hoa nhỏ, đường kính 2mm, mọc cách xa nhau ở kẽ những lá bắc ngắn, mỏng. Bao hoa màu trắng, 8 nhụy (trong số đó có 3 nhụy hơi dài hơn). Bầu hoa có 3 cạnh, 3 vòi ngắn rời nhau. Đầu nhụy hình mào gà rủ xuống. Quả 3 góc, nhẵn bóng, đựng trong bao hoa còn lại, 3 bộ phận ngoài của bao hoa phát triển thành cánh rộng, mỏng, nguyên.
Dược liệu: Rễ củ hình tròn, dài, không đều, củ nhỏ để nguyên, củ to bổ đôi theo chiều dọc, hay chặt thành từng miếng to. Mặt ngoài có những chỗ lồi lõm do các nếp nhăn ăn sâu tạo thành. Mặt cắt ngang có lớp bần mỏng màu nâu sẫm, mô mềm vỏ màu đỏ hồng, có nhiều bột, ở giữa có ít lõi gỗ. Vị chát.
Bộ phận dùng: Rễ củ (Radix Reynoutriae multiflorae) phơi hay sấy khô của cây Hà thủ ô đỏ.
Phân bố, sinh thái:
Ở Việt Nam, có 1loài là cây hà thủ ô đỏ. Trên thế giới, hà thủ ô đỏ có ở Trung Quốc, Bắc Lào, Nhật Bản vàẤn Độ. Ở Việt Nam, hà thủ ô đỏ chỉ có ở một số tỉnh vùng núi cao (trên l000m) phía bắc. Cây mọc nhiều ở Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La. Các tỉnh khác gặp ít hơn như Hoà Bình (Mai Châu, Đà Bắc); Thanh Hoa (Son Bá Mười); Nghệ An (Kỳ Sơn); Lạng Sơn (núi Mẫu Sơn); Cao Bằng (Bảo Lạc); Yên Bái (Mù Cang Chải)...
Hà thủ ô đỏ là loại cây ưa khí hậu ẩm mát của vùng cận nhiệt đổi và nhiệt đới núi cao. Cây ưa sáng và có thể hơi chịu bóng. Nơi mọc tự nhiên thích hợp nhất là các quần thể hệ rừng núi đá vôi; độ cao tới 1700m; nhiệt độ không khí trung bình năm khoảng dưới 20°C. Hà thủ ô đỏ thường mọc ở đất ẩm, xốp, nhiều mùn, nhất là loại đất ở chân núi đá. Tuy nhiên, khi cây được trồng ở đất đồi vùng trung du (Trạm nghiên cứu dược liệu Vĩnh Phúc cũ) hay trên đất đỏ bazan (Trại Cải tạo Đắc Trung - Đắk Lắk), đều phát triển tốt.
Hà thủ ô đỏ ra hoa quả nhiều hàng năm. Sau khi quả già, phần thân leo trên mặt đất tàn lụi, hạt giống phát tán ra xung quanh và sẽ nảy mầm vào mùa xuân-hè năm sau. Hà thủ ô đỏ có khả năng tái sinh vô tính khoẻ. Từ một đoạn dây đem vùi xuống đất hoặc các củ con, cùng với các đoạn rễ còn sót lại trong khi khai thác, đều có khả năng mọc thành cây mới.
Nguồn dược liệu hà thủ ô đỏ ở Việt Nam trước đây khá dồi dào. Qua hàng chục năm khai thác liên tục và bị tàn phá do nạn phá rừng làm nương rẫy, vùng phân bố tự nhiên của cây dần dần bị thu hẹp. Theo kết quả điều tra gần đây của Viện Dược liệu (1997 - 1999), hà thủ ô đỏ còn có thể tiếp tục khai thác ò một số huyện thuộc tỉnh Hà Giang (Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc); Lai Châu (Sìn Hồ, Tủa Chùa); Lào Cai (Than Uyên)..., ước lính mỗi năm vài chục tấn. Hà thủ ô đỏ đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam (1996) để bảo vệ.
Trồng trọt:
Hà thủ ô đỏ được trồng chủ yếu ở các tỉnh trung du và miền núi phía bắc.
Theo kinh nghiệm của nhân dân ở Sơn La, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, hà thủ ô đỏ được trồng bằng củ có đường kính 3-5cm hoặc bằng dây bánh tẻ dài 30-40cm, không có sâu bệnh. Trồng bằng củ thì đặt củ theo hốc ở độ sâu 5-7cm, trồng bằng dây thì đánh rạch, đặt dây và lấp đất như cách trồng khoai lang, để 1/3 dây thò lên khỏi mặt đất. Củ và dây đều trồng với khoảng cách 30-35cm (nếu trồng 2 hàng thì khoảng cách 40 x 35cm). Tưới và giữ ẩm cho tới khi cây mọc.
Đất đồi, gò, nương, các chân ruộng cao nhiều mùn, thoát nước, giữ ẩm rất tốt cho việc trồng hà thủ ô. Đất cần cày bừa, đập nhỏ, lên luống cao 25-30cm, ruộng 40cm nếu trồng một hàng hoặc 70-80cm nếu trồng 2 hàng. Là cây lấy củ, hà thủ ô đỏ cần được bón nhiều phân. Nên bón lót cho mỗi hecta 20-25 tấn phân chuồng, 200kg supe lân và l00kg kali.
Khi cây mọc, làm giàn cho dây leo. Dùng tre, sặt cắm chéo cánh sẻ, cao 1,5-2m dọc theo luống. Hàng tháng làm cỏ, xổi xáo cho đất tơi thoáng, kết hợp bón thúc. Tốt nhất là dùng nước phân chuồng, nước giải pha loãng. Nếu cần, có thể tưới đạm pha với nồng độ 2%, mỗi lẫn 25kg đạm/ha. Việc bón thúc tiến hành từ tháng 3 đến tháng 9 hàng năm, mỗi tháng thúc một lần.
Hà thủ ô ít bị sâu bệnh. Cần chú ý phòng trừ dế hại mầm non.
Cây trồng sau 2 - 3 năm thì thu hoạch, để lâu quá, củ dễ bị thối. Năng suất trung bình đạt 1,5 - 2,5 tấn củ khô/ha.
Thu hái: Sau 2-3 năm sau khi trồng thì có thể thu hái dược liệu. Thu hoạch vào mùa thu, khi lá khô úa, đào lấy củ cắt bỏ hai đầu, rửa sạch, củ to cắt thành miếng, phơi hay sấy khô. Nếu đồ chín rồi phơi thì tốt hơn.
Sơ chế: Sau khi thu hái, rửa sạch dược liệu và cắt bỏ rễ con. Củ to bổ thành miếng, củ nhỏ để nguyên phơi khô dùng làm thuốc.
Bào chế:
Chế Hà thủ ô: Rửa sạch củ, ngâm nước vo gạo 1 ngày 1 đêm, sau đó rửa lại. Đổ nước đậu đen cho ngập (cứ 1 kg Hà thủ ô cần 100 g đậu đen, 2 lít nước, nấu đến khi đậu đen nhừ nát), nấu đến khi gần cạn, cần đảo luôn cho chín đều. Khi củ đã mềm, lấy ra, bỏ lõi (nếu có). Thái hoặc cạo mỏng rồi phơi khô. Nếu còn nước đậu đen thì tẩm phơi cho hết. Nếu đồ, phơi 9 lần (cửu chưng cửu sái) thì càng tốt. Khi đun nên đặt vỉ ở đáy nồi cho khỏi cháy dược liệu.
Bảo quản: Cần bảo quản dược liệu ở những nơi khô ráo, thoáng mát.
Tác dụng dược lý:
- Hà thủ ô đỏ có tác dụng dược lý như sau: làm tăng đường máu ở thỏ; do chứa lecithin, nên có thể dùng trong suy nhược thần kinh và bệnh về thần kinh, giúp sinh huyết dịch, bổ tim, giúp cải thiện chuyển hoá chung; do chứa antraglucosid nên kích thích co bóp ruột, kích thích tiêu hoá, cải thiện dinh dưỡng.
- Hà thủ ô đỏ có tác dụng nội tiết kiểu oestrogen, tác dụng kiểu progesteron nhẹ trên nội mạc tử cung, làm tăng trương lực cơ tử cung trong những thí nghiệm tử cung cô lập và ở nguyên vị trí, tăng tiết sữa và chống viêm.
- Hà thủ ô đỏ có tác dụng nâng cao tỷ lệ sống hoặc kéo dài thời gian cầm cự đối với động vật đã tiêm liều độc nọc rắn hổ mang và tác dụng ức chế sự co thắt cơ trơn ruột cô lập gây bởi histamin và acetylcholin. Hà thủ ô đỏ có tác dụng chống co thắt phế quản, kéo dài thời an toàn trong mô hình khí dung histamin.
- Hà thủ ô đỏ có tác dụng chống viêm trên mô hình thực nghiệm, gây phù cấp tính và viêm mạn tính, gây rỉ dịch màng phổi bằng tinh dầu thông, gây viêm dị ứng và viêm khớp bằng BGC.
- Hà thủ ô có tác dụng hạ cholesterol huyết thanh, được chứng minh rõ trên mô hình gây cholesterol cao ở thỏ nhà, thuốc còn có tác dụng làm giảm hấp thu cholesterol của ruột thỏ, theo tác giả, thuốc có thành phần hữu hiệu kết hợp với cholesterol (Tân y học, 5 - 6, 1972). Thuốc có tác dụng phòng chống và giảm nhẹ xơ cứng động mạch. Có thể tác dụng giảm xơ cứng động mạch và do thuốc có thành phần Lecithin (Tân y học, 5 - 6, 1972).
- Dịch chiết nước Hà thủ ô đỏ làm chậm nhịp tim. Làm tăng nhẹ lưu lượng máu động mạch vành và bảo vệ được cơ tim thiếu máu.
- Dịch chiết nước Hà thủ ô đỏ giữ được tuyến ức của chuột nhắt già không bị teo mà giữ được mức như lúc chuột còn non, tác dụng này có ý nghĩa chống lão hóa nhưng cơ chế còn cần nghiên cứu thêm.
- Dịch chiết nước Hà thủ ô đỏ có tác dụng nhuận tràng do dẫn chất oxymethylanthraquinone làm tăng nhu động ruột (Trích yếu văn kiện nghiên cứu Trung dược - Nhà xuất bản Khoa học xuất bản 1965, trang 345 - 346). Hà thủ ô sống có tác dụng nhuận tràng mạnh hơn Hà thủ ô chín.
- Tác dụng kháng khuẩn và virus: thuốc có tác dụng ức chế đối với trực khuẩn lao ở người và trực khuẩn lỵ Flexner. Thuốc có tác dụng ức chế virus cúm (Học báo Vi sinh vật 8,164, 1960).
- Dịch chiết với nước ấm của hà thủ ô chế thử nghiệm trên những chuột đã cắt bỏ tuyến thượng thận, làm tăng tích luỹ glucogen ở gan gấp 6 lần. Hà thủ ô đỏ sống không có tác dụng này.
- Cao lỏng và những hợp chất antraquinon của hà thủ ô có tác dụng tăng cường nhu động ruột, nhuận tràng.
- Nước sắc hà thủ ô 1/100 ức chế sự phát triển của trực khuẩn lao.
- Nước sắc hà thủ ô 1,5/1 gây hạ cholesterol máu trên động vật.
- Dịch chiết methanol của hà thủ ô đỏ có tác dụng ức chế sự tăng cholesterol máu ở chuột ăn thức ăn có lượng cholesterol cao.
- Các hợp chất stilben trong hà thủ ô có tác dụng dự phòng tổn thương gan trên chuột cho ăn các lipid oxy hoá.
- Resveratrol (thành phần stilben trong rễ hà thủ ô) có tác dụng kháng khuẩn và kháng nấm.
- Những thành phần stilben như resveratrol và piceid, phân lập từ rễ hà thủ ô đỏ, có tác dụng gây hạ lipid máu ở chuột cho ăn hỗn hợp dầu ngô, cholesterol và acid cholic.
- Ảnh hưởng của những thành phần stilben của hà thủ ô đỏ trên tổn thương gan gây ở chuột cống trắng bằng việc cho ăn dầu peroxy – hoá đã thể hiện ở chỗ piceid và 2, 3, 4, 5, 4′-tetrahydroxy stilben-2-O-D-glucosid có tác dụng ức chế một phần sự tích luỹ các peroxyd lipid trong gan chuột. Những stilben glycosid ức chế sự tăng GOT và GPT trong huyết thanh chuột. Ngoài ra, resveratrol, piceid và 2, 3, 5, 4′-tetrahydroxy stilbene-2-O-D-glucosid còn ức chế sự peroxy-hoá lipid gây bởi ADP (adenosin-5′-diphosphat) và NADPH (nicotinamid adenin dinucleotid phosphat) ở những vi tiểu thể gan chuột.
- Cao cồn hà thủ ô đỏ còn có tác dụng dự phòng xơ vữa động mạch, gây thực nghiệm theo cơ chế ngoại sinh trên chim cun cút. Tác dụng làm giảm cholesterol và triglycerid huyết thanh, ức chế sự tăng lipid máu và làm chậm sự phát triển xơ mỡ động mạch.
Thành phần hoá học:
Hà thủ ô đỏ chứa 1,7% antraglucosid trong đó có crysophanol, emodin, rhein, 1,1% protid, 42,2% tinh bột, 3,1% lipid, 4,5% chất vô cơ, 26,4% chất tan trong nước...
Thành phần hoá học của hà thủ ô đỏ thay đổi trong quá trình chế biến .Theo y học cổ truyền, hà thủ ô đỏ sống chứa 7,68% tanin, 0,259% dẫn chất antraquinon tự do, 0,805% dẫn chất antaquinon toàn phần. Sau khi chế biến, dược liệu chứa 3,82% tanin, 0,113% dầu chất antraquinon tự do, 0,25% dẫn chất antraquinon toàn phần. Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, hà thủ ô đỏ chứa emodin (1) physcion (2) emodin 1,6 dimethyl ether (3) questin (4) citreorosein (5) questinol (6) 2 acetyl emodin (7) emodin γ-O-β-glucosid (8) physcion-8-O-β-D- glucosid (9), 2 methoxy-6-acetyl-7-methyl julone, tricin, N-trans- feruloyl tyramin, N-trans feruloyl-3-methyl-dopamin, 2, 3, 5, 4’ tetrahydroxystilbene-2- O-β-D glucosid (10); 2"-O-monogalloyl este của 2, 3, 5, 4' tetrahydroxy stilben-2-O-β-D-glucosid; 3"-O-mono-galloyl este của 2, 3, 5, 4' tetrahydroxy stilben-2-O-β-D-glucosid. Ngoài ra, còn acidgallic, daucosterol, (+) catechin, (+) epicatechin, 3-O- galloyl (-) catechin-3-O-galloyl (-) epicatechin, galloyl-procyanidin 2, 3, 4, 6 tetrahydroxyacetophenon (polygo aceto phenosid) (12)-1-3-dihydroxy- 6, 7 dimethyl xanthon-1-O-β-D-glucosid (11) quercetin-3-β- galactosid; quercetin-3-O-arabinosid
Chất phospholipid có 3,49% trong dược liệu thô và 1,82% trong dược liệu đã chế biến hợp chất 2 - 3 - 5 - 4' tetrahydroxy stilbene-2-O- β-D-glucosid có trong thành phần của thuốc làm mọc tóc.
Ngoài ra, còn có các chất vô cơ K, Ca, Mn, Ni, Cr.
Tính vị: Hơi ấm, vị đắng, ngọt, se.
Qui kinh: can và thận.
Công năng: Bổ huyết giữ tinh, hoà khí huyết, bổ can thận, mạnh gân xương, nhuận tràng.
Công dụng: Bổ máu, trị thần kinh suy nhược, ngủ kém, sốt rét kinh niên, thiếu máu, đau lưng, mỏi gối, di mộng tinh, bạch đới, đại tiểu tiện ra máu, mẩn ngứa. Uống lâu làm đen râu tóc đối với người bạc tóc sớm, làm tóc đỡ khô và đỡ rụng.
Cách dùng, liều lượng: 12-20g một ngày, dạng thuốc sắc, thuốc bột, rượu bổ. Trước khi dùng phải chế biến, phụ liệu chính là đậu đen.
Bài thuốc:
1. Chữa huyết hư máu nóng, tóc khô hay rụng, sớm bạc, và hồi hộp chóng mặt, ù tai, hoa mắt, lưng gối rũ mỏi, khô khát táo bón, dùng Hà thủ ô chế, Sinh địa, Huyền sâm, mỗi vị 20g sắc uống.
2. Chữa người già xơ cứng mạch máu, huyết áp cao hoặc nam giới tinh yếu khó có con, dùng Hà thủ ô 20g, Tầm gửi Dâu, Kỷ tử, Ngưu tất đều 16g sắc uống.
3. Bổ khí huyết, mạnh gân cốt, Hà thủ ô trắng và Hà thủ ô đỏ với lượng bằng nhau, ngâm nước vo gạo 3 đêm, sao khô tán nhỏ, luyện với mật làm viên to bằng hạt đậu xanh. Uống mỗi ngày 50 viên với rượu vào lúc đói.
4. Chữa đái dắt buốt, đái ra máu (Bệnh lao lâm), dùng lá Hà thủ ô, lá Huyết dụ bằng nhau sắc rồi hoà thêm mật vào uống.
5. Điều kinh bổ huyết: Hà thủ ô (rễ, lá) 1 rổ lớn, Đậu đen 1/2kg. Hai thứ giã nát, đổ ngập nước, nấu nhừ, lấy vải mỏng lọc nước cốt, nấu thành cao, thêm 1/2 lít mật ong, nấu lại thành cao, để trong thố đậy kín, mỗi lần dùng 1 muỗng canh, dùng được lâu mới công hiệu.
6. Chữa huyết hư máu nóng, sớm bạc tóc, tóc khô hay rụng, hồi hợp chóng mặt, hoa mắt, ù tai, lưng gối rũ mỏi, khô khát táo bón: 20 g dược liệu đã chế biến, 20 g sinh địa, 20 g huyền sâm. Mang tất cả vị thuốc rửa sạch và cho vào nồi. Rót thêm 1 lít nước lọc vào cùng và thực hiện sắc thuốc với lửa nhỏ. Khi lượng thuốc trong nồi chỉ còn lại 400ml, tắt bếp và chắt lấy nước thuốc. Chia thuốc thành 3 lần uống trong ngày. Sử dụng 1 thang/ngày.
7. Chữa xơ cứng mạch máu ở người già, huyết áp cao, nam giới khó có con do tinh yếu: 20 g Hà thủ ô đỏ đã chế biến, 16 g tầm gửi dâu, 16 g ngưu tất, 16 g kỳ tử. Sau khi rửa sạch, mang tất cả vị thuốc cho vào nồi. Thực hiện sắc thuốc cùng với 1 lít nước lọc. Bắt lửa nhỏ cho đến khi lượng nước thuốc trong nồi chỉ còn lại 400ml. Tắt bếp và chắt lấy nước thuốc. Chia thuốc thành 2-3 lần uống trong ngày. Sử dụng 1 thang/ngày.
8. Giúp bổ khí huyết, mạnh gân cốt: Mang Hà thủ ô trắng và Hà thủ ô đỏ (liều lượng bằng nhau) ngâm cùng với nước vo gạo trong 3 đêm. Sau đó mang sao khô và tán nhỏ. Trộn mật với thuốc để tạo thành viên có kích thước bằng hạt đậu xanh. Uống 50 viên/ngày cùng với rượu vào lúc đói.
9. Chữa đái ra máu, đái dắt buốt (bệnh lao lâm): Lá Hà thủ ô đỏ và lá huyết dụ với liều lượng bằng nhau, rửa sạch. Cho dược liệu vào nồi và sắc cùng với 600ml nước. Chắt lấy phần nước và hòa thêm mật để uống.
10. Giúp điều kinh bổ huyết: Rễ và lá Hà thủ ô, 0,5kg đậu đen. Rửa sạch, giã nát hai vị thuốc. Cho thuốc vào nồi, rót ngập nước và nấu nhừ. Dùng vải mùng lọc lấy nước cốt, nấu thuốc thành cao. Rót thêm 500ml mật ong, nấu lại thành cao. Rót thuốc vào thố và đậy kín. Khi cần lấy 1 muỗng canh uống cùng với nước ấm. Người bệnh phải kiên trì thực hiện thì mới có công hiệu.
11. Giúp khử phong, dưỡng khí, giải độc, tỳ và phế có độc, lở loét, thấp chẩn, lang ben, lác, bạch điến, nửa người ngứa: Hà thủ ô đỏ, chích thảo, kinh giới tuệ, phòng phong, mạn kinh tử, uy linh tiên. Rửa sạch, tán bột tất cả vị thuốc, trộn đều. Khi cần lấy 4 gram thuốc bột uống cùng nước nóng hoặc rượu ấm sau mỗi bữa ăn.
12. Giúp khử phong, thanh lợi thấp nhiệt, giải độc, điều trị phong thấp nhiệt độc, vết thương chảy nước vàng, lở loét, thịt thối loét: 10 g Hà thủ ô đỏ, 10 g cam thảo, 10 g bạch tiên bì, 10 g khổ sâm, 10 g kinh giới, 10 g kim ngân hoa, 10 g liên kiều, 10 g phòng phong, 10 g thương truật, 10 g mộc thông, 10 g đăng tâmthảo. Cho tất cả vị thuốc vào nồi và sắc cùng với 2 lít nước lọc cho đến khi lượng nước thuốc còn lại một nửa. Chia thuốc thành nhiều lần uống trong ngày. Hoặc tán vị thuốc thành bột, chế thành viên. Uống 10 gram/lần cùng với rượu nhạt.
13. Giúp bổ can thận, tráng gân cốt, ích tinh huyết, làm đen tóc, điều trị can thận bất túc, hoa mắt, ù tai, đầu váng, hay quên, chân mỏi, gối mỏi, tay chân mất cảm giác, huyết áp cao, tiểu đêm, động mạch xơ cứng, động mạch vành xơ cứng: 2,25 kg Hà thủ ô đỏ, 250 g đỗ trọng, 500 g hạn liên thảo, 500 g hắc chi ma cao, 500 g hy thêm thảo, 500 g kim anh tử, 250 g ngưu tất, 150 g nhẫn đông đằng, 250 g nữ trinh tử, 250 g tang diệp, 120 g sinh địa, 500 g thỏ ty tử, 500 gram tang diệp. Mang tất cả vị thuốc rửa sạch, phơi khô, tán thành bột. Trộn bột thuốc với mật để làm hoàn, mỗi hoàn 10 g. Uống 1 hoàn/lần x 2 lần/ngày.
14. Chữa phong lở ở đầu mặt, ngứa khắp mình (Hải Thượng Lãn Ông):
14.1. Bài thuốc ngâm rượu: Rễ gắm sao 120g, vỏ chân chim sao 100g, rễ rung rúc sao 80g, rễ cây bươm bướm sao 60g, rễ chiên chiến sao 60g, cây bấn đỏ sao 40g, cây bấn trắng sao 40g, quy bầu 40g, ô dược 40g, cỏ xước sao 40g, rễ bưởi bung sao 40g, rễ cỏ chỉ sao 80g, cỏ roi ngựa sao 24g, rễ cây chỉ thiên 24g, tang ký sinh 40g, hà thủ ô đỏ (9 lần đồ, 9 lần phơi) 60g. Cách chế: Tán nhỏ các vị thuốc, gói vào một túi vải và bỏ vào hủ rượu, trát đất kín miệng, nấu lên trong thời gian cháy hết 1 nén hương, rồi chôn xuống đất 3 ngày đêm. Uống dần ít một vào lúc đói.
b. Bài thuốc viên: (dùng kết hợp với bài thuốc trên)
Hà thủ ô đỏ 320g, cẩu tích 240g (tẩm rượu, nấu với nước muối, phơi khô), cốt toái bổ 160g (cạo lông, thái nhỏ, nấu với nước mật, phơi khô), thạch hộc 160g (rửa với rượu, chưng kỹ, phơi khô), quán chúng 100g (phơi trong râm, bỏ lông và vỏ), hy thiêm 160g (chưng với rượu và mật), lá ké đầu ngựa 40g (phơi râm), rễ cỏ xước 160g (dùng tươi, rửa sạch với rượu), vỏ chân chim sao 160g, rễ gắm sao 160g. Cách chế: Các vị trên tán bột luyện mật làm viên, mỗi lần uống 8-12g với nước gừng hay rượu.
15. Chữa râu tóc trắng hoá đen, khoẻ gân xương, bền tinh khí, sống lâu (Thất bảo mỹ nhiệm đơn): Hà thủ ô đỏ và trắng, đã chế biến, mỗi thứ 600g, xích phục linh và bạch phục linh, mỗi vị 600g. Cạo vỏ, tán bột, khuấy với nước trong, lọc lấy bột lắng ở dưới, nắm lại, tẩm với sữa người, phơi khô.
Ngưu tất 320g, tẩm rượu để 1 ngày, trộn với hà thủ ô và đồ với đỗ đen vào lần thứ 7, 8, 9 rồi phơi khô.
Đương quy 320g tẩm rượu phơi khô
Câu kỷ tử 320g tẩm rượu phơi khô
Thỏ ty tử 320g tẩm rượu cho nứt ra, giã nát phơi khô.
Bổ cốt chi 100g, trộn với vừng đen, sao cho bốc mùi thơm.
Tất cả giã nhỏ, trộn đều, thêm mật vào làm thành viên 0,5g. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 50 viên. Sáng dùng rượu chiêu thuốc, trưa dùng nước gừng, tối dùng muối.
16. Món ăn chữa bệnh chứa hà thủ ô:
16.1. Trà nhuận trường, thông tiện: Hà thủ ô đỏ tươi 30g-60g, nấu nước uống. Chữa các chứng huyết hư, tân dịch khô nên đại tiện bí.
16.2. Trà sinh địa thủ ô đỏ: Hà thủ ô đỏ chế 16g, thục địa 30g. Hà thủ ô đỏ chế, thục địa tẩm rượu, thái lát mỏng, cho nước sôi hãm uống thay trà. Dùng cho các trường hợp cơ thể suy nhược già yếu, râu tóc bạc sớm trước tuổi, bệnh mạch vành, mỡ huyết cao.
16.3. Cháo kê hà thủ ô đỏ: Kê 50g, hà thủ ô đỏ chế 30g, trứng gà 2 quả. Kê nấu với hà thủ ô đỏ thành cháo, khi cháo được gắp bỏ các lát bã thuốc, đập trứng vào, thêm chút đường trắng khuấy đều, đun sôi lại. Cho ăn khi đói. Dùng cho các trường hợp thoát vị, sa tử cung, sa dạ dày trực tràng.
16.4. Cháo gà hà thủ ô đỏ: Gà nửa con, Hà thủ ô đỏ chế: 30g, Gạo: 70g. Cho gà và Hà thủ ô đỏ vào nồi áp suất nấu cho mềm, vớt bỏ bã Hà thủ ô đỏ, vớt gà để riêng. Cho gạo vào nồi nước hầm gà lúc nãy nấu đến khi gạo nở bung, bỏ gà đã nấu trở vào nồi, nêm muối vừa ăn. Ăn cháo khi còn nóng, chấm gà với muối tiêu chanh.
16.5. Chè đậu đen hà thủ ô đỏ: Hà thủ ô đỏ chế 60g, đậu đen 100g. Cả hai thứ cùng nấu với lượng nước thích hợp đến khi đậu đen chín nhừ, vớt bỏ bã hà thủ ô, chia 2-3 lần ăn trong ngày. Có thể thêm chút đường hoặc muối. Dùng cho các trường hợp thiểu năng mạch vành, cơn đau thắt ngực, các trường hợp râu tóc bạc sớm, táo bón kinh diễn.
16.6. Hà thủ ô đỏ hầm gà: Gà mái tơ 1 con, hà thủ ô đỏ chế 30g. Gà làm sạch bỏ ruột, hà thủ ô đỏ gói trong vải xô, đặt trong bụng gà, hầm cách thuỷ, lấy ra bỏ bã thuốc, thêm gia vị. Dùng cho các trường hợp râu tóc bạc sớm, đau đầu hoa mắt chóng mặt, mất ngủ, suy nhược cơ thể.
16.7. Chữa đái rắt buốt, đái ra máu (Hải Thượng Lãn Ông): Lá hà thủ ô đỏ tươi, giã vắt lấy nước, hoà với mật uống. Lá hà thủ ô đỏ, lá huyết dụ, lượng bằng nhau. Sắc rồi hoà thêm mật ong uống.
16.8. Hà thủ ô đỏ tán làm râu tóc trắng hoá đen, khoẻ gân xương, bền tinh khí, sống lâu: Hà thủ ô đỏ đỏ cạo vỏ, thái mỏng phơi khô, tán bột. Ngày uống 4g vào sáng sớm, chiêu thuốc bằng rượu.
16.9. Viên bổ hà thủ ô đỏ (chữa sốt rét gầy yếu, ăn ngủ kém, đau xương, di tinh, bạch đới) trẻ em chậm đi, chậm mọc răng: Hà thủ ô đỏ 500g, sâm bố chính 300g, hạt sen 300g, cam thảo 100g, đại hồi 100g, quả thảo 100g. Ba vị hà thủ ô đỏ, sâm, hạt sen đồ chín. Cam thảo nướng vàng. Thảo quả bỏ vỏ, lấy nhân. Trộn chung, sấy khô, tán nhỏ, rây bột mịn, luyện với mật ong làm viên bằng hạt đỗ đen. Trẻ em uống mỗi lần 6-15 viên (tuỳ tuổi), người lớn mỗi lần uống 20 viên.
16.10. Cháo lươn, đậu đen và hà thủ ô đỏ giúp sáng mắt: Lươn 150g, hà thủ ô đỏ 10g, đậu đen 60g, táo đỏ 4 quả, gừng tươi 2 lát mỏng. Cách chế biến như sau: Lươn làm sạch, đậu đen ngâm mềm, cho vào nồi đất, thêm nước vừa đủ, hầm khoảng ba giờ cho nhừ. Nêm gia vị vừa ăn. Dùng trong bữa cơm. nếu dùng liên tục thì liệu trình từ 7-10 ngày. Nếu dùng kéo dài, thường xuyên thì dùng 3 lần/tuần. Những người bị bệnh gan mạn tính tăng huyết áp, bệnh đường tiêu hóa không nên sử dụng.
Kiêng kỵ:
- Uống Hà thủ ô thì kiêng ăn hành, tỏi, cải củ. Đối với người có áp huyết thấp và đường huyết thấp thì kiêng dùng.
- Việc sử dụng dược liệu quá liều (liều khuyến cáo 30 gram/ngày) có thể gây buồn nôn, nôn ói, đau bụng, một số trường hợp khác có thể kèm theo sốt
- Người bị tiêu chảy không được dùng Hà thủ ô đỏ
- Những người có đường huyết thấp và huyết áp thấp cần kiêng sử dụng dược liệu Hà thủ ô đỏ
- Dược liệu Hà thủ ô đỏ không được khuyến cáo sử dụng cho những bệnh nhân cổ họng có đờm nặng
- Những trường hợp bị viêm dạ dày, lưỡi nhờn, mất cảm giác ngon miệng khi dùng dược liệu với liều 12 g sẽ làm tăng chứng đau dạ dày, chán ăn, ăn không ngon miệng.
Ghi chú: Hà thủ ô trắng là rễ củ của cây Hà thủ ô trắng, còn gọi là Dây sữa bò (Streptocaulon juventasMerr.), họ Thiên lý (Asclepiadaceae). Cây mọc hoang khắp nơi trong nước ta. Các lương y dùng Hà thủ ô trắng làm thuốc bổ máu, bổ can thận.
Tham khảo:
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)
- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)
- theplanlist.org
- efloras.org
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Mắc cỡ tàn dù - Biophytum sensitivum
- Công dụng của cây Quả bánh mì - Artocarpus parvus
- Công dụng của cây Sồi bạc - Quercus incana
- Công dụng của cây Sang trắng - Putranjiva roxburghii
- Công dụng của Cỏ ba lá - Trifolium repens
- Công dụng của cây Trạch quạch - Adenanthera pavonina
- Công dụng của cây Sung dâu - Ficus callosa
- Công dụng của cây Neem - Azadirachta indica
- Công dụng của cây Cau đất - Tropidia curculigoides Lindl.
- Công dụng của cây Điền điển phao - Sesbania javanica
- Công dụng của cây Mâm xôi đen - Rubus fruticosus
- Công dụng của cây Xương rồng trụ - Cereus jamacaru
- Công dụng của cây Bướm đêm đa hoa - Middletonia multiflora
- Công dụng của cây Ngọc nữ lá chân vịt - Clerodendrum palmatolobatum
- Công dụng của cây Bướm bạc một hoa - Mussaenda uniflora
- Công dụng của cây Tàu muối - Vatica odorata
- Công dụng của cây Hổ nhĩ lá đồng tiền - Pilea nummulariifolia
- Công dụng của cây Sổ trai - Dillenia ovata
- Công dụng của cây Nghệ mảnh - Curcuma gracillima
- Công dụng của cây Lô ba lùn - Globba marantina