HÀ THỦ Ô TRẮNG
HÀ THỦ Ô TRẮNG
Radix Streptocauli Juventatis
Tên khác: Dây sữa bò, Củ vú bò, Mã liên an, Khâu nước, Dây mốc, Cây sừng bò, Khău cần cà (Tày), Chừa ma sình (Thái), Sân rạ, xờ rạ (Kho), Pất (kdong), Xạ ú pẹ (Dao).
Tên khoa học: Streptocaulon juventas (Lour.) Merr., họ Thiên lý (Asclepiadaceae).
Tên đồng nghĩa: Apocynum juventas Lour.; Streptocaulon griffithii Hook. f.; Streptocaulon tomentosumWight & Arn.; Tylophora juventas (Lour.) Woodson
Mô tả: Dây leo bằng thân quấn dài 2-5m. Vỏ thân màu nâu đỏ, có nhiều lông mịn. Lá mọc đối, phiến lá nguyên, hình bầu dục, chóp lá nhọn, gốc lá tròn, dài 4-14cm, rộng 2-9cm. Hoa nhỏ, màu lục vàng nhạt, mọc thành xim ở nách lá. Quả gồm 2 đại xếp ngang ra hai bên trông như đôi sừng bò. Hạt dẹt mang một mào lông mịn. Toàn cây có nhựa mủ màu trắng như sữa.
Phân bố, sinh thái:
Loài hà thủ ô trắng phân bố chủ yếu ở 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và một số vùng phía nam Trung Quốc.
Ở Việt Nam, hà thủ ô trắng phân bố rải rác khắp các tỉnh vùng núi, trung du và đôi khi cả ở đồng bằng. Cây thường mọc lẫn với các loại cỏ hoặc cây bụi thấp ở các đồi cây bụi, đất sau nương rẫy hoặc ven rừng, ở vùng đồng bằng và ven biển, cây thường mọc nơi đất cao hoặc trong các vườn cây ăn quả. Hà thủ ô trắng thuộc loại cây ưa sáng, chịu hạn cao và có thể sống được trên nhiều loại đất, kể cả đất khô cằn, trơ sỏi đá. Về mùa đông và mùa khô (ở phía nam), cây có hiện tượng rụng lá; phần rễ củ nằm sâu dưới mặt đất có sức sống khoẻ, tồn tại qua các đợt cháy rừng và chặt phá thường xuyên. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt. Hạt có túm lông, phát tán nhờ gió.
Thu hái: Thu hái rễ củ quanh năm, nhưng để củ cho chất lượng tốt và đạt được hiệu quả trong việc điều trị bệnh nên thu hái vào đầu xuân hoặc mùa đông. Rễ đào về, rửa sạch, thái lát dày khoảng 3cm, phơi hay sấy khô. Có thể ngâm nước vo gạo một đêm trước khi phơi hay sấy khô.
Sơ chế: Củ sau khi được đào lên đem rửa sạch, thái lát mỏng và phơi khô.
Bộ phận dùng: Thân rễ (Radix Streptocauli Juventatis) phơi hay sấy khô của cây Hà thủ ô trắng.
Thành phần hóa học: Thân rễ có tinh bột, nhựa đắng, tanin pyrogalic.
- Thân rễ Hà thủ ô trắng: dẫn xuất cardenolid: acovenosigenin A 3-O-glucosid (Bui, H., Nguyen, Y., Nguyen, D., & Tran, Q. (2009). Chemical constituents from the roots of Streptocaulon juventas. Science and Technology Development Journal, 12(10), 72-77.). 6 dẫn xuất cardenolid cũng được phân lập từ thân rễ Hà thủ ô trắng là: 1α, 14β-dihydroxy-5β-card-20 (22)-enolid 3-O-[O-β-D-glucopyranosyl-(1→2)-β-D-digitalopyranosid] (1), acovenosigenin A 3-O-[O-β-D-glucopyranosyl-(1→4)-β-D-digitalopyranosid] (2), 16-O-acetyl-hydroxyperiplogenin 3-O-β-D-digitoxopyranosid (3), digitoxigenin 3-O-[O-β-D-glucopyranosyl-(1→6)-O-β-D-glucopyranosyl-(1→4)-2-O-acetyl-β-D-digitalopyranosid] (4), 16-O-acetyl-hydroxyacovenosigenin (5), 1β, 3β, 14β-trihydroxy-5β-card-16, 20 (22)-dienolid (6) (Rui Xue, Na Han, Chun Sheng Ye, Haibo Wang, Jun Yin (2013), Cardenolid glycosides from root of Streptocaulon juventas. Phytochemistry,;88:105-11)
Tác dụng dược lý:
Hà thủ ô trắng có tác dụng nâng cao tỷ lệ sống hoặc kéo dài thời gian cầm cự đối vối động vật đã tiêm liều độc nọc rắn hổ mang và tác dụng ức chế sự co thắt cơ trơn ruột cô lập gây bởi histamin và acetylcholin.
Hà thủ ô trắng có độc tính thấp, có tác dụng kích thích nhẹ sự co bóp cơ trơn, làm co mạch ngoại vi, kích thích hô hấp, nhưng không làm thay đổi huyết áp, kích thích nhẹ nhu động ruột và lợi tiểu, kích thích tiêu hoá làm ãn được nhiều, tăng cân, tăng sức lực, hạ thân nhiệt, tiêu viêm và an thần nhẹ.
Các thử nghiêm dược lý với hà thủ ô trắng có tiếp xúc và không tiếp xúc với kim loại (sắt) không cho thấy có sự khác biệt về tác dụng giữa hai loại này. Các thử nghiệm dược lý vối hà thủ ô trắng bào chế theo phương pháp cổ truyền dùng vồ đập rồi ngâm nước vo gạo, đồ với đậu đen (cửu chưng, cửu sái) cho thấy tuy hoạt chất đắng giảm, nhưng các tác dụng dược lý cơ bản không thay đổi.
Dây và lá hà thủ ô trắng phối hợp với bồ cu vẽ đã được áp dụng cho 86 bệnh nhân bị viêm hắc võng mạc (màng mạch-võng mạc) trung tâm thanh dịch, và thấy có tác dụng làm tăng thị lực trên 87% số bệnh nhân, ở những bệnh nhân thị lực tăng từ 6/10 trở lên hết ám điểm, ở bệnh nhân thị lực tăng dưới 5/10, một số hết ám điểm, một số giảm.
Hạ cholesterol huyết thanh: Dựa vào tư liệu tham khảo Tân Y học 5-6, 1972 cho thấy, các hoạt chất chứa trong hà thủ ô trắng có tác dụng hạ cholesterol huyết thanh. Nghiên cứu đã được chứng minh rõ trên mô hình gây cholesterol cao ở thỏ nhà. Bên cạnh đó, vị thảo mộc tự nhiên này còn có tác dụng làm giảm khả năng hấp thu cholesterol của ruột thỏ.
Phòng chống và giảm nhẹ xơ cứng động mạch: Cũng dựa vào Tư liệu tham khảo Tân Y học 5 – 6, 1972, thành phần Lecithin có tác dụng giảm xơ cứng động mạch
Tốt cho tim mạch: Thuốc giúp làm chậm nhịp tim, đồng thời tăng nhẹ lưu lượng máu động mạch, từ đó giúp bảo vệ cơ tim thiếu máu
Chống lão hóa: Thuốc giúp giữ tuyến ức của chuột nhắt già không bị teo mà vẫn giữ ở mức như chuột non. Tuy nhiên, vấn đề này cần nghiên cứu thêm
Tác dụng nhuận tràng: Theo Trích yếu văn kiện nghiên cứu Trung dược – Nhà xuất bản Khoa học xuất bản 1965, trang 345-346 cho thấy, hà thủ ô trắng sống có tác dụng nhuận tràng mạnh do chúng dẫn chất oxymethylanthraquinone, giúp làm tăng nhu động ruột
Kháng vi rút và vi khuẩn: Các hoạt chất chứa trong thuốc có tác dụng ức chế đối với trực khuẩn lî Flexner và trực khuẩn lao ở người. Ngoài ra, theo Học báo Vi sinh vật 8, 164, 1960, thuốc còn có công dụng ức chế vi rút gây cúm
Tính vị: Tính mát, vị đắng
Quy kinh: Can và Thận
Công năng: Bổ huyết; bổ can và thận.
Công dụng: Thường dùng chữa thiếu máu, thận gan yếu, thần kinh suy nhược, ăn ngủ kém, sốt rét kinh niên, phong thấp tê bại, đau nhức gân xương, kinh nguyệt không đều, bạch đới, ỉa ra máu, trừ nọc rắn cắn, bạc tóc sớm, bệnh ngoài da mẩn ngứa. Có nơi còn dùng củ và thân lá của cây để chữa cảm sốt, cảm nắng, sốt rét. Có người còn dùng dây sắc lấy nước cho phụ nữ sinh đẻ thiếu sữa uống cho có thêm sữa. Cây lá cũng được dùng đun nước tắm và rửa để chữa lở ngứa. Người ta còn dùng củ chữa cơn đau dạ dày.
Cách dùng, liều lượng: Thường dùng mỗi ngày 12-20g dạng thuốc sắc. Có thể nấu cao hay ngâm rượu uống. Cành lá dùng với liều lượng nhiều hơn. Người ta cũng thường chế Hà thủ ô trắng cũng như Hà thủ ô đỏ.
Bài thuốc:
1. Bồi dưỡng cơ thể, tăng cường sức lực, chữa đau lưng mỏi gối; giúp ăn ngủ được: Đậu đen 50g, Đậu đỏ 10g, Đỗ trọng dây 50g, Ráng bay 15g, Củ sen 50g, Bố chính sâm 15g, Hà thủ ô trắng (sao muối) 50g, Phục linh 15g. Các vị hiệp chung, tán làm viên hoàn, mỗi lần uống 3g, ngày uống 3 lần. (Kinh nghiệm ở An Giang).
2. Bổ khí huyết, mạnh gân cốt: Hà thủ ô trắng và Hà thủ ô đỏ với lượng bằng nhau, ngâm nước vo gạo 3 đêm, sao khô tán nhỏ, luyện với mật làm viên to bằng hạt đậu xanh. Uống mỗi ngày 50 viên với rượu vào lúc đói.
3. Chữa ho gà: 6-12 g hà thủ ô trắng sắc chung với 1,5-3 g cam thảo. Chia thuốc thành 4-6 phần và uống trong ngày. Uống liên tục cho đến khi cảm nhận triệu chứng bệnh thuyên giảm thì ngưng.
4. Chữa sốt rét ngã nước do muỗi truyền: 250 g hà thủ ô trắng đã được tẩm rượu sao vàng sắc chung với 100 g dây thần thông, 40 g thường sơn đã bỏ gân lá tẩm rượu sao vàng, 10 g mã tiền chế, 40 g thảo quả đập bỏ vỏ lấy nhân hạt sao thơm và 50 g miết giáp tẩm giấm sao vàng. Mỗi ngày uống 1 thang. Kiên trì dùng cho đến khi bệnh khỏi hẳn.
5. Chữa ăn nhiều nhưng vẫn gầy, tiểu đường thể vị tiêu và suy nhược cơ thể: 500 g hà thủ ô trắng sao vàng hạ thổ, 1 kg liên nhục, 1 kg hoài sơn, 500 g củ đinh lăng và 500 g sâm voi. Tất cả các vị thuốc nêu trên đem sao vàng và giã nhỏ mịn. Sau đó, trộn đều với mật ong và hoàn viên. Mỗi ngày uống 2 lần và mỗi lần uống từ 6-8 gram. Tốt nhất nên uống kèm với nước sắc cây cối xay.
6. Chữa đau lưng mỏi gối và giúp ăn ngủ được, tăng cường sức lực và bồi dưỡng cơ thể: 50 g hà thủ ô trắng, 15 g bố chính sâm, 50 g củ sen, 50 g đậu đen, 50 g đỗ trọng dây, 15 g ráng bay và 15 g phục linh. Tất cả các vị thuốc đem phơi khô, tán mịn và viên thành viên. Mỗi ngày uống 3 lần và mỗi lần 3 gram.
7. Chữa rắn cắn: Sau khi đã hút nọc độc của rắn, người bệnh nhai và nuốt nước của lá và rễ cây hà thủ ô. Còn phần bã đem đắp lên vết thương, nơi rắn cắn.
8. Chữa đau nhức xương khớp: hà thủ ô trắng đem phơi, nghiền thành bột mịn. Mỗi ngày uống 15 g. Kiên trì sử dụng trong vòng 1 tháng, triệu chứng đau nhức sẽ thuyên giảm rõ rệt.
Kiêng kỵ: Không dùng Hà thủ ô trắng đối với người hư yếu, tạng lạnh, đồng thời kiêng ăn tiết canh lợn, cá, lươn, rau cải, hành tỏi.
Chú ý nhầm lẫn:
- Cây hà thủ ô trắng có đặc điểm thực vật gần với dây càng cua (Cryptolepis dubia (Burm.f.) M.R.Almeida) cùng họ Thiên lý (Asclepiadaceae). Tuy nhiên, điểm khác nhau là loại cây này nhẵn bóng và toàn thân không có lông. Do đó, khi mua hoặc hái thuốc, bệnh nhân nên thận trọng. Bởi dây căng cua chứa độc tính, nếu sử dụng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
- Cây mác chim (Amalocalyx microlobus Pierre ex Spire) thuộc họ Trúc đào (Apocynaceae). Cây có hoa to màu hồng và quả là 2 đại dính nhau.
Tham khảo:
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)
- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)
- theplanlist.org
- efloras.org
- Bui, H., Nguyen, Y., Nguyen, D., & Tran, Q. (2009). Chemical constituents from the roots of Streptocaulon juventas. Science and Technology Development Journal, 12(10), 72-77.
- Rui Xue, Na Han, Chun Sheng Ye, Haibo Wang, Jun Yin
(2013), Cardenolide glycosides from root of Streptocaulon juventas. Phytochemistry,; 88:105-11
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Bồng Nga truật - Boesenbergia rotunda
- Công dụng của cây Gõ mật - Sindora siamensis
- Công dụng của cây tía tô cảnh - Coleus monostachyus
- Công dụng của cây Đậu kiếm - Canavalia gladiata
- Công dụng của cây é dùi trống - Hyptis brevipes
- Công dụng của cây Chây xiêm - Buchanania siamensis
- Công dụng của cây Chiếc chum - Barringtonia racemosa
- Công dụng của cây Cỏ cói - Bolboschoenus yagara
- Công dụng của cây Gai lan - Boehmeria clidemioides
- Công dụng của cây Rau mác bao - Pontederia vaginalis
- Công dụng của cây San dẹp - Paspalum dilatatum
- Công dụng của cây Áo cộc - Liriodendron chinense
- Công dụng của cây Nghệ sen - Curcuma petiolata
- Công dụng của cây Cao lương đỏ - Sorghum bicolor
- Công dụng của cây Dương đào dai - Actinidia coriacea
- Công dụng của cây Lục đạo mộc trung quốc - Abelia chinensis
- Công dụng của cây Sú- Aegiceras corniculatum
- Công dụng của cây Ấu tàu - Aconitum carmichaelii
- Công dụng của cây Bù dẻ hoa đỏ - Uvaria rufa
- Công dụng của cây Chùm ruột núi- Antidesma pentandrum