Logo Website

HỒ TIÊU

26/08/2020
Cây Hồ tiêu có tên khoa học: Piper nigrum L., họ Hồ tiêu (Piperaceae). Công dụng: Chữa đau bụng lạnh, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, chán ăn, động kinh do hàn, đờm nhiều, kích thích tiêu hoá. Làm gia vị thực phẩm.

HỒ TIÊU (胡椒)

Fructus Piperis nigri

Tên khác: Hạt tiêu, Hắc hồ tiêu, Tiêu, Mạy lòi (Tày).

Tên nước ngoài: Black pepper, common pepper, white pepper (Anh), poivrier commun, poivre noir (Pháp).

Tên khoa học: Piper nigrum L., họ Hồ tiêu (Piperaceae). 

Tên đồng nghĩaMuldera multinervis Miq.

Mô tả:

Cây: Dây leo sống nhiều năm. Các nhánh của thân có những rễ móc để đính thân cây vào giá tựa. Lá đơn, mọc so le, có cuống; phiến hình trái xoan nhọn, dài 11-15cm, rộng 5-9cm. Cụm hoa đối diện với lá, là những bông thõng xuống mang nhiều hoa không có bao hoa nhưng bao bởi nhiều lá bắc. Quả mọng không cuống, đường kính cỡ 4-8mm, lúc non màu lục rồi vàng và khi chín có màu đỏ. Hạt tròn, cứng, có mùi thơm và vị cay. Mùa hoa quả tháng 5-8.

Hồ tiêu đen: Quả hình cầu, đường kính 3,5-5 mm. Mặt ngoài màu nâu đen, có nhiều vết nhăn hình vân lưới nổi lên. Đỉnh đầu quả có vết của vòi nhụy nhỏ hơi nổi lên, gốc quả có vết sẹo của cuống quả. Chất cứng. Vỏ quả ngoài có thể bóc ra được. Vỏ quả trong màu trắng tro hoặc màu vàng nhạt; mặt cắt ngang màu trắng vàng. Quả có chất bột, trong có lỗ hổng nhỏ. Mùi thơm, vị cay.

Hồ tiêu sọ: Mặt ngoài màu trắng tro hoặc màu trắng vàng nhạt, nhẵn.

Bộ phận dùng: Quả chưa chín hẳn đã phơi khô của cây Hồ tiêu (Fructus Piperis nigri)

Phân bố, sinh thái:

Hồ tiêu có nguồn gốc từ Ấn Độ. ở đây, hiện vẫn còn tồn tại hai quần thể hồ tiêu mọc tự nhiên và trồng. Tuy nhiên, cây mọc tự nhiên có đặc điểm rụng lá hàng năm, ra hoa kết quả ít. Trong khi đó, hồ tiêu trồng có rất nhiều giống khác nhau. Cây được trồng rộng rãi khắp vùng nhiệt đới ở Nam Á, Đông - Nam Á và Nam Mỹ. ỞViệt Nam, hồ tiêu là cây gia vị quan trọng, được trồng lâu đời ở các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Một số tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình cũng có trồng, nhưng với diện tích không đáng kể.

Hồ tiêu ưa khí hậu nóng và ẩm, với nhiệt độ thích hợp là 24 - 27°C. Cây không chịu được nhiệt độ thấp của mùa đông kéo dài, ở các tỉnh phía bắc. Đất trồng phù hợp nhất là loại đất đỏ bazan ở các cao nguyên miền Trung. Cây leo bằng rễ bám, sự sinh trưởng, phát triển của cây phụ thuộc nhiều vào giá thể. Hồ tiêu ra hoa quả nhiều hàng năm. Với khả năng tái sinh vô tính khỏe, người ta thường nhân giống bằng cách giâm cành.

Trồng trọt:

Hồ tiêu vừa là cây gia vị, vừa là cây làm thuốc. Tiêu trước kia chủ yếu được trồng ở miền Đông Nam Bộ, sau phát triển ra các tỉnh cực Tây Nam Bộ, Phú Quốc, Côn Đảo, Tây Nguyên và Quảng Trị.

Tuy có thể nhân giống bằng hạt nhưng tiêu chủ yếu được trồng bằng hom. Hom tiêu là các nhánh mập, có rễ ở các mắt đốt được chọn từ những gốc tiêu đã thành thục đang sinh trưởng mạnh, không bị sâu bệnh. Sau đó, cắt bỏ chồi ngọn và đoạn dưới, giữ lại đoạn mập nhất dài khoảng 40 cm. Lá phía dưới cũng được cắt bớt, chỉ để lại 3-4 lá ở phía trên. Cần giữ cho hom tươi, không dập nát, nhất là không được làm đứt rễ ở các mắt đốt. Hom tiêu có thể trồng thẳng ra vườn (cách này ít dùng vì cây mọc không đều) nhưng phổ biến là trồng trong vườn ươm.

Vườn ươm phải bố trí ở nơi có điều kiện tưới tiêu thuận lợi. Đặc biệt, không được để chờ vườn ươm ngập úng dù chỉ trong 1 buổi. Đất vườn ươm cần cày bừa thật kỹ, nhặt sạch cỏ dại, rễ cây, gạch đá, để ải và lên luống sao cho tiện chăm sóc. Muốn có cây giống khỏe mạnh cần bón nhiều phân, chủ yếu dùng phân chuồng và phân rác hoai mục để bón lót. Ngoài ra, tùy chất đất mà bổ sung thêm các loại phân khạc, thí dụ đất xấu cần bón thêm đạm, đất chua phèn cần bón thêm vôi.

Giâm hom thường được tiến hành vào các buổi chiều mát trong tháng 2 -3. Hom được đặt và lấp đất sâu ngập 2 -3 mắt, hom nọ cách hom kia 20 cm. Đặt hom xong, cần tưới nhẹ và làm giàn che, tránh ánh nắng rọi trực tiếp vào cây. Sau đó, mỗi ngày tưới 2 lần vào lúc sáng sớm và chiều tối. Vào mùa mưa, chỉ cần tưới khi nào thấy mặt luống khô. Khi hom tiêu bén rễ, nảy chồi thì dỡ dần giàn che để tập cho tiêu con quen với ánh sáng mặt trời. Nếu hom giống mọc lên nhiều chồi thì cần tỉa bớt những chỗi ở phía dưới, chỉ để lại 2 chồi phía trên. Khi ngọn tiêu bắt đầu tăng trưởng mạnh (khoảng 2 tháng sau khi ươm), có thể thúc thêm bằng nước phân chuồng, đạm pha loãng (urê 1/1000), phân chuồng hoai hoặc mục. Cần định kỳ làm cỏ, vun gốc đều đặn. 

Hom tiêu sau khi giâm 4-6 tháng có thể bứng đi trồng (thường trồng vào tháng 7 - 8). Khi bứng, dùng xẻng xén cả bầu để bảo vệ bộ rễ.

Đất trồng tiêu cần chọn đất đỏ nâu, đất đỏ hoặc đất cát pha thịt. Các loại đất khác, nhất là đất nhiều mặn, nhiều phèn hoặc đất trũng không thích hợp với tiêu. Tiêu là loại cây nắng không ưa, mưa không chịu. Khi mới trồng, cần che bớt ánh nắng, giữ cho cây luôn đủ ẩm nhưng không được để úng. Vườn trồng tiêu phải có hệ thốĩig tưới, tiêu thuận lợi và chủ động.

Đất cần được cày bừa sâu nhiều lần, phơi ải, nhặt sạch cỏ rác, gạch đá rồi cắm nọc tiêu. Nọc tiêu là những thân cây có đường kính 10 -15cm, dài 3-4m, chắc, khỏe, có lớp vỏ ngoài nhám xù xì để rễ tiêu có thể neo bám, được cắm sâu 50 - 60 cm, theo hàng thẳng, khoảng cách trong hàng từ 1,5 đến 2 m. Trung bình 1 ha cần 2000 - 2500 nọc (cũng có nghĩa là tiêu trồng với mật độ 2000 - 2500 gốc/ha). Sau đó đào hố có kích thước 40x40x40 cm về phía đông hoặc phía bắc nọc tiêu, mỗi hố bón 30 - 40 kg phân chuồng hoai mục rồi lấp đất lại. Cạnh hố phân này, người ta moi 1 hố khác nhỏ hơn, bón sơ ít phân chuồng hoai và đặt 2 hom giống. Cần lèn đất vừa phải để rễ tiêu mau tiếp xúc với đất nhưng không lèn quá mạnh làm đứt rễ. Khi đặt hom giống, cần chú ý hướng phần gốc về phía hố phân. Trồng xong, nhất thiết phải tưới ẩm thường xuyên và che bớt ánh nắng. Có thể lợi dụng những cây khác sẵn có trong vườn để làm nọc “sống”. Trong trường hợp này, người ta chặt hết cành lá phía dưới cây, chỉ để lại tán lá phía trên đủ che mát cho cây tiêu con. Sau một số năm, có thể phải thay nọc tiêu, đảm bảo cho cây luôn có chỗ leo, chỗ dựa chắc chắn. Một số nơi dùng cọc bêtông, trụ gạch để làm nọc, tuy bền hơn nhưng cũng có hạn chế là các vật liệu này hấp nóng. Khi cây tiêu còn nhỏ không thể leo được. Khi thay nọc, phải chú ý không được làm đứt rễ ở các mắt tiêu.

Vườn tiêu cần được chăm sóc chu đáo thường xuyên. Đặc biệt phải quan tâm tới độ ẩm: thiếu nước thì cây héo úa, bị úng (dù chỉ trong một buổi) cũng có thể chết. Mỗi năm cần bón thúc 1 - 2 lần vào đầu mùa mưa, mỗi gốc bón chừng 2 - 3 kg phân chuồng mục (dùng phân gà bón rất tốt nhưng cần bón xa gốc một chút).

Tiêu bị khá nhiều bệnh hại nguy hiểm. Nguyên nhân chính là tuyến trùng, các loại nấm Phytophthora và Fusarium hại rễ, nhất là khi bị mưa, úng. Biện pháp khắc phục đầu tiên là phải thoát nước. Sau đó, kiểm tra lõi cổ rễ, nếu thấy đen do tuyến trùng thì dùng các loại thuốc trị tuyến trùng, nếu do nấm thì dùng các loại thuốc trị nấm. Nếu thấy lõi đen hoàn toàn thì nhổ bỏ, 6 tháng sau, mới trồng lại. Ngoài ra, cần phát quang cao 50 cm xung quanh gốc, bón thêm phân hữu cơ hoai mục và thu dọn tàn dư cây bệnh.

Tiêu trồng sau 3 năm có thể cho trái và thu hoạch cho đến 40 năm hoặc hơn, nhưng chỉ 20 năm đầu đạt năng suất cao, sau đó giảm dần. Tiêu trổ hoa vào giữa mùa mưa, hạt chín và thu hoạch vào tháng 1, có nơi thu hoạch vào tháng 4 - 5. Hạt tiêu chín không đều, chín đến đâu cần thu đến đó. Khi thu phải thu cả chùm, thấy chùm nào có trái từ xanh chuyển sang vàng, rải rác có trái đỏ mọng là hái được. Phải dùng kéo hoặc móng tay bấm từng chùm nhẹ nhàng, tránh làm tổn thương đến cây.

Tiêu thu hoạch về, có thể để trong nhà vài ba ngày chờ cho chín hết hoặc đem phơi nắng cho khô, loại bỏ nhánh, tạp chất, được tiêu đen. Từ tiêu đen có thể chế biến thành tiêu sọ. Cách làm như sau: chọn hạt tiêu đen chắc, mẩy cho vào đầy đến 2/3 bao, buộc chặt lại và ngâm vào nước khoảng 10 ngày, thỉnh thoảng thay nước. Sau đó, vớt ra dùng chân đạp cho tróc hết vỏ đen, đãi lấy hạt trắng, đem phơi. Tỷ lệ tiêu sọ/tiêu đen khoảng 7/10.

Một hecta trung bình cho 3 tấn tiêu đen trong một năm.

Thu hái, sơ chế: Thu hoạch vào cuối mùa thu hoặc đầu mùa xuân năm sau. Hái lấy quả chín có màu đỏ, ngâm nước mấy ngày, sát bỏ thịt quả, phơi khô, gọi là Bạch hồ tiêu (Hồ tiêu sọ). Khi thấy trên chùm quả xuất hiện 1 - 2 quả chín đỏ, hay vàng, hái về, phơi hoặc sấy khô ở 40 - 50oC, màu quả ngả sang đen (Hồ tiêu đen).

Bào chế: Loại bỏ tạp chất, vụn nát,  khi dùng nghiền thành bột mịn.

Thành phần hoá học : 

Tinh dầu (1,2-3,5%), tinh dầu này tập trung ở vỏ quả giữa cho nên hồ tiêu sọ ít tinh dầu hơn. Tinh dầu màu vàng nhạt hay lục nhạt, gồm các gồm các terpen (phellandren, pinen, limonen) và một ít hợp chất có oxy nên có mùi thơm và vị dịu. Alcaloid (2-5%) thành phần chính là piperin (5-8%). Ngoài ra còn có một số chất khác như cenlulose, muối khoáng.

Hai alcaloid là piperin và chavixin Piperin C17H19O3N có trong hạt tiêu từ 5-9%, có tinh thể không màu, không mùi, không tan trong nước sôi, rất tan trong rựơu nóng, tính kiềm nhẹ, đồng phân với mocphin. Khi đun với dung dịch rượu kali cho adci piperic C12H10O4 và một alcaloid khác lỏng, bay hơi là piperidin C5H10N acid piperic đun với KMnO4 sẽ cho piperonala dùng chế nước hoa.

Chavixin C17H19O3N có người cho là một chất nhựa, có trong hồ tiêu từ 2,2-4,6%. Chavixin là một chất lỏng sền sệt, có vị cay hắc, làm cho hồ tiêu có vị cay nóng, tan trong ethanol, ether, chất béo, đặc ở 0°C. Vì Chavixin tập trung ở phía ngoài vỏ cho nên hồ tiêu, sọ ít hắc hơn hồ tiêu đen. Chavixin là đồng phân quang học CH3a piperin. Thuỷ phân sẽ cho piperidin và axit chvinic C12H10O4.

Ngoài tinh dầu và ancaloit ra, trong hồ tiêu còn 8% chất béo, 36% tinh bột và 4,5% độ tro

Tác dụng dược lý:

Dùng Hồ tiêu liều nhỏ tăng dịch vị, dịch tuỵ, hồ tiêu kích thích tiêu hoá, làm ăn ngon cơm, nhưng liều lớn kích thích niêm mạc dạ dày gây sung huyết và viêm cục bộ, gây sốt, viêm đường tiểu tiện, đi đái ra máu.

Quả hồ tiêu và đặc biệt thành phần oleoresin có tác dụng kháng khuẩn và kháng nấm. Với nồng độ 0, 1 %, oleoresin ức chế sự phát triển của tụ cầu khuẩn vàng và nấm Aspergillus đổi màu. Cao cồn hồ tiêu ức chế tụ cầu khuẩn vàng và trực khuẩn coli. Cao nước hồ tiêu không có tác dụng kháng khuẩn, có lẽ do chứa rất ít oleoresin.

Cao hồ tiêu với nồng độ 0,1% hoặc ít hơn làm giảm hoạt tính thực bào của bạch cầu.

Cao hồ tiêu làm tăng quá trình đông máu trong ống nghiệm. Nó rút ngắn thời gian máu đông, do làm tăng nhanh sự hoạt hóa thrombin và làm giảm tỷ lệ heparin trong hệ thống đông máu.

Hồ tiêu dùng liều nhỏ tăng tiết dịch vị, dịch tụy, kích thích tiêu hóa, tăng nhu động ruột, làm ăn ngon và tống hơi trong ruột ra ngoài. Liều lớn kích thích niêm mạc dạ dày, có thể dẫn đến sung huyết và viêm cục bộ, gây sốt, viêm đường tiểu tiện, tiểu tiện ra máu. Hồ tiêu kích thích niêm mạc hô hấp, gây hắt hơi.

Piperin và piperidin độc ở liều cao. Piperidin gây tăng huyết áp, làm tê liệt hô hấp và một số đầu dây thần kinh (liều 50 mg/kg thể trọng). Piperin tiêm bắp cho thỏ và chuột bạch, hoặc cho hít hơi với liều cao, lúc đầu có tác dụng kích thích, hơi thở nhanh lên, sau một thời gian ngắn, chân sau tê liệt rồi mê hoàn toàn, co quắp rồi chết do ngừng hô hấp. Khi giải phẫu thấy ở các phủ tạng có hiện tượng xuất huyết.

Hồ tiêu có tác dụng diệt ký sinh trùng. Mùi hồ tiêu đuổi các sâu bọ, do đó được dùng để bảo vệ quần áo len khỏi bị nhậy cắn. Hồ tiêu có tác dụng hạ đường huyết nhẹ trên thỏ có mức đường huyết bình thường hoặc đã được gây tăng bởi glucose. Cao chiết thô quả hồ tiêu có độc tính tương đối cao do tác dụng hiệp đồng của các amid chứa trong hồ tiêu. Chất pipericid thô chiết từ hồ tiêu diệt các sâu bọ làm hại trong nông nghiệp và trong nhà. Hồ tiêu có tác dụng trên chức năng men tiểu thể gan và làm giảm độc tính của strychnin ở chuột nhắt. Tinh dầu hồ tiêu có tác dụng gây giãn cơ trơn khí quản và tăng nhu động cơ trơn hồi tràng. Một công thức thuốc y học cổ truyền Ấn Độ gồm 12 vị trong có hồ tiêu được thử nghiệm về hiệu lực kiềm chế chứng nghiện rượu ở chuột cống trắng, ở những chuột được điều trị với thuốc trên và cho uống tùy ý cồn ethylic 15%, đã thể hiện giảm rõ rệt lượng rượu chuột tự ý uống. Các thủ nghiệm đơn giản cho thấy hoạt động thần kinh được cải thiện và đã ghi nhận sự đảo ngược những biến đổi gây bởi cồn ethylic trong điện não đồ và điện tâm đồ chuột. Thuốc có vẻ như đã sửa chữa những biến đổi về mỡ trong gan và những dấu hiệu về chảy máu, hủy myelin và phù gian bào ở tầng xốp quan sát thấy ở não chuột được nuôi ăn thức ăn chứa cồn ethylic. Piperin có tác dụng làm tăng hiệu lực sinh học của các thuốc. Cơ chế của tác dụng này là do tác động đối với những phản ứng men trong quá trình chuyển hóa của thuốc, thực hiện trong ống nghiệm và trên cơ thể động vật. Nó ức chế mạnh sự hydroxyl - hóa các hydrocarbon thơm, sự khử N - methyl của ethylmorphin, và sự khử o - ethyl của 7 - ethoxycoumarin. Nổ cũng ức chế mạnh sự glucuronid hóa.

Piperin còn ức chế hoạt tính các men monooxygenase gan chuột cống trắng và glucuronyltransferase. Nó gây ức chế sự glucuronid - hóa ở những tế bào biểu mô cô lập của ruột non chuột lang. Piperin gây giảm mức acid glucuronic nội sinh với nồng độ thấp hơn nhiều so với D - galactosamin.

Piperin và piperidin độc ở liều cao, piperidin tăng huyết áp, làm tê liệu hô hấp và một số đầu dây thần kinh (50mg/kg thể trọng) piperin tiêm bắp thịt cho thỏ và chuột bạch hoặc cho hít hơi với liều cao thì thấy sau một thời gian kích thích ngắn có hiện tượng hơi thở nhanh hơn, chân sau tê liệu rồi mê hoàn toàn, co quắp ngủ gà ngủ gật rồi chết do ngừng thở. Khi giải phẫu sẽ thấy hiện tượng các phủ tạng đều xuất huyết.

Hồ tiêu còn có tác dụng sát trùng, diệt ký sinh trùng, gây hắt hơi. Mùi hồ tiêu đuổi các sâu bọ, do đó hồ tiêu được dùng bảo vệ quần áo len khỏi bị nhậy cắn.

Tính vị: vị cay, tính rất nóng.

Quy kinh: Tỳ, vị, phế và đại tràng

Công năng: Ôn trung, tán hàn, hạ khí, tiêu đàm.

Công dụng: Chữa đau bụng lạnh, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, chán ăn, động kinh do hàn, đờm nhiều, kích thích tiêu hoá. Làm gia vị thực phẩm.

Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 2-4g, dạng thuốc sắc, bột hay viên. 

Bài thuốc:

1. Chữa phong thấp: Tiêu, Hồi, Phèn chua, đều bằng nhau. Tán nhỏ xoa bóp vào chỗ đau. 

2. Chữa bệnh thổ tả (miệng nôn trôn tháo): dùng 49 hạt hồ tiêu, 150 hạt đậu xanh, cả hai nghiền bột, trộn đều. Mỗi lần uống 3g với nước canh đu đủ.

3. Chữa nấc và ợ hơi: Tiêu sao và tán nhỏ, viên với hồ, uống với giấm. 

4. Chữa ho lâu không khỏi: Tiêu 6 hạt tán nhỏ, quả thận lợn 1 đôi, cắt miếng. Nấu lấy nước uống. 

5. Chữa âm hộ sưng ngứa: Tiêu 9 hạt, cho vào nước nấu sôi, để ấm mà rửa. 

6. Chữa đi lỏng, ăn uống không tiêu: Tiêu, Bán hạ chế, hai vị lượng bằng nhau, tán nhỏ, làm viên to bằng hạt đậu. Ngày dùng 15-20 viên, dùng nước Gừng chiêu thuốc. 

7. Chữa lang ben: Lá tiêu giã nhỏ trộn với giấm hoặc rượu, bọc vải xát. 

8. Chữa tràng nhạc đã hoặc chưa vỡ: Lá Tiêu giã nát, thêm ít muối và đắp. 

9. Cấp cứu dịch tả (ở An Giang), dùng trị bệnh dịch tả, trên mửa, dưới ỉa, khát nước, người mê mệt, lăn lộn: Đậu xanh (để cả vỏ) 5 chỉ, Tiêu sọ 5 chỉ, bột cà phê 2 chỉ và Gừng sống 5 chỉ. Các vị hiệp chung, quết cho nhừ, chế nước sôi vào nhồi cho đều, lược lấy nước cho bệnh nhân uống mỗi lần 1 muỗng canh. Cách 1 giờ đồng hồ uống 1 lần, uống nhiều lần trong ngày.

10. Chữa chứng ngũ tạng phong hàn, nôn ói (bị lạnh bụng gây nôn ói): dùng hạt tiêu 30g ngâm trong 1 lít rượu. Trước khi ăn uống 1-2 ly nhỏ ( 5-10 thìa cà phê).

11. Chữa buồn nôn không ăn được: hạt tiêu 15g, bán hạ 15g. Hai thứ nghiền thành bột, giã gừng cho thêm ít nước vắt lấy nước gừng hòa vào 2 loại bột trên rồi viên to bằng hạt đậu nành. Mỗi lần uống 20-30 viên với nước gừng loãng.

- Nếu nôn nhiều ngày không dứt dùng 1g bột hạt tiêu, 30g gừng sống thái lát sấy khô, nghiền thành bột. Hai thứ trộn đều cho vào 200ml nước, sắc còn 100ml, chia uống 3 lần trong ngày lúc còn ấm.

12. Chữa thương hàn, ho ngược lên, khí lạnh nhiễm vào dạ dày: hạt tiêu 30 hạt đập dập, xạ hương 2g, rượu 200ml. Sắc còn 100ml. Uống nóng.

13. Chữa đau dạ dày: táo tàu 7 trái bỏ hạt, 7 hạt tiêu sọ cho vào ruột táo tàu, buộc lại đem chưng cách thủy cho nhừ rồi nghiền nát, viên bằng hạt đậu xanh.Mỗi lần uống 7 viên với nước ấm. Nếu thấy dạ dày nóng và đói thì ăn cháo.

Lưu ý: Không nên dùng nhiều vì sẽ phát mụn nhọt, độc cho ngũ tạng và mờ mắt. Những người âm suy có hỏa nhiệt thì cấm dùng. Khi có hiện tượng phản ứng không tốt do ăn nhiều thì nấu đậu xanh ăn để giải độc.

Kiêng kỵ: Âm hư hoả vượng, không nên dùng.

Chú ý: Quả chín phơi khô, xát bỏ vỏ ngoài của cây Hồ tiêu gọi là Bạch hồ tiêu (Fructus Piperis album).

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 2004

- theplanlist.org

- efloras.org