HOÀNG LIÊN
HOÀNG LIÊN (黄连)
Rhizoma Coptidis
Tên khác:
Hoàng liên chân gà, xuyên liên, phàng lình (H'Mông).
Tên khoa học:
Coptis chinensis Franch., họ Hoàng liên (Ranunculaceae).
Tên đồng nghĩa:
Coptis chinensis var. angustiloba W.Y.Kong; Coptis chinensis var. chinensis; Coptis teetavar. chinensis (Franch.) Finet & Gagnep.
Mô tả:
Cây:
Cây thảo sống nhiều năm, cao tới 40cm; thân rễ phình thành củ dài, đôi khi phân nhánh có đốt ngắn. Lá mọc thẳng từ thân rễ, có phiến hình 5 góc, thường gồm ba lá chét; lá chét giữa có cuống dài hơn, chia thuỳ dạng lông chim không đều; các lá chét bên hình tam giác lệch chia hai thuỳ sâu, có khi rời hẳn; cuống lá dài 8-18cm. Cụm hoa ít hoa; hoa nhỏ màu vàng lục; 5 lá đài hẹp, dạng cánh hoa; 5 cánh hoa nhỏ hơn lá đài; nhị nhiều, khoảng 20; lá noãn 8-12, rời nhau cho ra những quả đại dài 6-8mm, trên cuống dài. Mùa hoa tháng 2-4, mùa quả tháng 3-6.
Dược liệu:
Thân rễ là những mẩu cong queo, dài 3 cm trở lên, đường kính 0,2 – 0,8 cm, có nhiều đốt khúc khuỷu và phân nhiều nhánh. Mặt ngoài màu vàng nâu hay vàng xám, mang vết tích của rễ con và cuống lá. Chất cứng rắn, vết bẻ ngang không phẳng, phần gỗ màu vàng tươi, tia ruột có chỗ rách, phần vỏ và ruột màu vàng đỏ, cũng có khi rỗng. Không mùi, vị rất đắng và tồn tại lâu.
Bộ phận dùng:
Thân rễ đã phơi hay sấy khô của cây Hoàng liên chân gà (Coptis teeta Wall.) và một số loài Hoàng liên khác (Coptis teetoides C.Y.Cheng., Coptis chinensis Fronclo.)
Phân bố, sinh thái:
Cây mọc hoang ở độ cao 1300-1400m ở Quản Bạ tỉnh Hà Giang và trên 1.500m ở Sapa tỉnh Lào Cai, trong rừng kín thường xanh. Vị thuốc chủ yếu còn phải nhập.
Coptis chinensis Franch. ở Sa Pa (Lào Cai); Quản Bạ (Hà Giang). Cây đã được trồng nhiều ở Trung Quốc.
Cây thuộc loại thảo ưa ẩm và đặc biệt ưa bóng, thường mọc thành đám trên vách đá hoặc trên thân các cây gổ có nhiều rêu ở vùng núi cao từ 1600 đến 2200 m. Rừng ở đây luôn ẩm, quanh năm có mây mù; nhiệt độ trung bình khoảng 13 - 14°C.
Hoàng liên ra hoa quả hàng năm. Lượng hạt giống ở mỗi cây không nhiều. Khi chín, quả tự mở để hạt phát tán ngay xung quanh gốc của cây. Tái sinh tự nhiên chủ yếu bằng hạt. Ngoài ra, từ thân rễ, cũng có thể mọc ra các chồi nhỏ, sau tạo thành khóm gồm nhiều thân.
Hoàng liên là loại cây ihuôc diện quý hiếm, đã được đưa vào Sách Đỏ thế giới của lUCN vào năm 1980, Sách Đỏ Ấn Độ, 1980 và Sách Đỏ Việt Nam, 1996. Cây đã bị khai thác nhiều năm, hiện nay đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng . Ở Trung Quốc, việc bảo vệ hoàng liên tỏ ra rất hiệu quả. Dược liệu được sử dụng trong nước và xuất khẩu là do khâu trồng trọt. Trong khi đó, ở Việt Nam việc làm này không hề ngăn chặn được nạn khai thác bừa bãi làm suy thoái môi trường sống của hoàng liên. Cần có các biện pháp quản lý và bảo tồn mạnh mẽ hơn.
Thu hái, sơ chế:
Thu hoạch Hoàng liên vào mùa đông (tháng 11-12), lấy rễ củ làm dược liệu. Đào rễ, rửa sạch đất cát, cắt bỏ rễ và gốc thân, phơi hay sấy khô. Khi dùng rửa sạch, ủ đến mềm, rồi thái mỏng, phơi trong râm cho khô để dùng sống hoặc tẩm rượu sao qua để dùng.
Bào chế:
Rễ hoàng liên khô đem rửa cho sạch bụi bẩn, ủ một lục cho mềm rồi xắt thành những lát mỏng. Bỏ vào bóng râm cho khô lại rồi dùng sống hoặc sao qua với rượu trước khi dùng trong bài thuốc.
Bảo quản:
Bảo quản dược liệu hoàng liên nơi khô, mát, tránh để nơi ẩm ướt.
Thành phần hoá học:
Trong thân rễ alcaloid (7%), chủ yếu là berberin ngoài ra có coptisin, palmatin, jatrorrhizin và magnoflorin worenin, columbamin và có alcaloid có nhân phenol và alcaloid không có nhân phenol.
Ngoài ra, còn obacunon, obaculacton, acid ferulic, acid lomicaeruleic và các chất vô cơ như Cu, Mn, Zn, Se...
Tác dụng dược lý:
+ Tác dụng kháng khuẩn:
Hoàng liên và 1 trong các hoạt chất của nó là berberine, có phổ kháng khuẩn rộng trong thí nghiệm. Có tác dụng ức chế mạnh đối với Streptococcus pneumoniae, Neisseria meningitidis và Staphylococcus aureus. Thuốc có tác dụng ức chế mạnh đối với khuẩn gây lỵ nhất là Shigella dysenteriae và S. flexneri. Thuốc có hiệu quả hơn thuốc Sulfa nhưng kém hơn Streptomicine hoặc Chloramphenicol. Thuốc không có tác dụng đối với Shigella sonnei, Pseudomonas aeruginosa và Salmonella paratyphi. Nước sắc Hoàng liên có hiệu quả đối với 1 số vi khuẩn phát triển mà kháng với Streptomicin, Chloramphenicol và Oxytetracyclin hydrochlorid. Nhiều báo cáo khác cho thấy độ hiệu quả khác biệt của Hoàng liên đối với vi trùng lao, nhưng không có tác dụng giống như thuốc INH. Hoạt chất kháng khuẩn của Hoàng liên thường được coi là do Berberine. Khi sao lên thì lượng Berberine kháng khuẩn thấp đi (Chinese Herbal Medicine).
+ Tác dụng kháng Virus:
Thí nghiệm trên phôi gà chứng minh rằng Hoàng liên có tác dụng đối với nhiều loại virus cúm khác nhau và virus Newcastle (Chinese Herbal Medicine).
+ Tác dụng chống nấm:
Trong thí nghiệm, nước sắc Hoàng liên có tác dụng ức chế nhiều loại nấm. Nước sắc Hoàng liên và berberine tương đối có tác dụng mạnh diệt Leptospira (Chinese Herbal Medicine).
+ Tác dụng kháng đơn bào:
Berberin trên ống kính với nồng độ 1:5000 và trên cheột nhắt trắng đã gây nMễm amib với liều 50 mg/kg bằng đường uốEg có tác dụng ức chế sự sinh trưởng của amib. Đối với ký sinh trùng sốt rét, hoàng liên không có tác dụng nhưng lại có tác dụng đối với lieishmania.
Berberin còn có tác dụng diệt Typanosoma brucei rhodesỉense với nồng độ ức chế 50% - IC50 0,4mg/ml.
+ Tác dụng chống ung thư:
Sulfat berberin với nồng độ 50 fig/ml và chlorid berberin với nồng độ 25 Ịig/nil có tác dụng ức chế sự phát triển của tế bào u báng Ehrich và tế bào lymphoma. Nồng độ có hiệu lực độc tế bào 50% ED50 đối với tế bào Hela là 3,5 – 30mg/ml và đối với íế bào ung thư KB thì berberin với nồng độ 1 µg/ml có thể ức chế 70% quá trình tổng hợp protein. Đem berberin ủ với tế bào S-180 (Swiss mouse ascites sarcoma) trên ống kính thì ức chế sự hình thành DNA, RNA, protein cũng như, quá trình oxy hóa glucosa thành CO2. Quá trình tổng hợp protein và RNA nhạy cảm nhất đối với berberin.
+ Tác dụng chống ho gà:
Kết quả nhiều nghiên cứu về tác dụng của Hoàng liên đối với ho gà có khác nhau. Một nghiên cứu cho thấy trong thí nghiệm tập trung Hoàng liên ức chế sự phát triển của Hemophilus pertussis cao hơn Streptomycine hoặc Chloramphenicol, ít nhất là thuốc có tác dụng lâm sàng.tuy nhiên, nghiên cứu khác trên heo Hà Lan, cho uống Hoàng liên thì lại không làm giảm tỉ lệ tử vong (Chinese Herbal Medicine).
+ Tác dụng hạ áp:
Chích hoặc uống dịch chiết Berberine cho mèo, chó và thỏ đã được gây mê và chuột không gây mê thấy huyết áp giảm. Liều lượng bình thường, hiệu quả không kéo dài, liều lập lại cho kết quả không cao hơn. Hiệu quả này xẩy ra dù tác dụng trợ tim ảnh hưởng đến lượng máu tim gây nên bởi liều thuốc này. Huyết áp giảm dường như liên hệ với việc tăng dãn mạch, cũng như có sự gia tăng đồng bộ ở lách, thận và tay chân (Chinese Herbal Medicine).
+ Tác dụng chống loét đường tiêu hóa:
Dịch chiết bằng methanol và alcaloid chiết từ hoàng liên trên chuột cống trắng bằng đường uống có tác dụng ức chế nhẹ loét dạ dàỵ thực nghiệm gây nên do stress; còn berberin bằng đường tiêm dưới da trên chuột cống trắng có tác dụng ức chế sự hình thành loét và hiện tượng chảy máu dạ dày trong mô hình gây loét do thắt môn vị.
+ Tác dụng phòng ngừa xơ vữa động mạch:
Trên thỏ thí nghiệm được nuôi bằng chế độ ăn uống có hàm lượng cholesterol khá cao, dịch chiết nước từ hoàng liên dùng bằng đường uống có tác dụng làm cho tỷ ỉệ cholesterol/iipid toàĩi phần trở về vị trí bình thường. Sulfat berberin trên thỏ thí nghiệm dùng bằng đường uống hoặc tiêm bắp thịt có tác dụng hạ cholesterol máu.
+ Tác dụng nội tiết:
Berberine cũng có tác dụng kháng Adrenaline. Thí dụ: đang khi Berberine làm hạ áp thì phản xạ tăng – hạ của Adrenalin giảm rất nhiều nhưng phụ hồi lại nhanh. Berberine cũng dung hòa sự rối loạn của Adrenaline và các hợp chất liên hệ (Chinese Herbal Medicine).
+ Tác dụng đối với hệ mật:
Berberine có tác dụng lợi mật và có thể làm tăng việc tạo nên mật cũng như làm giảm độ dính của mật. Dùng Bebẻrine rất hiệu quả đối với những bệnh nhân viêm mật mạn tính (Chinese Herbal Medicine).
+ Tác dụng đối với hệ thần kinh trung ương:
Berberine dùng liều nhỏ có tác dụng kích thích vỏ não, trong khi đó, liều lớn lại tăng sự ức chế hoạt động của vỏ não (Chinese Herbal Medicine).
+ Tác dụng kháng viêm:
Lịch sử nghiên cứu chất Granulomas gây ra bởi dầu cotton trên chuột nhắt cho thấy chất Berberine làm gia tăng đáp ứng kháng viêm của thể. Chất Ethanol chiết xuất của Hoàng liên có tác dụng kháng viêm khi cho vào tại chỗ, nó làm cho chất Granulomas co lại. Hiệu quả này giống như tác dụng của thuốc Butazolidin (Chinese Herbal Medicine).
+ Các tác dụng khác:
Berberin thí nghiệm trên mèo bằng đường tiêm phúc mạc có tác dụng an thần, tăng cường thời gian gây ngủ của pentobarbital, nhưng không có tác dụng kháng co giật, giảm đau. Berberin hạ thấp thân nhiệt và hoạt động tự nhiên của súc vật thí nghiệm, thuốc còn có tác dụng gây tê cục bộ. Thí nghiệm trên ống kính (in vitro), sulfat berberin giảm tác dụng chống đông máu của heparin đối với máu chó và máu người. Dạng chiết nước từ hoàng liên, thí nghiệm trên chuột nhắt trắng có tác dụng hạ đường huyết. Berberin thí nghiệm trên chuột bình thường và chuột bị bệnh đái đường do alloxan gây nên đều có tác dụng hạ đường huyết. Trên chuột nhắt trắng, berberin cũng có tác dụng đối kháng với hiện tượng tăng đường huyết do tiêm glucose hoặc adrenalin gây nên. Thí nghiệm trên ống kính, berberin có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu thỏ.
+ Độc tính:
Trên chuột cống trắng bằng đường uống, sulfat berberin có LD50 = 1000 mg/kg, và bằng đường tiêm phúc mạc là 90 mg/kg. Nghiên cứu về tổ chức học cho thấy berberin không gây nên những thay đổi đáng kể về tổ chức học của các cơ quan trong cơ thể cả khi dùng sulfat berberin với liều lớn (50 mg/kg) trong 6 tuần lễ liên tục. Berberin dạng tiêm có thể gây dị ứng.
Nghiên cứu về chuyển hóa cho thấy berberin dùng bằng đường uống hấp thu chậm và không hoàn toàn, sau 8 giờ đạt mức tối đa. Sau khi hấp thu vào máu, thuốc được phân phối nhanh chóng vào các tổ chức tim, gan, thận; nồng độ berberin trong máu thấp khó đạt tới nồng độ có tác dụng ức chế vi khuẩn. Do đó, berberin dùng bằng đường uống chủ yếu là để chữa các bệnh đường ruột.
- Sản phẩm hydro hóa của berberin là tetrahydroberberin có tác dụng an thần, ức chế hoạt động tự nhiên của súc vật thí nghiệm, và giãn cơ, gây hạ huyết áp nhẹ. Thuốc dùng lâu ngày không có hiện tượng tích luỹ. Trên chuột nhắt trắng, tetrahydroberberin có LD50 bằng đường uống, tiêm dưới da và liêm tĩnh mạch là 940,790 và 100 mg/kg.
Tính vị:
Vị đắng, tính hàn
Quy kinh:
Tâm, Can, Tỳ, Đởm, Phế vị, Đại trường, Túc Thiếu âm Thận
Công năng:
Thanh nhiệt táo thấp, thanh tâm, trừ phiền, thanh can sáng mắt, tả hỏa, giải độc
Công dụng:
- Chữa lỵ, viêm ruột, ung nhọt, lở ngứa, miệng lưỡi lở, thổ huyết, chảy máu cam, trĩ.
- Dịch chiết Hoàng liên nhỏ vào mắt chữa đau mắt đỏ.
Cách dùng, liều lượng:
2 - 12g một ngày, dạng thuốc sắc, cao lỏng.
Bài thuốc:
1. Kích thích tiêu hoá: Bột Hoàng liên 0,5g, bột Đại hoàng 1g, bột Quế chi 0,75g. Các vị trộn đều, chia ba lần uống trong ngày.
2. Chữa sốt cao mê sảng, cuồng loạn, sốt phát ban hoặc điên cuồng phá phách: Hoàng liên, Đại hoàng, Chi tử, mỗi vị 8g, sắc uống.
3. Chữa lỵ: Hoàng liên tán nhỏ 12g, uống mỗi lần 2g; ngày uống 2 lần. Có thể phối hợp với Mộc hương làm bột uống, hoặc phối hợp với Bạch đầu ông, Hoàng bá sắc nước uống.
4. Chữa đau mắt đỏ, sưng húp, sợ chói, chảy nước mắt, viêm màng tiếp hợp mắt: Hoàng liên, Dành dành, Hoa cúc, mỗi vị 8g, Bạc hà, Xuyên khung mỗi vị 4g, sắc lên xông hơi vào mắt, và uống lúc thuốc còn ấm, ngày 3 lần. Hoặc dùng dung dịch Hoàng liên 5-30% làm thuốc nhỏ mắt.
5. Chữa trẻ em tưa lưỡi, sưng lưỡi, viêm miệng, lở môi: Hoàng liên mài hoặc sắc với mật ong bôi vào hay cho ngậm.
6. Chữa nổi mề đay, chàm da: 12g hoàng liên, 12g ngưu bàng tử, 12g hoàng bá, 12g khổ sâm, 12g mộc thông, 4g bạc hà, 16g sinh địa, 8g bạch tiễn bì, 16g mã đề, 8g phục linh, 8g thương truật. Sắc thuốc chia 3 lần uống, mỗi ngày 1 thang. Dùng cho các trường hợp bị nổi mề đay, chàm da
7. Chữa lở loét do tích tụ nhiệt độc trong cơ thể: Dùng bài thuốc Hoàng Liên Giải Độc Thang với các thành phần 8g hoàng liên, 8g đỗ phụ, 8g hoàng bá, 12g mộc ban (chi tử). Sắc kỹ gạn lấy nước uống 2 lần trong ngày.
8. Chữa chứng kinh tâm thực nhiệt: Dùng Tả Tâm Thang: Lấy 28g hoàng liên sắc với 2 chén nước cho cạn còn 1 nửa. Uống khi thuốc còn ấm để đạt hiệu quả tốt hơn.
9. Chữa nhiệt miệng, lở miệng: Nấu hoàng liên, cam thảo và ngũ vị tử lấy nước đặc ngậm trong miệng vài lần mỗi ngày cho đến khi hết lở miệng
10. Chữa lo âu, đầu óc phiền muộn, hay hồi hợp, hoảng sợ, nóng phần thân trên: Áp dụng bài thuốc Hoàng liên An Thần Hoàn: Lấy 20g hoàng liên, 16g xích đan, 10g cam thảo, tán bột mịn. Đun nóng một ít rượu trắng rồi trộn đều với bột thuốc, làm hoàn to cỡ hạt đậu xanh. Ngày uống 10 viên.
11. Chữa kiết lỵ, tiêu chảy: Lấy 12g hoàng liên tán bột, trộn chung với mật ong vo thành viên nhỏ cỡ 2g. Mỗi lần uống 1 viên x 2 lần/ ngày kết hợp lấy hoàng liên, mộc hương, hoàng bá và bạch đầu ông sắc uống.
12. Chữa tâm phiền mất ngủ, ngủ hay mê sảng, lưng đau gối mỏi, ra mồ hôi trộm (tâm thận bất giao): Dùng bài Giao Thái Hoàn: Kết hợp 20g hoàng liên với 2g vỏ quế khô cạo sạch biểu bì (nhục quế tâm). Tán cả hai thành bột mịn rồi trộn chung với lượng mật vừa đủ, vo viên hoàn. Uống bằng nước muối nhạt khi đói bụng.
13. Chữa bệnh sởi đã nổi phát ban ra ngoài da nhưng vẫn bứt rứt khó chịu: Dùng hoàng liên và cây xích sanh mộc kết hợp với bài thuốc Tam Hoàng Thạch Cao Thang sắc uống
14. Chữa đổ mồ hôi trộm về đêm: Dùng hoàng liên, hoàng bá, hoàng cầm mỗi vị 8-12g, hoàng kỳ 16-24g, đương quy, thục địa, sinh địa mỗi vị 12g, thêm táo nhân và long nhãn vào sắc uống.
15. Chữa sưng đau mắt, đỏ mắt do phong nhiệt công lên: Dùng hoàng liên, thục địa, cam cúc hoa, hoa kinh giới, mút cam thảo, giả mạc gia, trúc diệp sài hồ, xác ve sầu, mộc thông. Tất cả sắc uống ngày 1 thang.
16. Chữa bệnh quáng gà, mắt kéo màng, mộng mắt, nhìn mờ: 40g hoàng liên, 1 cái gân dê đực. Hoàng liên tán bột, gân dê quết nhuyễn. Cả hai trộn chung vo thành những viên nhỏ kích thước cỡ hạt ngọ. Liều dùng mỗi ngày 21 viên, dùng nước tương nóng để uống thuốc. Kiêng thịt lợn trong thời gian điều trị.
17. Chữa ói ra dịch có vị chua, sườn trái đau: Dùng bài Tả Kim Hoàn: Kết hợp hoàng liên và ngô thù du theo tỷ lệ 6:1. Tán bột, trộn chung làm hoàn, trọng lượng mỗi viên khoảng 4g. Mỗi lần uống 1 viên x 2 lần/ngày. Pha với nước nóng uống hoặc nuốt cả viên.
18. Chữa các chứng đới hạ, ra mủ có lẫn máu: Hoàng liên, bạch thược, liên tử, đậu ván trắng, thăng ma, tịch lãnh, cam thảo, hồng khúc. Sắc uống
19. Chữa cam nhiệt cho trẻ em: Hoàng liên, nha đam, ngũ cốc trùng, bột chàm, bạch vô di, hoa phù dung, bạch cẩn hoa. Sắc uống.
20. Chữa bệnh trĩ ngoại
Bài 1: Trộn bột hoàng liên với bột xích tiểu đậu bôi trực tiếp vào búi trĩ có tác dụng tiêu sưng, giảm đau và cải thiện các triệu chứng khác của bệnh trĩ ngoại.
Bài 2: Dùng hoàng liên, trạch tả, hoàng bá và xích thược mỗi vị 12g, sinh địa 16g, đào nhân 8g, vân quy 8g, đại hoàng 8g. Sắc thuốc uống 3 lần trong ngày.
21. Chữa tiêu lỏng nhiều lần trong ngày sau khi lên sởi: Hoàng liên, củ sắn dây, cam thảo, châu ma, bạch thược. Sắc thuốc lấy nước đặc uống.
22. Chữa tiêu khát, đi tiểu nhiều lần: Sắc hoàng liên, mạch môn đông và ngũ mai tử lấy nước chia 3 phần đều nhau uống hết trong ngày
23. Chữa chứng nga khẩu sang: Kết hợp 8g hoàng liên và 1 chỉ thạch xương bồ. Sắc thuốc với 3 bát nước lấy 1 bát uống khi còn ấm
24. Chữa sốt cao do nhiễm lỵ cấp tinh, đi cầu ra máu mủ: 4g hoàng liên, 12g nghiệt bì, 12g bạch đầu ông, 12g bạch lạc, 12g cát căn, 8g mộc hương. Sắc uống 1 thang mỗi ngày.
25. Chữa lỵ trực khuẩn, viêm ruột: Dùng bài thuốc Hương liên hoàn chứa các thành phần gồm 80g hoàng liên và 20g mộc hương, tán thành bột mịn và vo thành nhiều viên nhỏ. Mỗi ngày 3 lần lấy 2-8g uống với nước đun sôi để nguội.
26. Chữa sưng mắt, đau mắt đỏ, giảm thịt lực, chảy nước mắt khi ra gió, thấp nhiệt uất tích
Bài 1: Cắt vụn 4g hoàng liên đem ngâm với sữa mẹ. Lấy nước điểm vào mắt đều đặn mỗi ngày 2-3 lần cho đến khi khỏi.
Bài 2: Dùng hoàng liên, hoàng cầm, hoàng bá mỗi vị 8g, thiên hoa phấn, chi tử, cúc hoa, liên kiều mỗi vị 12g, xuyên khung, bạc hà mỗi vị 4g. Tất cả sắc chung lấy nước uống
27. Chữa bồn nôn, nôn ói khi mang thai, nôn mửa do vị nhiệt: Hoàng liên và tô diệp mỗi vị 7 phân. Sắc kỹ lấy nước chia 2 lần uống. Mỗi ngày 1 thang.
28. Chữa xích đới, đau bụng: Hết hợp hoàng liên với thương xác, hoa hòe, mạt dược. Sắc một thang chia 3 lần uống trong ngày.
29. Chữa ốm nghén cho bà bầu: Hoàng liên 4g, trần bì 6g, trúc nhự 8g, tô diệp 4g, bán hạ chế 6g. Sắc thuốc chung với 1 lít nước đến khi cạn còn 1/3. Uống 2 – 3 lần trong ngày cho hết.
30. Hoàng liên trị bỏng: Nhanh chóng chườm đá hoặc xối nước lạnh vào khu vực bị bỏng. Sau đó lấy kim ngân hoa, hoàng liên, địa hoàng, mạch môn, hoàng thỏa dẹt mỗi vị 16g, chi tử 8g, vỏ mộc hồ điệp 12g tán thành bột, sắc với 1 lít nước trong 20 phút. Chia uống 3 lần.
31. Chữa viêm màng mắt, đau mắt đỏ: 8g hoàng liên, 8g chi tử (dành dành), 8g cúc hoa, 4g xuyên khung và 4g bạc hà. Rửa sạch tất cả, đem nấu xôi khoảng 5 phút. Dùng nước này xông mắt, khi nước nguội lấy uống làm 3 lần.
32. Điều trị bệnh giun chui ống mật:12g hoàng liên, 12g nghiệt bì, 12g đảng sâm, 12g vân quy, 8g quế chi, 8g hoàng liệt, 8g can khương, 2g tế tân, 5 quả ô mai. Sắc thuốc với 1 lít nước chia 3 phần uống trong ngày.
33. Chữa nôn ói ra máu, chảy máu cam do tà hỏa nung nấu trong cơ thể: Dùng bài thuốc Tả Tâm Thang: Kết hợp 8g hoàng liên với 12g đỗ phụ và 16g đại hoàng. Sắc lấy nước đặc uống (Theo sách Thương Hàn Luận )
34. Cải thiện chức năng tiêu hóa, giúp ăn uống ngon miệng: Dùng 1/2g hoàng liên, 0,75g quế chi, 1g đại hoàng. Tán thuốc thành bột mịn, trộn với mật ong hoặc hồ giấm làm hoàn, chia uống 3 lần.
35. Chữa tư âm, môi lưỡi khô, sốt kéo dài có biểu hiện nóng ở ngực, bứt rứt khó ngủ: Dùng bài Hoàng Liên A Giao Thang: Chuẩn bị thành phần gồm 3,2g hoàng liên, 8g lư bì giao, 1 cái kê tử hoàng, 12g bạch thược, 8g hoàng cầm. Tất cả sắc nước uống làm 3 lần, mỗi ngày 1 thang.
36. Chữa viêm loét dạ dày tá tràng, viêm loét đại tràng: Hoàng liên, trạch tả, hạt dành dành, bối mẫu, mẫu đơn bì mỗi loại 8g, 12g bạch thược, 6g trần bì, 6g ngô thù. Sắc thuốc với 1 lít nước cho cạn còn 1/2, chia 3 lần uống.
37. Chữa sốt phát ban, sốt cao: 8g hoàng liên, 8g hỏa sâm, 8g hạt dành dành. Sắc uống
38. Điều trị bệnh viêm gan virus cấp tính: Hoàng liên, đan sâm, nguyên sâm, thăng ma, thạch hộc mỗi vị 12g, nhân trần 40g, địa hoàng 24g, sừng trâu 16g, hạt dành dành 16g, mẫu đơn bì 16g. Cứ 1 thang đem sắc với 1 lít nước chia uống 3 lần, qua hôm sau thay thang thuốc mới.
39. Chữa viêm họng, tưa lưỡi ở trẻ em: Tán hoàng liên thành bột trộn chung với mật ong làm thuốc bôi vào vị trí lưỡi bị tưa. Trường hợp bị viêm họng thì lấy ngậm trong miệng và nuốt nước từ từ.
Kiêng kỵ:
- Âm hư phiền nhiệt, tỳ hư tiết tả không nên dùng.
- Khi dùng hoàng liên nên tránh sử dụng những thứ sau: Thịt lợn, Cúc hoa, Bạch cương tàm, Huyền sâm, Ngưu tất, Nguyên hoa, Bạch tiễn bì
Ghi chú:
Ngoài Hoàng liên là thân rễ của những cây thuộc chi Coptis, người ta còn dùng các loài Hoàng liên khác như:
- Thổ hoàng liên (Thalictrum foliolosum DC.), họ Hoàng liên (Ranunculaceae), công dụng như Hoàng liên nhưng yếu hơn.
- Hoàng liên gai (Berberis wallichiana DC.), họ Hoàng liên gai (Berberidaceae), dùng thay Hoàng liên và chiết xuất berberin.
- Hoàng liên ô rô (Mahonia bealli Carr.), họ Hoàng liên gai (Berberidaceae), dùng thay Hoàng liên, Hoàng bá.
Tham khảo:
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)
- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)
- theplanlist.org
- efloras.org
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Cánh diều - Melanolepis multiglandulosa
- Công dụng của cây Sang sóc - Schima wallichii
- Công dụng của cây Tường anh - Parietaria micranta
- Công dụng của cây Bèo đất - Drosera burmannii
- Công dụng của cây Mắc cỡ tàn dù - Biophytum sensitivum
- Công dụng của cây Quả bánh mì - Artocarpus parvus
- Công dụng của cây Sồi bạc - Quercus incana
- Công dụng của cây Sang trắng - Putranjiva roxburghii
- Công dụng của Cỏ ba lá - Trifolium repens
- Công dụng của cây Trạch quạch - Adenanthera pavonina
- Công dụng của cây Sung dâu - Ficus callosa
- Công dụng của cây Neem - Azadirachta indica
- Công dụng của cây Cau đất - Tropidia curculigoides Lindl.
- Công dụng của cây Điền điển phao - Sesbania javanica
- Công dụng của cây Mâm xôi đen - Rubus fruticosus
- Công dụng của cây Xương rồng trụ - Cereus jamacaru
- Công dụng của cây Bướm đêm đa hoa - Middletonia multiflora
- Công dụng của cây Ngọc nữ lá chân vịt - Clerodendrum palmatolobatum
- Công dụng của cây Bướm bạc một hoa - Mussaenda uniflora
- Công dụng của cây Tàu muối - Vatica odorata