HOÀNG TINH HOA TRẮNG
HOÀNG TINH HOA TRẮNG (长叶竹根七)
Rhizoma Poligonati
Tên khác:
Hoàng tinh lá mọc so le, cây đót, co hán han (Thái), mằn khinh lài, nẻng lài, voòng chính (Tày), viằng trang (Dao).
Tên khoa học:
Disporopsis longifolia Craib, họ Thiên môn (Asparagaceae).
Tên đồng nghĩa:
Polygonatum laoticum Gagnep.; Polygonatum tonkinense Gagnep.
Mô tả:
Cây thảo, sống lâu năm. Thân rễ mập, mọc ngang chia thành những lóng tròn có sẹo to, lõm nom như cái chén và nhiều ngấn ngang. Thân đứng, nhẵn, cao khoảng 1m, góc thân có những đốm tía. Lá mọc so le, có phiến thon, to đến 20x4cm, mỏng; cuống ngắn 3-5mm. Hoa ở nách lá, rủ xuống, cuống hoa 1cm; bao hoa gồm 6 phiến dài 9mm, ống đài 3-4mm; nhị 6, chỉ nhị dẹp; bản tròn. Quả mọng hình cầu hơi có 3 cạnh khi chín màu tím đen. Mùa hoa tháng 3 - 5, mùa quả 6 - 8.
Bộ phận dùng:
Thân rễ (Rhizoma Polygonati)
Phân bố:
Trong nước: Lai Châu (Phong Thổ), Điện Biên, Lào Cai (Mường Khương, Bát Xát, Than Uyên, Văn Bàn), Sơn La (Mường La), Hà Giang (Quản Bạ, Bắc Mê), Cao Bằng (Quảng Hoà), Bắc Kạn (Ba Bể, Na Rì), Thái Nguyên (Tam Đảo), Lạng Sơn (Tràng Định, Bắc Sơn), Vĩnh Phúc (Tam Đảo), Hà Nội (Ba Vì), Hoà Bình (Mai Châu), Ninh Bình (Cúc Phương).
Sinh thái:
Mùa hoa tháng 3-5, quả tháng 5 - 9. Nhân giống tự nhiên bằng hạt. Cây con thường thấy xung quanh gốc cây mẹ. Phần thân mang lá lụi hàng năm vào mùa đông, chồi mới mọc từ thân rễ vào đầu mùa xuân. Thân rễ bị gãy, phần còn lại vẫn có thể tái sinh. Cây đặc biệt ưa ẩm và ưa bóng. Thường mọc thành khóm trên đất ẩm nhiều mùn hay trên các hốc đá, dưới tán rừng kín thường xanh ẩm - đặc biệt là ở rừng núi đá vôi, ở độ cao khoảng 400 - 1500 m.
Hoàng tinh hoa trắng cũng bị khai thác nhiều. Nạn phá rừng làm nương rẫy càng làm cho vùng phân bố tự nhiên của cây bị thu hẹp. Nhiều vùng rừng ở huyện Quản Bạ - Hà Giang (1969); Đà Bắc - Hoà bình (1973);... trước kia có nhiều hoàng tinh hoa trắng, nay không còn nữa. Do đó, từ năm 1966, cây cũng được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam để bảo vệ. Cây có thể trồng được bằng hạt hoặc bằng đầu mầm thân rễ, dưới tán rừng ẩm. Tuy nhiên, cây trồng phải sau 4 -5 năm mới có thể cho thu hoạch (Nguyễn Tập, 1996).
Thu hái, sơ chế:
Thu hoạch củ vào mùa thu - đông. Rửa sạch, đồ chín, phơi hoặc sấy khô. Khi dùng đun với nước mật, rồi phơi khô. Đồ và phơi như vậy 9 lần đến khi có màu đen đen như củ Thục địa là được. Nếu không nấu như trên thì vị ngứa không dùng được.
Bào chế:
Hoàng tinh: Lấy hoàng tinh sạch, ủ mềm, thái phiến dày, phơi hoặc sấy khô.
Tửu Hoàng tinh (chế rượu): Lấy Hoàng tinh sạch, trộn với rượu, cho vào thùng đậy nắp, đun trong cách thuỷ để dược liệu hút hết rượu, lấy ra cắt lát dày, phơi khô. Cứ 100 kg Hoàng tinh dùng 20 lít rượu.
Thành phần hoá học:
Chất nhầy, tinh bột, đường.
Tính vị:
Vị ngọt, tính bình.
Quy kinh:
Phế, Vị và Tỳ.
Công năng:
Kiện tỳ, nhuận phế, ích thận.
Công dụng:
Tỳ vị hư nhược, cơ thể mệt mỏi, sức yếu, miệng khô, ăn kém, phế hư ho khan, tinh huyết bất túc, nội nhiệt tiêu khát.
Cách dùng, liều lượng:
Ngày dùng 12 - 16g, dạng thuốc sắc, thuốc bột, dùng riêng hay phối hợp với các thuốc khác.
Bài thuốc:
1. Chữa các chứng hư tổn suy nhược: Hoàng tinh nấu và phơi 9 lần, nhai ăn hoặc tán bột ăn với cháo (Nam dược thần hiệu).
2. Mạnh gân xương, làm đen tóc và chữa các bệnh: Hoàng tinh, phối hợp với Thương truật, Địa cốt bì, lá Trắc bá, Thiên môn để ngâm rượu (Vệ sinh yếu quyết).
3. Thuốc bổ sinh tân dịch: Hoàng tinh 25g, Ba kích 20g, Đẳng sâm 10g, Thục địa 10 g. Tất cả thái mỏng, ngâm với một lít rượu 30 độ, thỉnh thoảng lắc đều khi dùng, pha thêm 100ml xi rô đơn. Ngày dùng 3 lần, trước 2 bữa ăn và khi đi ngủ, mỗi lần 1 chén nhỏ.
4. Chữa chứng huyết áp thấp: Chích cam thảo 10g, đảng sâm và hoàng tinh mỗi vị 30g. Sắc lấy nước uống, ngày dùng 1 thang cho đến khi khỏi bệnh.
5. Chữa chứng lipid huyết cao: Tang ký sinh, hà thủ ô và hoàng tinh liều lượng gia giảm theo từng trường hợp. Chế thành viên hạ mỡ dùng liên tục trong vòng 2 tháng.
6. Hỗ trợ chứng cận thị: Đậu đen 10 cân, hoàng tinh 90 cân và đường trắng 15 cân.
Thực hiện: Chế thành siro sao cho mỗi ml siro có 1g hoàng tinh. Mỗi lần dùng 20ml, dùng 2 lần mỗi ngày.
7. Chữa chứng suy nhược cơ thể do mắc bệnh mãn tính: Đảng sâm, kỷ tử và hoàng kỳ mỗi vị 12g, sinh địa 20g, hoàng tinh 24g. Sắc lấy nước uống, ngày dùng 1 thang cho đến khi thể trạng được hồi phục.
8. Chữa chứng phế hư táo gây ho ra máu
8.1: Bách bộ, bạch cập mỗi vị 0,5 kg và hoàng tinh 1 kg. Đem các vị thái nhỏ, phơi khô, tán bột mịn và chế với mật làm thành hoàn. Mỗi lần dùng 8g, ngày dùng 3 lần.
8.2: Bắc sa sâm 8g, hoàng tinh 20g và ý dĩ nhân 12g. Đem sắc dược liệu lấy nước uống.
9. Bài thuốc bồi bổ cho người bị ho kéo dài, sức khỏe suy yếu, lao lực: Ý dĩ 10g và hoàng tinh 15g. Sắc với 600ml còn lại 200ml, chia thành 3 lần uống và dùng hết trong ngày.
10. Chữa chứng tiểu đường, huyết áp cao gây đau lưng mỏi gói, hoa mắt, váng đầu: Câu kỷ tử và hoàng tinh 40g. Tán bột, luyện với mật làm thành hoàn. Mỗi lần dùng 12g, ngày dùng 2 lần.
11. Giảm mệt mỏi và sinh tân dịch: Thục địa 10g, ba kích 20g, củ hoàng tinh 25g và đảng sâm 10g. Đem các vị thái mỏng và ngâm với 1 lít rượu 35o. Thỉnh thoảng lắc đều để tránh tình trạng đóng cặn dưới đáy bình. Khi dùng pha thêm 100ml siro đơn. Mỗi lần dùng 1 chén nhỏ, ngày dùng 3 lần trước 2 bữa ăn và 1 lần trước khi đi ngủ.
12. Chữa chứng thiếu máu: Thục địa, hà thủ ô, rễ đinh lăng mỗi vị 10g, củ hoàng tinh 20g, tam thất 8g. Đem các vị tán thành bột mịn, mỗi ngày dùng 10g sắc lấy nước uống.
13. Chữa chứng yếu sinh lý: Cao ban long và trâu cổ mỗi vị 8g, cám nếp, kỷ tử, rễ đinh lăng, hà thủ ô, long nhãn, hoài sơn và ý dĩ mỗi vị 12g, sa nhân 6g, củ hoàng tinh 20g. Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
14. Chữa bệnh mạch vành, đau thắt ngực: Uất kim, thạch xương bồ và bá tử nhân mỗi vị 10g, sơn tra 24g, diên hồ sách 6g, côn bố và củ hoàng tinh mỗi vị 15g. Mỗi ngày dùng 1 thang, chia thành 3 lần uống. Áp dụng bài thuốc liên tục trong vòng 4 tuần.
15. Chữa đái tháo đường: Sinh địa, củ hoàng tinh và hoàng kỳ mỗi vị 20g, địa cốt bì, nhân sâm, trạch tả và hoàng liên mỗi vị 10g. Đem các vị tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 5g, ngày dùng 3 lần.
16. Chữa chứng rối loạn thần kinh thực vật: Viễn chí, xương bồ, mạch môn, bội lan, hồng hoa và cúc hoa mỗi vị 30g, táo nhân (sao), đương quy, đảng sâm và hoàng kỳ mỗi vị 60g, hà thủ ô, bạch thược, câu kỷ và sinh địa mỗi vị 90g, củ hoàng tinh 180g. Đem dược liệu ngâm với rượu trắng 6 lít trong 3-4 tuần. Mỗi lần dùng 5-10ml uống 3 lần/ ngày.
17. Chữa chứng suy nhược cơ thể, huyết hư gây di tinh, huyết trắng ra nhiều, đau đầu, hoa mắt, ra mồ hôi trộm: Đương quy, bổ cốt chí, ngưu tất và thỏ ty tử mỗi vị 12g, hà thủ ô 20g, gia thêm hoàng tinh, chích cam thảo, mẫu lệ, hoàng kỳ, bạch truật và long cốt mỗi thứ 1 ít. Tán bột mịn, luyện với mật ong làm hoàn. Mỗi lần dùng từ 8-12g uống với nước muối nhạt hoặc nước sôi nguội, ngày dùng 2 lần.
18. Chữa gan nhiễm mỡ, xơ gan, viêm gan mãn tính và chứng nhiễm độc gan: Trạch tả, uất kim, hoàng tinh, sơn dược, sinh địa, đan sâm, đảng sâm, đan sâm, bản lam căn, bạch thược và đương quy mỗi vị 10-15g, nhân trần và hoàng kỳ mỗi vị 15-30g, tần giao, thần khúc và sơn tra mỗi vị 8-12g, cam thảo 6-10g. Đem các vị tán bột làm hoàn, mỗi lần dùng 6 – 12g uống với nước ấm. Ngày dùng 2 lần (sáng và chiều trước mỗi bữa ăn). Dùng bài thuốc liên tục trong vòng 6 ngày, sau đó nghỉ 1 ngày. Liệu trình kéo dài từ 6 – 8 tuần. Sau khi kết thúc liệu trình 1, nên nghỉ 1 tuần rồi thực hiện liệu trình thứ 2.
19. Chữa chứng chàm tay chân: Tao phàn, hoàng tinh, hoắc hương và đại hoàng các vị bằng lượng nhau. Đem các vị tán thành bột mịn, sau đó ngâm với giấm trong vòng 1 tuần rồi lọc bỏ bã. Dùng nước ngâm tay chân trong vòng 30 phút, ngày thực hiện 1 lần.
20. Chữa huyết áp thấp: Đại táo 10 quả, cam thảo 6g, hoàng tinh 12g, đảng sâm 15g và nhục quế 10g. Sắc uống ngày 1 thang. Dùng từ 1 – 2 liệu trình, mỗi liệu trình kéo dài 15 ngày.
21. Chữa cao huyết áp, tai biến mạch máu não và chứng xơ cứng mạch: Linh chi, hoàng tinh, thỏ ty tử, kê huyết đằng, đỗ trọng, cẩu tích, đơn bì và thạch xương bồ, gia giảm liều lượng theo từng trường hợp. Đem các vị sắc lấy nước uống.
22. Chữa sạn đường mật: Xuyên luyện tử 10g, kim tiền thảo 30g, sao chỉ xác 10 – 15g, hoàng tinh 10g, sinh địa hoàng 6 – 10g. Để sinh địa hoàng sắc sau, đem các vị còn lại sắc trước. Ngày dùng 1 thang.
23. Giúp bồi bổ sức khỏe và tăng tuổi thọ: Bạch thược (sao rượu), bá tử nhân (sao), đơn sâm, chỉ xác (sao), đơn bì, toan táo nhân (sao), sinh địa thô (rửa rượu) mỗi vị 12g, trần bì và xuyên khung mỗi vị 6g, đương quy (sao rượu) 15g, hoàng tinh (sao chế với rượu) 9g, chi tử 9g, bạch truật (sao) 20g. Đem các vị tán thành bột mịn, sau đó luyện với mật làm thành viên nặng 2g. Ngày dùng 2 lần, mỗi lần dùng 4g uống với nước.
24. Chữa chứng thận hư yếu, kém dương sự: Đậu đen 1500g, sâm bố chính, hạt tơ hồng 200g, hoàng tinh 500g, liên tu, hoài sơn, cẩu tích, ba kích, liên nhục, tục đoạn và sừng nai mỗi vị 500g. Sừng nai đắp đất sét nung tồn tính, đậu đen sao tồn tính, ba kích tẩm muối sao vàng, các vị còn lại đem tán nhỏ. Sau đó trộn đều làm thành viên, mỗi lần dùng 8-12g, ngày dùng 2 lần.
25. Giúp giảm mất ngủ, ăn uống kém, thiếu máu xanh xao, nặng ngực và mệt mỏi: Tang ký sinh, hà thủ ô đỏ (chế), quả dâu, đỗ trọng và thỏ ty tử (sao) mỗi vị 40g, hoàng tinh chế 80g, sâm bố chính 120g, cao hổ cốt, ba kích và huyết giác mỗi vị 20g. Ngâm với 2 lít rượu trong 2 ngày đêm, sau đó đem chưng cách thủy và hạ thổ 1 tuần. Mỗi lần dùng 15-40ml uống trong bữa ăn, ngày dùng 2 lần. Khi dùng bài thuốc nên kiêng chất kích thích và đồ tanh sống.
26. Bài thuốc trị tinh thiếu, đau mỏi thắt lưng, thận hư yếu: Câu kỷ tử và hoàng tinh các vị bằng lượng nhau. Đem tán bột, luyện mật làm thành viên. Mỗi lần dùng 12g uống với nước nóng, ngày dùng 2 lần cho đến khi triệu chứng thuyên giảm.
27. Cháo sinh địa hoàng tinh trị chứng thận âm bất túc và làm thuyên giảm các triệu chứng tiền mãn kinh: Gạo lứt vừa đủ, sinh địa 30g và hoàng tinh (sao tẩm) 30g. Đem các dược liệu sắc lấy nước, sau đó cho gạo vào nấu thành cháo. Ăn cháo khi còn nóng, ngày ăn 1 lần.
28. Ngọc trúc hoàng tinh hầm tụy lợn trị chứng tiêu hóa kém, hỗ trợ chữa bệnh đái tháo đường và bệnh tim: Tụy lợn 1 bộ, hoàng tinh và ngọc trúc mỗi vị 30, gia vị vừa đủ. Rửa sạch tụy lợn, bỏ màng mỡ bên ngoài, sau đó cho vào nồi đất cùng với dược liệu, thêm gia vị, hành, gừng và 250ml nước, hầm cho nhừ. Dùng ăn khi nóng, ngày ăn 1 lần.
29. Gà hầm hoàng tinh trị chứng đại tiện táo, lưng đau gối mỏi, đại tiện táo, mất ngủ, tinh thần căng thẳng: Hoài sơn 100g, hoàng tinh 20g và gà 1 con. Sơ chế gà, chặt miếng vừa ăn, sau đó thêm hoàng tinh, sơn dược vào, gia thêm muối, tiêu, đường và đem hấp cách thủy. Cứ 2 ngày dùng 1 lần cho đến khi khỏi bệnh.
30. Thịt nạc hầm hoàng tinh trị chứng mất ngủ và ăn uống kém do tâm tỳ âm hư: Thịt nạc 200g và hoàng tinh 50g. Thịt nạc rửa sạch, thái miếng, cho vào nồi cùng với hoàng tinh, gừng rượu, gia vị và rượu. Sau đó hầm cho nhừ rồi dùng ăn khi còn nóng.
Kiêng kỵ:
Người phế vị có đờm thấp nặng, không nên dùng.
Cây dễ nhầm lẫn:
Trúc diệp sâm (Disporum calcaratum D.Don var. rubriflorum Gagnep.) cùng họ. Cây có thân rễ mảnh, thân phân nhánh; các thùy của bao hoa rời nhau; quả màu lục khi chín.
Tham khảo:
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)
- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)
- theplanlist.org
- efloras.org
- Sách đỏ Việt Nam năm 2007 - phần thực vật – trang 385.
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Chòi mòi - Antidesma ghaesembilla
- Công dụng của cây Vẹt đen - Bruguiera sexangula (Lour.) Poir.
- Công dụng của cây Vẹt trụ - Bruguiera cylindrica
- Công dụng của cây Bầu nâu - Aegle marmelos
- Công dụng của cây nghệ lá từ cô - Curcuma alismatifolia
- Công dụng của cây Dướng leo - Broussonetia kazinoki
- Công dụng của cây Cúc leo - Mikania micrantha
- Công dụng của cây Gièng gièng - Butea monosperma
- Công dụng của cây Hoàng liên gai - Berberis julianae
- Công dụng của cây Móng bò sọc - Bauhinia variegata
- Công dụng của cây Hoa chông - Barleria cristata
- Công dụng của cây Khôi nước - Baliospermum solanifolium
- Công dụng của cây Hũng hoa to - Beaumontia grandiflora
- Công dụng của cây Tam lang - Barringtonia macrostachya
- Công dụng của cây Mấu chàm - Bauhinia scandens L.
- Công dụng của cây Thốt nốt - Borassus flabellifer
- Công dụng của cây Bù ốc leo - Stephanotis volubilis
- Công dụng của cây Móng bò vàng - Bauhinia tomentosa
- Công dụng của cây Nam sâm tàu - Commicarpus chinensis (L.) Heimerl
- Công dụng của cây Vẹt rễ lồi - Bruguiera gymnorhiza