Logo Website

HOẠT THẠCH

06/09/2020
Hoạt thạch nguồn gốc: Vị thuốc là khoáng chất có thành phần chủ yếu là magie silicat có ít sắt oxyt và nhôm oxyd. Chữa viêm đường tiết niệu, chứng thấp chẩn, chàm lở, mụn nhọt, rôm sảy

HOẠT THẠCH (滑石)

Talcum

Hoạt thạch

Tên khác: 

Hoạt thạch phấn, Bột Tale, Dịch thạch, Phiên thạch, Thoát thạch, Lãnh thạch, Quế lâm hoạt thạch, Quế phủ hoạt thạch, Tân tạch, Cửu lãnh, Bạch hoạt, Thạch dịch, Thạch lăng, Lợikhiếu, Cộng thạch, Hoạt thạch, Ban thạch, Hoạt thạch, Bạch ngọc phấn, Bạch trọng ninh, Lập chế thạch, Lôi hà đốc tử, Ô hoạt thạch, Nguyên hoạt-thạch, Phi hoạt-thạch, Khối hoạt-thạch, Hoạt thạch phấn.

Tên dược:

Pulvus Talci.

Tên khoáng vật:

Magnesi sillicat ngậm nước.

Nguồn gốc: 

Vị thuốc là khoáng chất có thành phần chủ yếu là magie silicat có ít sắt oxyt và nhôm oxyd. 

Mô tả

Cục to nhỏ không đều, màu trắng, vàng, hoặc xám, lam nhạt, sáng óng ánh như sáp. Chất mềm, trơn mịn, không hút ẩm, không tan trong nước. Không mùi, không vị.

Phân bố: 

Có nhiều ở Quảng Đông, Quảng Tây, Tứ Xuyên, Vân Nam, Giang Tây, Sơn Đông. Quặng này có ở nhiều địa phương vùng núi nước ta.

Bào chế: 

Loại bỏ đá tạp, rửa sạch, nghiền thành bột mịn hoặc dùng phương pháp thuỷ phi làm ra bột mịn, phơi khô nơi mát.

Bảo quản:

Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.

Thành phần hoá học: 

Khoáng thạch thiên nhiên có thành phần chủ yếu là silicat ngậm nước [Mg3(Si4O10)(OH)2] hoặc 3MgO,4SiO2H2O. Tỷ lệ MgO trong đó là 31,7%, SiO2 là 63,5%, H2O là 4,8%. Ngoài ra còn có tạp chất Fe, Na, K, Ca, Al.

Tác dụng dược lý:

- Bảo vệ da và niêm mạc.

- Kháng khuẩn: trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn phó thương hàn, khuẩn cầu viêm màng não (ức chế nhẹ).

Tính vị:

Không mùi, vị ngọt, tính hàn.

Qui kinh:

Phế, Vị, Bàng quang.

Công năng: 

Thanh nhiệt, giải thử, trừ thấp, lợi tiểu, thông lâm, thu miệng nhọt.

Công dụng: 

- Tây y: Làm phấn rôm, bao thuốc viên, phấn bôi mặt.

- Đông y : 

Nhiệt lâm, thạch lâm, tiểu tiện rít đau, thử thấp, bứt rứt khát nước, thấp nhiệt tiêu chảy.

Dùng ngoài trị thấp chẩn, thấp sang, trứng cá, rôm sẩy, chàm, mụn lở loét rỉ dịch.

Cách dùng, liều lượng:  

Ngày dùng 9 - 24 g, dạng bột nhỏ mịn, sắc nước hoặc hoà với nước, uống. Thường phối hợp với các loại thuốc khác. Dùng ngoài với lượng thích hợp

Bài thuốc:

1. Chữa viêm đường tiết niệu: thuốc có tác dụng thanh nhiệt lợi tiểu thông lâm.

+ Hoạt thạch tán: Hoạt thạch 20g, Đông quì tử 12g, Xa tiền tử 15g, Thông thảo 10g, sắc nước uống. Chủ trị nhiệt lâm, trường hợp sạn tiết niệu gia thêm Kim tiền thảo, Hải kim sa, Thạch vỹ.

+ Bát chính tán (Hòa tễ cục phương): Hoạt thạch, Mộc thông, Cù mạch, Xa tiền tử, Biển súc, Sơn chi tử, Đại hoàng, Chích thảo lượng bằng nhau. Tất cả tán bột mịn, mỗi lần uống 6 - 12g, với nước sắc Đăng tâm. Bài thuốc chủ yếu trị chứng lâm thể thực nhiệt bao gồm các bệnh viêm, sạn tiết niệu, viêm cầu thận, viêm bể thận cấp. Trường hợp tiểu ra máu gia Tiểu kế, Hạn liên thảo, Bạch mao căn; nếu có sạn gia Hải kim sa, Kim tiền thảo, Kê nội kim.

2. Chữa tiêu chảy do thấp nhiệt:

+ Gia vị Thiên thủy tán: Hoạt thạch 20g, Cam thảo 10g, Sơn dược 40g, sắc nước uống.

+ Lục nhất tán (Thương hàn tiêu bản): Hoạt thạch 6 phần, Cam thảo 1 phần. Theo tỷ lệ trên thuốc tán bột mịn trộn đều, mỗi lần uống 6 - 12g với nước sôi nguội hoặc nước cơm cháo. Thuốc có thể dùng với thuốc thang tùy tình hình bệnh lý gia giảm có kết quả tốt. Thuốc có thể trị chứng sốt khát nước về mùa hè oi bứt kết quả tốt.

3. Chữa chứng thấp chẩn, chàm lở, mụn nhọt, rôm sảy:

+ Lục nhất tán: trong uống ngoài thoa.

+ Bột Hoạt thạch 10g, Bạc hà, Bạch chỉ đều 4g tán bột mịn trộn đều bao vải xoa ngoài. Trị rôm sảy mùa hè.

4. Chàm da, nhọt, ra mồ hôi trộm

Dùng phối hợp Lô cam thạch và thạch cao, thuốc bôi ngoài da, có tác dụng chữa mẩn ngứa, rôm sảy.

5. Trị sỏi mật:

20 gam hoạt thạch; 10 gam bột hỏa tiêu, 6 gam bột uất kim, 4 gam bạch phàn, 3 gam bột cam thảo. Trộn đều tất cả các nguyên liệu trên, dùng liên tục 2 lần/ ngày, điều trị kéo dài trong 2 tuần cho đến khi triệu chứng thuyên giảm.

Kiêng kỵ:

- Người có chứng dương hư thì cấm dùng.

- Người sức yếu, tì vị hư, hao tổn tân dịch do nóng sốt & phụ nữ có thai không dùng tân dịch để trị bệnh.

Tham khảo:

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)