Logo Website

HỒNG HOA

11/09/2020
Cây Hồng hoa có tên khoa học: Carthamus tinctorius L.; họ Cúc (Asteraceae). Kinh nguyệt bế tắc, hành kinh đau bụng, máu hôi không ra, hòn cục, bĩ khối, sưng đau do sang chấn, mụn nhọt sưng đau. Dùng làm thuốc nhuộm thực phẩm.

HỒNG HOA (红花)

Flos Carthami

Tên khác: 

Hồng lam hoa, Hồng lam hoa, Đỗ hồng hoa, Mạt trích hoa, Hồng hoa thái, Tạng hồng hoa, Kết hồng hoa, Sinh hoa, Tán hồng hoa, Hồng lan hoa, Trích hoa, Thạch sinh hoa, Đơn hoa, Tiền bình hồng hoa, Tây tạng hồng hoa, Lạp hồng hoa, Nguyên hồng hoa, Hoàng lan hoa, Dương hồng hoa

Tên khoa học: 

Carthamus tinctorius L.; họ Cúc (Asteraceae). 

Tên đồng nghĩa

Calcitrapa tinctoria Roehl.; Calcitrapa tinctoria Röhl.; Carduus tinctorius Ehrh.; Carduus tinctorius (L.) Falk; Carthamus glaber Burm.f.; Carthamus tinctorius var. albus Alef.; Carthamus tinctorius var. croceus Alef.; Carthamus tinctorius var. flavus Alef.; Carthamus tinctorius var. spinosus Kitam.; Carthamus tinctorius var. tinctoriusCentaurea carthamus E.H.L.Krause

Mô tả: 

Cây: Cây nhỏ, sống hàng năm, cao 0,6 - 1m hay hơn. Thân đứng, nhẵn, có vạch dọc, phân cành ở ngọn. Lá mọc so le, gần như không cuống, gốc tròn ôm lấy thân. Phiến hình bầu dục hay hình trứng dài 4-9cm, rộng 1-3cm, chóp nhọn sắc, mép có răng cưa nhọn không đều, mặt lá nhẵn, màu xanh lục sẫm, gân chính giữa lồi cao. Cụm hoa đầu ở ngọn thân; bao chung gồm nhiều vòng lá bắc có hình dạng và kích thước khác nhau, có gai ở mép hay ở chóp, hoa nhỏ, màu đỏ cam, đẹp, đính trên đế hoa dẹt. Quả bế, hình trứng, có 4 vạch lồi. Mùa hoa tháng 5-7; quả tháng 7-9. 

Dược liệu: Hoa dài 1-2 cm, mặt ngoài màu vàng đỏ hay đỏ. Tràng hoa hình ống thon, phía trên xẻ làm 5 cánh hẹp, dài 0,5-0,8 cm, 5 nhị. Bao phấn dính liền thành ống, màu vàng, núm nhụy hình trụ, hơi phân đôi, nhô ra khỏi cánh hoa. Chất mềm, mùi hơi thơm, vị hơi đắng.

Bộ phận dùng: 

Hoa đã phơi hoặc sấy khô (Flos Carthami)

Phân bố:

Hồng hoa được trồng rộng rãi ở nhiều nơi thuộc Ấn Độ, Ai Cập, Trung Quốc, Italia, Tây Ban Nha, vùng Capcase thuộc Liên Xô cũ. Gần đây, cây được du nhập sang Mỹ, Australia và một số nước châu Á.

Hồng hoa được nhập từ Đông Âu và Liên Xô trước đây vào Việt Nam khoảng cuối những năm 70. Hạt được trồng thử ĩighiệm ở Trại thuốc Sa Pa (Lào Cai) và Văn Điển (Hà Nội) đều có kết quả tốt. Cây trồng ở Trại thuốc Văn Điển sinh trưởng phát triển khá mạnh; chiều cao cây tới gần 2 m; ra hoa quả nhiều.

Hồng hoa là cây ưa sáng và ưa ẩm. Do có nguồn gốc ở vùng ôn đới ấm, nên khi trồng ở Việt Nam cần tránh mùa hè. Gần đây hồng hoa mới được nhập trồng trở lại, tại Sa Pa và Đà Lạt.

Dược liệu nhập từ Trung Quốc.

Trồng trọt:

Hồng hoa là cây vùng ôn đới, có thể sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện khí hậu xuân - hè ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ.

Hồng hoa được nhân giống bằng hạt. Vào mùa quả chín, chọn những quả to của những cây khỏe, để chín già, mang về phơi khô, tách lấy hạt, tiếp tục phơi khô và bảo quản cẩn thận, đến tháng 12-1 đem gieo trong vườn ươm. Mỗi hecta mộng sản xuất, cần. gieo 2 - 2,5 kg hạt.

Đất vườn ươm cần làm nhỏ, lên luống cao 15-20cm, rộng 70 - 90 cm. Hạt được ngâm vào nước nóng (1 sôi, 2 lạnh) trong 3 -4 giờ, vớt ra, để ráo rồi gieo vãi hay gieo theo rạch. Dùng rơm rạ phủ và tưới nước hàng ngày. Sau 15 - 25 ngày, hạt nảy mầm. Khi cây có 4 - 5 lá thật, đánh đi trồng vào ngày râm mát hoặc có mưa nhỏ càng tốt.

Hồng hoa ưa đất cát pha, màu mỡ, cao ráo, thoát nước. Đất cần cày bừa kỹ, để ải, đập nhỏ, lên luống cao 20-25 cm, mặt luống rộng 70 hoặc 100 cm. Mỗi hecta cần bón lót 15 - 20 tấn phân chuồng, 300 kg lân và 150 kg kali. Phân có thể rải đều và phủ đất sâu 5 - 7 cm hoặc trộn với đất theo hốc. Cây con được trồng với khoảng cách 30 x 40 cm, lệch nanh sấu thành 2 hàng trên luống rộng 70 cm hoặc 3 dãy trên luống rộng 100 cm. Trồng xong tưới ngay và tưới đều trong vòng 5 - 7 ngày. Từ khi trồng đến lúc thu hoạch, làm cỏ, xới xáo 3-4 lần, kết hợp bón thúc đạm và vun gốc. Mỗi lần bón 50 kg urê cho 1 ha.

Hồng hoa thường bị sâu đục thân và rệp đen gây hại.

Sau khi trồng được 6 - 7 tháng, hồng hoa ra hoa và cho thu hoạch. Hoa được thu hái khi có màu đỏ sẫm. Cứ 2 - 3 ngày thu một lần vào lúc trời nắng ráo. Thu xong phơi trong râm mát hoặc nắng nhẹ đến khô.

Thu hái: 

Thu hoạch vào mùa hạ, hái lấy hoa đang nở và cánh hoa chuyển từ vàng sang đỏ, để nơi râm mát, thoáng gió hoặc phơi nắng nhẹ cho khô dần.

Thành phần hoá học: 

Trong hoa có flavonoid và sắc tố màu đỏ là carthamin (0,3-0,6%) không tan trong nước và một số sắc tố màu vàng tan trong nước. Còn có isocarthamin sẽ chuyển dần thành carthami, luteolin 7-glucosid và 3 - rhamnoglucosid của kaempferol. Hạt chứa 20-30% dầu, 12-15% protein. Dầu này giàu về các glycerid của các acid béo không trung hoà, có hàm lượng đến 90%.

Tác dụng dược lý:

Khả năng chống oxy hóa và bảo vệ thần kinh: Theo tạp chí Neurochemical research, chiết xuất nước từ cánh hoa của hồng hoa có tác dụng chống oxy hóa (cao nhất ở cánh màu cam rồi đến vàng và trắng) và bảo vệ thần kinh, trong đó, carthamin được xem là hoạt chất có vai trò chủ đạo.

Tác dụng bảo vệ gan: Theo tạp chí Journal of Ethnopharmacology, kết quả nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy hoạt chất carthamus được chiết xuất từ hồng hoa có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ, từ đó giúp bảo vệ gan, làm giảm tổn thương gan do CCl4 gây ra.

Gây hại đối với quá trình sinh tinh ở chuột: Theo tạp chí Journal of Assisted Reproduction and Genetics, một cuộc thí nghiệm trên 16 cá thể chuột đực trưởng thành trong thời gian 35 ngày liên tiếp cho thấy chiết xuất từ hồng hoa (với liều 200 mg/ kg thể trọng) gây độc hại đối với tinh hoàn của chuột. Vì vậy, cần cân nhắc đến trường hợp này khi dùng hồng hoa làm thuốc.

Tính vị:

Cay, ấm.

Quy kinh:

Tâm và can

Công năng: 

Phá huyết, thông kinh, tán ứ, chỉ thống.

Công dụng: 

Kinh nguyệt bế tắc, hành kinh đau bụng, máu hôi không ra, hòn cục, bĩ khối, sưng đau do sang chấn, mụn nhọt sưng đau.

 Dùng làm thuốc nhuộm thực phẩm.

Cách dùng, liều lượng: 

Ngày dùng 3 - 8g. Dạng thuốc sắc hay ngâm rượu.

Bài thuốc:

1. Chữa sau khi đẻ máu xấu không ra, đau bụng, bị ngất mê man, phụ nữ kinh bế lâu ngày, huyết tích thành hòn: Hồng hoa, Tô mộc (gỗ vang), Nghệ đen đều 8g, sắc rồi chế thêm một chén rượu vào uống (Lê Trần Đức). 

2. Trục thai chết trong bụng ra: Hồng hoa đun với rượu mà uống; hoặc dùng Hồng hoa, rễ Gấc, gỗ Vang, Cỏ nụ áo, vỏ cây Vông đồng, lá Đào, Cỏ xước, sắc rồi chế thêm đồng tiện vào mà uống (Tài nguyên cây thuốc Việt Nam) 

3. Tan máu ứ, thông kinh: Hồng hoa 1-8g, sắc hoặc ngâm rượu uống (Tài nguyên cây thuốc Việt Nam) 

4. Phòng và chống bệnh ban sởi: Hạt Hồng hoa 3-5 hạt nhai nuốt, chiêu nước (Tài nguyên cây thuốc Việt Nam). 

5. Chữa đơn sưng chạy chỗ này sang chỗ khác: Mầm cây Hồng hoa giã vắt lấy nước cốt uống, bã thì đắp. (Lê Trần Đức)

6. Chữa kinh nguyệt không đều: Có thể nói, hồng hoa là vị thuốc dành riêng cho phụ nữ bởi công dụng chủ yếu của nó là thúc đẩy lưu thông máu, phá máu ứ và sản sinh máu mới. Vì vậy, hồng hoa thường được dùng điều trị các bệnh phụ nữ như kinh nguyệt không đều, mất kinh, đau bụng kinh, huyết trắng, thai chết trong bụng, ứ huyết sau sinh, viêm dạ con hay viêm buồng trứng

7. Điều trị xuất huyết não, liệt nửa người: Để điều trị chứng xuất huyết não kèm theo liệt nửa người và mất tiếng (do xơ cứng mạch máu não), có thể dùng bài thuốc cổ truyền sau: hồng hoa, cam thảo, cát cánh, phòng phong (mỗi vị 3 g), hoàng kỳ, sinh địa (mỗi vị 15 g), long đởm thảo, hạt mơ (mỗi vị 10 g), đương quy và bạch thược (mỗi vị 6 g). Tất cả các vị thuốc trên đem sắc, chia thành ba lần uống trong ngày và cần kiên trì dùng từ 2 đến 3 tháng

Kiêng k:

Vì hồng hoa có tính phá huyết nên những người sắp phẫu thuật, phụ nữ đang hành kinh, bị viêm loét dạ dày và ruột hay đang bị xuất huyết không nên dùng. Đối với phụ nữ có thai, cần đặc biệt cẩn trọng vì hồng hoa (cũng như các chế phẩm từ hồng hoa như dầu hồng hoa) có hoạt tính làm sảy thai (1).

Độc tính:

Khi dùng sai cách hoặc dùng quá liều vị thuốc hồng hoa, người bệnh có thể gặp phải các biểu hiện trúng độc như lên sởi, choáng váng, đau bụng, tiêu chảy, xuất huyết ruột và dạ dày, đau xoắn vùng bụng hoặc kinh nguyệt nhiều bất thường (ở phụ nữ)… Thậm chí, trường hợp nặng có thể dẫn đến lạnh tay chân, suy kiệt hô hấp và tuần hoàn, tinh thần suy sụp… (1).

Chú ý

Khi dùng hồng hoa làm thuốc, cần tham khảo ý kiến chuyên gia về liều lượng cũng như tương tác thuốc để việc điều trị được thuận lợi, hiệu quả và tránh các tác hại không mong muốn.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 2004

- theplanlist.org

- efloras.org

- Hiramatsu, M., Takahashi, T., Komatsu, M. et al. Antioxidant and Neuroprotective Activities of Mogami-benibana (Safflower, Carthamus tinctorius Linne). Neurochem Res 34, 795–805 (2009).

- Shuangchan Wu, YuanYue, HuiTian, ZhikeLi, XiaofeiLi, Wei He, Hong Ding; Carthamus red from Carthamus tinctorius L. exerts antioxidant and hepatoprotective effect against CCl4-induced liver damage in rats via the Nrf2 pathway; Journal of Ethnopharmacology, Volume 148, Issue 2, 9 July 2013, Pages 570-578

- Mirhoseini, M., Mohamadpour, M. & Khorsandi, L. Toxic effects of Carthamus tinctorius L. (Safflower) extract on mouse spermatogenesis. J Assist Reprod Genet 29, 457–461 (2012).

- https://baike.baidu.com/item/红花/309