Logo Website

HÙNG HOÀNG

14/09/2020
Hùng hoàng nguồn gốc: Muối khoáng thiên nhiên có thành phần chủ yếu là asen disulfur (As2S2) thành mỏ dưới hình thức mềm hay bùn, là khoáng chất tỷ trọng khoảng chừng 3,5. Công dụng: Chữa ung nhọt lở loét, lở ngứa, côn trùng độc hoặc rắn độc cắn (dùng ngoài), ký sinh trùng ở ruột, sốt rét lâu ngày, động kinh.

HÙNG HOÀNG (雄黄)

Arsenicum sulfuratum realgar

Tên khác: 

Thạch hoàng, Hùng tín, Hoàng kim thạch, Huân hoàng, Hùng tin, Thư hoàng.

Tên khoa học:

Realgar, Orpiment

Nguồn gốc: 

Muối khoáng thiên nhiên có thành phần chủ yếu là asen disulfur (As2S2) thành mỏ dưới hình thức mềm hay bùn, là khoáng chất tỷ trọng khoảng chừng 3,5, chảy và bốc thành hơi ở 7000C. 

Mô tả

Màu đỏ da cam, bóng sáng (gọi là Minh hùng-hoàng), dạng khối, cứng rắn, mùi hơi khét, làm vụn nát hoặc tán nhỏ có màu hồng, không tan trong nước, hòa trong Amoniac thành dung dịch không màu. Cho vào than hồng sẽ bốc lên mùi Tỏi (có Asen)  và khí Anhydride Sulfur  (SO2).

Phân bố: 

Có nhiều ở các tỉnh Hồ Nam, Cam Túc, Vân Nam, Tứ Xuyên, Quý Châu (Trung Quốc), hiện nay Việt Nam vẫn phải còn đang nhập.

Thu hoạch: 

Hùng hoàng ở trạng thái thiên nhiên trong mỏ thì mềm, khi cần khai thác thì dùng dao tre cắt ra từng miếng, khi ra ngoài không khí sẽ cứng lại như đá.

Bào chế: 

+ Thường dùng tán bột bằng cách thuỷ phi. Lấy bột hùng hoàng (1 phần), bột Hồ tiêu (1 phần), ngải cứu (9 phần) trộn đều, quấn thành từng điếu thuốc lá. Dùng trị hen, ngày hút 1 - 2 điếu.

+ Hoặc có thể trộn bột Hùng hoàng (1 phần) với Ngải cứu (9 phần) đốt lên để xông trị hen.

+ Sau khi thuỷ phi được bột rồi, dùng để uống trong, hoặc dùng làm áo thuốc hoàn.

Thành phần hóa học: 

Thành phần chủ yếu là asen disulfur (As2S2)

Thành phần chủ yếu của hùng hoàng là asen disulfur (As2S2) trong đó asen chiếm chừng 70,1%; sunfua 29%. Theo hệ dược của viện y học Bắc Kinh phân tích một loại hùng hoàng thì chỉ thấy 64,78% asen và 25,12% sunfua.

Có tác giả lại cho rằng hùng hoàng tương ứng với AS2S5, còn thư hoàng tương ứng với As2S2. Nhưng có tác giả lại cho rằng thành phần hùng hoàng và thư hoàng đều là As2S2 nhưng trong thư hoàng có lẫn tạp chất là stibi sunfua Sb2S3, sắt sunfua FeS và silic oxyt (SiO2). Năm 1958, hệ Dược viện y học Bắc Kinh phân tích thư hoàng lưu hành trên thị trường thấy asen 60,64%; sunfua thấy 30,88%; ngoài ra có tạp chất như sắt (Fe), silic (Si).

Công năng: 

Táo thấp, sát trùng, khử đàm, giải độc rắn cắn.

Công dụng: 

Trị ung nhọt lở loét, lở ngứa, côn trùng độc hoặc rắn độc cắn (dùng ngoài), ký sinh trùng ở ruột, sốt rét lâu ngày, động kinh. 

Cách dùng, liều lượng:  

+ Lượng dùng ngoài vừa đủ tán bột đắp, xông khói. 

+ Uống 0,15 - 0,30g, cho hoàn tán. 

Bài thuốc:

1. Chữa loét của bệnh ung thư hắc sắc tố (melanoblastoma): Hùng hoàng, Phàn thạch, Phục linh lượng bằng nhau tán bột đắp ngoài, ngày 1 - 2 lần phối hợp với uống nước sắc Kim ngân hoa, Liên kiều mỗi thứ 50g, ngày 1 thang thay nước chè. Đã trị 10 ca, khống chế được loét, giảm bớt chất xuất tiết có máu rõ (Trương vĩnh Tường, Tạp chí Trung tây y kết hợp 1986,11:697).

2. Chữa sốt rét khó khỏi: Bột Hùng hoàng 0,3g, Lục nhất tán 2g, trộn đều chia làm 2 bao. Uống 1 bao trước lúc lên cơn 2 giờ, 4 - 6 giờ sau uống 21 bao. Trị 29 ca đều uống 1 lần khỏi ( Vương Nãi Sơn, Báo nghiên cứu thành phẩm Trung dược 1982,7:46).

3. Chữa lãi kim: Hùng hoàng 6g, Sử quân tử 6g, Bột Cam thảo, Khổ Hạnh nhân, Uất kim đều 3g, Ba đậu sương 2g, đều tán bột mịn, cho lượng mật ong vừa đủ chế thành viên. Từ 6 tháng đến 1 tuổi: uống 2 viên. Từ 1 - 2 tuổi: uống 4 viên. Từ 2 - 3 tuổi: uống 6 viên. Cứ theo tuổi mà uống vào lức sáng sớm lúc bụng đói 1 lần, ngày thứ 6 uống 2 lần, thường 2 liệu trình là khỏi. Đã trị 240 ca, khỏi 203 ca, tốt 31 ca, không thay đổi rõ 4 ca. Tỷ lệ kết quả 97,40% (Thường Ngọc Đường, Báo Trung y Hà bắc 1988,5:17).

4. Chữa kiết lỵ: Hùng hoàng, Đại hoàng, Hoàng bá đều 3g, tán bột trộn nước làm hoàn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 1,5g. Tác giả trị hơn 10 ca đã qua thời kỳ cấp vẫn còn tiêu ra máu mũi, uống Tetracyclin không kết quả, uống thuốc này 10 ngày toàn bộ hết bệnh ( Lý Hoán, Sách nói qua về thuốc Khoáng vật, trang 252, Nhà xuất bản KHKT Sơn đông xuất bản 1981).

5. Chữa viêm amydale cấp: Hùng hoàng cầm, Hoàng bá, Cát cánh, Cam thảo đều 150g, tán bột luyện mật làm hoàn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 10g. Trị 53 ca có 42 ca chỉ dùng thuốc trên đều trong 3 - 5 ngày khỏi (Lý Hoán).

6. Chữa lao hang: Hùng hoàng, Lưu hoàng đều 120 ca gia nước mật bò chế thành hoàn. Mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 0,3g. Trị 9 ca, khỏi 6 ca, 2 ca không kết quả, 1 ca tử vong vì bệnh nặng.

7. Chữa ghẻ lở ngoài da, ngứa: 

+ Hùng hoàng 6g, Vỏ cây Dâm bụt (Thổ cần bì) 12g, Ban miêu 10g, dùng dấm lâu năm ngâm 3 ngày xát vùng đau.

+ Hùng hoàng, Tỏi lượng vừa đủ giã nát đắp ngoài. Trị viêm da tiếp xúc.

8. Chữa đinh nhọt độc, thấp chẩn:

+ Hùng hoàng 6g, Mẫu lệ nung 12g, tán bột trộn mật ong bôi ngoài.

+ Hùng hoàng 6g, Hoàng bá 15g, Băng phiến 1g, tán bột mịn rắc vào nếu chảy nước, nếu khô trộn dầu thơm bôi.

9. Chữa trẻ em động kinh đàm rãi ủng tắc: Hùng hoàng giải độc hoàn: Hùng hoàn, Uất kim đều 30g, Ba đậu (bỏ hết dầu) 14 hạt tán bột nấu với dấm làm hoàn bằng hạt đậu xanh, mỗi lần 1 - 2 hoàn.

10. Chữa lông mày rụng: Hùng hoàn tán nhỏ hòa dấm bôi vào.

11. Trị tai chảy mủ: Hùng hoàn, Thư hoàng, Lưu hoàng đều 4g, tán bột nhỏ mịn thổi vào tai.

12. Trị rắn rết cắn: Bôi bột Hùng hoàng vào vết cắn.

13. Viên thần nông hoàng chữa ung loét tủ cung: Hùng hoàng 0,40 đến 0,80g, kim ngân hoa 12-20g, phục linh 12-20g chế thành viên mỗi viên cân nặng 0,20g. Mỗi tối uống 2 lần sau bữa cơm, mỗi lần uống 3-7 viên. Người yếu chỉ uống 3 viên, người vừa phải 5 viên, người khỏe 7 viên. Tối đa 8-15 viên. Chữa ung loét tử cung (Phụ sản khoa lâm sàng thư sách, 1959: 281).

14. Chữa cam răng, cam tẩu mã: Hùng hoàng chừng 7 hạt, mỗi hạt to bằng hạt đậu đen; cho mỗi hạt vào một quả táo đen đã bỏ nhân đi. Đem nướng cho cháy nhưng tồn tính (thành than, không thành tro), tán nhỏ, bôi vào chỗ đau (kinh nghiệm nhân dân).

Kiêng kỵ:

Âm kém, huyết hư thì không nên dùng, kiêng đồ sắt và kỵ lửa, phụ nữ có thai đều cấm uống. Không nên dùng lâu quá.

Chú ý: 

Hùng hoàng độc (Thuốc độc bảng B), khi dùng phải cẩn thận.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 2004

- theplanlist.org

- efloras.org