Logo Website

HƯƠNG NHU TÍA-Chữa cảm nắng, say nắng

20/09/2020
Cây Hương nhu tía có tên khoa học: Ocimum tenuiflorum L., họ Bạc hà (Lamiaceae). Công dụng: Chữa cảm nắng, nhức đầu, đau bụng, đi ngoài, nôn mửa, chuột rút, cước khí, thuỷ thũng.

HƯƠNG NHU TÍA

Herba Ocimi sancti

Tên khác: 

É đỏ, é tía

Tên khoa học: 

Ocimum tenuiflorum L., họ Bạc hà (Lamiaceae).

Tên đồng nghĩa: 

Geniosporum tenuiflorum (L.) Merr.; Lumnitzera tenuiflora (L.) Spreng.; Moschosma tenuiflorum (L.) Heynh.; Ocimum anisodorum F.Muell.; Ocimum caryophyllinum F.Muell.; Ocimum hirsutumBenth.; Ocimum inodorum Burm.f.; Ocimum monachorum L.; Ocimum sanctum L.; Ocimum sanctum var. angustifolium Benth.; Ocimum sanctum var. cubensis Gomes; Ocimum sanctum var. hirsutum (Benth.) Hook.f.; Ocimum scutellarioides Willd. ex Benth.; Ocimum subserratum B.Heyne ex Hook.f.; Ocimum tenuiflorum var. anisodorum (F.Muell.) Domin; Ocimum tenuiflorum f. villicaulis Domin; Ocimum tomentosum Lam.; Ocimum villosum Roxb.; Plectranthus monachorum (L.) Spreng.

Mô tả: 

Cây thảo cao gần 1 mét. Thân cành màu đỏ tía, có lông. Lá mọc đối, mép khía răng, thường có màu nâu đỏ, có lông ở cả hai mặt; cuống lá dài. Cụm hoa là chùm đứng gồm nhiều hoa màu trắng hay tím, có cuống dài, xếp thành vòng 6-8 chiếc. Quả bế nhỏ. Toàn cây có mùi thơm dịu.

Bộ phận dùng: 

Thân, cành mang lá, hoa (Herba Ocimi sancti).

Phân bố, sinh thái

Hương nhu tía vốn là cây cổ nhiệt đới châu Á, được trồng rải rác ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan để làm thuốc và làm rau gia vị. Ở Việt Nam, hương nhu tía mới được trồng hạn chế trong vườn các gia đình hoặc các cơ sở chữa bệnh theo y học cổ truyền. Cây ưa khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm; nhiệt độ trung bình năm khoảng 25 - 30°C; lượng mưa 1800 - 2600mm/năm. ở các vùng núi cao có khí hậu cận nhiệt đới và hơi lạnh, không thấy trồng.

Hương nhu tía mọc từ hạt vào khoảng cuối mùa xuân, sinh trưởng nhanh trong mùa hè, đến cuối mùa tho hay đầu mùa đông thì tàn lụi. Cây ra hoa quả nhiều. Quả chín tự mở, hạt rơi xuống đất và nảy mầm sao 5 - 6 tháng. Cây trồng dễ dàng bằng hạt.

Thu hái, sơ chế: 

Hương nhu tía được thu hoạch khi cây đang ra hoa, từ tháng 5 – tháng 10 hằng năm. Thu hái vào lúc cây đang ra hoa, rửa sạch, cắt thành từng đoạn 3 - 4 cm, phơi âm can đến khô.

Bảo quản

Dược liệu sau khi phơi hoặc sấy khô thì cho vào túi nilong, tránh hơi ẩm. Bảo quản dược liệu ở độ ẩm dưới 12%.

Thành phần hoá học: 

Có tinh dầu với tỷ lệ 0,2-0,3% ở cây tươi và 0,5 ở cây khô; thành phần chính của tinh dầu là eugenol (trên 70%), methyleugenol (trên 12%) và ß- caryophyllen).

Tác dụng dược lý:

- Giảm stress:

Các nhà khoa học Ấn Độ cho biết, hương nhu tía có tác dụng làm cho cơ thể thích nghi tốt hơn với stress. Tác dụng này đã được thử nghiệm lâm sàng in vitro hoặc trên cơ thể động vật.

- Kháng viêm, giảm đau, hạ sốt: 

Dạng dịch chiết bằng methanol và dạng nhũ dịch điều chế từ hương nhu tía đã được thí nghiệm về các tác dụng chống viêm, giảm đau và hạ sốt. Kết quả cho thấy cả 2 dạng bào chế trên đều có tác dụng tốt. Về tác dụng chống viêm, các dạng bào chế đều ức chế phù gan bàn chân chuột cống trắng cho carragenin gây nên trên mô hình gây viêm cấp tính và ức chế sự hình thành dịch rỉ, tổ chức hạt trong mô hình gây viêm mạn do tiêm dầu croton gây nên. Ở cả 2 thí nghiệm trên, tác dụng chống viêm của dịch chiết và nhũ dịch với liều 500mg/kg có tác dụng tương đương salicylat natri với liều 300 mg/kg. Về tác dụng giảm đau, trong thí nghiêm dùng tấm nóng (hot-plate) đối với chuột nhắt trắng, dịch chiết bằng methanol và nhũ dịch đều có tác dụng giảm đau, trong đó dịch chiết có tác dụng mạnh hơn; ngoài ra dịch chiết còn có tác dụng kéo dài thời gian gây phản ứng cong đuôi của morphin trên chuột cống trắng. Trên súc vật gây sốt bằng cách tiêm vaccin thương hàn và phó thương hàn, dung dịch ehiết bằng methanol với liều 250 mg/kg và nhũ dịch với liều 100 mg/kg đều tỏ ra có tác dụng hạ sốt. Tuy vậy, tác dụng hạ sốt của 2 dạng trên đều yếu hơn và có thời gian ngắn hơn so với tác dụng của salicylat natri với liều 300 mg/kg. Về cơ chế của những tác dụng trên, một số tác giả cho rằng ít nhất có phần do tác dụng ức chế sự tổng hợp prostaglandin vì hương nhu ức chế được hiện tượng tiêu chảy do dùng dầu castor gây nên trên chuột cống trắng. (J.of Ethnopharmacology 21- (1987) 15-3-163).

Tinh dầu methanol và nhũ tương được phát hiện trong hương nhu tía làm tăng khả năng kháng viêm, hạ sốt, giảm đau. 

Hoạt chất carragenin trong hương nhu tía có tác dụng ức chế tình trạng phù gan bàn chân ở chuột cống trắng và tiết chế sự hình thành của dịch rỉ viêm.

Năm 1998, nhà nghiên cứu Singh đã phát hiện ra trong hương nhu tía còn chứa thành phần  acid linoleic-thành phần này có khả năng ức chế lipoxygenase và cyclooxygenase trên quá trình gây viêm. 

Ngoài ra, dịch chiết cồn của hương nhu tía còn giúp làm giảm số lần đau thắt trên cơ thể chuột khi bị kích thích tự nhiên.

- Tác dụng kháng khuẩn

Tác dụng kháng khuẩn: Ở Việt Nam, tác dụng kháng khuẩn của tinh dầu hương nhu tía đã được Viện nghiên cứu Đông y thí nghiệm trên các chủng sau với sự đánh giá bằng đường kính vòng vô khuẩn. Với Bacillus mycoides có vòng vô khuẩn: 22 mm, B. subtilis: 60, Diplococcus pneumoniae: 0 (không có tác dụng), Escherichia coli: 15, Klebsiella sp: 12, Mycobacterium tuberculosis: 18, Proteus vulgaris: 18, Salmonella typhi: 22, Shigella dysenteriae: 30, Sh. flexneri: 12, Staphylococcus aureus: 20, Streptococcus haemolyticus: 15 (Bộ Y tế - Công trình nghiên cứu khoa học y dược 1977 - 189).

Tài liều Ấn Độ cũng đề cập đến tác dụng kháng khuẩn của tinh dầu hương nhu đối với Mycobacterium tuberculosisBacillus pyocyaneusEscherichia coliSalmonella typhi và có nhận định rằng tác dụng kháng khuẩn đối với Mycobacterium tuberculosis của tinh dầu hương nhu bằng khoảng 1/10 của tác dụng Streptomycin và bằng 1/4 của isoniazid. Ngoài ra, tài liệu còn cho thấy hương nhu tía có tác dụng trừ muỗi nên việc trồng hương nhu quanh nhà được coi là một biện pháp khống chế muỗi (The Wealth of India Vol VII - 1966 - 84).

Nghiên cứu của Singapo còn cho biết thêm, hoạt chất acid linoleic trong hương như ta có thể góp phần làm tăng khả năng kháng khuẩn và loại bỏ được một số chủng vi khuẩn nhạy cảm như Bacillus pumiusStaphylococus aureus,…

- Chống oxy hóa

Tác dụng chống oxy hóa của tinh dầu hương nhu tía đã được đánh giá bằng cách sử dụng các phương pháp sắc ký lỏng, dựa vào hàm lượng hypoxathin xathin oxidase.

Các tác dụng khác: Tinh dầu hương nhu tía còn được chứng minh là có tác dụng diệt amib - Entamoeba moskowskii trên môi trường nuôi cấy với nồng độ 1:1280 (Bộ Y tế. Gông trình nghiên cứu khoa học y dược 1977 - 196). Ngoài ra, tinh dầu hương nhu tía đã được xác định có lác dụng kháng histamin trong thí nghiệm gây co bóp hồi trường cô lập chuột lang (Bộ Y tế. Công trình nghiên cứu khoa học y dược 1977-198).

Tính vị:

Vị cay, tính tán, ôn thông. 

Quy kinh

Phế và Vị.

Công năng

Phát hãn, thanh thử, tán thấp, hành thuỷ.

Công dụng: 

Chữa cảm nắng, nhức đầu, đau bụng, đi ngoài, nôn mửa, chuột rút, cước khí, thuỷ thũng.

Cách dùng, liều lượng:

- Sắc uống, ngày 6 - 12g.

- Phối hợp trong nồi lá xông (50 - 100g tươi).

Bài thuốc:

1. Chữa cảm sốt, nhức đầu, đau bụng, chân tay lạnh: Hương nhu tía 500g, Hậu phác (tẩm gừng nướng) 200g, Bạch biển đậu (sao) 2000g. Tất cả tán nhỏ, trộn đều, mỗi lần uống 10g có khi đến 20g với nước sôi để nguội.

2. Chữa cảm, làm ra mồ hôi, hạ sốt: Hương nhu tía, Hoắc hương, Bạc hà, Sả, Tía tô, lá Bưởi, lá Chanh mỗi thứ 10g. Tất cả rửa sạch, đun sôi dùng xông hơi (Nồi nước xông).

3. Phòng, chữa cảm nắng, say nắng: Lá Hương nhu tía 32g, hạt Đậu ván 32g, củ Sắn dây 24g, Gừng sống 12g. Các vị phơi khô, tán nhỏ, rây bột mịn. Mỗi lần người lớn 16g, trẻ em 8g; hãm với nước sôi, gạn uống (kinh nghiệm của Viện Y học cổ truyền).

4. Chữa trẻ em chậm mọc tóc: Hương nhu tía sắc đặc, hòa với mỡ lợn bôi hàng ngày (Tuệ Tĩnh, Nam Dược thần hiệu).

Hoặc: Lá bưởi hoặc vỏ bưởi, hương nhu tía, bồ kết mỗi vị 10g đem nướng sơ trên than, rồi đem nấu với 3 lít nước. Pha nước cho ấm rồi dùng để gội đầu mỗi ngày. Mỗi tuần gội khoảng 2 – 3 lần.

5. Chữa hôi miệng:  Hương nhu tía 10g, sắc với 200ml nước, dùng súc miệng và ngậm.

6. Chữa chứng tiêu chảy, lạnh bụng: Dùng khoảng 12g hương nhu tía, 12g tía tô (bao gồm lá và cành), 9g mộc qua đem đi sắc với 3 bát nước. Đến khi thuốc đặc lại còn khoảng 1 bát thì dùng để uống sau bữa ăn sáng. Chia thành 2 hoặc 3 lần uống trong ngày.

7. Chữa bệnh cảm mùa hè: Hương nhu tía, cát căn, diếp cá, điền cơ hoàng mỗi vị 12g, mộc hương 4g, thạch xương bồ 8g đem rửa sạch và sắc lấy nước uống.

8. Chữa bệnh đường hô hấp ở trẻ nhỏ: Hương nhu tía, hoắc hương, bán hạ, kinh giới, hoàng cầm, phục linh, đẳng sâm mỗi vị 10g, 5g cam thảo đem sắc nước. Mỗi ngày uống từ 3 – 5 lần, cho đến khi bệnh dứt điểm.

9. Chữa chứng đau bụng, tiêu chảy: Tía tô, hương nhu tía, mộc qua mỗi vị 12g đem sắc uống. Cơn đau bụng sẽ nhanh chóng được cải thiện.

10. Chữa chứng nước tiểu đục, phù thũng: Lấy 9g hương nhu tía, 30g cỏ tranh, 12g ích mẫu thảo đem sắc với 600ml nước cho đến khi nước cô lại còn khoảng 200ml. Chia nước thành 2 lần và uống hết trong ngày, Sử dụng liên tục trong vòng 10 ngày.a

Kiêng kỵ:

Ho lao mạn tính không nên dùng.

Người bị ra nhiều mồ hôi

Người âm hư và khí hư

Phụ nữ mang thai cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng hương nhu tía.

Trước khi phẫu thuật, nên ngưng sử dụng hương nhu tía khoảng 2 tuần.

Tương tác thuốc:

Thuốc làm chậm đông máu bao gồm thuốc chống huyết khối, thuốc chống đông có khả năng tương tác với một số thành phần của hương nhu. Hương nhu tía kết hợp với thuốc chống đông máu làm tăng nguy cơ bầm tím và chảy máu. Một số nhóm thuốc làm chậm đông máu phổ biến như dalteparin (Fragmin®), enoxaparin (Lovenox®), aspirin, warfarin (Coumadin®), clopidogrel (Plavix®),  heparin, ticlopidin (Ticlid®) và các loại khác.

Pentobarbital tương tác với hương nhu. Pentobarbital gây buồn ngủ. Có một số người lo ngại rằng việc sử dụng dầu hạt hương nhu với pentobarbital có thể gây buồn ngủ quá nhiều.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 2004

- theplanlist.org

- efloras.org