Logo Website

HƯƠNG NHU TRẮNG-Cất tinh dầu và điều chế eugenol

21/09/2020
Cây Hương nhu trắng có tên khoa học: Ocimum gratissimum L., họ Bạc hà (Lamiaceae). Công dụng: giải cảm, làm ra mồ hôi. Cất tinh dầu và điều chế eugenol dùng trong tân dược (dùng trong nha khoa) và một số ngành kỹ nghệ khác.

HƯƠNG NHU TRẮNG

Herba Ocimi gratissimi

Tên khác: 

É trắng, hương nhu trắng lá to.

Tên khoa học: 

Ocimum gratissimum L., họ Bạc hà (Lamiaceae). 

Tên đồng nghĩa

Geniosporum discolor Baker; Ocimum anosurum Fenzl; Ocimum arborescens Bojer ex Benth.; Ocimum caillei A.Chev.; Ocimum dalabaense A.Chev.; Ocimum febrifugum Lindl.; Ocimum frutescensMill.; Ocimum gratissimum subsp. gratissimumOcimum gratissimum var. gratissimumOcimum gratissimumvar. hildebrandtii Briq.; Ocimum gratissimum var. mascarenarum Briq.; Ocimum gratissimum var. suave (Willd.) Hook.f.; Ocimum gratissimum var. subdentatum Briq.; Ocimum guineense Schumach. & Thonn.; Ocimum heptodon P.Beauv.; Ocimum holosericeum J.F.Gmel.; Ocimum paniculatum Bojer; Ocimum petiolare Lam.; Ocimum robustum B.Heyne ex Hook.f.; Ocimum sericeum Medik.; Ocimum suave Willd.; Ocimum suave var. distantidens Briq.; Ocimum trichodon Baker ex Gürke; Ocimum urticifolium Roth; Ocimum villosum Weinm.; Ocimum viride Willd.; Ocimum viridiflorum Roth; Ocimum zeylanicum Medik.

Mô tả: 

Cây: Cây thảo cao 1-2m, sống nhiều năm. Thân vuông, hoá gỗ ở gốc, có lông, khi còn non 4 cạnh thân màu nâu tía, còn 4 mặt thân màu xanh nhạt, khi già thân có màu nâu. Lá mọc đối chéo chữ thập, có cuống dài, phiến thuôn hình mũi mác, khía răng cưa, có nhiều lông ở hai mặt, mặt trên xanh thẫm hơn mặt dưới. Cụm hoa xim ở nách lá, co lại thành xim đơm. Hoa không đều, có tràng hoa màu trắng chia 2 môi. Nhị 4, thò ra ngoài bao hoa. Quả bế tư, bao bởi đài hoa tồn tại. Toàn cây có mùi thơm.  

Dược liệu: Đoạn đầu thân và cành có thiết diện vuông, mặt ngoài màu nâu tím, có nhiều lông. Lá mọc đối chéo chữ thập, cuống dài 1 – 2cm. Phiến lá hình trứng, đầu thuôn nhọn, dài 2 – 4cm, rộng 1,5 – 3,5cm, mép có răng cưa, màu xanh lục ở mặt trên, tím đậm hoặc phớt tím ở mặt dưới, có lông. Hoa là xim co ở đầu cành, xếp thành từng vòng 6 – 8 hoa tạo thành xim co. Dược liệu khô thường có một số lá và hoa đã rụng, để lại cuống ở trên cành. Quả bế, với bốn phân quả đựng trong đài tồn tại. Quả khô, ngâm vào nước sẽ trương nở một lớp chất nhày màu trắng bao bọc chung quanh. Toàn cây có mùi thơm đặc trưng, vị hơi cay, tê.

Bộ phận dùng: 

Phần trên mặt đất (Herba Ocimi gratissimi).

Phân bố, sinh thái

Hương nhu trắng có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Phi hoặc Ấn Độ, vì ở 2 nơi này hiện có hai quần thể hương nhu trắng mọc hoang và trồng cùng tổn tại với sự đa dạng cao. Ngày nay, cây được trồng ở một số nước khác như ở vùng Trung, Nam Phi và Đông Nam Á. Trong đó, duy nhất có Việt Nam đã trồng hương nhu trắng trên phạm vi rộng ở nhiều địa phương từ các năm 1978 – 1989.

Hương nhu trắng là cây bụi ưa sáng, có biên độ sinh thái khá rộng, có thể thích nghi với vùng có khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm cũng như vùng cận nhiệt đới; với nhiệt độ trung bình 23 – 30°C; về mùa đông nhiệt độ có thể xuống dưới 10°C. Ở Ấn Độ, cây mọc tự nhiên ở khắp các độ cao, từ vài chục đến 1500 m.

Ở Việt Nam, hương nhu trắng sinh trưởng, phát triển mạnh ở vùng đồng bằng, trung du và núi thấp. Ở độ cao trên 1000 m, cây mọc chậm. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm. Khả năng tái sinh chồi của cây khá mạnh. Tổng sản lượng tinh dầu hương nhu trắng trên thế giới mỗi năm khoảng 50 tấn (tương đương với 0,8 triệu USD). Nơi sản xuất nhiều là Ấn Độ và Phi châu. Việt Nam cũng đã từng sản xuất tinh dầu hương nhu trắng để xuất khẩu.

Thu hái, sơ chế: 

Thu hái khi cây ra hoa, rửa sạch, để nguyên hoặc cắt thành từng đoạn 2-3 cm, phơi âm can đến khô. Có thể cất lấy tinh dầu để dùng. Nếu cất tinh dầu, thu hái vào lúc cây Hương nhu đã phát triển đầy đủ, có nhiều lá và hoa.

Bảo quản:

Để nơi khô mát, tránh làm mất tinh dầu.

Trồng trọt:

Hương nhu trắng được trồng nhiều hơn hương nhu tía vì năng suất thân lá và tỷ lệ tinh dầu đều cao hơn. Cây được nhân giống bằng hạt. Hạt thu xong không nên gieo ngay vì tỷ lệ nảy mầm kém mà phơi khô, bảo quản đến đầu mùa xuân sang năm (tháng 1 – 2). Lúc này hạt đã qua thời gian ngủ nghỉ và nhiệt độ không khí phù hợp cho việc nảy mầm.

Hạt hương nhu thường được gieo trong vườn ươm, khi cây con cao 20 – 30 cm thì đánh đi trồng (tháng 4-5). Hương nhu trắng không kén đất, nhưng nếu trồng trên đất quá xấu, nhiều sỏi đá, quá khô hạn, cây sẽ sinh trưởng phát triển kém. Trong thực tế, hương nhu trắng được trồng ở những ruộng cao, bờ kênh, bờ vùng, bờ thửa, ven đường đi hoặc chỗ đất bạc màu, đất đồi không quá nhiều sỏi đá. Trồng trên đất tận dụng không cần phải làm đất mà chỉ cuốc hốc.

Nếu là đất ruộng, đất bằng, cần cày bừa kỹ, để ải. Nếu đất thấp, cần lên luống để tiện thoát nước, sau đó bổ hốc. Tán cây lúc trưởng thành có thể đạt tới 1 m hoặc hơn nên khoảng cách trồng giữa các cây ít nhất phải 50 cm. Tuy có thể trồng trên đất tận dụng, nhưng muốn có năng suất cao và ổn định, vẫn phải bón phân và chăm sóc chu đáo.

Khi trồng, cần bón lót cho mỗi hecta 10 – 15 tấn phân chuồng, 100 kg supe lân và 50 kg kali. Đối với đất quá chua, có thể bón thêm vôi bột. Phân được trộn đều với đất theo hốc rồi trồng cây con. Trồng xong, tưới ngay và duy trì đủ độ ẩm cho tới khi cây bén rễ. Hàng tháng, cần làm cỏ, xới xáo, vun gốc và dùng phân nước, nước giải hoặc đạm pha loãng (2%) để tưới thúc.

Đến mùa xuân năm sau, đốn gốc cách mặt đất 20 – 30 cm để kích thích cây ra chồi. Ở năm thứ ba, cũng có thể đốn như vậy, nhưng cao hơn một chút. Các năm sau, khi thu hái, kết hợp tỉa bớt cành già để tập trung đinh dưỡng cho cành non phát triển. Tùy tình hình sinh trưởng của cây, có thể bón thêm phân chuồng, còn phân đạm, trung bình mỗi năm nên bón 100 – 150 kg/ha. Tập trung bón vào trước khi cây ra hoa và sau khi thu hoạch dược liệu. Các nguồn phân hữu cơ khác có thể bón không hạn chế.

Hương nhu trắng có khả năng chống chịu nắng hạn và sâu bệnh rất tốt, nhưng chịu úng kém. Vì vậy, cần chú ý thoát nước nhanh sau mưa lớn. Hương nhu trắng sau 3-4 tháng trồng đã có thể thu hái. Cắt cả cành lá khi ra hoa để cất lấy tinh dầu hoặc phơi trong râm mát đến khô để dùng dần.

Thành phần hoá học: 

Trong hoa, lá khô đều có tinh dầu (ở hoa 2,77%, ở lá 1,38% ở phần cây trên mặt đất 1,14%) mà thành phần chủ yếu là eugenol 74%. D-germacren 8,8%, cis ß-ocimen 7%.

Tác dụng dược lý:

Giống như hương nhu tía, phổ kháng khuẩn của hương nhu trắng khá rộng. Sau đây là tác dụng ức chế sự sinh trưởng vi khuẩn của tinh dầu hương nhu trắng đối với một số chủng. Với Bacillus mycoides có vòng vô khuẩn: 23 mm, B. subtilis : 27, Diplococcus pneumoniae: 18, Escherichia coli: 18, Klebsiella sp: 13, Mycobacterium tuberculosis : 16, Proteus vulgaris. 13, Salmonella typhi : 33, Shigella dysenteriae : 68, Shigella flexneri: 19, Staphylococcus aureus : 27; còn đối với Bacillus pyocyaneus cũng như hương nhu tía, tinh đầu hương nhu trắng không có tác dụng.

Theo tài liệu nước ngoài, hương nhu trắng cũng có tác dụng hạ sốt, giảm đau, tiêu viêm, kiện vị, long đờm. Trong dịch chiết từ lá cây hương nhu trắng, người ta phát hiện có 2 thành phần được gọi là chất S và V đều có tác dụng gây co thắt cơ trơn trong thí nghiệm hồi tràng cô lập chuột lang. Ngoài ra chất S còn có tác dụng gây tăng huyết áp trên chuột cống trắng gây mê. Ở Ấn Độ, tinh đầu hương nhu trắng ngoài tác dụng kháng khuẩn mạnh còn có tác dụng gây tê cục bộ ở nồng độ 1:100.

Tính vị:

Vị cay, tính hơi ôn. 

Quy kinh:

Phế, vị.

Công năng: 

Giải cảm nhiệt, lợi tiểu

Công dụng: 

+ Như Hương nhu tía nhưng ít dùng hơn làm thuốc giải cảm, làm ra mồ hôi.

+ Cất tinh dầu và điều chế eugenol dùng trong tân dược (dùng trong nha khoa) và một số ngành kỹ nghệ khác.

+ Tinh dầu Hương nhu trắng: Tinh dầu lỏng, màu vàng nhạt, mùi thơm, vị cay, tê, để ngoài không khí biến màu nâu đen. có tác dụng giảm đau tại chỗ, sát trùng, dùng làm thuốc phòng chữa thối rữa (phòng hủ), thuốc chữa đau răng

Bài thuốc:

Cách dùng, liều lượng: 

6 - 12g một ngày. Dạng thuốc hãm, thuốc sắc, thuốc xông hoặc rịt lên đầu.

1. Chữa cảm nắng, nôn mửa, tiêu chảy hoặc do mùa hè ăn quá nhiều các thứ sống lạnh: hương nhu 12g, tía tô (lá và cành) 9g, mộc qua 9g, sắc nước uống trong ngày.

2. Chữa mùa hè bị cảm do nhiễm gió lạnh, uống quá nhiều thứ nước mát, hoặc bị cảm nắng dẫn đến người phát sốt, sợ lạnh, đầu đau, ngực đầy, không mồ hôi. Hương nhu ẩmhương nhu 8g, hậu phác 6g, bạch biển đậu (đậu ván trắng) 12g, sắc nước uống. Ngoài cách sắc uống, còn có thể sử dụng dưới dạng thuốc tán: dùng hương nhu 500g, hậu phác (tẩm gừng nướng) 200g, bạch biển đậu (sao vàng) 2000g, tất cả 3 vị tán nhỏ trộn đều; mỗi lần dùng 10g, pha với nước đun sôi uống.

3. Chữa cảm trong 4 mùa (tứ thời cảm mạo): hương nhu tán nhỏ, mỗi lần dùng 8g, pha với nước sôi hay dùng rượu hâm nóng mà chiêu thuốc; uống vào mồ hôi ra được là khỏi bệnh.

4. Chữa cảm sốt nhức đầu: dùng lá hương nhu tươi một nắm, giã nhỏ, chế thêm nước sôi, vắt lấy nước cốt uống, bã đắp lên đầu, trán, và hai bên thái dương. Nếu sốt có mồ hôi thì thêm củ sắn dây tươi 20g, cùng giã vắt nước uống.

5. Chữa phù thũng, tiểu tiện đỏ, không mồ hôi: hương nhu 9g, bạch mao căn (rễ cỏ tranh) 30g, ích mẫu thảo 12g, sắc nước uống thay trà trong ngày.

6. Chữa hôi miệng: hương nhu 10g sắc với 200ml nước. Dùng súc miệng và ngậm.

7. Chữa trẻ nhỏ viêm đường hô hấp trên: hương nhu, hoắc hương, kinh giới, bán hạ, phục linh, đẳng sâm, hoàng cầm - mỗi thứ 10g, cam thảo 5g; sắc với nước, chia thành 4 - 6 lần uống trong ngày.

8. Chữa trẻ con chậm mọc tóc: hương nhu 40g, sắc với 200ml nước, cô đặc, trộn với mỡ lợn, bôi lên đầu. 

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 2004

- theplanlist.org

- efloras.org