ÍCH MẪU-Chữa kinh nguyệt không đều
ÍCH MẪU (益 母)
Herba Leonuri
Cây Ích mẫu: Leonurus japonicus Houtt.; Ảnh henriettes-herb.com and lowers.la.coocan.jp
Tên khác:
Sung úy, chói đèn, làm ngài, Thấu cốt thảo, Ích minh, Trinh úy, Hạt khô thảo, xác diến (Tày), chạ linh lo (Thái)
Tên khoa học:
Leonurus japonicus Houtt., họ Bạc hà (Lamiaceae).
Tên đồng nghĩa:
Leonurus altissimus Bunge ex Benth.; Leonurus artemisia (Lour.) S.Y.Hu; Leonurus artemisia var. albiflorus (Migo) S.Y.Hu; Leonurus cuneifolius Raf.; Leonurus heterophyllus Sweet; Leonurus heterophyllus f. leucanthus C.Y.Wu & H.W.Li: Leonurus intermedius Didr.; Leonurus japonicus f. albiflorus(Migo) Y.C.Zhu; Leonurus japonicus f. niveus (A.I.Baranov & Skvortsov) H.Hara; Leonurus manshuricus Yabe; Leonurus mexicanus Sessé & Moc.; Leonurus sibiricus var. albiflorus Migo; Leonurus sibiricus var. grandifloraBenth.; Leonurus sibiricus f. niveus A.I.Baranov & Skvortsov; Stachys artemisia Lour.
Mô tả:
Cây thảo, sống hàng năm hoặc hai năm, cao 0,5-1m, có khi hơn. Thân đứng, hình vuông, có rãnh dọc, có lông hoặc nhẵn, phân cành. Lá mọc đối, có cuống dài, lá gốc gần như tròn, có răng cưa nông, hai mặt có lông mềm như nhung, lá giữa dài, xẻ sâu thành thùy hẹp, không đều, các thùy có răng cưa nhọn, lá ngọn ngắn, ít xẻ hoặc nguyên, phiến của lá giữa hoặc lá ngọn men theo cuống đến tận gốc, có lông ở mặt dưới và trên những đường gân nổi rõ. Cụm hoa thành những vòng dày đặc ở kẽ lá, đường kính từ 2-2,5cm; lá bắc hình dùi, ngắn hơn đài; đài hoa hình chuông, có 5 răng nhọn, có lông; tràng hoa mầu trắng hồng hoặc tím hồng, mặt ngoài có lông, môi trên hình trứng, hơi cong, môi dưới dài bằng môi trên nhưng hẹp hơn, chia 3 thùy, thùy dưới rộng; nhị 4, đính vào giữa ống tràng. Quả nhỏ, 3 cạnh, nhẵn, cụt một đầu, khi chín mầu nâu sẫm. Mùa hoa: tháng 3-5; Mùa quả: tháng 6-7.
Cây có tác dụng tương tự Leonurus sibiricus L., cây nhỏ hơn, lá ở phía trên chia nhiều thuỳ hẹp hơn, cụm hoa rộng hơn, tràng hai môi với môi trên dài hơn môi dưới.
Bộ phận dùng:
Toàn cây (Herba Leonuri) thường gọi là Ích mẫu thảo; quả (Fructus Leonuri) thường gọi là Sung uý tử.
Phân bố, sinh thái:
Ích mẫu vốn là cây mọc tự nhiên ở các bãi sông, ruộng ngô trong các thung lũng. Do nguồn cung cấp tự nhiên hạn chế, cây đã được trồng nhiều ở các tỉnh đồng bằng và trung du phía bắc.
Trong tự nhiên, ích mẫu mọc từ hạt vào tháng 3 - 4. Cây sinh trưởng nhanh, ra hoa quả trong mùa hè, sau đó tàn lụi. Cây ưa sáng và ưa ẩm; phân nhánh nhiều theo kiểu lưỡng phân. Trong thời kỳ sinh trưởng mạnh cần đủ ẩm, nhưng không chịu được ngập úng.
Trồng trọt:
Cây được gieo trồng bằng hạt. Khi hạt già, người ta cắt lấy cả cây về phoi trên nong nia và đập lấy hạt. Hạt tiếp tục được phơi khô, sàng sảy rồi bảo quản đến vụ gieo trồng. Hạt để cách năm, tỷ lệ nảy mầm kém, nên không dùng hạt cũ của năm trước để gieo. Hạt ích mẫu nảy mầm thích hợp ở 20 - 25°C, cây sinh trưởng tốt ở15-20°C. Vì vậy, thời vụ gieo hạt tốt nhất ở đồng bằng và trung du là tháng 10 - 11, ở miền núi tháng 8 - 9. Ngoài ra, cũng có thể gieo vào các tháng khác nhưng năng suất không cao. Ở miền Trung, cần tránh mùa khô và gió Lào.
Ích mẫu trồng được trên nhiều loại đất, nhưng tốt nhất là đất phù sa, đất trồng màu, tơi xốp, nhiều mùn, thoát nước, không bị úng ngập. Đất cần được cày ải, đập nhỏ, lên luống cao 20 - 25 cm, rộng 70 - 80 cm, rạch thành hàng ngang cách nhau 30 - 40 cm, bón lót 10 - 15 tấn/ha phân chuồng mục rồi gieo hạt. Hạt cần được ngâm nước qua 10 - 12 tiếng, vớt ra, trộn với cát hoặc tro để gieo cho đều. Khi cây có 3 - 4 đôi lá thật, tiến hành tỉa định cây, giữ khoảng cách giữa các cây 25 - 30 cm. Có thể tận dụng những cây tỉa ra để trồng trên ruộng khác. Cũng có thể gieo hạt trong vườn ươm rồi đánh cây con đi trồng. Thời gian đầu, cây mọc chậm, sang tháng thứ ba bắt đầu phân cành. Hai tháng đầu, cần làm cỏ, xởi xáo và tưới đủ ẩm. Cuối tháng thứ hai và thứ ba, dùng nước phân chuồng, nước giải hoặc đạm pha loãng (2%) để tưới cho cây đến khi cây phủ kín luống.
Chú ý phòng trừ bệnh thối gốc vào thời kỳ cây ra nụ bằng cách giữ cho ruộng không bị úng, phát hiện sớm và loại bỏ kịp thòi cây bị bệnh, đồng thòi bón thêm vôi bột. Ngoài ra, cần đề phòng sâu xám, rệp hại lá và cây con.
Cây trồng một lần có thể thu hoạch 2 - 3 lứa. Khi cây bắt đầu ra hoa, cắt toàn bộ thân lá đem phơi khô hoặc băm nhỏ rồi phơi khô. Tiếp tục chăm sóc, cây lại tái sinh. Mỗi lứa cắt có thể thu được 7-10 tấn thân lá tươi trên 1 ha.
Thu hái, sơ chế:
Sau khi trồng được 3-4 tháng, khi cây bắt đầu ra hoa thì cắt để lại các chồi gốc để cây tiếp tục phát triển. Thu hoạch cây vào lúc trời nắng, rửa sạch, dùng tươi, hay phơi trong râm để héo đem nấu cao, hoặc phơi khô để dùng dần.
Bảo quản:
Để nơi thoáng mát, tránh ẩm.
Thành phần hoá học:
Toàn cây Ích mẫu chứa alcaloid: leonurin, stachydrin, atachydrin, leonuridin. Flavonosid (trong đó có rutin). Glucosid có khung steroid. Hạt chứa leonurin.
Tác dụng dược lý:
1. Tác dụng trên tử cung: Ích Mẫu có tác dụng trực tiếp hưng phấn tử cung, làm cho tử cung co thắt nhiều và mạnh hơn dù yếu hơn oxytocin. Điều trị tử cung sa bằng nước sắc Ích Mẫu thấy có tác dụng giống như thuốc ergotamine, tuy nhiên tác dụng của Ích Mẫu chậm nhưng an toàn hơn (Tài nguyên cây thuốc Việt Nam).
2. Tác dụng ngừa thai: Chế phẩm khô thu được từ nước sắc ích mẫu, thí nghiệm trên chuột nhắt trắng bằng đường uống với liều 50 mg/lần, dùng 4 - 5 lần (tổng liều 200 - 250 mg) có tác dụng chống làm tổ của trứng đã thụ tinh. Nước sắc ích mẫu thí nghiệm trên chuột lang có chửa, bằng đường uống với liều 15 - 17,5g cho một chuột, sau 2 - 4 ngày, các chuột dùng thuốc đều bị sẩy thai. Trên 3 thỏ có chửa uống nước sắc íchmẫu với liều 6-7g/kg sau 2-7 ngày toàn bộ thỏ dùng thuốc đều bị sẩy thai. Trên thỏ cái đã được giao phối với thỏ đực, cho uống nước sắc ích mẫu với liều hàng ngày 4g/kg, dùng trong 7 ngày liên tiếp sau khi giao phối, kết quả các thỏ dùng thuốc đều không có chửa trong vòng 35 ngày, trong khi đó, nhóm chứng sinh đẻ bình thường.
3. Tác dụng lên tim mạch: thuốc có tác dụng tăng lưu lượng động mạch vành, làm chậm nhịp tim, cải thiện việc tuần hoàn bị rối loạn, ức chế tiểu cầu ngưng tập, nâng cao hoạt tính Fibrinogen. Có tác dụng làm tan huyết khối trong phôi súc vật thực nghiệm (chỉ một thời gian ngắn).
4. Tác dụng chống kết tập tiểu cầu: Thí nghiệm trên chuột cống Wistar đã bị gây bỏng hoặc tiêm tĩnh mạch ADP gây hoạt động kết tập tiểu cầu tăng cao, tiêm tĩnh mạch dung dịch ích mẫu có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu. Tác dụng này có liên quan đến hiện tượng tăng cao hàm lượng cAMP trong tiểu cầu. Ngoài ra, ích mẫu còn có tác dụng giảm độ nhớt của máu.
5. Tác dụng lên hệ thần kinh trung ương: Thành phần Alcaloid và leonurin khiến thần kinh trung ương ở ếch bị ức chế. Sử dụng nước sắc ích mẫu cho 80 bệnh nhân tiểu cầu viêm và cầu thận ở nhiều độ tuổi khác nhau cho thấy bệnh tiến triển tốt. Thời gian điều trị nhanh nhất là 5 ngày, chậm nhất là 36 ngày và không có tái phát sau 5 năm (theo ghi chép của Trung Dược Học).
6. Tác dụng đối với hô hấp: Dùng dung dịch leonurin 1% từ ích mẫu tiêm tĩnh mạch vào mèo nhận thấy biên độ và tần suất hô hấp tăng lên đáng kể. Tác động này là do ích mẫu tác động trực tiếp đến trung khu thần kinh phế vị (theo ghi ghi chép của Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
7. Tác dụng lợi tiểu: Tiêm tĩnh mạch leonurin với liều 1mg/ kg đối với thỏ nhận thấy lượng nước tiểu được bài tiết tăng lên 2 – 3 lần (theo ghi ghi chép của Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
8. Tác dụng kháng khuẩn: Dịch chiết từ cây ích mẫu có thể ức chế một số vi khuẩn gây bệnh da liễu thường gặp (theo ghi ghi chép của Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
9. Cao Ích Mẫu làm hạ huyết áp, nhất là đối với thời kỳ đầu của bệnh (Tài nguyên cây thuốc Việt Nam).
10. Điều trị cầu thận-tiểu cầu viêm bằng nước sắc Ích Mẫu cho 80 bệnh nhân nhiều độ tuổi khác nhau, được điều trị bình thường. Tất cả đều khỏi. Thời gian trị ngắn nhất là 5 ngày, chậm nhất là 36 ngày. Theo dõi trong 5 năm, không thấy có tái phát (Trung dược học).
11. Cây thường có tác dụng gây sẩy thai. Uống nước sắc Ích Mẫu nhiều có khả năng gây không thụ thai (Tài nguyên cây thuốc Việt Nam).
12. Cao Ích Mẫu chiết bằng nước hoặc cồn mới có tác dụng tăng cường co bóp tử cung, còn thành phần tan trong ether thì trái lại, có tác dụng ức chế hoạt động co bóp của tử cung.
Độc tính:
Thí nghiệm trên chuột nhắt trắng, bằng đường tiêm tĩnh mạch leonurin có LD50 = 57,2 ± 37,2mg/kg. Trên thỏ thí nghiệm, leonurin tiêm dưới da với liều 30 mg/kg/ngày, dùng trong 2 tuần liên tiếp không có ảnh hưởng gì đến thể trọng, ăn uống và sự bài tiết phân, nước tiểu. Dùng ích mầu để nuôi thỏ có chửa ngoài hiện tượng gây sẩy thai, đối với hô hấp, nhịp tũn, thân nhiệt không có ảnh hưởng, đồng thời không có hiện tượng ngộ độc xảy ra.
Tính vị:
Vị đắng, cay, hơi hàn và không độc
Qui kinh:
Can, Bàng quang, Tâm
Công năng:
Hoạt huyết điều kinh, khử ứ chỉ thống, lợi thuỷ tiêu thũng. Quả Ích mẫu có tác dụng hoạt huyết điều kinh, thanh can minh mục.
Công dụng:
+ Ích mẫu thường được dùng chữa 1. Kinh nguyệt bế tắc, máu ứ tích tụ sau khi sinh đẻ, trước khi thấy kinh đau bụng hoặc kinh ra quá nhiều, làm an thai, giảm đau, làm dễ đẻ; 2. Viêm thận, phù thũng, giảm niệu, đái ra máu. Hạt dùng vào thuốc phụ khoa, làm cho dạ con mau co lại, co tử cung, làm thuốc lợi tiểu và sáng mắt.
+ Hạt Ích mẫu (Sung uý tử): Chữa phù thũng, thiên đầu thống, thông tiểu.
Cách dùng, liều lượng:
Liều dùng 9-30g cây (thân lá) hoặc dùng 4,5-9g hạt, sắc nước uống. Cũng có thể dùng cây nấu cao. Dùng riêng hoặc phối hợp với Ngải cứu, Hương phụ, Nghệ đen. Dùng ngoài lấy cây tươi giã đặp trị mụn nhọt, viêm da, lở ngứa, sưng vú và chốc đầu.
Bài thuốc:
1. Kinh nguyệt không đều, thấy kinh trước kỳ (ngắn vòng), kinh ít, đau bụng trước khi thấy kinh: Dùng 20g thân lá sắc uống 10 ngày kể từ ngày thứ 14 sau kỳ kinh. Hoặc dùng cao Ích mẫu 6-8g mỗi ngày.
2. Viêm thận cấp và phù thũng: Ích mẫu tươi 180-240g, nấu với 700ml nước và cô lại còn 300ml, chia 2 lần uống trong ngày.
3. Chữa sau khi đẻ phù thũng, hoặc có thai đi đứng nhiều, xuống máu chân: Dùng Ích mẫu 20g, Ngưu tất, Rau dừa nước mỗi vị 15g sắc uống
4. Suy nhược toàn thân và cằn cỗi ở phụ nữ: Ích mẫu 30-60g, nấu với trứng gà hay thịt gà mà ăn.
5. Thuốc bổ huyết điều kinh: Ích mẫu 80g, Nghệ đen (Nga truật) 60g, Ngải cứu 40g, Hương phụ 40g, Hương nhu 30g. Tất cả sao vàng tán bột mịn, luyện với mật, làm thành viên to bằng hạt đậu xanh. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 20 viên.
6. Chữa can nhiệt, mắt đỏ sưng đau: Quả Ích mẫu, Cúc hoa, hạt Muỗng, hạt Mào gà trắng, Sinh địa, mỗi vị 10g, sắc nước uống.
7. Chữa mụn nhọt, lở loét ở đầu trẻ nhỏ: Dùng ích mẫu thảo 20g rửa sạch và cho vào nồi sành, đổ nước ngập. Sau đó nấu cạn còn một nửa, chia thành 3 – 4 lần dùng để rửa ở vùng da bị lở loét.
8. Trị sữa tắc gây nhũ ung: Dùng ích mẫu tán bột mịn đem hòa tan với nước và thoa lên đầu vú. Bôi một đêm là khỏi.
9. Chữa tai thối, chảy mủ vàng: Dùng ngọn và lá non của cây ích mẫu giã nát, vắt lấy nước và nhỏ vào tai.
10. Chữa xích bạch đới hạ: Dùng hoa ích mẫu lúc mới nở, đem thái nhỏ và phơi khô. Sau đó đem đi tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 12g với nước sôi, uống trước khi ăn.
11. Chữa lở ngứa, đinh nhọt: Dùng ích mẫu giã nát và đắp lên vùng đau nhức. Kết hợp với việc vắt lấy nước cốt và uống để tránh độc chạy ngược vào trong.
12. Trị thai chết trong bụng: Dùng ích mẫu giã nát, sau đó cho một ít nước ấm vào. Sau đó vắt lấy nước cốt và uống.
13. Chữa cam tính rồi đi lỵ nặng ở trẻ nhỏ: Dùng lá non và búp của cây ích mẫu nấu cháo ăn.
14. Chữa trĩ: Dùng ích mẫu giã nát và vắt lấy nước cốt để uống.
15. Chữa sản hậu bị huyết vận: Dùng ích mẫu giá nát, vắt lấy nước uống (khoảng 1 chén).
16. Chữa mụn nhọt rôm sẩy: Dùng cây ích mẫu giã nát và đắp lên vùng da bị rôm.
17. Phòng ghẻ lở cho trẻ mới sinh: Dùng ích mẫu nấu nước tắm.
18. Chữa khó thở, cổ họng nghẹn, sưng đau: Dùng ích mẫu giã nát, hòa với một chén nước mới múc dưới song. Sau đó vắt lấy nước cốt, uống và nôn ra hết là khỏi.
19. Chữa thống kinh: Dùng ích mẫu tươi 60g và kê huyết đằng 30g sắc nước. Sau đó cho thêm đường vào uống.
20. Chữa phù do viêm thận mạn và huyết áp cao: Dùng ích mẫu 20g, phục linh 15g, bạch mao căn 15g, xa tiền tử 15g, tang bì và bạch truật mỗi thứ 10g đem sắc uống.
21. Chữa huyết áp cao: Dùng hy thiêm thảo, hạ khô thảo, ích mẫu và ngô đồng chế thành bài thuốc trị huyết áp cao.
Chú ý:
Không dùng ích mẫu cho người huyết hư không ứ. Phụ nữ đang mang thai uống quá liều có thể gây tai biến chảy máu nhiều.
Tham khảo:
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004
- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 2004
- theplanlist.org
- efloras.org
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Chòi mòi - Antidesma ghaesembilla
- Công dụng của cây Vẹt đen - Bruguiera sexangula (Lour.) Poir.
- Công dụng của cây Vẹt trụ - Bruguiera cylindrica
- Công dụng của cây Bầu nâu - Aegle marmelos
- Công dụng của cây nghệ lá từ cô - Curcuma alismatifolia
- Công dụng của cây Dướng leo - Broussonetia kazinoki
- Công dụng của cây Cúc leo - Mikania micrantha
- Công dụng của cây Gièng gièng - Butea monosperma
- Công dụng của cây Hoàng liên gai - Berberis julianae
- Công dụng của cây Móng bò sọc - Bauhinia variegata
- Công dụng của cây Hoa chông - Barleria cristata
- Công dụng của cây Khôi nước - Baliospermum solanifolium
- Công dụng của cây Hũng hoa to - Beaumontia grandiflora
- Công dụng của cây Tam lang - Barringtonia macrostachya
- Công dụng của cây Mấu chàm - Bauhinia scandens L.
- Công dụng của cây Thốt nốt - Borassus flabellifer
- Công dụng của cây Bù ốc leo - Stephanotis volubilis
- Công dụng của cây Móng bò vàng - Bauhinia tomentosa
- Công dụng của cây Nam sâm tàu - Commicarpus chinensis (L.) Heimerl
- Công dụng của cây Vẹt rễ lồi - Bruguiera gymnorhiza