KÉ ĐẦU NGỰA-Chữa viêm mũi, chảy nước mũi
KÉ ĐẦU NGỰA
Fructus Xanthii strumarii
Ké đầu ngựa: Xanthium strumarium L.; tramil.net and wallacegeo.blogspot.com
Tên khác:
Thương nhĩ tử (蒼 耳 子), Xương nhĩ, Thương nhĩ, Phắc ma, Mac nháng (Tày).
Tên khoa học:
Xanthium strumarium L.;, họ Cúc (Asteraceae).
Tên đồng nghĩa:
Xanthium abyssinicum Wallr.; Xanthium acerosum Greene; Xanthium acutilobum Millsp. & Sherff; Xanthium acutum Greene; Xanthium affine Greene; Xanthium albinum subsp. ripicola (Holub) J. Dostal; Xanthium americanum Walt.; Xanthium americanum Walter; Xanthium arcuatum Millsp. & Sherff; Xanthium arenarium Lasch; Xanthium aridum St.John; Xanthium barcinonense Sennen; Xanthium brevirostre Hochst.; Xanthium brevirostre Wallr.; Xanthium bubalocarpon Bush; Xanthium californicum var. rotundifolium Widder; Xanthium calvum Millsp. & Sherff; Xanthium campestre Greene; Xanthium cenchroides Millsp. & Sherff; Xanthium chasei Fernald; Xanthium chinense Mill.; Xanthium chinense var. chinense; Xanthium chinense var. globuliforme C.Shull; Xanthium cloessplateaum D.Z.Ma; Xanthium commune Britton; Xanthium commune var. commune; Xanthium cordifolium Stokes; Xanthium crassifolium Millsp. & Sherff; Xanthium cuneatum Moench; Xanthium curvescens Millsp. & Sherff; Xanthium cylindraceum Millsp. & Sherff; Xanthium cylindricum Millsp. & Sherff; Xanthium decalvatum Widder; Xanthium discolor Wallr.; Xanthium echinatum Murray; Xanthium echinatum var. cavanillesii (Schouw) O.Bolòs & J. Vigo; Xanthium echinatum subsp. echinatum; Xanthium echinatum var. echinatum; Xanthium echinatum var. italicum (Moretti) O.Bolòs & J. Vigo; Xanthium echinatumsubsp. italicum (Moretti) O.Bolòs & J. Vigo; Xanthium echinellum Greene ex Rydb.; Xanthium echinellumGreene; Xanthium fuscescens Jord. & Fourr.; Xanthium glabratum (DC.) Britton; Xanthium glanduliferumGreene; Xanthium globosum C.Shull; Xanthium homothalamum Spreng.; Xanthium indicum Klatt; Xanthium indicum DC.; Xanthium indicum Roxb.; Xanthium indicum var. indicum; Xanthium inflexum Mack. & Bush; Xanthium italicum var. albinum Widder; Xanthium japonicum Widder; Xanthium leptocarpum Millsp. & Sherff; Xanthium longirostre Wallr.; Xanthium macounii Britton; Xanthium macrocarpum var. glabratum DC.; Xanthium mongolicum Kitag.; Xanthium monoicum Gilib.; Xanthium nigri Ces.; Xanthium occidentale Bertol.; Xanthium oligacanthum Piper; Xanthium orientale var. albinum (Widder) Adema & M.T.Jansen; Xanthium orientale f. laciniatum (Pouzolz) Thell. ex Widder; Xanthium orientale var. riparium (Itzigs. & Hertsch) Adema & M. T. Jansen; Xanthium oviforme Wallr.; Xanthium pennsylvanicum Gand.; Xanthium pungens var. cylindricum(Millsp. & Sherff) Widder; Xanthium pungens var. denudatum Widder; Xanthium pungens var. globosum (Shull) Widder; Xanthium riparium Lasché; Xanthium ripicola J. Holub; Xanthium roxburghii Wallr.; Xanthium saccharatum subsp. aciculare Widder; Xanthium saccharatum subsp. commune (Britton) Widder; Xanthium sibiricum var. subinerme (C.Winkl.) Widder; Xanthium speciosum Kearney; Xanthium sphaerocephalum Salzm. ex Ball; Xanthium strumarium var. arenarium (Lasch) Uechtritz; Xanthium strumarium var. canadense (Mill.) Torr. & A.Gray; Xanthium strumarium var. glabratum (DC.) Cronquist; Xanthium strumarium var. hausmanniWidder; Xanthium strumarium var. oviforme (Wallr.) M.Peck; Xanthium strumarium var. pensylvanicum (Wallr.) M.Peck; Xanthium strumarium f. purpurascens S. Priszter; Xanthium strumarium subsp. strumarium; Xanthium strumarium f. strumarium; Xanthium strumarium var. strumarium; Xanthium strumarium var. wootonii (Cockerell) W.C.Martin & C.R.Hutchins; Xanthium strumarium var. wootonii (Cockerell) M.Peck; Xanthium varians Greene; Xanthium wootoni Cockerell ex de Vries; Xanthium wootonii Cockerell
Mô tả:
Cây: Cây thảo, sống hàng năm, cao 50-80cm, ít phân cành. Thân hình trụ, cứng, có khía, mầu lục, đôi khi điểm những chấm mầu nâu tím, có lông cứng. Lá mọc so le, hình tim-tam giác, dài 4-10cm, rộng 4-12cm, chia 3-5 thùy, mép khía răng không đều, có lông ngắn và cứng ở cả hai mặt, gân chính 3, cuống lá dài 10cm, có lông cứng. Cụm hoa mọc ở đầu cành hoặc kẽ lá, mầu lục nhạt, gồm hai loại đầu, cùng gốc; những đầu ở phía trên nhỏ mang hoa lưỡng tính, những đầu khác mang hoa cái; lá bắc xếp thành hai hàng, có lông; hoa lưỡng tính hình ống, không có mào lông, tràng có 5 thùy, nhị 5; hoa cái không có tràng và mào lông. Quả bế đôi, hình trứng, có hai sừng nhọn ở đầu và phủ đầy gai móc; dài 12-15mm, rộng 7mm; Mùa hoa quả: tháng 5-8.
Dược liệu: Quả hình trứng hay hình thoi, dài 1,2 - 1,7 cm, đường kính 0,5 - 0,8 cm. Mặt ngoài màu xám vàng hay xám nâu, có nhiều gai hình móc câu dài 0,2 - 0,3 cm, đầu dưới có sẹo của cuống quả. Vỏ quả rất cứng và dai. Cắt ngang thấy có hai ngăn, mỗi ngăn chứa một quả thật (quen gọi là hạt). Quả thật hình thoi có lớp vỏ rất mỏng, màu xám xanh rất dễ bong khi bóc phần vỏ quả giả. Hạt hình thoi, nhọn hai đầu, vỏ hạt màu xám nhạt có nhiều nếp nhăn dọc, gồm hai lá mầm dày, bao bọc cây mầm, rễ và chồi mầm nhỏ nằm ở phía đầu nhọn của hạt.
Bộ phận dùng:
Dược liệu là quả già phơi khô (Fructus Xanthii strumarii).
Phân bố, sinh thái:
Cây có nguồn gốc ở châu Mỹ, sau lan ra khắp các vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới châu Á, châu Phi và cả ở châu Âu. Ở châu Á, ké đầu ngựa phân bố từ Ân Độ, Trung Quốc đến các nước vùng Đông Dương, Đông Nam Á và Nam Á khác, ở Việt Nam, ké đầu ngựa có ở hầu hết các tỉnh miền núi, trung du và đồng bằng, nhất là các tỉnh phía bắc, từ Nghệ An trở ra. Độ cao dưới 1500 m.
Ké đầu ngựa ưa sáng và ưa ẩm, thường mọc tương đối tập trung thành đám lớn ở các bãi trống, ven đường đi hoặc trên các ruộng trồng hoa màu mới bỏ hoang. Cây mọc từ hạt vào khoảng tháng 4 - 5, sinh trưởng nhanh trong mùa hè, sau khi có hoa quả sẽ tàn lụi vào khoảng giữa mùa thu. Ké đầu ngựa có nhiều hoa quả. Quả có gai móc, vướng vào lông của động vật, quần áo của người, để phát tán đi xa.
Trồng trọt:
Ké đầu ngựa được trồng trong các vườn thuốc nam, trạm xá, bệnh viện ờ nhiều nơi. Cây được gieo thẳng bằng hạt. Thời vụ chính là tháng 2 - 3. Cây không kén đất, đất nào cũng trổng được, trừ đất úng ngập, đất có nhiều sỏi đá.
Đất cần làm nhỏ, lên thành luống cao 20 - 25 cm, rộng 70 - 80 cm, rạch thành hàng cách nhau 30 cm, bón lót một ít phân chuồng, sau đó gieo hạt. Hạt dễ mọc. Khi cây con cao 7-10 cm, tỉa bớt, để lại khoảng cách 20 - 30 cm giữa các cây. Thời kỳ cây con và lúc sắp ra hoa, có thể bón thêm ít đạm. Thỉnh thoảng, làm cỏ, vun gốc. Sau khi trồng 4 - 5 tháng, bắt đầu thu hoạch. Quả thu hái làm nhiều đợt, thân lá vào tháng 6 - 7. Thu xong phơi khô, cất giữ nơi khô ráo.
Thu hái:
Thu hoạch vào mùa thu, khi quả già chín, lúc trời khô ráo, hái lấy quả, loại bỏ tạp chất và cuống lá, phơi hoặc sấy nhẹ ở 40 - 45oC cho đến khô.
Bào chế:
Thương nhĩ tử: Loại bỏ tạp chất và gai, sàng hết dược liệu vụn.
Sao thương nhĩ tử: Lấy quả Ké đầu ngựa sạch, cho vào nồi rang đun nhỏ lửa, sao đến màu vàng sẫm, lấy ra để nguội, xát bỏ hết gai, giã dập khi bốc thuốc thang.
Cao thương nhĩ: Toàn bộ cây ké đầu ngựa sau khi thu hoạch được rửa sạch, thái nhỏ rồi phơi khô. Sau đó, nấu với nước và lọc bã cô thành cao mềm. Thông thường, cao thương nhĩ rất dễ bị lên men nên khi đóng chai nên đậy kín nắp, tránh trường hợp nắp bị đẩy gây chảy ra ngoài. Mỗi ngày dùng 6 – 8 gram hòa tan với nước ấm rồi uống. Thời gian dùng từ 1 – 2 tháng.
Thương nhĩ hoàn: Sử dụng cây ké đầu ngựa, loại bỏ phần rễ, cắt ngắn và rửa sạch. Sau đó, cho vào nấu sôi trong vòng 1 tiếng. Sau đó, lọc lấy nước 1. Còn phần bã, thêm nước và tiếp tục đun sôi 1 tiếng nữa. Tiếp đó, lọc lấy nước, bỏ bã và trộn chung nước sắc 1 và 2, nấu cô thành cao mềm. Cuối cùng thêm một lượng bột vừa đủ, trộn đều và vo thành viên. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 16 – 20 gram, trước bữa ăn.
Thành phần hoá học:
Alcaloid, saponin, chất béo, iod
Toàn cây ké đầu ngựa mọc ở miền núi, đồng bằng gần biển hay xa biển đều chứa iod với hàm lượng khá cao: 1 gam lá hoặc thân chứa trung bình 200µg, 1g quả chứa 220 - 230µg iod.
Phần trên mặt đất chứa 2 - hydroxytomentosin - 1ß, 5ß - epoxyd
Quả chứa nhiều sesquiterpen lacton: xanthinin, xanthumin, xanthatin, xanthol, isoxanthol.
Quả ké đầu ngựa non chứa nhiều vitamin C và các glucose, fructose (7,2%) sucrose (4,9%) acid hữu cơ, phosphatid, kali nitrat, ß-sitosterol, γ-sitosterol, ß-D glucosid của ß-sitosterol gọi là strumarosid (ß-sitosterol ß-D glucosid có tác dụng chống viêm).
Quả còn chứa tetrahydroxyflavon và stigmasterol.
Hạt ké đầu ngựa là nguồn nguyên liệu có dầu béo vối tỷ lệ khá cao, nếu chiết bằng dung môi, thu được 30 - 35% một loại dầu bán khô tương tự dầu hướng dương (Heirianthus annuus)
Hạt còn chứa một số chất gây độc cho gia sue, trong đó có hyroquinon, cholin và một chất độc hơn chưa xác định. Ngoài ra, còn có xanthostrumarin và acid oxalic và một lượng iod đáng kể.
Bã còn lại sau khi chiết lấy dầu là nguồn nguyên liệu giàu N 8 - 10%, acid phosphoric 3 - 3,5%.
Phần cứng của hạt dùng để chế tạo than hoạt tính. Phần này có 15,9% pentosan có thể dùng làm nguyên liệu tổng hợp furfural.
Trong lá, ngoài iod ra, còn có lượng vitamin C khá cao (47 mg/100g).
Rễ ké chứa ß-sitosterol, stigmasterol, campesterol và một glucosid tan trong nước với độ chảy 242°.
Ngoài ra, toàn cây ké đầu ngựa là nguồn phân hữu cơ rất tốt vì giàu đạm (30 - 40% nitrogen).
Tác dụng dược lý:
Theo một số nghiên cứu cho thấy trong quả cây ké đầu ngựa có chứa thành phần carboxy atractylosid ở dạng muối có độc tính có tác dụng hạ đường huyết. Ngoài ra, nghiên cứu vào năm 1974 Planta medic 8,75 đã tiến hành tách quả ké đầu ngựa và phát hiện quả chứa các hoạt chất như xanthamin và xanthetin có công dụng sát khuẩn.
Ngoài ra, nghiên cứu 2 năm của giáo sư Đỗ Tất Lợi và Phạm Kim Loan, Nguyễn Văn Cát của trường Đại học dược khoa Hà Nội cũng đã chỉ ra, toàn thân cây ké đầu ngựa chứa hàm lượng iot khá cao. Cứ 1 gram thân hoặc lá cây chứa đến 200 microgam iod, còn 1 gram quả chứa 220 – 230 microgam. Nếu đem quả sắc nước và cô thành cao đặc trong khoảng 15 phút, 1 gram cao có thể thu được 300 micrgam iod. Còn nếu kéo dài thời gian cô đặc lên 5 tiếng, hàm lượng iot có thể tăng lên 420 – 430 microgam. Chính nhờ đặc tính này, iodthường được áp dụng trong việc điều trị bướu cổ.
Ké đầu ngựa có tác dụng làm giảm cường độ co bóp tim, giảm thân nhiệt và lợi tiểu. Rễ ké đầu ngựa cho uống có tác dụng giảm đường huyết trên chuột cống trắng có đường huyết bình thường. Một đơn thuốc chống dị ứng trong có ké đầu ngựa và 15 dược liệu khác đã được chứng minh có tác dụng kháng histamin trong 3 phương pháp thí nghiệm: nghiệm pháp khí dung histamin gây khó thở và co giật trên chuột lang, tiêm tĩnh mạch histamin gây hạ áp và thí nghiệm histamin gây co thắt hồi tràng cô lập của động vật.
Hoạt chất xanthumin có tác dụng ức chế thần kinh trung ương. Dung dịch cồn 95° chứa hoạt chất xanthinin với nồng độ 0,01 - 0,1 % có hoạt tính kháng khuẩn mạnh đối với các vi khuẩn gram âm và các nấm. Ké đầu ngựa chứa ß-sitosterol - ß - D - glucosid có tác dụng chống viêm và là thành phần của những chế phẩm điều hòa hoạt động nội tiết và điều tri những bệnh niệu sinh dục ở người.
Nước hãm lá ké đầu ngựa làm tăng nhu động ruột thỏ cô lập và gây phong bế tim ếch. Trên động vật gây ung thư biểu mô cổ trướng Erlich, cao nước vạ cồn methylic rễ ké đầu ngựa làm tăng thời gian sống với 39% và 14% tương ứng. Cồn methylic rễ còn giảm trọng lượng u 13%. Rễ ké đầu ngựa có tác dụng hạ đường huyết. Cao nước của 9 dược liệu, trong có ké đầu ngựa có tác dụng kháng khuẩn in vitro ở nồng độ cao đối với đa số các tụ cầu khuẩn gây bệnh, không tác dụng đối với chủng Escherichia coli gây bệnh, các chủng trực trùng mủ xanh và các chủng Shigella flexneri.
Tính vị:
Tính ấm, vị đắng, hơi có độc
Quy kinh:
Phế
Công năng:
Tán phong thấp, thông tỵ khiếu.
Công dụng:
Nhức đầu do phong hàn, viêm mũi, chảy nước mũi, chữa mụn nhọt, mẩn ngứa, đau đầu do phong hàn, chân tay co rút, đau khớp do phong thấp.
Cách dùng, liều lượng:
10 - 16g một ngày, dạng thuốc sắc hay thuốc cao.
Bài thuốc:
1. Trừ thấp, giảm đau:
+ Ké đầu ngựa 8g. Sắc uống. Dùng cho các chứng bệnh phong thấp, đau khớp, thiên về thấp tà, sưng đau tê bại. Đau nặng nhưng không di chuyển chỗ đau; ngoài ra còn dùng cho chứng nhức đầu do cảm lạnh.
+ Ké đầu ngựa 10g, vòi voi 20g, lá lốt 10g, ngưu tất 10g. Các dược liệu tán vụn thành chè thuốc. Hãm với nước sôi, chia uống nhiều lần trong ngày. Chữa thấp khớp, viêm khớp.
+ Ké đầu ngựa 12g, ngưu tất 16g, hy thiêm 16g, thổ phục linh 12g, cành dâu 12g, tỳ giải 12g, cà gai leo 12g, lá lốt 10g. Sắc uống, ngày 1 thang. Chữa viêm đa khớp tiến triển.
2. Tuyên phế (giúp hô hấp), thông mũi:
+ Ké đầu ngựa 8g, tân di 8g, bạch chỉ 12g, bạc hà 4g. Sắc uống. Dùng với chứng bệnh phổi chứa thấp trọc, khi chất đục đi ngược lên lỗ mũi gây tắc không thông, chảy nước mũi, viêm mũi, viêm xoang mũi.
+ Cháo ké bạch chỉ: Ké đầu ngựa 20g, bạch chỉ 6g, hoàng kỳ 30g, kinh giới 10g, tế tân 4g, gạo tẻ 60g, đường trắng lượng thích hợp. Đem các dược liệu sắc lấy nước, cho vào nấu với gạo tẻ, khi cháo được cho thêm đường. Ngày ăn 1 lần, đợt 7 - 10 ngày. Dùng cho các bệnh nhân viêm xoang mũi họng, đau nhức đầu tắc mũi, ngạt mũi.
+ Lợi đàm trà: Chi tử 20g, bạc hà 6g, ké đầu ngựa 12g, tân di 12g. Các dược liệu cùng tán vụn, đem pha hãm cùng với chè uống ngày 1 ấm. Đợt dùng 7 - 20 ngày. Dùng cho các trường hợp viêm mũi xuất tiết, đờm đặc vàng, niêm mạc mũi sưng phù nề, đau đầu, đau vùng cánh mũi.
3. Tiêu phong, khỏi ngứa:
+ Ké đầu ngựa 8g, địa phu tử 8g. Sắc uống. Trị lên sởi, ngứa phát ban, mụn lở loét.
+ Ké đầu ngựa 10g, kinh giới 12g, kim ngân 10g, sài hồ 10g, bồ công anh 10g, bạc hà 8g, cam thảo nam 6g. Sắc uống. Dùng cho các chứng bệnh ngứa nổi ban, mụn, ngứa ngáy ngoài da.
4. Chữa bệnh bướu cổ: Ké đầu ngựa 15 g kết hợp cùng với cây xạ đen 40 g. Sắc với 1 lít nước và uống trong ngày.
5. Chữa đau răng: Sắc nước quả ké đầu ngựa và ngậm. Thực hiện ngậm nhiều lần trong ngày giúp làm giảm tình trạng đau nhức ở răng.
6. Chữa tăng tiết dịch do viêm mũi dị ứng: Hái quả ké đầu ngựa, phơi khô và tán bột. Mỗi ngày hòa tan 4 – 7 gram và uống.
7. Điều trị lở và mụn nhọt:
Bài 1: Dùng 10 gram quả ké đầu ngựa và 20 g kim ngân hoa, phơi khô. Sau đó, đóng 30 g/gói. Mỗi ngày dùng 1 gói pha trà uống.
Bài 2: Sử dụng 10 g ké đầu ngựa, 10 gram sài đất, 2 g cam thảo, 15 g bồ công anh và 5 gram kim ngân hoa. Tất cả các vị thuốc rửa sạch, phơi khô và bào chế dưới dạng chè thuốc. Đóng gói, mỗi gói 42 g. Mỗi ngày dùng 1 gói hãm với nước sôi và uống trong ngày.
8. Chữa viêm đường tiết niệu: Ké đầu ngựa 15 g, cây bòng bong 20 g, kim ngân hoa 15 g và cây mã đề 20 g, sắc chung với 1,5 lít nước. Khi thuốc cạn còn 800 ml, chia làm 3 lần và uống trong ngày. Dùng liên tục trong 1 tuần để đạt được kết quả tốt.
9. Chữa bệnh sỏi thận, chứng bí tiểu và phù thũng: Thương nhĩ tử thiêu tồn tính kết hợp với đình lịch, mỗi vị bằng nhau. Đem phơi khô, tán nhỏ. Mỗi ngày dùng 8 g pha trà, uống 2 lần/ ngày.
10. Chữa mũi tắc không phân biệt mùi vị, đau nhức ở vùng trán và mũi chảy nước vàng: quả ké đầu ngựa (thương nhĩ tử) 8 g, bạch chỉ 30 g, bạc hà 1,5 g, tân di 15 g. Tất cả các nguyên liệu, trừ bạc hà đem sắc thuốc uống. Sau khi sắc xong, cho bạc hà vào và đun sôi lại rồi tắt bếp ngay. Trong quá trình sắc nên bọc tân di lại tránh lông lẫn vào nước thuốc gây ngứa.
11. Chữa nổi mề đay: Trường hợp mề đay mọc theo đám, lặn chỗ này và nổi chỗ kia. Người bệnh sử dụng 10 g quả ké đầu ngựa, 15 g lá kinh giới và 15 g lá bạc hà. Đem các nguyên liệu này rửa sạch rồi nấu nước. Sau đó, lọc lấy nước, bỏ bã. Dùng nước này nấu cháo, ăn mỗi ngày.
Còn ở trường hợp mề đay đỏ gây nóng và ngứa nhiều, bệnh nhân dùng 15 g hạt quả ké đầu ngựa sắc chúng với 30 gram sinh địa và 12 g bạc hà. Uống mỗi ngày cho đến khi triệu chứng bệnh giảm dần.
12. Chữa côn trùng hoặc các loài có độc cắn: Dùng 1 nắm lá ké đầu ngựa non, rửa sạch, giã nát và vắt lấy nước cốt uống. Phần bã dùng đắp lên miệng vết cắn.
Chú ý:
Ké đầu ngựa nhập từ Trung Quốc là quả của cây Xanthium sibiricum Patrin ex Widder
Kiêng kỵ: Nhức đầu do huyết hư không nên dùng. Không dung dược liệu đã mọc mầm.
Tham khảo:
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004
- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 2004
- theplanlist.org
- efloras.org
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Chòi mòi - Antidesma ghaesembilla
- Công dụng của cây Vẹt đen - Bruguiera sexangula (Lour.) Poir.
- Công dụng của cây Vẹt trụ - Bruguiera cylindrica
- Công dụng của cây Bầu nâu - Aegle marmelos
- Công dụng của cây nghệ lá từ cô - Curcuma alismatifolia
- Công dụng của cây Dướng leo - Broussonetia kazinoki
- Công dụng của cây Cúc leo - Mikania micrantha
- Công dụng của cây Gièng gièng - Butea monosperma
- Công dụng của cây Hoàng liên gai - Berberis julianae
- Công dụng của cây Móng bò sọc - Bauhinia variegata
- Công dụng của cây Hoa chông - Barleria cristata
- Công dụng của cây Khôi nước - Baliospermum solanifolium
- Công dụng của cây Hũng hoa to - Beaumontia grandiflora
- Công dụng của cây Tam lang - Barringtonia macrostachya
- Công dụng của cây Mấu chàm - Bauhinia scandens L.
- Công dụng của cây Thốt nốt - Borassus flabellifer
- Công dụng của cây Bù ốc leo - Stephanotis volubilis
- Công dụng của cây Móng bò vàng - Bauhinia tomentosa
- Công dụng của cây Nam sâm tàu - Commicarpus chinensis (L.) Heimerl
- Công dụng của cây Vẹt rễ lồi - Bruguiera gymnorhiza