Logo Website

KHA TỬ-Chữa tiêu chảy, lỵ lâu ngày

01/10/2020
Cây Chiêu liêu có tên khoa học: Terminalia chebula Retz., họ Bàng (Combretaceae). Công dụng: Chữa tiêu chảy, lỵ lâu ngày, đại tiện ra máu, thoát giang (sa trực tràng); phế hư, ho, suyễn, ho lâu ngày không ngừng; yết hầu đau, tiếng khàn. Chiết xuất tanin dùng trong kỹ nghệ thuộc da.

KHA TỬ (訶 子)

Fructus Chebulae

Kha tử Terminalia chebula

Chiêu liêu: Terminalia chebula Retz.; Ảnh amazon.in

Tên khác: 

Chiêu liêu, Chiêu liêu hồng, Xàng, Tiếu, Cây tiếu, Cây cà lích.

Tên khoa học: 

Terminalia chebula Retz., họ Bàng (Combretaceae). 

Tên đồng nghĩa

Buceras chebula (Retz.) Lyons; Myrobalanus chebula (Retz.) Gaertn.; Myrobalanus gangetica (Roxb.) Kostel.; Terminalia acuta Walp.; Terminalia chebula var. chebulaTerminalia gangeticaRoxb.; Terminalia parviflora Thwaites; Terminalia reticulata Roth; Terminalia zeylanica Van Heurck & Müll. Arg.

Mô tả:

Cây: Cây to, cao 15-20m. Cành non có lông. Vỏ thân màu xám nhạt, có vách nứt dọc. Lá mọc so le, đầu nhọn, 15-20cm, có lông mềm, sau nhẵn. Ở đầu cuống lá có 2 tua nhỏ. Hoa nhỏ, màu trắng vàng vàng, thơm, xếp thành chùy ở nách lá hay ở ngọn, phủ lông màu đồng. Quả hình trứng thuôn dài 3-4cm, rộng 22-25mm, tù hai đầu, không có cánh,ốc 5 cạnh dọc, màu nâu vàng nhạt, có thịt đen. Hạch chứa một hạt dày 4mm, có lá mầm cuộn. Cây ra hoa tháng 5-6, có quả tháng 8-9.

Dược liệu: Hình quả trám hoặc hình trứng thuôn, dài 2 - 4 cm, đường kính 2 - 2,5 cm. Mặt ngoài màu nâu hơi vàng hoặc màu nâu thẫm, hơi sáng bóng; có 5 - 6 cạnh dọc và vân nhăn không đều; phần đáy có vết sẹo cuống quả, hình tròn. Chất chắc, thịt quả dày 0,2 - 0,4 cm, màu nâu hơi vàng, hoặc vàng nâu thẫm; hạch quả dài 1,5 - 2,5 cm, đường kính 1 - 1,5 cm, màu vàng nhạt, thô và cứng. Hạt hình thoi hẹp, dài chừng 1 cm, đường kính 0,2 - 0,4 cm, vỏ cứng màu vàng nâu, đôi lá mầm màu trắng, chồng lên nhau và cuộn xoắn lại. Không mùi, vị chua, chát, sau ngọt.

Bộ phận dùng: 

Quả chín sấy hay phơi khô của cây Chiêu liêu hay Kha tử (Fructus Chebulae)

Phân bố: 

Cây mọc ở miền Nam nước ta, ở Ấn Độ, Thái Lan.

Thu hái:

Thu hái quả vào mùa quả chín (tháng 9-11), phơi khô. Khi dùng sao qua, bỏ hạt. Bảo quản nơi khô ráo.

Bào chế:

+ Kha tử đã loại bỏ tạp chất, rửa sạch, phơi khô, khi dùng đập nát.

+ Thịt quả Kha tử: Lấy Kha tử sạch, ngâm qua nước, ủ mềm, bỏ hạch, phơi thịt quả đến khô.

Thành phần hoá học: 

Trong quả có khoảng 30% chất săn da mà chất đặc trưng là acid chebulinic, chebulin, acid chebulagic terchebin, acid shikimic; còn có 20-40% tanin với acid ellagic, acid gallic, acid quinic; sennoside A và tanase. Trong nhân có 3-7% chất dầu màu vàng, trong suốt, nửa khô.

Tác dụng dược lý:

Tác dụng chống oxy hóa: Các gốc tự do (oxy hóa) có thể gây ra nhiều tác hại đối với tế bào trong cơ thể và là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến các bệnh về thận, tim mạch, trí não, lão hóa và cả ung thư… Mặt khác, nhiều thực phẩm mà chúng ta dùng hàng ngày (như rau quả, thảo dược) đều ít nhiều có khả năng chống oxy hóa. Trong đó, vị thuốc chiêu liêu cũng có khả năng chống oxy hóa đáng kể (qua khảo sát 6 chiết xuất và 4 hợp chất tinh khiết từ chiêu liêu). Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo cơ thể khỏi bệnh và khỏe mạnh khi dùng chiêu liêu làm thuốc.

Chống ung thư: Hiệu quả chống ung thư của quả chiêu liêu đã được khảo sát cụ thể bằng các thí nghiệm trên nhiều dòng tế bào ung thư khác nhau. Kết quả cho thấy chiết xuất này có khả năng ức chế sự sản sinh và phát triển của tế bào ung thư, đồng thời tiêu diệt tế bào ung thư (tùy vào liều lượng thử nghiệm). Trong đó, các dòng tế bào ung thư dược khảo sát là: ung thư vú ở người MCF – 7, ung thư vú ở chuột S115, ung thư xương ở người HOS – 1, ung thư tuyến tiền liệt ở người PC – 3.

Chống tiểu đường: Quả chiêu liêu còn được xem xét về khả năng chống tiểu đường qua thí nghiệm trên chuột. Kết quả sau 30 ngày thử nghiệm cho thấy chiết xuất quả chiêu liêu giúp giảm đường huyết đáng kể và có thể so sánh với thuốc điều trị tiểu đường nổi tiếng là Glibenclamide.

Bảo vệ gan: Ngày nay, việc sử dụng thuốc Tây y để điều trị bệnh vẫn kèm theo nhiều tác dụng phụ đáng lo ngại, nhất là đối với các cơ quan nội tạng như gan và thận. Vì vậy, chiết xuất từ quả chiêu liêu (trong etanolic 95 %) cũng đã được xem xét về hoạt tính bảo vệ gan và cho thấy hiệu quả ngăn ngừa đáng kể đối với nhiễm độc gan do dùng các thuốc Rifampicin (RIF), Isoniazid (INH) và Pyrazinamide (PZA).

Tính vị:

Hơi chua và chát, tính mát.

Công năng: 

Sáp trường, liễm phế, giáng hoả, thông lợi yết hầu.

Công dụng:

+ Tiêu chảy, lỵ lâu ngày, đại tiện ra máu, thoát giang (sa trực tràng); phế hư, ho, suyễn, ho lâu ngày không ngừng; yết hầu đau, tiếng khàn.

+ Chiết xuất Tanin dùng trong kỹ nghệ thuộc da.

Cách dùng, liều lượng: 

Ngày 3-6g dưới dạng thuốc sắc, thuốc viên.

Bài thuốc:

1. Chữa xích bạch lỵ: 12 quả Kha tử, 6 quả để sống, 6 quả nướng bỏ hạt, sao vàng và tán nhỏ. Nếu lỵ ra máu thì dùng nước sắc Cam thảo mà chiêu thuốc; nếu lỵ ra mùi, thì dùng nước sắc Cam thảo chích. 

2. Chữa ho lâu ngày: dùng Kha tử, Đảng sâm mỗi vị 4g sắc với 400ml, còn 1/2 chia uống 3 lần. 

3. Chữa tiêu chảy mạn tính: Dùng khoảng 5g Kha tử (dạng bột), hoà với 10ml rượu và 100ml siro. Mỗi ngày uống ba lần, mỗi lần một thìa canh. Với trẻ em dùng khoảng 1/3 liều lượng của người lớn. Hoặc có thể lấy kha tử đem nướng chín, tách bỏ hạt, phần thịt đem xay (giã) thành bột mịn. Lấy bột khai tử (lượng 6g) hoà với nước cơm, uống ngày hai lần cho đến khi khỏi hẳn thì thôi.

4. Chữa kiết lỵ kinh niênLấy 30g Kha tử, 100g Hoàng liên, 20 hạt nhục đậu khấu đã bo vỏ đem tán nhỏ thành bột mịn, trộn với hồ nặn thành viên nhỏ. Mỗi ngày uống 30 viên, chia làm hai lần. Hoặc kết hợp Kha tử (6g) với Đẳng sâm, Bạch truật, Đương quy (mỗi thứ 12g) và cam thảo, gừng, mộc hương (mỗi thứ 6g). Tất cả đem sắc với 400ml nước, uống làm hai lần mỗi ngày.

5. Chữa ỉa chảy lâu ngày: Kha tử 10g, tán bột, hoà với cháo ăn.

6. Chữa ngộ độc thức ăn: Kha tử nướng chín bỏ hạt 8g, hoàng liên 5g, đem tán thành bột mịn. Hoà hỗn hợp này với nước đun sôi để nguội dùng uống ngày ba lần.

7. Chữa khản tiếng, mất tiếng với kết quả rất tốt: Khi bị viêm thanh quản, giọng nói khản đặc, khó nuốt, lấy ít vỏ quả khô, để sống, nhai ngậm rồi nuốt nước dần dần. Làm như vậy nhiều lần trong ngày.

8. Chữa đau bụng, tiêu chảy lâu ngày, lỵ mạn tính: Quả chiêu liêu là thảo dược nhuận tràng và rất có lợi với hệ tiêu hóa. Đặc biệt, quả có tác dụng nổi trội trong điều trị các bệnh về đường ruột như tiêu chảy lâu ngày và lỵ mạn tính. Đối với những trường hợp này, các bệnh nhân có thể tham khảo nhiều bài thuốc có vị chiêu liêu. Ở đây, chúng tôi xin giới thiệu đơn thuốc có các vị quen thuộc, dễ tìm, bao gồm: quả chiêu liêu, vỏ quýt chín phơi khô, vỏ quýt xanh phơi khô, cam thảo, bạch đậu khấu và đinh hương. Tất cả các vị trên phơi khô, tán thành bột mịn và uống trong 5 ngày sẽ thấy hiệu quả (liều lượng tùy vào chỉ định của thầy thuốc cho từng tình trạng bệnh cụ thể)

Kiêng kỵ: Những người bị ho do phế có thực nhiệt, hay tiêu chảy do cảm lạnh không nên dùng Kha tử.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 2004

- theplanlist.org

- efloras.org

- Hua-Yew Cheng, Ta-Chen Lin, Kuo-Hua Yu, Chien-Min Yang, Chun-Ching Lin, Antioxidant and Free Radical Scavenging Activities of Terminalia chebula, Biological and Pharmaceutical Bulletin, 2003, Volume 26, Issue 9, Pages 1331-1335

- Saleem A., Husheem M., Harkonen P., Pihlaja K.; Inhibition of cancer cell growth by crude extract and the phenolics of Terminalia chebula retz. Fruit; (2002)  Journal of Ethnopharmacology,  81  (3) , pp. 327-336.

- Gandhipuram Periasamy Senthil Kumar, Palanisamy Arulselvan, Durairaj Sathish Kumar, Sorimuthu Pillai Subramanian, Anti-Diabetic Activity of Fruits of Terminalia chebula on Streptozotocin Induced Diabetic Rats, Journal of Health Science, 2006, 52 巻, 3 号, p. 283-291

- Tasduq SA, Singh K, Satti NK, Gupta DK, Suri KA, Johri RK. Terminalia chebula (fruit) prevents liver toxicity caused by sub-chronic administration of rifampicin, isoniazid and pyrazinamide in combination. Human & Experimental Toxicology. 2006;25(3):111-118.