KHIẾM THỰC BẮC-Chữa di tinh, đái đục
KHIẾM THỰC BẮC (芡 實)
Semen euryales
Khiếm thực bắc: Euryale ferox Salisb.; Photo mediastorehouse.com and tcmwiki.com
Tên khác:
Kê đầu thực, Nhạn đầu, Thủy kê đầu, Kê đầu liên, Khiếm thật, Khiếm thực mễ, Đại khiếm thực.
Tên khoa học:
Euryale ferox Salisb., họ Súng (Nymphaeaceae).
Tên đồng nghĩa:
Anneslea spinosa Andrews; Euryale indica Planch.
Mô tả:
Cây: Là một loại cây mọc ở đầm ao, sống hàng năm, lá hình tròn rộng, nổi trên mặt nước, mặt trên màu xanh, mặt dưới màu tím. Mùa hạ, cành mang hoa trồi lên trên mặt nước, đầu cành có một hoa sáng nở chiều héo. Quả hình cầu, là chất xốp màu tím hồng bẩn, mặt ngoài có gai, đỉnh còn đài sót lại, hạt chắc, hình cầu, màu đen.
Dược liệu: Hình cầu, phần lớn là hạt vỡ. Hạt hoàn chỉnh đường kính 5 - 8 mm. Vỏ hạt màu đỏ nâu, một đầu màu trắng vàng, chiếm độ 1/3 hạt, có vết lõm rốn hạt dạng điểm. Khi bỏ vỏ lụa hạt sẽ hiện màu trắng, chất tương đối cứng. Mặt gẫy màu trắng, chất bột. Không mùi, vị nhạt.
Bộ phận dùng:
Nhân hạt của quả chín đã phơi hay sấy khô của cây Khiếm thực (Semen euryales)
Phân bố:
Cây được trồng trong các ao đầm của Trung Quốc giáp giới Việt nam như Quảng đông, Quảng tây và Vân nam, nước ta chưa thấy cây này. Vị thuốc phải nhập hoàn toàn.
Thu hái, sơ chế:
Vào tháng 9,10 quả chín hái về xay vỡ, sẩy lấy hạt rồi xay bỏ vỏ hạt lấy nhân làm thuốc.
Bào chế:
+ Dùng hạt khô sống hoặc sao.
+ Khiếm thực sao: Lấy cám rang nóng đợi lúc khói bay lên, cho Khiếm thực sạch vào, sao cho tới màu hơi vàng, lấy ra sàng bỏ cám, để nguội (10 kg Khiếm thực cần 1 kg cám).
Bảo quản:
Dược liệu này rất dễ bị mọt nên cần phơi hay sấy thật khô rồi sao vàng và cho vào bình có nắp đậy. Để nơi thông thoáng, tránh ẩm thấp hay có ánh nắng rọi trực tiếp.
Thành phần hoá học:
Hydratcarbon, protein, lipid, vitamin C.
Một số hợp chất đã được phân lập và xác định từ dịch chiết ethanol của Khiếm thực: acid protocatechuic; acid gallic, gallic acid ethyl este; 5 , 7-dihydroxychromon, β-sitosterol, daucosterol; 5,7-dihydroxy-6,4'-dimethoxyflavon
Tính vị:
Vị ngọt, hơi chát, tính bình
Quy kinh:
Tỳ và thận.
Công năng:
Bổ tỳ, ích thận, chỉ tả, sáp tinh.
Công dụng:
Chữa di tinh, đái đục, bạch đới, lưng gối mỏi đau, tiểu tiện không nín được.
Cách dùng, liều lượng:
Ngày 9 - 15g, dạng thuốc sắc, hoàn tán.
- Cách dùng dạng bột: Khiếm thực 500g, kim anh tử 500g, tán thành dạng bột. Mỗi ngày lấy 5g bột khiếm thực, 5g bột kim anh tử, thêm 2 thìa mật ong chộn đều chia 3 lần uống trong ngày.
- Sắc uống: 20g khiếm thực, 15g kim anh tử sắc với khoảng 1 lít nước để uống trong ngày.
- Nấu cháo khiếm thực: khiếm thực 30g, nấu cháo để sử dụng hàng ngày.
Bài thuốc:
1. Chữa tiêu chảy trẻ em do tỳ hư: Bài Sâm linh Bạch truật tán gia giảm: Sơn dược, Khiếm thực, Đảng sâm, Bạch linh, Ý dĩ nhân, Trần bì đều 10g, Bạch truật, Trạch tả, Thần khúc đều 6g, Cam thảo 3g, sắc uống.
2. Chữa di mộng tinh, thần kinh suy nhược, hoạt tinh, lỵ mãn tính, viêm ruột mãn tính: dùng bài Thủy lục đơn: Khiếm thực và Kim anh tử hai vị bằng nhau, tán nhỏ, thêm mật làm thành viên. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 3-5 g. Uống với nước nóng.
3. Trị chứng bạch đới do thấp nhiệt:
+ Dị hoàng tán: Khiếm thực, Bạch quả, Xa tiền tử đều 10g, Sơn dược 15g, Hoàng bá 6g, sắc uống hoặc làm thuốc tán.
+ Phàn thanh hoàn: Khiếm thực, Bạch linh lượng vừa đủ tán bột mịn luyện mật làm hoàn, mỗi lần uống 10g với nước muối nhạt.
4. Chữa tiểu đường: Khiếm thực 30g, gan heo 80 - 120g nấu chung ăn.
5. Chữa viêm phế quản mãn tính, hư suyễn ở người già: 50g khiếm thực (đập dập), 10g táo nhân, 10g cùi hồ đào (nghiền cả vỏ), 100g gạo tẻ. Tất cả các vị thuốc cho hết vào nồi và nấu thành cháo. Thêm đường phèn cho vừa ăn. Chia làm 2 lần ăn trong ngày. Sử dụng với liều lượng mỗi ngày 1 thang thuốc.
6. Chữa khí nhược, thận hư, tiểu tiện đục: 15g khiếm thực, 10g phục linh, gạo tẻ lượng vừa đủ. Khiếm thực và phục linh đem giã nát rồi sắc trước với nước cho mềm ra. Cho gạo vào nấu thành cháo. Mỗi ngày dùng 1 thang thuốc và duy trì liên tục trong khoảng 5 – 7 ngày.
7. Chữa viêm ruột mãn tính, thần kinh suy nhược: Khiếm thực cùng kim anh tử với lượng bằng nhau. Đem dược liệu đi tán thành bột mịn rồi thêm mật vào hoàn thành viên. Mỗi lần uống đúng 4g, với tần suất 2 – 3 lần/ngày.
8. Chữa chứng đau lưng mỏi gối, tiểu đêm, ăn uống kém, tỳ hư: Khiếm thực với lượng tùy ý. Đem dược liệu đi sao vàng rồi tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng đúng 8g, tần suất 2 lần/ngày. Uống chung với nước sắc ích trí nhân và phá cố chỉ mỗi vị 6g.
9. Chữa các chứng tiêu chảy lâu không dứt, tỳ hư bất vận, ăn uống kém, cơ thể mệt mỏi: 30g khiếm thực, 30g biển đậu, 30g liên nhục, 30g bạch truật, 30g phục linh, 30g sơn dược, 8g nhân sâm và 30g hạt ý dĩ. Các vị thuốc trên đem tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng 6g pha với nước sôi ấm, có thể thêm đường để dễ uống hơn. Tần suất sử dụng 2 – 3 lần/ngày.
10. Chữa đới hạ do thấp nhiệt: 12g khiếm thực, 12g hoàng bá cùng với 12g xa tiền tử. Các dược liệu cho hết vào nồi sắc trên lửa nhỏ với 600ml nước trong 30 phút. Chia lượng thuốc thu được làm 2 lần uống trong ngày, sử dụng với liều lượng 1 thang/ngày.
11. Chữa đới hạ do tỳ thận hư: 12g khiếm thực cùng với 12g sơn dược. Các vị thuốc trên đem cho vào nồi sắc chung với 400ml đến khi còn 100ml là đạt. Uống mỗi ngày 1 thang thuốc và duy trì liên tục trong khoảng 5 ngày.
12. Chữa chứng hoạt tinh: 80g khiếm thực, 80g liên tử, 40g mẫu lệ, 40g long cốt, 80g sa uyển tật lê. Liên tử tán bột và nấu thành hồ. Các vị thuốc còn lại đem tán bột rồi trộn chung với hồ liên tử và làm thành viên hoàn. Mỗi ngày dùng khoảng từ 16 – 20g thuốc với nước sôi ấm.
13. Chữa chứng bạch đới do thấp nhiệt:
Bài 1: Cần chuẩn bị 10g khiếm thực, 10g xa tiền tử, 10g bạch quả, 15g sơn dược, 6g hoàng bá. Các vị thuốc cho vào ấm sắc lấy nước uống hoặc tán thành bột và uống với nước sôi ấm. Sử dụng với liều lượng đúng 1 thang thuốc/ngày.
Bài 2: Chuẩn bị khiếm thực cùng bạch linh với lượng bằng nhau. Đem dược liệu đi tán thành bột mịn và làm thành viên hoàn. Mỗi lần uống đúng 10g cùng với nước muối nhạt.
14. Chữa bạch đới nhiều ở phụ nữ: 12g khiếm thực, 12g đảng sâm, 12g sơn dược, 12g phục linh, 12g bạch truật, 12g táo nhân, 12g kim anh, 6g ngũ vị tử, 6g viễn chí, 4g cam thảo. Các vị thuốc trên đem cho vào ấm sắc với 1 thăng nước trong vòng 20 phút. Chia lượng thuốc thu được thành 3 lần uống trong ngày, uống khi thuốc còn ấm. Dùng với liều lượng 1 thang thuốc/ngày.
15. Bài thuốc ích thận cố tinh: 10g khiếm thực, 10g kim anh tử, 3 con chim sẻ, bột mì và rượu trắng với lượng đủ dùng. Chim sẻ làm sạch và bỏ nội tạng, khiếm thực rửa sạch, kim anh tử bóp vụn. Bắc chảo lên bếp cho nóng rồi đổ 2 thìa dầu ăn vào và cho nguyên liệu vào xào qua. Đổ rượu trắng vào, nêm gia vị rồi cho nước vừa đủ hầm đến khi chim sẻ nhừ thì cho 1 ít bột mì vào sền sệt rồi bắc xuống. Ăn khi thuốc còn ấm nóng.
Kiêng kỵ:
Đại tiện táo bón, tiểu tiện bí không nên dùng.
Chú ý:
Trên thị trường có vị thuốc Khiếm thực nam là rễ củ phơi khô của cây củ súng nhỏ (Nymphaea stellata Wild.), họ Súng (Nymphaeaceae). Cây có nhiều ở các vùng ao hồ nước ta. Công dụng như Khiếm thực Bắc.
Tham khảo:
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004
- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 2004
- theplanlist.org
- efloras.org
- Sun HL, Zhang YQ, Xie XY, Che YY.; Studies on chemical constituents from seeds of Euryale ferox; Zhong Yao Cai. 2014 Nov;37(11):2019-21. Chinese. PMID: 26027125.
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Chòi mòi - Antidesma ghaesembilla
- Công dụng của cây Vẹt đen - Bruguiera sexangula (Lour.) Poir.
- Công dụng của cây Vẹt trụ - Bruguiera cylindrica
- Công dụng của cây Bầu nâu - Aegle marmelos
- Công dụng của cây nghệ lá từ cô - Curcuma alismatifolia
- Công dụng của cây Dướng leo - Broussonetia kazinoki
- Công dụng của cây Cúc leo - Mikania micrantha
- Công dụng của cây Gièng gièng - Butea monosperma
- Công dụng của cây Hoàng liên gai - Berberis julianae
- Công dụng của cây Móng bò sọc - Bauhinia variegata
- Công dụng của cây Hoa chông - Barleria cristata
- Công dụng của cây Khôi nước - Baliospermum solanifolium
- Công dụng của cây Hũng hoa to - Beaumontia grandiflora
- Công dụng của cây Tam lang - Barringtonia macrostachya
- Công dụng của cây Mấu chàm - Bauhinia scandens L.
- Công dụng của cây Thốt nốt - Borassus flabellifer
- Công dụng của cây Bù ốc leo - Stephanotis volubilis
- Công dụng của cây Móng bò vàng - Bauhinia tomentosa
- Công dụng của cây Nam sâm tàu - Commicarpus chinensis (L.) Heimerl
- Công dụng của cây Vẹt rễ lồi - Bruguiera gymnorhiza