KHOẢN ĐÔNG HOA-Chữa ho, khó thở :
KHOẢN ĐÔNG HOA (款 冬 花)
Flos Tussilaginis farfarae
Khoản đông hoa: Tussilago farfara L.; Photo Giuliano Da Zanche and fr.es-kincare
Tên khác:
Đồ Hề, Đông Hoa, Đông Hoa Nhị, Hổ Tu, Khỏa Đống, Khoản Đống, Khoản Hoa, Mật Chích Khoản Đông, Thác Ngô, Thị Đông, Toản Đông, Xá Phế Hậu, Tussilage (Pháp), Chassetoux (Pháp).
Tên khoa học:
Tussilago farfara L., họ Cúc (Asteraceae).
Tên đồng nghĩa:
Cineraria farfara Bernh.; Farfara radiata Gilib.; Tussilago alpestris Hegetschw.; Tussilago umbertina Borbás
Mô tả:
Cây: Khoản đông hoa là một loại cây nhỏ, sống lâu do thân rễ. Vào mùa xuân, từ gốc lá mọc lên những cán mang hoa dài 10-20cm, lá mọc so le, mầu tím nhạt, phủ lên cán hoa thành hình vẩy. Đầu cán có một cụm hoa hình đầu mầu vàng tươi, quanh có lá bắc mầu đỏ nhạt. Giữa cụm hoa là những hoa lưỡng tính, xung quanh là hoa cái cùng mầu vàng, hình lưỡi nhỏ. Quả đóng mầu nâu, có sợi của lá dài. Sau khi hoa nở, lá mới xuất hiện, mọc thành vòng, mang cuống dài, phiến lá hình tim, mép có răng cưa. Đường kính lá có thể đạt 15-20cm. Mặt dưới có lông, mặt trên bóng. Hình giống hình chân con lừa, do đó tên cây tại một số nước châu âu còn gọi là cây “chân lừa” (pas d’ane).
Dược liệu: Cụm hoa hình chuỳ dài, thường là 2 - 3 cum hoa cùng mọc trên 1 cành hoặc mọc đơn độc, dài 1 - 2,5 cm, đường kính 0,5 - 1 cm, phần trên rộng hơn và phần dưới thon dần. Đỉnh cuống cụm hoa có nhiều lá bắc dạng vẩy. Mặt ngoài của lá bắc đỏ tía hoặc đỏ nhạt, mặt trong được phủ kín bởi những đám lông trắng như bông. Mùi thơm, vị hơi đắng và cay.
Bộ phận dùng:
Nụ hoa phơi hay sấy khô của cây Khoản đông hoa (Flos Tussilaginis farfarae)
Phân bố, sinh thái:
Cây mọc hoang, được trồng ở Trung Quốc (Hà Bắc, Hà Nam, Hồ Bắc, Tứ Xuyên, Cam Túc, Nội Mông, Thanh Hải…) và nhiều nước châu Âu (Pháp, See, Hungari…).
Vào khoảng năm 1970 - 1971, cây đã được nhập trồng ỏ Trại thuốc Sa Pa - Lào Cai (Viện Dược liệu), sau đó đã bị mất giống và đến nay chưa có điều kiện nhập trở lại.
Thu hái, sơ chế:
Thu hoạch vào mùa đông, lấy nụ hoa, loại bỏ cuống hoa, đất cát, phơi khô trong bóng râm.
Bào chế:
Mật đông hoa (Tẩm mật): Lấy Khoản đông hoa đã trừ bỏ tạp chất, thêm mật ong và một ít nước sôi, trộn đều, ủ cho ngấm, sao lửa nhỏ đến hơi vàng, sờ không dính tay, lấy ra để nguội. Cứ 10 kg khoản đông hoa dùng 2,5 kg mật ong.
Thành phần hoá học:
Chất khoáng, tinh dầu, flavonoid, tanin.
Hoa khoản đông chứa 6-8% nước, 10% muối khoáng, một ít tinh dầu, một ít tanin. Hoa chứa rất nhiều chất nhầy uronic (6,9% đối với trọng lượng hoa khô). Người ta còn xác định được ancol texnenic (arnidiol, và fanadiol), các carotenoid, flavonoid, rutosid và hyperosid (gaiactosid của quercetol).
Khoản đông hoa có các alcaloid senkirkin và senecionin với hàm lượng cao. Ngoài ra, còn có integerimin, seneciphylin, neosenkirkin, tissulagin và isotissulagin
Lá khoản đông chứa 2,63% glucosid đắng, 8% chất nhầy, một ít tanin. Trong tro có hàm lượng Zn rất cao (trên 3,26% tính theo ZnCO3).
Tác dụng dược lý:
- Tác dụng lên hệ hô hấp: Thuốc sắc Khoản đông hoa làm tăng tiết đường hô hấp, giảm ho, long đờm, chống suyễn trên súc vật thí nghiệm. Nơi mèo thí nghiệm được gây hoa bằng cách tiêm iod cho thấy: liều nhỏ thuốc truyền dịch gây gĩan phế quản nhưng liều cao thì có tác dụng ngược lại. Điều trị bằng nước sắc Khoản đông hoa cho 21 ca hen phế quản và 15 ca hen phế quản kèm phế khí thủng. 8 ca cho thấy có tiến triển (trong vòng 2 ngày: không còn rít và có dấu hiệu tiến triển trong chức năng phổi); 19 cas có vài tiến triển (tiến triển chậm hoặc tái phát). Có thể thấy rằng tác dụng hạ suyễn của Khoản đông hoa tương đối yếu, đa số bệnh nhân thấy muốn nôn, một ít bệnh nhân thấy bực dọc, mất ngủ.
- Tác dụng lên tim mạch: Tiêm tĩnh mạch dịch Khoản đông hoa cho mèo được gây tê, đầu tiên thấy áp huyết hạ rồi nâng lên (Trung Dược Học).
- Nước sắc Khoản đông hoa làm tăng tiết đường hô hấp, làm giảm ho rõ. Còn có tác dụng hưng phấn trung khu thần kinh, hưng phấn hô hấp. Thuốc có tác dụng hạ cơn suyễn trên súc vật thí nghiệm (Chinese Herbal Medicine).
- Trên mô hình cô lập súc vật thí nghiệm, liều nhỏ thuốc truyền dịch thấy có tác dụng gĩan Phế quản, liều lớn thì ngược lại gây co thắt Phế quản (Chinese Herbal Medicine).
- Khoản đông hoa gây co thắt mạch, làm tăng huyết áp, gây tăng áp do hưng phấn trung khu vận mạch (Trung Dược Học).
- Nụ hoa khoản đông hoa cho chuột cống trắng ăn đã có tác dụng gây sarcom. Alcaloid senkirin đã có tác dụng gây đột biến trong nhiều hệ thống thử nghiệm và gây u tuyến ở gaa sau khi tiêm phúc mạc cho chuột cống trắng. Không dùng khoản đông hoa làm rau ăn, và phải thận trọng khi dùng làm thuốc.
Tính vị:
Cay, hơi ngọt; tính ấm.
Quy kinh:
Phế.
Công năng:
Nhuận phế, hạ khí, ngừng ho, trừ đờm.
Công dụng:
Ho mới, ho lâu ngày, ho suyễn đờm nhiều, ho lao (do lao lực), ho ra máu.
Tây y cũng dùng hoa khoản đông chữa ho hen. Thường dùng phối hợp với một số hoa khác trong thang thuốc ho (especes pectorales): Gồm khoản đông hoa, hoa bouillon blanc, hoa guimauve, hoa mauve, hoa coquelicot, hoa pied dechat, hoa violette. Tất cả trộn đều. Chế dưới dạng thuốc hãm thang thuốc này trong 1 lít nước sôi.
Ở Ấn Độ, khoản đông hoa là cây có thể ăn được, lá non nấu súp, lá già ăn như rau. Lá khoản đông hoa có tác dụng làm dịu, lợi tiểu, long đờm và làm ra mồ hôi trị cảm, ho, hen, khó tiêu, tiêu chảy, thấp khớp và rối loạn thần kinh. Khói do đốt cây có tác dụng chống tiết cholin và kháng histamin. Hoa được dùng súc miệng để làm dịu.
Cách dùng, liều lượng:
Ngày dùng 6-12g dưới dạng thuốc sắc, hoàn, tán, dùng riêng hay phối hợp với nhiều vị thuốc ho khác.
Bài thuốc:
1. Chữa ho, khó thở :
- Dùng Khoản đông hoa, đốt lên, hớp lấy khói.
- Khoản đông hoa, Bối mẫu, Tang bạch bì, Tử uyển, Tỳ bà diệp, Bách bộ, Qua lâu căn, Thiên môn đông, Hạnh nhân. Các vị bằng nhau, thái nhỏ, trộn đều. Dùng 6-12g hỗn hợp này thêm 500ml, đun sôi. Giữ sôi trong 3 phút. Chia nhiều lần uống trong này (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam)
2. Chữa hen suyễn: Dùng rượu thuốc Khoản đông hoa, mỗi lần uống 5ml (tương đương 6g thuốc sống), ngày 3 lần. Theo dõi 36 ca, thấy có kết quả nhưng cơn nặng không có kết quả (Đặng Trường Vinh, Thượng Hải Trung Y Dược 1964, 10:12).
3. Chữa phế quản viêm, phế quản giãn, lao phổi, ho khan do âm hư: Dùng Khoản đông hoa, lượng thuốc vừa đủ, cho vào điếu thuốc hút (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
4. Chữa phế quản viêm, phế quản giãn, lao phổi, ho khan do âm hư: Dùng Khoản đông hoa, Bách hợp đều 120g. Tán bột, làm hoàn. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 10g. (Bách Hoa Hoàn - Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
5. Chữa suyễn ho không hết hoặc trong đàm có máu: Khoản đông hoa, Bách hợp tán nhỏ làm thành mật hoàn, bự cỡ quả nhãn. Mỗi ngày 1 viên, sau ăn, nhai nhỏ, uống với nước gừng (Tế sinh phương – Bách hoa cao).
6. Chữa phế ung, ho, ngực đầy tức, run khi gặp lạnh, mạch sác, miệng khô khát: Khoản đông hoa (bỏ cuống) 45 g, Chích cam thảo 30 g, Cát cánh 60 g, Ý dĩ nhân 30 g. Chia làm 10 tễ, sắc uống (Sang dương khoa kinh nghiệm toàn thư – Khoản hoa thang).
Chú ý, kiêng kỵ:
- Quá liều có thể gây cảm giác kích thích, bứt rứt, bồn chồn và tăng hô hấp.
- Người phế hỏa vượng thiêu đốt, phần âm trong cơ thể suy hư lao nhọc, ho nhiều không nên sử dụng.
Độc tính:
Vào thời thượng cổ, cây khoản đông được ưa chuộng nhiều nhưng trong thời gian gần đây, các kết quả nghiên cứu cho thấy cây khoản đông mọc ở châu Âu có một lượng độc tố nhỏ có thể gây độc hoặc gây ung thư gan (như senkirkin, tussilagin, senecionin). Vì vậy, trước khi sử dụng Khoản đông hoa, mọi người cần hỏi thêm bác sĩ.
Tham khảo:
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004
- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 2004
- theplanlist.org
- efloras.org
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Bồng Nga truật - Boesenbergia rotunda
- Công dụng của cây Gõ mật - Sindora siamensis
- Công dụng của cây tía tô cảnh - Coleus monostachyus
- Công dụng của cây Đậu kiếm - Canavalia gladiata
- Công dụng của cây é dùi trống - Hyptis brevipes
- Công dụng của cây Chây xiêm - Buchanania siamensis
- Công dụng của cây Chiếc chum - Barringtonia racemosa
- Công dụng của cây Cỏ cói - Bolboschoenus yagara
- Công dụng của cây Gai lan - Boehmeria clidemioides
- Công dụng của cây Rau mác bao - Pontederia vaginalis
- Công dụng của cây San dẹp - Paspalum dilatatum
- Công dụng của cây Áo cộc - Liriodendron chinense
- Công dụng của cây Nghệ sen - Curcuma petiolata
- Công dụng của cây Cao lương đỏ - Sorghum bicolor
- Công dụng của cây Dương đào dai - Actinidia coriacea
- Công dụng của cây Lục đạo mộc trung quốc - Abelia chinensis
- Công dụng của cây Sú- Aegiceras corniculatum
- Công dụng của cây Ấu tàu - Aconitum carmichaelii
- Công dụng của cây Bù dẻ hoa đỏ - Uvaria rufa
- Công dụng của cây Chùm ruột núi- Antidesma pentandrum