Logo Website

KHƯƠNG HOẠT-Chữa đau nhức và tê mỏi các khớp xương

08/10/2020
Cây Khương hoạt có tên khoa học: Notopterygium incisum K.C.Ting ex H.T.Chang, họ Cần (Apiaceae). Công dụng: Cảm mạo phong hàn nhức đầu, sốt mồ hôi không ra được, phong thấp, tê đau vai, đau nhức mình mẩy, đau đầu, lưng đau mỏi. ung nhọt.

KHƯƠNG HOẠT (姜 活)

Rhizoma et radix notapterygii

Khương hoạt Notopterygium incisum

Cây Khương hoạt: Notopterygium incisum K.C.Ting ex H.T.Chang; Photo tcmwiki.com and meandqi.com

Tên khác: 

Hồ Vương Sứ Giả, Khương Thanh, Tây Khương Hoạt, Xuyên Khương Hoạt, Trúc tiết khương.

Tên khoa học: 

Notopterygium incisum K.C.Ting ex H.T.Chang, họ Cần (Apiaceae). 

Mô tả: 

Cây: Cây sống lâu năm, cao khoảng 0,5-1m, toàn cây có mùi thơm, không phân nhánh, phái dưới thân hơi có mầu tím. Lá mọc so le kép lông chim, phiến lá chia thùy, mép có răng cưa. Mặt trên mầu tím nhạt, mặt dưới mầu xanh nhạt, phía dưới cuống lá phát triển thành bẹ ôm lấy thân. Hoa rất nhỏ, mầu trắng, họp thành hình tán kép. Quả bế đôi, hình thoi dẹt, màu nâu đen, hai mép và lưng phát triển thành rìa. Thân rễ to, thô, có đốt.

Dược liệu: Thân rễ hình trụ, hơi cong queo, dài 4-13 cm, đường kính 0,6-2,5cm, đầu rễ có sẹo gốc thân cây. Mặt ngoài màu nâu đến nâu đen. Nơi bị tróc vỏ ngoài màu vàng, khoảng giữa các đốt ngắn, có vòng mấu nhỏ, gần liền nhau, tựa như hình con tầm (quen gọi là Tàm khương), hoặc khoảng giữa có các đốt kéo dài dạng đốt tre (gọi là Trúc tiết khương). Trên đốt có nhiều sẹo rễ con, dạng điểm hoặc dạng bươú và vẩy, màu nâu. Thể nhẹ, chất giòn xốp, dễ bẻ gẫy. Mặt bẻ không phẳng, có nhiều kẽ nứt. Vỏ màu từ vàng nâu đến nâu tối, có chất dầu, có điểm chấm dầu, mầu nâu. Gỗ màu trắng vàng, tia ruột xếp theo hướng xuyên tâm rõ. Lõi (ruột) màu vàng đến vàng nâu. Mùi thơm, vị hơi đắng và cay.

Bộ phận dùng: 

Là thân rễ và rễ phơi khô của cây Khương hoạt (Rhizoma et radix notapterygii).

Phân bố, sinh thái: 

Chủ yếu có ở Tứ Xuyên, Cam Túc, Thanh Hải (Trung Quốc). Có di thực vào Việt Nam nhưng chưa phát triển nhiều.

Cây sống nhiều năm, phần trên mặt đất có thể bị tàn lụi vào mùa đông; ra hoa quả hàng nãm; nhân giống tự nhiên và trồng được bằng hạt.

Dược liệu khương hoạt được nhập vào Việt Nam từ nhiều năm nay vốn là từ Trung Quốc.

Thu hái, sơ chế : 

Thu hoạch vào mùa xuân, mùa thu, đào lấy rễ hoặc thân rễ, loại bỏ rễ con và đất, phơi hoặc sấy khô.

Dược liệu được chia thành 2 loại:

- Điều khương: Là rễ của cây, hình trụ tròn, đường kính khoảng 0,3 – 1,6cm, dài 3,3 – 16,6cm. Chất xốp, dễ bẻ gãy và giòn. Dược liệu có mùi thơm thoang thoảng.

- Tằm khương: Là phần thân rễ nằm ở dưới đất của cây khương hoạt. Dược liệu có tên là tằm khương vì có hình dạng như con tằm, đường kính khoảng 0,5 – 2cm, dài 3,2 – 10cm. Có mùi thơm rõ rệt và đặc biệt.

Bảo quản

Tránh để dược liệu ở nơi nóng ẩm, bảo quản ở chỗ thoáng mát và khô ráo.

Thành phần hoá học: 

Tinh dầu, coumarin.

+ Angelical (Trung Dược Học).

+ Isoimperatorin 0,38%, Cnidilin 0,34%, Notoperol 1,2%, Bergapten 0,009%, Demethylfuropinnarin 0,012%, 5-Hydroxy-8 (3’, 3’-Dimethylallyl)-Psoralen, Bergaptol 0,088%, Nodakenetin 0,04%, Bergaptol-O-ß-D-Glucopyranoside  0,075%, 6’-O-Trans-Feruloylnodakenin 0,022% (Zhe-ming G và cộng sự, Chem Pharm Bull, 1990, 38 (9): 2498).

+ Columbiananine, Imperatorin, Marmesin (Tôn Hữu Phú, Trung Dược thông Báo, 1985, 10 (3): 127).

+ Phenethylferulate (Su J D và cộng sự, C A 1994, 120: 53150b).

Tác Dụng Dược Lý: 

Tác dụng kháng khuẩn: Dùng rượu chiết xuất Khương hoạt với nồng độ 1/50.000 có  tác dụng ức chế sự sinh trưởng của vi khuẩn lao (Trung  Dược Ứng Dụng Lâm Sàng).

- Tác dụng hạ sốt, giảm đau: Tinh dầu khuơng hoạt thí nghiệm trên chuột nhắt trắng gây sốt bằng men bia có tác dụng hạ sốt rõ rệt. Dịch tiêm chế từ khương hoạt (2ml chứa 0,04ml tinh dầu) thí nghiệm trên thỏ gây sốt có tác dụng hạ sốt tương đương với analgin. Tinh dầu khương hoạt thí nghiệm trên chuột nhắt trắng, gây quặn đau bằng acid acetic 0,5% tiêm xoang bụng có tác dụng làm giảm số lần quặa đau một cách có ý nghĩa. Thí nghiệm trên chuột nhắt trắng bằng phương pháp tấm nóng, dịch tiêm khương hoạt 2% tiêm xoang bụng với liều 10 ml/kg có tác dụng nâng cao ngưỡng cảm nhận đau của chuột (P < 0,01).

- Tác dụng chống loạn nhịp tim: Dạng chiết nước từ khương hoạt với liều 10 g/kg thí nghiệm trên chuột nhắt trắng gây loạn nhịp tim bằng aconitin, có tác dụng kéo dài thcri gian tiêm phục và rút ngắn thòi gian nhịp tim bị rối loạn. Thí nghiệm trên chuột cống trắng dạng chiết trên dùng với liều 20 g/kg có tác dụng đối kháng vói rung thất do calci clorid gây nên. Thí nghiệm trên thỏ dịch chiết khương hoạt bằng đường uống với liều 5 g/kg có tác dụng rút ngắn thời gian tim loạn nhịp do chloroform và adrenalin gây nên.

- Tác dụng đối với cơ tim thiếu máu cấp tính: Chế phẩm tinh dầu khương hoạt 3% và 6% với liều 1 ml/l00g thể trọng, cho thẳng vào dạ dày chuột cống trắng có tác dụng đối kháng vói cơ tim thiếu máu cấp tính do chế phẩm thùy sau tuyến yên gây nên.

- Tác dụng chống choáng: Nước sẳc khương hoạt 50% dùng với liều 0,5 ml cho bằng đưòng dạ dày, trong 12 ngày liên tục có tác dụng đối kháng với choáng do kích thích điện gây nên, làm giảm số lượng chuột xuất hiện choáng và giảm số lượng chuột chết do choáng gây nên. Dùng liều lớn một lần (100% - Iml) không thấy thể hiện tác dụng trên.

- Tác dụng kháng khuẩn: Thí nghiệm in vitro tinh dầu khương hoạt với nồng độ 0,002 g/ml trở lên có tác dụng ức chế các chủng: Bacillus dysenteriaeB. typhiB. pyocyaneus và B. enteritidis.

-Tác dụng chống viêm, chống dị ứng: Thí nghiệm trên chuột nhắt trắng, tinh dầu khương hoạt pha loãng, cho qua dạ dày có tác dụng giảm phù bàn chân chuột do carragenin và dextran gây nên. Thí nghiệm trên chuột nhắt trắng, tinh dầu khương hoạt còn có tác dụng ức chế phản ứng quá mẫn muộn do 2,4 dinitrochlorobenzen gây nên và làm giảm lượng vitamin c ở tuyến thượng thận.

- Độc tính: Thí nghiệm trên chuột nhắt trắng, tinh dầu khương hoạt dùng dưới dạng nhũ dịch, với liều 0,75g/kg cho vào dạ dày, quan sát trong 24 giờ chuột hoạt động bình thường, không có biểu hiện khác thường. Trên chuột nhắt trắng, bằng đường cho thuốc vào dạ dày, tinh dầu khương hoạt có LD50 = 2,83 g/kg. Dịch tiêm khương hoạt 2% dùng với liều 10 ml/kg (gấp 125 lần liều dùng lâm sàng) tiêm tĩnh mạch cho thỏ, không thấy có phản ứng phụ đáng kể.

Tính vị

Vị đắng, the, cay, tính ôn, mùi thơm hắc và không chứa độc.

Quy kinh

Thận, Bàng quang và Can.

Công năng: 

Tán hàn, khu phong, trừ thấp, chỉ thống

Công dụng: 

Cảm mạo phong hàn nhức đầu, sốt mồ hôi không ra được, phong thấp, tê đau vai, đau nhức mình mẩy, đau đầu, lưng đau mỏi. ung nhọt.

Cách dùng, liều lượng: 

Ngày dùng 4 - 10g, dạng thuốc sắc.

Bào chế: 

Loại bỏ tạp chất, rửa sạch, ủ mềm, thái lát dày, phơi  hoặc sấy khô.

Bài thuốc:

1. Chữa cảm mạo phong hàn: Đầu mình đau, không ra mồ hôi, mạch phù khẩn: cửu vị khương hoạt thang gồm Khương hoạt 6 g, Phòng phong 6g, Bạch chỉ 4g, Sinh địa hoàng 4g, Thương truật 6g, Hoàng cầm 4g, Tế tân 2g, Cam thảo 4g, Xuyên khung 4g, sắc nước uống.

2. Chữa phong thấp: chủ yếu là hàn thấp, cơ, khớp lưng vai đau.

+ Khương hoạt thắng thấp thang (Nội ngoại thương biện cảm luận) gồm: Khương hoạt, Độc hoạt, Phòng phong, Cảo bản mỗi thứ 8g, Mạn kinh tử 12g, Xuyên khung 4g, Cam thảo 4g, sắc nước uống trị đau khớp vai cấp có kết quả.

+ Khương hoạt 12g, Kê huyết đằng 16g, Tần giao 20g, Uy linh tiên 12g, Đương qui 12g, sắc nước uống trị thấp khớp cấp.

3. Chữa phụ nữ có thai bị phù thũng: Khương hoạt, La bạc tử hai vị sao tán nhỏ, mỗi lần uống 6 -8g, uống 3 ngày, ngày thứ nhất 1 lần, ngày thứ hai 2 lần, ngày thứ ba 3 lần. Dùng rượu hâm nóng chiêu thuốc.

4. Chữa câm nói ngọng, chân tay co quắp, tê dại mất tiếng: Khương hoạt tán nhỏ, mỗi lần uống 8 -12g, dùng rượu chiêu thuốc.

5. Chữa bán thân bất toại, nói không rõ, đi lại khó khăn, tay cầm không vững: Khương hoạt 12g, Độc hoạt 9g, Ngũ gia bì 9g, Uy linh tiên 9g, Hương phụ (chế giấm) 12g, Đương quy 12g, Chỉ xác 9g, Nhũ hương 9g, Ô dược 9g, Xuyên sơn giáp 6g, Phòng phong 9g, Cam thảo 6g. Sắc nước uống (Sơ phong hoạt huyết thuận khí thang. Trung y nghiệm phương hội tuyển).

6. Chữa câm, nói ngọng, chân tay co quắp: Khương hoạt, tán nhỏ. Mỗi lần uống 8-12g với rượu (Dược Liệu Việt Nam). 

7. Chữa đau nhức và tê mỏi các khớp xương: Tùng tiết, độc hoạt và khương hoạt bằng lượng nhau. Đem các vị cho vào chảo, sau đó thêm rượu vào, nấu sơ qua và ngâm trong vài giờ. Chia dịch rượu thành nhiều lần uống, nên dùng khi đói.

8. Trị sản hậu bị sa tử cung: Khương hoạt 80g. Cho rượu và nước vào, sắc uống.

9. Chữa sa con ngươi (mắt): Khương hoạt. Dùng sắc uống, khoảng 3 – 5 chén.

10. Chữa trúng phong khiến cổ đau không thể ăn uống, cấm khẩu: Ngưu bồn tử 80g và khương hoạt 120g. Đem sắc với 1 chén nước, sau đó cho thêm 1 ít đường phèn và đổ trực tiếp vào cổ họng.

11. Chữa chứng đau bụng do phong ở sản hậu: Khương hoạt 80g. Thêm rượu và nước vào, sắc uống ngày 1 thang.

12. Chữa chứng phù thũng ở phụ nữ mang thai: La bặc tử và khương hoạt. Đem sao cho thơm, sau đó bỏ la bặc tử chỉ lấy mỗi khương hoạt. Dùng dược liệu tán bột, mỗi lần dùng 8g uống với rượu hâm nóng. Ngày thứ nhất dùng 1 lần, sau đó cứ tăng lên 1 lần/ ngày.

13. Chữa thương hàn, thái dương đầu đau: Hồng đậu, phòng phong và khương hoạt các vị bằng lượng nhau. Đem các vị tán nhuyễn, sau đó dùng 1 ít thổi vào mũi.

14. Chữa chân tay co quắp, nói ngọng và câm: Khương hoạt đem vị tán nhỏ, mỗi lần dùng 8 – 12g uống với rượu.

15Giúp thanh nhiệt và giải cơ: Cát căn 8 – 16g, khương hoạt 4 – 6g, bạch thược 4 – 12g, hoàng cầm 4 – 12g, sài hồ 6 – 12g, cam thảo 2 – 4g, bạch chỉ 4 – 6g, cát cánh 4 – 12g, thạch cao 8 – 12g (đem sắc trước). Đem sắc uống.

16Chữa viêm khớp do phong thấp: Uy linh tiên, khương hoạt và đương quy mỗi vị 12g, tần cửu 20g, kê huyết đằng 16g. Đem các vị sắc lấy nước uống.

17. Chữa viêm dây thần kinh quanh khớp vai, đau nhức cơ thể do phong thấp: Gừng tươi 3 lát, đại táo 8g, chích cam thảo 4g, phòng phong 8g, khương hoạt 8g, hoàng kỳ 12g, khương hoàng 4g, đương quy 8g, xích thược 8g. Đem các vị sắc lấy nước uống.

18Chữa chứng thấp tà, nhiệt tàng ở trong lý, ngoại cảm phong hàn, mình mẩy nhức mỏi, đầu đau: Xuyên khung, cam thảo, hoàng cầm, bạch chỉ và sinh địa hoàng mỗi vị 4g, tế tân 2g, thương truật, khương hoạt và phong phong mỗi vị 6g. Đem các vị sắc lấy nước uống.

19. Chữa chứng đau đầu do hàn: Phụ tử chế và bạch chỉ mỗi vị 4g, ma hoàng, cam thảo, thăng ma, phòng phong, khương hoạt và thương truật mỗi vị 6g. Đem các vị sắc lấy nước uống.

20. Chữa chứng tay cầm không vững, đi lại khó khăn và bán thân bất toại: Cam thảo 6g, xuyên sơn giáp (tôi giấm) 6g, khương hoạt, hương phụ (chế giấm) và đương quy mỗi vị 12g, uy linh tiên, độc hoạt, nhũ hương, phòng phong, ngũ gia bì, chỉ xác, ô dược mỗi vị 9g. Thực hiện: Nhũ hương đem để riêng, các vị khác đem sắc lấy nước. Sau đó dùng nhũ hương hòa với nước sắc còn nóng và uống trực tiếp.

21. Chữa đau thần kinh ngoại biên từ thắt lưng trở lên: Thương truật, khương hoạt và phòng phong mỗi vị 12g, tế tân 4g, cam thảo, sinh địa, xuyên khung, hoàng cầm và bạch chỉ mỗi vị 8g. Sắc uống ngày dùng 1 thang, dùng trước khi ăn 1 giờ, ngày dùng 3 lần.

22. Chữa đau nhức lưng do thấp nhiệt: Nhân trần, khương hoạt và chích cam thảo mỗi thứ 15g, nhân sâm, thăng ma, thương truật, khổ sâm, cát căn mỗi vị 6g, bạch truật 4,5g, tri mẫu, hoàng cầm, đương quy, phòng phong, trạch tả và trư linh mỗi vị 9g. Đem tán các vị thành bột thô. Mỗi ngày dùng 30g sắc lấy nước uống.

23. Chữa khớp và toàn thân sưng đau do phong thấp: Trần bì 4g, trạch tả 6g, thương truật (tẩm nước gạo) 8, khương hoạt 6g, bạch truật 6g, phục linh 6g và cam thảo 1,6g. Sắc lấy nước hòa với nước cốt trúc lịch và gừng 20 – 30ml rồi dùng uống.

24Hỗ trợ điều trị viêm khớp dạng thấp: Độc hoạt, đỗ trọng, đương quy, tỳ giải, thiên ma, sinh địa, phụ tử, khương hoạt, huyền sâm và ngưu tất bằng lượng nhau. Chế thành tễ, mỗi lần dùng 10g tễ uống.

Kiêng kỵ: 

Huyết hư không có phong hàn thực tà, không nên dùng.

Không dùng cho người cơ thể đau và đau đầu do huyết hư.

Bệnh không do phong hàn cũng không nên sử dụng vị thuốc này.

Khương hoạt có tác dụng tán phong mạnh hơn phòng phong, vì vậy nếu cảm mạo phong hàn kéo dài nên phối hợp thêm khương hoạt để tăng tác dụng điều trị.

Ghi chú: 

Ngoài ra còn dùng loài Khương hoạt lá rộng (Notopterygium forbesii Boiss.), Cần (Apiaceae).

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 2004

- theplanlist.org

- efloras.org