Logo Website

LA HÁN QUẢ-thức ăn và gia vị lý tưởng đối với những người mắc bệnh đái tháo đường

13/10/2020
Cây La hán có tên khoa học: Siraitia grosvenorii (Swingle) C.Jeffrey ex A.M.Lu & Zhi Y.Zhang., họ Bầu bí (Cucirbitaceae). Công dụng chữa sốt, dịu cổ họng, long đờm, chữa ho. Trà la hán là thứ nước giải khát giàu dinh dưỡng, rất thích hợp với những người thể tạng "uất hỏa nội kết" (nóng trong). Do trong quả la hán có chứa một số hợp chất có độ ngọt lớn gấp hàng trăm lần đường mía, nhưng không phải là đường, nên là thứ thức ăn và gia vị lý tưởng đối với những người mắc bệnh đái tháo đường, hay bị béo phì.

LA HÁN QUẢ (罗汉果)

Fructus Siraitiae Grosvenorii

La hán Siraitia grosvenorii

Ảnh cây La hán: Siraitia grosvenorii (Swingle) C.Jeffrey ex A.M.Lu & Zhi Y.Zhang.; Photo qoo10.sg and amazon.com

Tên khác: 

La hán, Quang quả mộc miết, Giả khổ qua.

Nguồn gốc tên gọi

Tên La Hán quả bắt nguồn từ Trung Quốc, khi võ thuật phát triển mạnh mẽ vào thời Đường. Vào thời này các môn phái võ thuật mọc lên như nấm sau mưa, đặc biệt là thiếu lâm tự ở phía Nam Trung Quốc. Theo sử sách ghi lại các vị đại sư thường sử dụng loại quả này để làm nước uống. Từ đó tăng cường sức mạnh, sự dẻo dai và có thể kéo dài tuổi thọ.

Từ đó trong dân gian đã truyền tai nhau đặt tên cho loại quả này là “La Hán quả” với ngụ ý có được sức mạnh như các vị La Hán. Cái tên La Hán quả đã ra đời từ đó và được sử dụng cho đến hiện nay.

Tên khoa học: 

Siraitia grosvenorii (Swingle) C.Jeffrey ex A.M.Lu & Zhi Y.Zhang., họ Bầu bí (Cucirbitaceae). 

Tên đồng nghĩa

Momordica grosvenorii Swingle; Thladiantha grosvenorii (Swingle) C.Jeffrey

Mô tả: 

Quả hình tròn hay hình tròn dài có đường kính 5 – 8cm, bề ngoài vỏ màu nâu vàng sẫm hoặc sắc nâu sẫm và bóng láng, trên vỏ cũng còn sót lại chút ít lông nhung và số ít có sọc dọc màu khá sẫm. Chóp phình to, giữa có vết gốc trụ hoa hình tròn, phần đáy hơi hẹp có vết cuống quả, chất giòn dễ vỡ, mặt trong quả có sắc trắng vàng, dạng xốp nhẹ, bóc bỏ vỏ ngoài thì bên trong thấy rõ 10 sợi vân dọc sống lưng. Hạt bẹt hình tròn chữ nhật hoặc tựa hình tròn, sắc nâu, rìa hơi dày, giữa hơi lõm, trong có 2 lá mầm, vị ngọt. Khi sử dụng làm thuốc nên chọn quả lớn tròn, cứng chắc, lắc không kêu, vỏ có màu nâu vàng mới là loại tốt.

Bộ phận dùng: 

Quả của cây La hán (Fructus Siraitiae Grosvenorii).

Phân bố, sinh thái:  

Cây la hán có nguồn gốc từ khu vực phía Bắc Thái Lan và Nam Trung Quốc. Nếu như trước đây, cây chủ yếu mọc hoang thì ngày nay nhờ có giá trị kinh tế cao mà hạt la hán được nhân giống cung cấp cho những người có nhu cầu trồng trong vườn nhà. 

Vị thuốc nhập từ Trung quốc.

Thu hái, sơ chế: 

Quả được thu hái vào tháng 9 – 10 hằng năm, phơi hay sấy khô cất dùng dần.

Bảo quản: 

Quả la hán sau khi được phơi khô nên bảo quản nơi thoáng mát. Tránh để nơi ẩm ướt khiến dược liệu bị ẩm, nhiễm nấm mốc và vi khuẩn.

Thành phần hoá học:

+ Trong quả la hán khô, tổng lượng đường chiếm tới 25,17%-38,31%, trong đó bao gồm 10,20%-17,55% đường fructose; 5,71%-15,19% đường glucose; 

+ Còn có một loại thành phần không phải đường, nhưng có độ ngọt rất cao, đó là các triterpenoid saponin, trong đó mogroside V có độ ngọt gấp 256-344 lần đường mía (saccharose), mogroside VI ngọt gấp 126 lần đường mía; 

+ Còn có một chất gọi là D-mannitol  có độ ngọt bằng 0,55%-0,65% đường mía; 

+ Trong thành phần còn có khoảng 8,67%-13,35% protein. Trong mỗi 100g quả có 313mg-510mg vitamin C, manganese (Mn), sắt (Fe), Nickel (Ni), kẽm (Zn), Thiếc (Sn), Selenium (Se), Iod (I) và 26 loại nguyên tố vô cơ khác. 

+ Trong hạt có 41,1% acid béo, bao gồm: acid linoleic acid, acid oleic, acid palmitic, acid stearic, acid palmitoleic, acid myristic, acid lauric, trong đó hai loại acid linoleic và acid oleic chiếm tới 73,2%.  

Tác dụng dược lý:

- Chống oxy hóa:

Trong quả la hán chứa nhiều chất mogrosid – thành phần tạo nên vị ngọt đặc trưng của quả. Chất này cũng đã được khoa học chứng minh là có tác dụng chống oxy hóa cực mạnh. Nó giúp làm chậm tiến trình lão hóa, bảo vệ các tế bào trong cơ thể khỏi sự tấn công của các gốc tự do và ngăn ngừa bệnh tật.

- Ngăn ngừa béo phì, tiểu đường:

Vị ngọt tự nhiên trong loại quả này có thể thay thế cho đường khi chế biến một số loại đồ ăn, thức uống. Dược liệu này cũng chứa hàm lượng calo khá thấp nên đặc biệt có lợi cho người bị béo phì, tiểu đường. Người bình thường sử dụng cũng giảm thiểu được nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm trên.

Từ nhiều thế kỷ qua, y học cổ truyền Trung Quốc cũng đã dùng làm thuốc điều trị bệnh tiểu đường. Dược liệu này hoạt động bằng cách làm giảm hàm lượng đường trong máu, kích thích tuyến tụy sản xuất nhiều insulin hơn. Qua đó đẩy lùi các triệu chứng bệnh đái tháo đường một cách tự nhiên.

- Thanh nhiệt, kháng viêm, trị nóng trong, táo bón:

Quả la hán được dân gian dùng nấu nước uống để làm mát cơ thể mỗi khi có biểu hiện nóng trong, táo bón. Ngoài ra, dược liệu này còn thể hiện rõ đặc tính kháng viêm. Nó giúp chống lại tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể, giảm sưng đau ở khu vực tổn thương.

- Ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư:

Chất chống oxy hóa trong la hán có khả năng ức chế sự tăng sinh của khối u, ngăn chặn không cho tế bào ung thư lan rộng. Mặc dù người bị ung thư cần kiêng ăn đường nhưng chất ngọt trong quả la hán là đường tự nhiên nên hoàn toàn không ảnh hưởng tiêu cực đến bệnh ung thư giống như các loại đường nhân tạo.

- Phòng chống nhiễm trùng:

Tác dụng kháng khuẩn của loại quả này có thể thay thế được thuốc kháng sinh trong các trường hợp bị nhiễm trùng không quá nghiêm trọng. Khi tiến hành nghiên cứu thực nghiệm trên các bệnh nhân bị sâu răng và nha chu, các nha nghiên cứu nhận thấy dược  liệu này có khả năng ức chế vi khuẩn một cách đáng kinh ngạc. Ngoài ra, còn giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị nhiễm trùng do nấm candida.

- Cung cấp năng lượng, giảm mệt mỏi:

Khi tiến hành thử nghiệm nước quả la hán trên chuột thì những chú chuột được cho uống loại nước này có thể vận động trong thời gian dài hơn hẳn. Điều này không có gì ngạc nhiên bởi la hán quả chứa chất ngọt tự nhiên giúp cung cấp nguồn năng lượng dồi dào, giảm mệt mỏi sau khi tập thể dục hoặc lao động nặng nhọc.

- Chống dị ứng:

Các chất trong la hán quả còn có khả năng kháng histamin – một chất được sinh ra do phản ứng quá mạnh của hệ miễn dịch với các yếu tố dị nguyên xâm nhập vào cơ thể. Điều này có thể giúp giảm ngứa, chống viêm do dị ứng.

- Giải độc, kích thích tiêu hóa, làm mát máu:

La hán quả có tính hàn giúp làm mát máu, hỗ trợ giải độc gan, làm sạch đường ruột. Đồng thời dược liệu này còn được biệt đến với tác dụng nhuận tràng, kích thích tiêu hóa, giúp ăn uống ngon miệng hơn.

- Ngăn ngừa các bệnh lý về hô hấp, tim mạch:

Uống nước có thể giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh lý ở đường hô hấp như ho gà, viêm phế quản, viêm thanh quản, ho hay bệnh viêm amidan. Một số trường hợp bị cao huyết áp, xơ cứng động mạch dùng dược liệu này cũng thấy các triệu chứng được cải thiện đáng kể.

- Dưỡng tóc, làm đẹp da:

Quả la hán được nhiều người ưu ái gọi với cái tên là quả thần tiên. Lý do bởi không chỉ tốt cho sức khỏe, nó còn bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất quý giúp da dẻ mịn màng và nuôi dưỡng mái tóc óc mượt.

- Kéo dài tuổi thọ:

Uống nước la hán quả trong nhiều năm có thể giúp kéo dài tuổi thọ, cải thiện sức khỏe tổng thể.

Tính vị: vị ngọt, tính mát và không chứa độc.

Quy kinh:

Phế, Tỳ

Công năng: 

Có tác dụng nhuận phế lợi hầu, hóa đàm chỉ khái, nhuận tràng thông tiện.

Công dụng:  

+ Chữa sốt, dịu cổ họng, long đờm, chữa ho.

+ Trà la hán là thứ nước giải khát giàu dinh dưỡng, rất thích hợp với những người thể tạng "uất hỏa nội kết" (nóng trong). Do trong quả la hán có chứa một số hợp chất có độ ngọt lớn gấp hàng trăm lần đường mía, nhưng không phải là đường, nên là thứ thức ăn và gia vị  lý tưởng đối với những người mắc bệnh đái tháo đường, hay bị béo phì.

Cách dùng, liều lượng: 

Ngày uống 3-8g dạng thuốc sắc.

Cách sử dụng của La Hán Quả:

Cách nấu nước La Hán

Trà La Hán nấu không quá phức tạp và nguyên liệu cũng rất dễ tìm. Bạn có thể tham khảo cách nấu sau:

B1: Chọn La Hán nên chọn quả lớn, khi lắc khi nghe tiếng kêu và có vỏ màu nâu sậm sáng bóng. Nếu quả kêu thì rất có khả năng ruột rỗng hoặc đã bị hư thối.

B2: Sơ chế nguyên liệu. Rửa sạch sẽ quả La Hán qua 3 – 4 lượt nước. Sau đó dùng dao hoặc tay loại bỏ hết lớp lông trên vỏ La Hán.

B3: Thái nhỏ quả La Hán. Dùng dao bổ La Hán làm 4 – 5 phần tùy thuộc vào kích thước của quả. Hoặc bạn cũng có thể dùng ta bóp nát quả rồi cho vào nồi nước.Có thể dùng cả quả hoặc bỏ vỏ đều được.

B4: Nấu trà La Hán, đổ nước đun sôi vào bình chứa quả la Hán. Nhiệt độ nước ở 70 độ là hợp lý. Không nên dùng nước nhiệt độ quá cao có thể làm mất đi dưỡng chất có trong loại quả này.

Một quả có thể pha với 1,5 – 2l nước tùy khẩu vị. Ngoài ra bạn cũng có thể đun sôi La Hán để nhanh được sử dụng hơn.

Nấu trà La Hán và hoa cúc:

Nguyên liệu cần có: 1 quả La Hán đã chín, 25g hoa cúc. Trà hoa cúc La hán có công dụng giải nhiệt mùa hè rất tốt, sáng mắt và hỗ trợ tiêu hóa.

Cách thực hiện gồm các bước như sau:

B1: La Hán, hoa cúc rửa sạch. Sau đó thái La Hán thành lát mỏng.

B2: Cho La Hán đã thái mỏng vào nồi và đổi 1.5 – 2l nước tinh khiết vào. Đun với lửa nhỏ trong khoảng 30 – 45 phút. Khi nước sôi thì thì thả hoa cúc vào, đun thêm 10 phút thì tắt bếp.

B3: Để nước nguội sau đó dùng lưới lọc để loại bỏ cặn, lấy phần nước trà trong. Trà hoa cúc La Hán có thể uống nóng hay để lạnh đều được. Nếu mùa hè bạn nên bảo quản trà trong ngăn mát để tránh bị ôi thiu.

Ngâm rượu La Hán:

Rượu La Hán thường được cánh mày râu ưa chuộng hơn cả. Rượu La Hán giúp bồi bổ khí huyết, mát gan, đôi khi có thể dùng để xoa bóp nếu bị đau nhức chân tay. Nguyên liệu cần chuẩn bị: Quả La Hán khô từ 7 – 10 quả tùy thuộc vào kích cỡ bình, 5 – 7 lít rượu trắng, bình thủy tinh.

Cách chế biến gồm các bước sau:

B1: Quả La Hán đem phơi khô. Sau đó loại bỏ vỏ chỉ lấy phần ruột.

B2: Bỏ phần ruột vào lọ thủy tinh. Sau đó đổ rượu sao cho ngập tất cả phần La Hán có trong bình.

B3: Đậy kín bình rượu để không bị bay hơi. Rượu ngâm 8 – 9 tháng là có thể sử dụng được.

Bài thuốc:

1. Chữa viêm họng: La hán quả thái lát, sắc nước uống thay trà  trong ngày. 

2. Chữa mất tiếng: La hán 1 quả, thái lát, thêm lượng nước thích hợp sắc lên, chờ nguội, chia ra uống nhiều lần, mỗi lần một ít. 

3.  Chữa ho gà (bách nhật khái): La hán  1 quả,  hồng khô 25g, sắc nước uống; Hoặc dùng trái la hán 1 quả, phổi lợn 40g (bóp hết bọt), hầm chín, thêm gia vị vào ăn. 

4. Chữa ho khạc ra đờm vàng đặc quánh: Dùng la hán quả 20g, phối hợp với tang bạch bì 12g, sắc nước uống trong ngày.

5. Bổ phế, hỗ trợ trong điều trị ho lao: La hán quả 60g, thịt lợn nạc 100g; hai thứ đều thái lát, thêm lượng nước thích hợp, hầm chí, thêm chút muối, ăn trong bữa cơm. 

6. Chữa táo bón: Dùng la hán quả sắc lấy nước, pha thêm mật ong uống trong ngày. 

7. Chữa viêm phế quản, viêm khí quản, cảm mạo, ho nhiều đờm: 1 quả la hán, 10g hạnh nhân. Đập nhỏ, cho vào ấm sắc kỹ cùng với hạnh nhân và 1 lít nước. Chia uống 3 – 4 lần trong ngày.

8. Điều trị bệnh lao phổi, viêm họng (có biểu hiện khô họng, ho khan, ít hoặc không có đờm): 1 quả la hán, 10g xuyên bối mẫu, đường mật. La hán đập ra cho vụn, cho vào ấm cùng xuyên bối mẫu và một ít đường mật. Sắc kỹ uống 2 lần trong ngày, mỗi ngày 1 thang.

9. Thay thế đường trong các trường hợp bị tiểu đường: 2- 3 quả la hán. La hán quả nấu lấy nước đặc. Khi dùng chỉ cần lấy một ít nước thêm vào thức ăn hoặc đồ uống để tạo vị ngọt thay thế cho đường.

10. Trà la hán thanh nhiệt, giải độc, làm đẹp:

– Bài 1: Chuẩn bị: 2 quả la hán, rửa sạch phần lông nhung phía bên ngoài quả la hán. Sau đó tách ra nhiều phần nhỏ cho vào bình hãm với 1,5 lít nước sôi. Ủ trong 20 phút. Có thể uống nóng hoặc cho vào ngăn mát tủ lạnh uống dần.

– Bài 2: 25g hoa cúc và 3 quả la hán. La hán bóp nhỏ, cho vào ấm nấu cùng 1,5 lít nước. Đun sôi, để nhỏ lửa liu riu trong 30 phút. Cuối cùng cho hoa cúc vào nấu thêm 10 phút nữa thì ngưng. Gạn nước uống hết trong ngày thay cho trà.

Kiêng kỵ: 

Nếu là ho do phế hàn có ngoại cảm thì không dùng độc vị mà cần phối hợp cùng các vị khác, người tỳ vị hư hàn không dùng vì quả la hán tính mát thích hợp với chứng ho đàm hỏa.

Đối tượng cân nhắc sự dụng La hán quả:

Phụ nữ đang cho con bú.

Phụ nữ mang thai.

Trẻ em.

Người mẫn cảm với các thành phần của La Hán.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 2004

- theplanlist.org

- efloras.org