Logo Website

LÁ LỐT-Chữa đau xương, thấp khớp, đau răng

15/10/2020
Cây Lá lốt có tên khoa học: Piper sarmentosum Roxb.; họ Hồ tiêu (Piperaceae). Tên khoa học: Piper sarmentosum Roxb.; họ Hồ tiêu (Piperaceae).

LÁ LỐT

Herba Piperis lolot

Lá lốt Piper sarmentosum

Ảnh cây Lá lốt: Piper sarmentosum Roxb.; Photo thaicookbook.tv and shutterstock.com

Tên khác: 

Lá lốp, Tất bát, Lotlot (Anh).

Tên khoa học: 

Piper sarmentosum Roxb.; họ Hồ tiêu (Piperaceae). 

Tên đồng nghĩa

Piper albispicum C. DC.; Piper baronii C. DC.; Piper brevicaule C. DC.; Piper lolot C. DC.; Piper pierrei C. DC.; Piper saigonense C. DC.    

Mô tả: 

Cây thảo sống lâu, cao 30-40cm hay hơn, mọc bò, mọc thẳng khi còn non, khi lớn có thân dài không thể mọc thẳng mà trườn trên mặt đất. Thân phồng lên ở các mấu, mặt ngoài có nhiều đường rãnh dọc. Lá đơn, có mùi thơm đặc sắc, nguyên, mọc so le, hình tim, mặt lá láng bóng, có năm gân chính phân ra từ cuống lá; cuống lá có bẹ. Cụm hoa dạng bông đơn mọc ở nách lá. Quả mọng chứa một hạt.

Phân bố, sinh thái:

Lá lốt được coi là loài đặc hữu phổ biến của các nước Việt Nam, Lào, Campuchia (Võ Vãn Chi, 1997).

Ở Việt Nam, lá lốt mọc tự nhiên khắp mọi nơi, từ vùng đồng bằng đến trung du, đặc biệt là các tỉnh vùng núi thấp (dưới 1000 m).

Lá lốt là cây ưa ẩm và ưa bóng, thường mọc thành những đám lớn ở ven rừng, dọc theo các bò khe suối ở cửa rừng, chân núi đá vôi, các bờ ao ở quanh làng. Cây ra hoa quả hàng năm. Hình thức tái sinh tự nhiên chủ yếu là mọc chồi từ thân rễ.

Trồng trọt:

Lá lốt được trồng bằng các đoạn thân dài 20 - 30cm. Có thể trồng quanh năm, nhưng tốt nhất vào mùa xuân.

Cây thích đất ẩm, có bóng mát, thường được trồng ưên đất tận dụng dọc theo hàng rào, tường xây, góc vườn, bờ ao. Chỉ cần cuốc đất, nhặt cỏ, giâm, hom, lấp đất 1 - 2 mắt rồi tưới ẩm là được. Sau khi mọc, thành cây bò lan trên mặt đất, bò đến đâu các đốt mọc rễ đến đó, ăn sâu vào đất.

Ở những nơi trồng để lấy rau bán, người ta làm đất, lên luống cẩn thận, có bón lót phân chuồng rồi đặt hom giống với khoảng cách 30 x 40 cm hoặc 30 x 50cm. Trong suốt quá trình sinh trưởng, cần bảo đảm luôn dủ độ ẩm, mỗi lần thu hái lá xong cần tưới thúc bằng nước phân chuồng, nước giải hoặc đạm pha loãng.

Cây ít bị sâu bệnh.

Thu hái, sơ chế: 

Thu hoạch quanh năm, lúc trời khô ráo, cắt lấy cây, loại bỏ gốc rễ, đất, đem phơi hay sấy ở 40-50oC đến khô. 

Bảo quản

Thông thường hay bảo quản dược liệu lá lốt ở những nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời.

Bộ phận dùng: Phần trên mặt đất (Herba Piperis lolot), rễ

Thành phần hoá học: 

Tinh dầu, alcaloid, flavonoid. Tinh dầu lá có 35 thành phần trong đó 25 thành phần đã được nhận dạng, thành phần chủ yếu là β-caryophylen. Tinh dầu rễ có thành phần chính là bornyl acetat (Nguyễn Xuân Dũng và cộng sự 1996).

Tác dụng dược lý:

Lá lốt có tác dụng kháng khuẩn đối với các vi khuẩn: Bacillus pyocyaneusStaphylococcus aureus và Bacillus subtilis; đồng thời, có tác dụng chống viêm. Tác dụng kháng khuẩn của 3 dạng bào chế: cao lá khô, cao lá tươi và nước ép lá tươi gần tương tự như nhau. Cao lỏng lá lốt dùng ngậm và viên cao lá lốt dùng uống được thử nghiệm trên lâm sàng tỏ ra có tác dụng giảm đau và tri các bệnh viêm cấp tính về răng miệng, ttị viêm do răng sâu có biến chứng, viêm khóp dây chằng ở răng, túi viêm răng khôn, nhất là ở hàm dưới.

Lá lốt có tác dụng gây giãn mạch ngoại biên và ức chế hoạt tính gây co thắt cơ trơn ruột của histamin và acetylcholin. Một đơn thuốc gồm lá lốt và 3 dược liệu khác đã được áp dụng điều trị các chứng đau khớp, đau xương và đã đạt kết quả tốt 29,26%, trung bình 53,65% và không kết quả trong 17,07% số bệnh nhân điều trị.

Lá lốt có tác dụng ức chế men colagenase trong ống nghiệm.

Độc tính:

Lá lốt không có độc tính, có thể dùng để làm nguyên liệu trong một số món ăn.

Tính vị:

Vị nồng, tính ấm, chống hàn 

Quy kinh:

Vị, tỳ, gan, mật

Công năng: 

Ôn trung tán hàn, hạ khí chỉ thống.

Công dụng: 

Phong hàn thấp, chân tay lạnh, tê bại. Rối loạn tiêu hoá, nôn mửa, đầy hơi, đau bụng ỉa chảy, thận và bàng quang lạnh. Chữa đau xương, thấp khớp, đau răng, đau đầu, chảy nước mũi hôi.

Cách dùng, liều lượng: 

Ngày 8 - 12g thân, lá khô, dạng thuốc sắc. 50 - 100g tươi sắc đặc ngậm chữa đau răng, phối hợp trong nồi lá xông chữa cảm.

Bài thuốc:

1. Chữa tê thấp đau lưng, đau gấp ngang lưng, sưng đầu gối, bàn chân tê buốt: Lá lốt và Ngải cứu, liều lượng bằng nhau, giã nát, chế thêm giấm, chưng nóng đắp, chờm. Ðể uống, dùng 8-12g dây rễ lá lốt, phối hợp với Dây đau xương, rễ Cỏ xước, củ Cốt khí, mỗi vị 8g sắc uống. 

2. Chữa bệnh phụ khoa (các viêm nhiễm ở vùng âm đạo, ngứa, ra khí hư): Lá lốt 50g, nghệ 40g, phèn chua 20g, đổ nước ngập lên mặt thuốc 2 đốt ngón tay, đun sôi, bớt lửa giữ cho sôi lăn tăn 10-15 phút, chắt lấy 1 bát, gạn lấy nước trong dùng rửa âm đạo. Phần còn lại tiếp tục đun sôi dùng để xông hơi vào âm đạo, có thể xông nhiều lần.

3. Chữa đổ mồ hôi nhiều ở tay chân: Dùng 30g lá lốt tươi cho vào 1 lít nước nấu sôi, cho thêm ít muối, để nguội dần dùng ngâm hai bàn tay, hai bàn chân thường xuyên trước khi đi ngủ tối.

4. Chữa lỵ: Lấy 1 nắm nhỏ lá lốt, sắc với 300ml nước, dùng uống. 

5. Chữa bệnh tổ đỉa ở bàn tay: Đồng bào Mường có kinh nghiệm lấy 1 nắm thật to lá lốt, rửa sạch, giã nát, vắt lấy 1 bát nước đặc, uống làm một lần. Còn bã cho vào nồi đun với 3 bát nước, đun sôi vài lần rồi vớt bã để riêng. Khi nước âm ấm thì dùng rửa sạch tổ đỉa. Lau khô rồi lấy bã đắp lên, băng lại. Ngày làm 1-2 lần, liên tục trong 5-7 ngày là khỏi.

6. Giải độc say nấm, rắn cắn. Lá lốt tươi giã nát, phối hợp với lá Khế, lá Ðậu ván trắng mỗi vị 50g, thêm nước, lọc nước cốt uống.

7. Chữa bệnh tổ đỉa ở bàn tay: Khoảng 30g lá lốt rửa thật sạch, giã nát phần lá lốt đã chuẩn bị rồi vắt lấy nước cốt uống hết trong ngày. Phần bã cho khoảng 3 chén nước vào rồi nấu sôi lên. Lấy nước lá lốt ngâm rửa vùng da bị tổ đỉa còn bã thì đắp lên chỗ vết thương. Thực hiện 2 lần mỗi ngày, sau khoảng 1 tuần sẽ thấy có cải thiện. 

8. Chữa đau nhức xương khớp khi trời lạnh: Khoảng 30g lá lốt tươi đem nấu với 2 bát nước cho đến khi còn nửa bát thì tắt bếp, uống sau bữa tối, dùng liên tục trong khoảng 10 lần để thấy các dấu hiệu bệnh giảm hẳn 

9. Chữa sưng đau ở đầu gối: 20g ngải cứu, 20g lá lốt, đem rửa thật sạch rồi đem giã nát, đem lên bếp chưng với giấm rồi đắp lên vùng đầu gối bị sưng đau, dùng 10 ngày liên tục. 

10. Chữa mụn nhọt: 15g lá lốt, 15g lá ráy, 15g cây chanh, 15g lá chanh, 15g lá tía tô.  Cây chanh bỏ vỏ bên ngoài, phơi khô rồi giã nhỏ để rắc lên tổn thương trên da. Các nguyên liệu còn lại thì rửa sạch, giã nhỏ rồi đắp lên vùng da bị mụn nhọn, dùng mỗi ngày 1 lần. 

11. Chữa viêm tinh hoàn: 12g lá lốt, 12g lệ chi, 12g bạch truật, 10g bạch linh, 10g trần bì, 6g phòng sâm, 21g sinh khương, 5g hoàn kỳ, 6g sơn thù, 4g cam thảo. Cho tất cả nguyên liệu nấu với 600ml nước cho đến khi còn 200ml thì tắt bếp. Chia ra uống hết trong ngày. 

12. Chữa phù thũng do suy thận: 20g lá lốt, 10g cà gai leo, 10g rễ tầm gai, 10g lá đa lông, 10g mã đề, 10g rễ mỏ quạ, các nguyên liệu nấu cùng 500ml nước cho đến khi còn 150ml thì tắt bếp, uống hết trong ngày, áp dụng liên tục từ 3 đến 5 ngày. 

13. Chữa viêm xoang: Dùng lá lốt rửa sạch rồi vò nát. nhét lá lốt vào mũi cho tinh chất tác động được vào các xoang, dùng hàng ngày sẽ thấy các triệu chứng giảm bớt. 

14. Giải cảm: 20 lá lốt, nửa củ hành tây, 5 nhánh hành hương, 1 tép tỏi, 2g gừng, 1 nắm gạo và gia vị. Cho gạo vào nấu cháo như bình thường, khi gạo đã nở thì cho các nguyên liệu vào. Ăn khi còn nóng và lau phần mồ hôi đi. 

15. Chữa rắn cắn, say nấm: 50g lá lốt, 50g lá khế và 50g lá đậu ván trắng, cho tất cả nguyên liệu vào rửa thật sạch rồi giã nát, cho thêm ít nước. Dùng cho người bệnh uống để kéo dài thời gian khi đưa bệnh viện.

Kiêng kỵ: 

- Vị nhiệt táo bón, nhiệt miệng, nóng bức trong người không nên dùng.

- Người dùng chỉ nên dùng một lượng vừa phải, thông thường trung bình chỉ nên dùng từ 50 đến 100g. Vì nếu dùng nhiều có thể gây ra những phản ứng phụ làm người bệnh cảm thấy mệt mỏi, uể oải.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 2004

- theplanlist.org

- efloras.org