Logo Website

LONG ĐỞM THẢO-Chữa ăn không tiêu, đầy bụng

19/10/2020
Cây Long đơm thảo có tên khoa học: Gentiana scabra Bunge., họ Long đởm (Gentianaceae). Công dụng: Làm thuốc giúp sự tiêu hoá, thuốc bổ đắng, làm đại tiện dễ mà không gây ỉa lỏng.

LONG ĐỞM THẢO (龍 膽 草)

Radix et rhizoma Gentianae

Long đởm thảo Gentiana scabra

Long đởm thảo: Gentiana scabra Bunge.; Photo davesgarden.com and tcmwiki.com

Tên khác: 

Lăng Du, Thảo Long Đởm, Sơn Lương Đởm, Đởm Thảo, Khổ, Đởm, Quan Âm Thảo, Tà Chi Đại Phu, Tà Chi Đại Sĩ, Trì Long Đởm, Gentiane (Pháp).

Tên khoa học: 

Gentiana scabra Bunge., họ Long đởm (Gentianaceae). 

Tên đồng nghĩa

Dasystephana scabra (Bunge) J.Sojak; Dasystephana scabra (Bunge) Zuev; Gentiana fortunei Hook.; Gentiana scabra f. alborosea N.Yonez.; Gentiana scabra subsp. australis M.Y.Liou; Gentiana scabra var. bungeana Kusn.; Gentiana scabra var. fortunei Maxim.; Gentiana scabra f. latifolia Kusn.; Gentiana scabra var. scabra

Mô tả:

Cây: 

Cây thảo, sống lâu năm, cao 40-60 cm. Rễ nhiều mọc tua tủa thành chùm, dài đến 20cm, vỏ ngoài mầu vàng nhạt. Thân mọc đứng có nhiều đốt. Lá mọc đối, không cuống, lá ở gốc thường nhỏ, những lá phía trên lớn hơn dài 3-8cm, rộng 1-3cm, gốc tròn, đầu thuôn nhọn, hai mặt nhẵn, gân hình cung. Hoa mọc tụ tập ở kẽ lá, hình chuông, mầu lam; đài và tràng hình trụ, có 4-5 thùy, nhị 4-5 đính ở giữa hoặc ở ống tràng, không thò ra ngoài tràng; bầu 1 ô. Quả nang; nhiều hạt.

Dược liệu: 

Thân rễ cuộn thành từng cục không đều, dài 1-3 cm, đường kính 0,3-1 cm, mặt ngoài màu nâu xám thẫm hoặc nâu thẫm, phần trên có những vết sẹo thân hoặc phần còn sót lại của thân cây, phần xung quanh và phía dưới mang nhiều rễ mảnh. Rễ hình trụ hơi vặn, dài 10-20 cm, đường kính 2-5 mm, mặt ngoài màu vàng nhạt hay nâu vàng, phần nhiều phía trên có những vết nhăn ngang rõ rệt, phía dưới hẹp hơn, có những nếp nhăn dọc và vết sẹo của rễ con. Chất giòn, dễ bẻ gẫy, mặt gẫy hơi bằng phẳng, vỏ trắng vàng hoặc nâu vàng, gỗ màu nhạt hơn vỏ rễ dưới dạng vòng chấm chấm. Mùi nhẹ, vị hơi đắng.

Bộ phận dùng:

Rễ và thân rễ khô của cây Long đởm (Radix et rhizoma Gentianae).

Phân bố, sinh thái:

Long đởm thảo có nguồn gốc ở vùng Xibêri (Liên bang Nga) và phân bố đến tận các tỉnh Hắc Long Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông... (Trung Quốc), ở Trung Quốc, long đởm thảo đã đuợc trồng, ỏ Việt Nam có 2 loài khác (cũng có tên gọi là "long đởm") đều được dùng làm thuốc là Gentiana loureirii (D. Don) Griseb. phân bố ở cao nguyên LangBiang - Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và Gentiana rigescens Franch. ex Hemsl. có ở Tây Nguyên (Võ Văn Chi, 1997). Năm 1980, Viện Dược liệu đã thu thập được mẫu của loài G. loureirii ở chân núi Lang Biang thuộc xã Lát, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Các loài long đởm nói chung đều là những cây nhỏ, thưòng mọc lẫn trong các trảng cỏ thấp. Cây ưa ẩm, ưa khí hậu mát của vùng á nhiệt đói núi cao hay vùng ôn đới ấm, sinh trưởng nhanh trong vụ xuân - hè

Vị thuốc nhập từ Trung Quốc.  

Thu hái, sơ chế: 

Hai vụ xuân, mùa thu, đào lấy thân rễ và rễ, rửa sạch,

Bào chế:

Rửa sạch rễ cây long đởm để loại bỏ đất, cát, tạp chất còn bám vào, cắt bỏ lớp lông, sau đó thái thành từng đoạn nhỏ từ 3 – 5 cm rồi đem ngâm cùng với nước Cam thảo. Sau một đêm, đem long đởm thảo nơi ngoài bóng râm cho khô rồi đóng gói bao bì. Hoặc có thể thay thế nước Cam thảo bằng rượu hoặc chỉ đem đi sao vàng rồi sử dụng.

Bảo quản:

Bảo quản nơi thoáng mát, tránh cất trữ những nơi ẩm ướt, bởi dược liệu này dễ lên móc.

Thành phần hoá học: 

+ Có  Gentianine, Gentiopicrin, Gentianose (Trung Dược Học).

+ Có Glycosid đắng gọi là gentiopicrin và chất đường gọi là Gentianosa (Dược Liệu Việt Nam).

+ Trong Long đởm có một glucosid đắng khoảng 25 gọi là gentiapicrin C16H20O9  và một chất đường gọi là gentianosa C18H32O16 khoảng 4%. Thủy phân Gentiapicrin sẽ được gentiagenin C10H10O4 và glucose. Gentianose gồm hai phân tử glucose và một phân tử fructose (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).

Tác dụng dược lý:

+ Tác dụng đối với vị trường: Liều thấp, Long đởm thảo uống trước bữa ăn 1/2 giờ làm tăng dịch vị, nhưng nếu dùng sau bữa ăn, ngược lại, làm giảm dịch vị. Chất Gentiopicrin có tác dụng làm tăng dịch vị khi bơm trực tiếp vào dạ dày chó nhưng uống hoặc  tiêm tĩnh mạch thì không có tác dụng, điều này cho thấy nó có tác dụng trực tiếp. Long đởm thảo làm giảm thời gian chuyển vận đường ruột của thỏ. Cho chuột dùng Long đởm thảo thấy không có sự thay đổi khẩu vị hoặc  trọng lượng gì cả (Trung Dược Học).

+ Tác dụng kháng khuẩn: Trong thí nghiệm, dịch tiêm Long đởm thảo có tác dụng ức chế nhiều loại vi khuẩn gây bệnh thông thường. Gentiopicrin có tác dụng mạnh đối với ký sinh trùng sốt rét (Trung Dược Học).

+ Tác dụng viêm não B: Dùng nước sắc Long đởm thảo hợp với thuốc Tây thông thường Điều trị 23 ca viêm não B (11 ca nặng, 6 trung bình, 6 nhẹ) bằng nước  sắc Long đởm thảo, thay cho thuốc Tây thông thường. Trong số này, có 15 ca nhiệt độ bình thường vào ngày thứ 3, và chỉ có 1 ca có di chứng (Trung Dược Học).

+ Tác dụng kích thích sự bài tiết dịch tiêu hóa: Theo Ebeling, Long đởm thảo có tác dụng phòng sự lên men, uống ít (nửa giờ trước bữa ăn) có tác dụng kích thích sự bài tiết dịch tiêu hóa, làm khỏe dạ dày, ngược lại, uống sau khi ăn cơm hay uống quá nhiều, lại làm cho tiêu hóa kém sút, nhức đầu, hoa mắt, mặt đỏ (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).

+ Tác dụng bài tiết dịch vị: Theo Nội Điên Trang Thái Lang (Nhật Bản-1938), nghiên cứu tác dụng chất đắng của Long đởm thảo trên dạ dày nhỏ của chó thì thấy cho chó uống Long đởm thảo sự bài tiết dịch vị tăng tiến và lượng acid tự do cũng tăng hơn (Những Cây Thuốc Và Vị Thuốc Việt Nam).

+ Điều trị tiểu đường type 2 

Shin, M., Suh, H., Lee, K. et al. Gentiana scabra extracts stimulate glucagon-like peptide-1 secretion via G protein-coupled receptor pathway. BioChip J 6, 114–119 (2012).

+ Chống oxy hóa và bảo vệ gan.

Huey-Jiun Ko; Hepatoprotection of Gentiana scabra Extract and Polyphenols in Liver of Carbon Tetrachloride-Intoxicated Mice; ournal of Environmental Pathology, Toxicology and Oncology; Volume 30, 2011 Issue 3; pages 179-187

+ Chống đông máu:

Cai W., Xu H., Xie L., Sun J., Sun T., Wu X., Fu Q. Purification, characterization and in vitro anticoagulant activity of polysaccharides from Gentiana scabra Bunge roots (2016)  Carbohydrate Polymers,  140 , pp. 308-313.

+ Chống khối u:

Wang, C., Wang, Y., Zhang, J., & Wang, Z. (2014). Optimization for the extraction of polysaccharides from Gentiana scabra Bunge and their antioxidant in vitro and anti-tumor activity in vivo. Journal of the Taiwan Institute of Chemical Engineers, 45(4), 1126–1132

Tính vị:

Vị đắng, tính hàn.

Quy kinh:

Kinh Can, Đởm, Bàng quang.

Công năng: 

Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, tiêu thực, tiêu viêm

Công dụng:  

Làm thuốc giúp sự tiêu hoá, thuốc bổ đắng, làm đại tiện dễ mà không gây ỉa lỏng. 

Cách dùng, liều lượng: 

Ngày 6-12g phối hợp trong các phương thuốc dạng thuốc sắc, hoàn tán. 

Bài thuốc:

1. Chữa ăn không tiêu, đầy bụng: Long đởm thảo 2g, Đại hoàng 1g, Hoàng bá 1g, sắc uống làm 3 lần trước khi ăn khoảng 15 phút.

2. Chữa đau dạ dày: Long đởm thảo 0,5g; Hoàng bá 0,5g, Can khương 0,3g, Quế chi 0,3g, Hồi hương 0,3g, Kê nội kim 0,5g, Sơn tra 1g (sao cháy). Tất cả trộn đều tán bột, chia làm 3 lần uống trong ngày (Hòa hán dược dụng nghiệm phương).

3. Chữa sốt, khó thở: Long đởm thảo 2-3g, hãm thêm bột Hồ tiêu vào, uống.

4. Chữa sốt cao có co giật:

Dùng Long đởm thảo, Thanh đại, Phòng phong mỗi vị 12 g; Băng phiến, Xạ hương, Ngưu bàng tử mỗi vị 4 g, 8 g Câu đằng cùng với 20 g Hoàng liên. Đem tất cả các vị thuốc trên sắc nhỏ rồi tán thành bột mịn, cho một ít mật rồi hoàn thành viên có kích bằng bằng hạt thóc. Sắc nước Kim ngân hoa để uống kèm, mỗi lần sử dụng 5 – 10 viên.

5. Chữa viêm gan cấp thể vàng da:

Dùng 16 g Long đởm thảo, Hoàng bá và Uất kim mỗi vị 8 gram. Đem các vị thuốc trên làm thành 1 thang rồi sắc lấy nước uống.

6. Chữa sốt cao, nóng trong xương, sốt, miệng lở loét, kinh giản nhập tâm ở trẻ em:

Long đởm thảo, Mộc thông, Bạch thược, Phục thần, Mạch môn và Cam thảo có liều lượng bằng nhau, đem sắc lấy nước dùng

7. Chữa can đởm, mắt sưng, đỏ, ù tai, miệng đắng, gân yếu, sốt cao, co giật, viêm thận cấp tính:

Dùng Long đởm thảo, Chi tử, Hoàng cầm, Mộc hương, Xa tiền tử, Trạch tả và Đường quy mỗi vị 12 g, 16 g sinh địa, 8 g Sài hồ cùng với 4 g Cam thảo. Đem các  vị thuốc trên làm thành một thang để sắc lấy nước uống.

8. Chữa thấp nhiệt, đi tiểu ra máu:

Dùng Long đởm thảo sắc lấy nước uống thay nước trà mỗi ngày.

9. Chữa cốc đản:

Dùng Long đởm thảo, Ngưu đởm và Khổ sâm với liều lượng bằng nhau đem sắc lấy nước uống.

Kiêng kỵ:

Chứng hư hàn, tỳ vị hư nhược, ỉa chảy và không có thực hoả thấp nhiệt thì không nên dùng.

Vị thuốc long đởm thảo rất đắng. Vì vậy, không nên dùng trong thời gian dài để tránh ảnh hưởng đến việc ăn uống cũng như các tác dụng phụ.

Liều lượng và thời gian dùng thuốc: Long đởm thảo giúp kích thích tiêu hóa nhưng không nên dùng quá liều. Thêm vào đó, thuốc nên được uống trước khi ăn. Nếu uống quá liều sau khi ăn sẽ gây tác dụng ngược lại, làm tiêu hóa kém, nhức đầu, hoa mắt, đỏ mặt…

Ghi chú:

Ngoài loại Long đởm trên người ta còn dùng rễ và thân rễ đã phơi hay sấy khô của cây Điều diệp long đởm (Gentiana manshurica Kitag.), cây Tam hoa long đởm (Gentiana triflora Pall.) hoặc cây Kiên long đởm (Gentiana rigescens Franch.), họ Long đởm (Gentianaceae).

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 2004

- theplanlist.org

- efloras.org