MẦN TƯỚI-Chữa phù thũng sau khi sinh
MẦN TƯỚI
Herba Eupatorii
Cây Mần tưới: Eupatorium fortunei Turcz.; Photo: emerisa.com and mooreandmooreplants.co.uk
Tên khác:
Trạch lan, Lan thảo, Hương thảo, Co phất phử (Thái), Eupatoire (Pháp).
Tên khoa học:
Eupatorium fortunei Turcz., họ Cúc (Asteraceae).
Tên đồng nghĩa:
Eupatorium caespitosum Migo; Eupatorium chinense var. tripartitum Miq.; Eupatorium fortunei var. fortunei; Eupatorium fortunei f. fortunei; Eupatorium fotunei var. fotunei; Eupatorium stoechadosmum Hance
Mô tả:
Cây:
Cây thuộc thảo, cao trung bình 50 cm có thể đến 1m. Thân, cành nhẵn, phân nhiều nhánh. Lá mọc đối thuôn dài khoảng 10 cm rộng 2cm, đầu nhọn, có khía răng thưa, vò lá có mùi thơm đặc biệt. Cụm hoa mọc ở ngọn thân và đầu cành thành ngù kép, mang nhiều đầu dài 7-8mm; lá bắc nhỏ; hoa mầu tím hồng, đôi khi mầu trắng, tràng hoa loe dần về phía đầu, mào lông dài 3mm; bao phấn không có tai ở gốc. Quả bế, mầu đen, có 5 cánh lồi. Mùa hoa quả: tháng 9-11.
Dược liệu:
là đoạn ngọn, cành dài, ngắn không đều, thường dài khoảng 20-30cm, đường kính 0,2-0,5cm, mặt ngoài nhẵn, màu hơi nâu, rỗng giữa, có những rãnh nhỏ chạy dọc, lá mọc đối hình mác, mép lá có răng cưa to và nông, phiến lá hẹp, dài 10-15cm, rộng 1,5-2,5 cm, gân chính nổi rõ, nhiều gân phụ phân nhánh. Cụm hoa là ngù đầu. Hoa màu trắng hoặc phớt tím hồng. Quả đóng màu đen nhạt, 5 cạnh. Thân, lá, hoa có mùi thơm đặc biệt, vị hơi đắng, hơi cay.
Bộ phận dùng:
Phần trên mặt đất phơi hay sấy khô (Herba Eupatorii).
Phân bố:
Mần tưới là một loại cây trồng, có ở Ấn Độ, Trung Quốc và Lào.
Ở Việt Nam, Mần tưới được trồng rải rác trong nhân dân, trong các vườn gia đình để làm thuốc và làm rau ăn. Cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng, nên thường được trồng xen ở vườn chuối. Hiện nay cây chưa thấy trồng ở vùng núi cao. Mần tưới ra hoa quả nhiều hàng năm, tái sinh cây chồi mạnh sau khi cắt. Cây rụng lá và phần trên mặt đấi có hiện tượng tàn lụi về mùa đông.
Trồng trọt:
Mần tưới thường được trồng làm hàng rào quanh vườn, dọc lối đi trong sân. Trồng bằng hạt vào mùa xuân, nhưng chủ yếu bằng cành, cắt lấy phần có rễ ở gần gốc, dài 10 - 30cm, đặt nghiêng, phần gốc xuống dưới, phần ngọn lên trên, lấp đất sâu độ 2/3 chiều dài. Nếu giữ ẩm tốt, cành giâm sẽ ra rễ và nảy mầm sau7 - 10 ngày. Giâm vào mùa xuân hoặc mùa thu đều được. Sau khi trồng 3 - 4 tháng, có thể thu hoạch. Lúc đầu chỉ nên thu hái lá, sau có thể cắt cả cành mang lá.
Cây không cần chăm sóc nhiều, nhưng cần tưới khi trời khô hạn và phải giữ cho cây không bị úng nước. Sau mỗi lần thu hái, cần bón thúc bằng nước phân chuồng, nước giải hoặc đạm pha loãng.
Thu hái, sơ chế:
Thu hái vào mùa hạ, mùa thu, cắt lấy đoạn ngọn cành có mang lá, rửa thật sạch, phơi trong bóng râm hoặc sấy ở 45-50oC đến khô.
Chế biến:
Làm thuốc: Thân cây, lá mần tưới có thể dùng để sắc hoặc kết hợp thêm với những dược liệu, thảo mộc khác để cho ra các bài thuốc chữa bệnh.
Làm gia vị: Lá của cây mần tưới có thể dùng làm gia vị, tăng thêm độ ngon của món canh, bún,…
Bảo quản:
Bảo quản ở nơi khô thoáng, tránh ẩm thấp.
Thành phần hoá học:
- Tinh dầu của phần trên mặt đất của cây mần tưới mọc ở Việt Nam có α - pinen, ß - pinen, α - phelandren, α - terpinen, 1 - ß cineol, camphor, terpinen - 4 - ol, methylthymol, methylchavicol, ß - elemen, thymolhydroquinon (73,6%), dimethylether, ß - caryophylen 8,9%, α - humulen, ß - sabinen, selina - 4, 11 - dien (11%, α - selinen và caryophylen oxyd (Nguyễn Xuân Dũng và cộng sự, 1991).
- Các dẫn chất coumarin: coumarin chính danh (= benzo a pyron) và ayapin
- Các chất khác ở dạng lỏng: 2-hydroxy-4 methyl acetophenon, 8,10, epoxy-9-acetoxy-thymol-angelat, 9-isobutyryloxy-8,10-dihydroxy thymol, 9-ange-loyloxy-8,10-dihydroxy-thymol
Tác dụng dược lý:
Ức chế sự phát triển khối u ác tính của cây mần tưới Eupatorium fortunei Turcz: Loại thảo dược được sử dụng rộng rãi trong nền y học cổ truyền Trung Hoa, thông qua nghiên cứu của Viện Đông y Hàn Quốc trên chuột được thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã nhận thấy hiệu quả ức chế sự hình thành khối u do khối u ác tính trên chuột được thí nghiệm một cách rõ rệt, đặc biệt là chiết xuất mần tưới không gây độc tính trên chuột được thí nghiệm. Nhóm nghiên cứu kết luận mần tưới là một trong những loại thảo dược tiềm năng trong khống chế và điều trị khối u ác tính ở người.
Xác định thành phần phenolic chống vi khuẩn từ cây mần tưới Eupatorium fortunei Turcz: Nghiên cứu được tiến hành bởi nhóm các nhà khoa học tại Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, các hợp chất được tìm thấy đã cho thấy tác dụng ức chế đối mới một số dòng vi khuẩn trong thí nghiệm.
Hoạt động kháng virus đường ruột ở người của dịch chiết mần tưới: Nhóm nghiên cứu tại Cao đẳng Dược, Đại học Y học cổ truyền Sơn Đông; Trung Quốc đã tiến hành thí nghiệm bằng phương pháp lý, hóa dược theo cách chiết lấy dung dịch ethanol từ cây mần tưới Eupatorium fortunei Turcz. Kết quả cho thấy dịch chiết mần tưới 25% ethanol là phần hiệu quả nhất của Peynland ức chế Enterovirus đường ruột của con người.
Tính vị:
Vị đắng, tính bình.
Qui kinh:
Kinh cam, kinh tỳ và kinh vị.
Công năng:
Tác dụng hoạt huyết, phá ứ huyết, lợi tiểu, tiêu thũng, sát trùng.
Công dụng:
+ Chữa sốt, chữa mụn nhọt, lở ngứa.
+ Nhân dân ta thường dùng lá Mần tưới non ăn sống, ăn gỏi như các loại rau thơm. Cũng dùng lá nấu canh ăn cho mát, giải nhiệt, giải cảm. Lá cũng dùng hãm uống lợi tiêu hoá, kích thích ăn ngon miệng và làm rau thơm.
+ Người ta cũng dùng Mần tưới để trừ ho gà, mạt gà, rệp, mọt, bọ chó. Ðặt cành lá Mần tưới vào hũ đựng đậu xanh, đậu đen, cau khô để trừ mọt và sâu, hái cành lá Mần tưới cho vào ổ gà, ổ chó sau khi đã làm vệ sinh sẽ trừ được bọ gà, bọ chó có trong ổ, cứ vài ngày lại làm vệ sinh và thay lá một lần. Giường có rệp sau khi giũ và diệt rệp, rải cành lá Mần tưới dưới chiếu vài lần sẽ diệt hết rệp.
+ Người ta dùng lá Mần tưới giã nhỏ cho vào túi vải xát trực tiếp vào tay hay chân để xoa muỗi và dín (con bọ mát) có hiệu quả tốt trong vòng hai ba giờ. Phụ nữ nông thôn cũng thường dùng Mần tưới nấu nước gội đầu cho sạch tóc.
Cách dùng, liều lượng:
Ngày 50-150g cây tươi dưới dạng thuốc sắc.
Bài thuốc:
1. Chữa máu hôi không ra sau khi đẻ: Mần tưới (cả gốc và lá), Ngải tím, Quế chi, đều nhau. Tán thành bột, lấy chừng 80g, chia làm 2 lần uống với rượu.
2. Chữa phù thũng sau khi đẻ: Mần tưới, Phòng kỷ, đều bằng nhau tán nhỏ, mỗi lần uống 8g với giấm làm thang.
3. Chữa mụn nhọt, vết thương ứ huyết: Mần tưới, Huyết giác đều 20g. Sắc uống. Ngoài dùng Mần tưới giã đắp.
4. Chữa sốt, tiêu hóa kém: Mần tưới khô 20g, sắc với 600ml nước còn 200ml, chia 2 lần uống 15 phút trước hai bữa ăn chính.
5. Điều trị mụn nhọt, vết thương ngoài da, lở ngứa ngoài da: Dùng khoảng 40g lá mần tưới tươi, giã nát cùng với ít muối. Đắp lên vùng da bị nhọt, vết thương một lớp mỏng, vừa đủ. Đắp thuốc từ 1 – 2 lần/ngày.
6. Chữa rong huyết: Chuẩn bị 20g mần tưới tươi, 20g chỉ thiên, 20g mã đề, 20g ké hoa vàng. Thái nhỏ các nguyên liệu, sao vàng. Sắc tất cả với 3 bát nước, cô đọng còn 1 bát. Chia thuốc, uống 2 lần trong ngày. Dùng thuốc trong vòng 5 ngày.
7. Giải cảm: Nấu canh mần tưới với thịt. Hoặc nấu nước mần tưới uống trong ngày. Nên dùng khi nước canh còn nóng. Điều trị trong vòng 3 ngày.
8. Hỗ trợ tiêu hóa, giải nhiệt: Dùng 20g mần tưới tươi (chọn cây chưa ra hoa). Rửa sạch, thái nhỏ, sau đó sắc nước lọc. Cô đặc 300ml nước còn 100ml. Thường xuyên uống để tiêu hóa tốt hơn, lợi tiểu, mát gan.
9. Chữa chứng kém ăn, mất ngủ, mệt mỏi ở phụ nữ sau sinh: Chuẩn bị 20g mần tưới, 6g nhân trần, 10g ngải cứu, 4g rẻ quạt, 4g vỏ trái bưởi đào khô. Sắc tất cả cả nguyên liệu trên, uống thang thuốc trong ngày. Dùng thuốc liên tục trong 10 ngày liền.
10. Giúp da đầu sạch gàu: Dùng 25g mần tưới tươi, 3 quả bồ kết đốt cháy, 20g lá bưởi. Đun các nguyên liệu, lấy nước để gội đầu. Nên gội 2 lần/tuần.
Chú ý:
Cây Mần tưới trắng (Eupatorium staechadosmum Hance) giải cảm, chữa kinh nguyệt không đều. Cây Mần tưới tía (Ba dót, Bả dột) (Eupatorium ayapana Vent.) dùng trong dân gian chữa cao huyết áp.
Lưu ý khi sử dụng:
Trường hợp phụ nữ có thai, trẻ nhỏ, cần thận trọng, cân nhắc kỹ trước khi dùng thuốc từ cây mần tưới.
Lá mần tưới có thể dùng làm gia vị, ăn sống hoặc đắp vết thương. Vì vậy, bạn nên rửa sạch lá, thân cây và loại bỏ rễ cây trước khi dùng, chế biến.
Một số trường hợp không nên dùng cây mần tưới, các bài thuốc từ mần tưới: người huyết hư không có ứ trệ, người bị huyết nhiệt, người thể âm hư, người kinh nguyệt đến trước kỳ kinh.
Tham khảo:
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004
- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 2004
- theplanlist.org
- efloras.org
- Kim, A., Im, M., Yim, N. et al. Reduction of metastatic and angiogenic potency of malignant cancer by Eupatorium fortunei via suppression of MMP-9 activity and VEGF production. Sci Rep 4, 6994 (2014)
- Thanh Nga Pham, Huu Dien Pham, Dinh Kim Dang, Thi Thuy Duong, Thi Phuong Quynh Le, Quang Duong Nguyen & Dat Nguyen Tien (2019) Anticyanobacterial phenolic constituents from the aerial parts of Eupatorium fortunei Turcz, Natural Product Research, 33:9, 1345-1348
- LIU Fei; XU Jiaxin;YAN Weiwei;LIU Wenjing; ZHOU Changzheng; Screen of effective antiviral parts of Chinese medicine Eupatorium fortunei Turcz in vitro; Journal of Jinan University(Natural Science & Medicine Edition; 2018-01
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Bầu nâu - Aegle marmelos
- Công dụng của cây nghệ lá từ cô - Curcuma alismatifolia
- Công dụng của cây Dướng leo - Broussonetia kazinoki
- Công dụng của cây Cúc leo - Mikania micrantha
- Công dụng của cây Gièng gièng - Butea monosperma
- Công dụng của cây Hoàng liên gai - Berberis julianae
- Công dụng của cây Móng bò sọc - Bauhinia variegata
- Công dụng của cây Hoa chông - Barleria cristata
- Công dụng của cây Khôi nước - Baliospermum solanifolium
- Công dụng của cây Hũng hoa to - Beaumontia grandiflora
- Công dụng của cây Tam lang - Barringtonia macrostachya
- Công dụng của cây Mấu chàm - Bauhinia scandens L.
- Công dụng của cây Thốt nốt - Borassus flabellifer
- Công dụng của cây Bù ốc leo - Stephanotis volubilis
- Công dụng của cây Móng bò vàng - Bauhinia tomentosa
- Công dụng của cây Nam sâm tàu - Commicarpus chinensis (L.) Heimerl
- Công dụng của cây Vẹt rễ lồi - Bruguiera gymnorhiza
- Công dụng của cây A kê - Blighia sapida
- Công dụng của cây Âm địa quyết - Botrychium ternatum
- Công dụng của cây Bạch cập - Bletilla striata