Logo Website

MẬT ONG-Tăng sức đề kháng cho cơ thể, phòng chống nhiễm trùng

31/10/2020
Mật ong có nguồn gốc: Là mật của Ong mật gốc Á (Apis cerana Fabricius) hay Ong mật gốc Âu (Apis melifera L.), họ Ong mật (Apidae).

MẬT ONG (蜂蜜)

Mel

mật ong Mel

Mật ong

Tên khác: 

Bách hoa tinh, Bách hoa cao, Phong mật, Honey bee (Anh), Abeille de miel (Pháp).

Nguồn gốc: 

Là mật của Ong mật gốc Á (Apis cerana Fabricius) hay Ong mật gốc Âu (Apis melifera L.), họ Ong mật (Apidae). 

Mô tả:

Chất lỏng, đặc sánh, hơi trong, dính nhớt, có màu trắng đến màu vàng nhạt (gọi là mật trắng) hoặc có màu hơi vàng cam đến màu hổ phách (gọi là mật vàng). Mùa hạ, mật ong sáng bóng, trong như dầu. Về mùa đông, khi nhiệt độ xuống thấp, mật kết tinh một phần, giống như dầu sáp, chứa các hạt. Mùi thơm, vị rất ngọt. 

Thu hái:

Cách lấy mật ong: Ong làm mật quanh năm, nhưng mùa thu hoạch mật tốt nhất là mùa xuân-hạ. Ở miền Nam, mật ong được lấy vào tháng 2-4 là mùa khô. Người sành nghề lấy mật ong ở thiên nhiên, có kinh nghiệm xem bụng ong để biết đã đến lúc thu hoạch mật chưa. Nếu bụng ong có mầu vàng nhạt là tổ mới bắt đầu làm, khắp bụng vàng óng là tổ đầy mật, bụng vàng sẫm là tổ đã hết mật. Khi đi rừng lấy mật ong, họ mang rễ Gừa theo người, rồi đốt lấy khói, hun lùa vào tổ ong. Khói rễ Gừa sẽ làm ong cay khó chịu, sẽ bay ra khỏi tổ. Lúc này, họ sẽ cắt tầng sáp chứa đầy mật một cách dễ dàng, rồi bóp, vắt, ép để lấy mật, lọc. Mật thu được có mầu vàng thẫm, sỉn đục, chất lượng kém hơn vì có lẫn sáp, ấu trùng và một số tạp chất khác. Ở các cơ sở nuôi ong có quy mô công nghiệp, hiện nay người ta dùng máy ly tâm để lấy mật, vừa đỡ tốn công, được nhiều mật, vừa giữ nguyên được tầng sáp (ong không phải xây lại tổ), lại đảm bảo được chất lượng của mật (loại 1).

Thành phần hoá học:

+ Đường glucose và levulose (60-70%); saccarose (3-10%), mantose, oligosacarid

+ Vitamin B2, PP, B6

+ Men Diastase, catalase, lipase.

+ Các acid hữu cơ: acid Panthotenic, a.formic, tartric, citric, malic, oxalic…

+ Các chất khoáng và các nguyên tố vi lượng: Na, Ca, Fe, K, Mg, Cl, P, S, I, V, Bo, Cr, Cu, Zn, Pb, Li, Sn, Ti…

+ Các hormon, chất thơm, nước (18-20%)… 

+ Albumin 

Công năng: 

Bổ trung, nhuận táo, chỉ thống, giải độc, làm giảm độ acid của dịch vị.

Công dụng:  

Thuốc bổ, điều trị loét dạ dày, người suy nhược, phế ráo, ho khan, ruột ráo, táo bón.

Cách dùng, liều lượng: 

Ngày 10-50g dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.

Bài thuốc:

1. Tăng sức đề kháng cho cơ thể, phòng chống nhiễm trùng.

Hàng ngày nên ăn 5 thìa mật ong, có thể ăn với bánh mì hoặc uống với trà, sữa tươi.

2. Bồi bổ cơ thể: 

Mật ong đánh kem với lòng đỏ trứng gà, ăn mỗi ngày một quả sẽ làm da dẻ hồng hào, cơ thể khoẻ mạnh.

3. Hồi phục sức lực sau khi ốm dậy: 

Mật ong trộn với bột Tam thất ăn mỗi bữa một chén con có thể giúp.

4. Chữa cảm cúm: 

Uống một cốc nước chanh nóng có pha thêm 2 thìa mật ong.

5. Chữa ho: 

Một quả chanh tươi, khía kiểu múi khế ở ở lớp vỏ ngoài, sau đó cho một vài thìa cà phê mật ong cho ngấm đủ toàn bộ quả chanh trong một cái chén. Để khoảng 1-2 giờ sau đó cắt ra ngậm sẽ đỡ ho ngay.

6. Chữa ho khan, ho có đờm:

Bài thuốc mật ong – tắc: Rửa sạch 3 – 4 trái tắc (quất) tươi, bỏ vào 1 chén nhỏ, đổ mật ong ngập mặt tắc rồi đem hấp cách thủy khoảng 15 phút. Uống trực tiếp hỗn hợp, ngậm trong họng và nuốt từ từ cho nước mật trôi dần xuống cổ họng và làm dịu cơn ho. Ngoài ra, bạn có thể dầm nát vài trái tắc, thêm một chút mật ong và pha cùng nước ấm để dùng 2 lần/ngày sau bữa ăn sáng và tối.

Bài thuốc lá hẹ hấp mật ong: Rửa sạch một nắm lá hẹ, để ráo, cắt khúc vừa ăn rồi cho vào chén. Đổ mật ong ngập mặt lá hẹ và đem đi hấp cơm (chưng cách thủy). Sau khi hỗn hợp chín mềm, người bệnh tán nhuyễn lá hẹ và ăn hết. Mẹo dân gian này đặc biệt hiệu quả nếu bạn đang bị ho có đờm kèm cảm cúm.

Bài thuốc tỏi ngâm mật ong: Bóc vỏ lượng tỏi vừa đủ, cho vào hũ thủy tinh sạch, sau đó đổ mật ong ngập mặt tỏi rồi đậy kín nắp, ngâm khoảng 1 tháng (ngâm càng lâu càng dễ ăn). Mỗi khi ho, bệnh nhân ăn 1 tép/lần, 1 – 2 lần/ngày.

7. Dùng ngoài khi da bị trầy xước: 

Làm sạch vết thương rồi bôi mật ong lên, vết xước sẽ mau lành và không bị nhiễm trùng hay sưng tấy.

8. Chữa viêm loét dạ dày: 

Mật ong trộn với bột nghệ đen (thể hàn), nghệ vàng (thể nhiệt) có thể Ăn liền trong 1-2 tháng.

9. Tưa lưỡi trẻ em do nhiễm nấm Candida abicans:

Dùng mật ong nguyên chất nhỏ 1 giọt vào miệng trẻ. Vị ngọt sẽ kích thích các đầu thần kinh vị giác ở lưỡi bé. Em bé sẽ đưa đi đưa lại lưỡi, đó là động tác tự làm sạch nấm Candida abicans ở lưỡi và miệng.

10. Chữa khản tiếng:

Khàn tiếng là một trong những bệnh về đường hô hấp thường gặp nhất. Với thành phần kháng sinh tự nhiên và nguồn vitamin phong phú, mật ong có tác dụng diệt khuẩn, kháng viêm, làm dịu thanh quản, từ đó đẩy lùi tình trạng khàn tiếng một cách hiệu quả. 

11. Chữa viêm họng, viêm amidan:

Các acid amin, vitamin, khoáng chất và các chất kháng sinh tự nhiên trong mật ong có tác dụng chống sưng, kháng viêm, diệt khuẩn và giảm đau nhanh chóng. Do đó, thực phẩm này có khả năng chữa viêm họng, viêm amidan rất hiệu nghiệm.

12. Chữa viêm xoang, viêm mũi:

Mật ong được xem là loại thuốc kháng sinh có nguồn gốc từ thiên nhiên vô cùng an toàn, lành tính. Các nghiên cứu cho biết vi khuẩn, virus không thể sinh sôi, phát triển trong mật ong. Vì vậy, thực phẩm này có khả năng điều trị nhiều bệnh lý, trong đó có viêm mũi và viêm xoang. Để đẩy lùi triệu chứng, người bệnh có thể thoa hỗn hợp mật ong nguyên chất và nước ép tỏi lên hốc mũi 3 lần/ngày trong khoảng 10 ngày.

13. Hỗ trợ điều trị bệnh hen suyễn:

Phenol và các hợp chất chống oxy hóa trong mật ong có công dụng làm dịu màng nhầy và hạn chế dịch nhầy ở trong phế quản. Người bệnh có thể uống hỗn hợp cốt chanh, mật ong và nước ấm hoặc kết hợp mật ong với húng quế và mướp đắng để điều trị hen suyễn.

14. Hỗ trợ chữa quai bị:

Mật ong chứa nhiều vitamin A, C, E và khoáng chất như: kẽm, sắt, phốt pho… Vì vậy, thực phẩm này có khả năng điều trị quai bị vô cùng hiệu quả. Đặc biệt, sự kết hợp giữa vôi và mật ong sẽ rút ngắn quá trình chữa bệnh.

15. Chữa bỏng:

Từ thời xa xưa, mật ong đã là vị thuốc tự nhiên có khả năng chữa lành vết bỏng, giảm sưng tấy phù nề và phòng ngừa nguy cơ nhiễm trùng. Bên cạnh đó, mật ong còn giúp đẩy nhanh quá trình tái tạo tế bào, phục hồi da non tại vùng da bị tổn thương. Do đó, khi bị bỏng, bạn hãy bôi mật ong trực tiếp lên vết thương rồi băng lại bằng gạc mỏng, áp dụng 2 – 3 lần/ngày cho đến khi vết thương lành hẳn.

16. Làm dịu các triệu chứng vảy nến:

Là tình trạng viêm nhiễm da liễu tương đối phổ biến, bệnh vảy nến gây ra hiện tượng lở loét, ngứa ngáy, sưng đỏ… thậm chí dẫn đến một số tổn thương nghiêm trọng. Ngoài việc điều trị bằng vitamin D hay các loại kem bôi chứa corticosteroid, người bệnh có thể thoa hỗn hợp dầu ô liu và mật ong trực tiếp lên da để tiêu diệt vi khuẩn, virus và làm dịu làn da.

17. Kiểm soát cơn ngứa ngáy của bệnh Herpes:

Bệnh Herpes khiến vùng da xung quanh bộ phận sinh dục bị lở loét, ngứa ngáy và nổi mụn nước. Nếu mắc phải bệnh lý này, bạn có thể đắp mật ong trực tiếp lên vết thương trong 30 phút, sau đó rửa lại bằng nước mát nhằm hạn chế cảm giác ngứa ngáy khó chịu.

18. Điều trị hôi miệng và một số vấn đề về răng miệng:

Hương thơm ngọt ngào, dịu nhẹ của mật ong có thể đẩy lùi chứng hôi miệng cũng như một số vấn đề khác về răng miệng. Bệnh nhân súc miệng bằng hỗn hợp nước cốt chanh, mật ong và nước ấm trong vòng 3 phút. Sau đó, bạn sẽ có hơi thở thơm mát, dễ chịu như mùi hương của chanh tươi và mật ong.

19. Làm lành vết côn trùng cắn:

Độc giả có thể tận dụng đặc tính kháng khuẩn, chống viêm của mật ong để điều trị vết côn trùng cắn tại nhà bằng cách thoa mật ong trực tiếp lên vùng da tổn thương cho đến khi vết thương lành hẳn.

20. Nuôi dưỡng lợi khuẩn đường ruột:

Khi kết hợp với sữa chua, mật ong có thể thúc đẩy quá trình sinh trưởng của lợi khuẩn đường ruột bifidobacteria, từ đó cải thiện tình trạng táo bón và tăng cường hệ tiêu hóa. Ngoài ra, mật ong còn có khả năng tiêu diệt triệt để các loại vi khuẩn gây hại trong dạ dày và đường ruột.

Cách phân biệt Mật ong thật-Mật ong giả: 

+ Lấy một tờ giấy trắng sạch và bôi mật ong lên đó. Mật tốt sẽ thấm rất chậm, còn loại giả thì chỉ vừa phết lên là thấm ướt ngay.

+ Mật ong giả là loại mật đã bị hoà lẫn với nước đường, muối ăn, đạm hoá học, tinh bột, đường mạch nha... Mùi thơm của nó nhạt, có thể có mùi lạ, khi nuốt thấy có cảm giác hơi vướng cổ. Còn mật ong nguyên chất thì khi nhấm có vị ngọt đậm, mùi thơm đậm, ngọt nhưng không ngấy.

+ Mật ong nguyên chất thì khi khuấy thấy rất mềm, thò ngón tay vào không thấy cảm giác sạn, bỏ vào miệng nếm thì thấy tan rất nhanh. Còn mật ong “chế biến” thì khi quấy có cảm giác cứng, khó tan.

+ Mật ong thật đặc quánh, độ kết dính cao, thơm, có các màu trắng, vàng nhạt hay hồng nhạt, trông rất trong. 

+ Dùng chiếc đũa tre sạch khêu một ít mật ong rồi kéo thành sợi. Sợi kéo dài sẽ đứt; nếu sau đó mật co lại thành cục tròn thì đó là loại tốt. 

+ Dùng một que tre sạch khuấy đều lên, nếu trong mật ong có trộn lẫn các chất khác thì bạn sẽ thấy màu đục hiện lên, còn mật ong chính hiệu thì không có hiện tượng ấy.

+ Dùng một sợi thép hơ nóng đỏ lên chọc vào mật ong, nếu thấy sủi bọt phả hơi lên thì đó là mật ong giả, người ta đã trộn lẫn khá nhiều nước.

+ Lấy một phần mật ong và 5 phần nước quấy đều rồi đậy lại, để một ngày, nếu không thấy có chất lắng xuống thì đó là mật ong tốt.

+ Lấy một phần mật ong, 2 phần nước cơm, 4 phần cồn 95%, đem khuấy đều lên, đậy lại để trong một ngày đêm. Nếu có chất tạp lắng xuống thì đó không phải mật ong tinh khiết, tạp chất lắng càng nhiều chất lượng càng kém.

Ghi chú: 

+ Khi mật ong xuất hiện các bọt khí thì không nên để lâu. Trong mật ong có một lượng đường khá lớn nên nó có tính hút nước. Do sơ suất trong bảo quản, lượng nước trong mật ong tăng lên, nếu vượt quá 20% thì làm cho nấm men phát triển nhanh và phân giải các thành phần dinh dưỡng của mật khiến mật bị biến chất. Bọt khí xuất hiện là một dấu hiệu chứng tỏ sự biến chất này. Mật tuy không phải là hỏng hẳn nhưng sẽ không giữ được lâu.

+ Không bảo quản mật ong trong các đồ đựng bằng kim loại, vì trong mật ong có acid hữu cơ và đường, dưới tác dụng của men, một phần các chất này biến thành acid etylenic. Chất này ăn mòn lớp ngoài kim loại và làm tăng thêm hàm lượng kim loại trong mật ong, làm mật biến chất. Thành phần dinh dưỡng của mật ong bị phá hoại, người dùng dễ trúng độc với các biểu hiện lợm giọng, nôn mửa...

Kiêng kỵ: 

Tỳ vị hư hàn (ỉa chảy) và hay đầy bụng thì không nên dùng.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 2004