Logo Website

MẪU LỆ - Chữa các chứng di tinh, đới hạ

02/11/2020
Con Hàu có tên khoa học: Ostrea sp., họ Mẫu lệ (Ostreidae). Công dụng: Đánh trống ngực, mất ngủ, chóng mặt, ù tai, chữa đau dạ dày, cơ thể suy nhược, băng huyết, chữa mụn nhọt, lở loét, tự hãn, đạo hãn, tràng nhạc, đờm đặc, hòn cục bĩ khối. Bột Mẫu lệ nung (Đoạn mẫu lệ) dùng bôi ngoài chữa mụn nhọt mới sưng, chưa thành mủ.

MẪU LỆ (牡蛎)

Concha Ostreae

Mẫu lệ

Tên khác: 

Vỏ hà, vỏ Hàu.

Tên khoa học: 

Ostrea sp., họ Mẫu lệ (Ostreidae).

Mô tả:

Hàu ống (Ostrea gigas): Dược liệu có hình dạng phiến thon dài, hai vỏ, gân ở lưng và bụng hầu hết song song, dài 10 - 50 cm, dày 4 - 15 cm. Vỏ bên trái lớn hơn vỏ bên phải; vỏ bên phải tương đối nhỏ, vẩy cứng, dày, xếp thành lớp hoặc tầng vân đều đặn, mặt ngoài vỏ phẳng hoặc có một vài chỗ lõm màu tía nhạt, trắng xám, hoặc nâu vàng; mặt trong màu trắng sứ. Hai cạnh của vỏ không có răng cưa nhỏ. Vỏ trái lõm rất sâu, vân thô và to hơn vỏ bên phải. Mặt gắn ở đỉnh nhỏ. Chất cứng nặng, mặt gẫy có dạng tầng, màu trắng tinh, không mùi, vị hơi mặn.

Hàu sông (Ostrea rivularis): Thường dài 15 - 25 cm, hình tròn trứng hoặc hình tam giác, vỏ trái lớn hơn vỏ phải, vỏ phải phẳng hơn. Mặt ngoài vỏ bên phải hơi gồ ghề, có màu xám, tía, nâu, vàng. Có vảy đồng tâm, vảy non mỏng, giòn, vảy sinh trưởng đã lâu năm nhiều tầng, mặt trong màu trắng, mép có khi có màu tía nhạt.

Hàu Đại liên (Ostrea talienwhanensis): Hình tam giác, mép lưng, bụng có hình chữ V. Mặt ngoài vỏ bên phải có màu vàng nhạt, có vảy đồng tâm thưa, gợn sóng lên xuống, mặt trong màu trắng bóng; vỏ bên trái, vảy đồng tâm, dày, cứng; từ bộ phận đỉnh vỏ, toả ra tia sườn rõ rệt, mặt trong lõm có dạng của một cái hộp, mặt khớp nối nhỏ.

Bộ phận dùng: 

Vỏ khô của nhiều loài Hàu (Concha Ostreae).

Phân bố, sinh thái:

Hàu sông phân bố ở nhiều nước trên thế giới, nhất là những nước có bờ biển, ở Việt Nam, hàu sông có ở các tỉnh miền duyên hải như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, là những nơi có nhiều hàu hơncả.

Hàu sông sống ở nước lợ của những cửa sông thông ra biển, bám vào các rạn đá ngầm, dải san hô và mạn tàu thuyền. Thức ăn của hàu gồm động vật và thực vật trôi nổi, nhất là các loài tảo. Nhiều loài tạo thành quần thể dày đặc nhiều tầng. Hàu sông sinh sản hữu tính. Trứng nở ra ấu thể sống trôi nổi trong nước khoảng 10 - 15 ngày, sau đó dựa vào vật bám để phát triển thành hàu trưởng thành.

Người ta đã tổ chức nuôi hàu sông từ khá lâu, nhất là ở Trung Quốc và Nhật Bản. ở Việt Nam, hàu sông được nuôi thí nghiệm ở Hà Tiên, Vũng Tàu, huyện Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh) với kết quả tốt nhưng chưa mở rộng diện.

Thu hái: 

Có thể thu hoạch quanh năm, loại bỏ thịt, lấy vỏ rửa sạch, phơi hoặc sấy khô.

Bào chế:

+ Mẫu lệ khô, khi dùng rửa sạch, làm khô, tán vụn thành bột hoặc nung rồi mới tán bột.

+ Mẫu lệ nung (Đoạn mẫu lệ): Lấy mẫu lệ đã rửa sạch, đặt trên lò than, nung đến khi thành màu trắng tro xốp, lấy ra để nguội, nghiền nhỏ.

Thành phần hoá học: 

Vỏ hầu có: Calci carbonat (80-95%), calci phosphat và sulphat, còn có Mg, Al, Fe.

Thịt hàu chứa 68 - 78% nước, 7 -11% protid, 2% lipid, các vitamin nhóm B và C, 70 - 100 mg% kẽm và iod.

Tính vị

Vỏ hàu sông có vị mặn, chát, tính hơi lạnh, không độc, 

Quy kinh

Can và thận

Công năng: 

An thần, tiềm dương bổ âm, làm mềm chất rắn, tán kết khối, thu liễm, cố sáp.

Công dụng: 

Đánh trống ngực, mất ngủ, chóng mặt, ù tai, chữa đau dạ dày, cơ thể suy nhược, băng huyết, chữa mụn nhọt, lở loét, tự hãn, đạo hãn, tràng nhạc, đờm đặc, hòn cục bĩ khối. Bột Mẫu lệ nung (Đoạn mẫu lệ) dùng bôi ngoài chữa mụn nhọt mới sưng, chưa thành mủ.

Thịt hàu sông ngon và ngọt thường được dùng dướỉ dạng thức ăn - vị thuốc như nướng chín rồi tẩm giấm, lá chanh, gừng, gia vị. Hiện nay, thịt hàu sông đã trở thành món đặc sản trong những nhà hàng ở thành phố Hồ Chí Minh, được các thực khách nhất là người nước ngoài rất ưa chuộng. Nó còn được chế biến đóng hộp để xuất khẩu với giá trị thương phẩm cao. Gần đây, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã chiết được từ thịt hàu sông một chất đem tiêm cho những con chuột bị tổn thương gan và có nhiều mỡ trong máu với kết quả là đã làm giảm lượng cholesterol của gan và giảm mỡ trong máu.

Cách dùng, liều lượng: 

Mẫu lệ khô, khi dùng rửa sạch, làm khô, tán vụn thành bột hoặc nung rồi mới tán bột. Ngày uống 3 - 6g.

Bài thuốc:

1. Chữa mồ hôi trộm thường gặp trong bệnh lao, suy nhược cơ thể:

+ Nhất giáp tiễn: Mẫu lệ 40g sắc uống.

+ Nhị long cốt Mẫu lệ tán: Long cốt, Mẫu lệ đều 18g, Phụ tử, Bạch thược, Bạch vi, Sinh khương đều 12g, Đại táo 3 quả, Cam thảo 4g, sắc uống. Trị chứng hư dương ngoại việt sốt về chiều tối, mồ hôi trộm, tự ra mồ hôi.

+ Mẫu lệ 10g, Hoàng kỳ 4g, Ma hoàng căn 4g, Cám 10g, đổ 600ml nước sắc còn 200ml, chia nhiều lần uống trong ngày.

2. Chữa chứng cao huyết áp có có triệu chứng đau đầu chóng mặt, ù tai, chân tay tê dại do can dương thịnh: Trấn can tức phong thang:

Sinh giả thạch 20g, Xuyên ngưu tất 12g, Sinh Long cốt, Sinh Mẫu lệ, Sinh Qui bản đều 12g, sinh Bạch thược 20g, Huyền sâm 16g, Thiên môn đông 12g, Xuyên luyện tử, Đương qui, Sinh mạch nha, Nhân trần đều 12g, Cam thảo 4g, sắc nước uống.

3. Chữa các chứng di tinh, đới hạ:

+ Cố tinh hoàn (Y phương tập giải): Mẫu lệ, Long cốt, Kim anh tử, Sa uyển tật lê, Liên tu, Khiếm thực, Liên nhục lượng bằng nhau, sao tán bột mịn làm hoàn hoặc sắc uống. Trị di tinh.

+ Mẫu lệ hoàn: Mẫu lệ, A giao, Lộc giác giao, Qui thân, Tục đoạn đều 12g, Can khương 4g, Xích thạch chỉ 12g, Đại giá thạch 10g. Theo tỷ lệ các vị thuốc làm hoàn, mỗi lần uống 6 - 8g, ngày 3 lần. Trị xích bạch đới.

4. Chữa lao hạch, gan lách to: thuốc có tác dụng nhuyễn kiên, tán kết.

+ Tiêu hạch tán: Hải tảo, Mẫu lệ, Huyền sâm đều 120g, gạo nếp thứ tốt 240g sao vàng, Cam thảo sống 30g, tán bột mịn làm hoàn nhỏ, mỗi lần uống 4g với nước hoặc rượu ấm. Trị lao hạch.

+ Mẫu lệ, Đào nhân đều 12g, Xuyên sơn giáp, Nhũ hương, Một dược đều 6g, Đơn bì, Qui vĩ, Trạch lan đều 12g sắc uống. Trị gan lách to.

5. Chữa loét dạ dày hành tá tràng:

Từ nguyên Xương dùng thang Long mẫu gồm có: Mẫu lệ nung, Long cốt sống hoặc nung mỗi thứ 30 - 50g. Đau nhiều gia thêm Diên hồ sách 10g; ngủ kém gia thêm Dạ giao đằng 15g, sắc uống mỗi ngày chia 2 lần. Một liệu trình từ 10 đến 20 lần. (Tạp chí Trung y 1983,3:36).

6. Trị còi xương: 

Đồng Lợi Lệ dùng bài thuốc gồm: Mẫu lệ, Long cốt, Qui bản, Bạch truật, Hoàng kỳ, Sơn dược, Ngũ vị tử làm dạng bột. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 15g, một liệu trình 2 tháng. (Báo nghiên cứu Trung thành dược 1987,3:20).

Kiêng kỵ:

Nếu âm hư mà không có hoả và ỉa chảy thuộc hàn khí thì cấm dùng.

Mẫu lệ có tính hàn nên không dùng cho trường hợp bệnh hư mà có lạnh.

Tinh lạnh tự ra và thận hư không có nhiệt cũng không nên dùng Mẫu lệ.

Tuyệt đối không dùng cho người tiêu chảy thuộc hàn khí và âm hư không có thực nhiệt.

Mẫu lệ ghét Tân di, Ngô thù du và Ma hoàng.

Chú ý

Cần phân biệt mẫu lệ với thạch quyết minh (vỏ phơi khô của bào ngư). Thạch quyết minh thường có nhiều lỗ nhỏ ở bên ngoài vỏ và được dùng để trị các chứng bệnh về mắt.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 2004