Nhân sâm Việt Nam-tăng lực, chống suy nhược, hồi phục sức lực bị suy giảm, kích thích nội tiết sinh dục
Nhân sâm Việt Nam
Radix et Rhizoma Panacis Vietnamemensis
Sâm ngọc linh: Panax vietnamensis Ha et Grushv; Photo Nguyễn Minh Đức
Tên khác:
Sâm Việt Nam, Sâm Việt, Sâm Ngọc Linh, Sâm khu 5, Sâm trúc, Sâm đốt trúc, Trúc tiết nhân sâm, Củ ngải rọm con, Cây thuốc dấu (dân tộc Xê Đăng).
Tên nước ngoài:
Vietnamese ginseng.
Tên khoa học:
Panax vietnamensis Ha et Grushv, họ Ngũ gia (Araliaceae).
Lịch sử phát hiện:
Trước khi có sự phát hiện từ phía các nhà khoa học, sâm Ngọc Linh đã được các đồng bào dân tộc thiểu số Trung Trung bộ Việt Nam, đặc biệt là dân tộc Xê Đăng, sử dụng như một loại củ rừng, mà họ gọi là củ ngải rọm con hay cây thuốc giấu, chữa nhiều loại bệnh theo các phương thuốc cổ truyền. Dựa trên những thông tin lưu truyền trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Quảng Nam, Kon Tum về một loại củ quý hiếm trên núi Ngọc Linh có tác dụng tốt đối với sức khỏe con người, và do nhu cầu của kháng chiến đã khiến ngành dược khu Trung Trung Bộ quyết phải tìm ra cây sâm chi Panax tại miền Trung, mặc dù trước đó nhiều nhà khoa học cho rằng chi Panax chỉ có ở miền Bắc.
Năm 1973, khu Y tế Trung Trung bộ cử một tổ 4 cán bộ do dược sĩ Đào Kim Long làm trưởng đoàn, kỹ sư Nguyễn Bá Hoạt, dược sĩ Nguyễn Châu Giang, dược sĩ Trần Thanh Dân là thành viên, đi điều tra phát hiện cây sâm theo hướng chân núi Ngọc Linh thuộc huyện Đắc Tô tỉnh Kon Tum. Khi đoàn lên tỉnh Kon Tum, Ban Dân y Kon Tum cử thêm dược tá Nguyễn Thị Lê trợ giúp cho đoàn, dẫn đường lên núi Ngọc Linh. Sau nhiều ngày vượt suối băng rừng, đến 9 giờ sáng ngày 19 tháng 03 năm 1973, ở độ cao 1.800 mét so với mặt biển, đoàn đã phát hiện hai cây sâm đầu tiên và ngay buổi chiều cùng ngày đã phát hiện được một vùng sâm rộng lớn thuộc phía Tây núi Ngọc Linh. Sau 15 ngày nghiên cứu toàn diện về hình thái, sinh thái, quần thể, quần lạc, phân bố, di cư và phát tán, dược sĩ Đào Kim Long đã xác định núi Ngọc Linh là quê hương của cây sâm mới, đặc biệt quý hiếm, chưa từng xuất hiện tại bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Theo đánh giá của Tiến sĩ Trần Chí Liêm, Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam: đây là cống hiến quan trọng cho khoa học, bổ sung tri thức mới về vùng phân bố chi Panax xuống tới vĩ tuyến 15 và bổ sung cho chi Panax họ Araliaceae một loài mới. Sau khi sâm được phát hiện, Khu uỷ Khu 5 đã chỉ đạo Ban Dân y bí mật bảo vệ và khai thác, giao cho xưởng Dược Trung Trung Bộ chế biến làm thuốc phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; đồng thời gửi mẫu ra Bộ Y tế, Viện Dược liệu Hà Nội nghiên cứu.
Những năm sau khi hòa bình lập lại, tháng 10 năm 1978 một tổ công tác thứ hai lên vùng núi Ngọc Linh với nhiệm vụ ước lượng sơ bộ diện tích sâm mọc. Kết quả chuyến đi là việc tìm ra được một vùng dài hàng chục kilômét, có trữ lượng khoảng 6.000-7.000 cây sâm mọc dày đặc với mật độ từ 1 mét vuông một cây đến 7,8 mét vuông một cây.
Nǎm 1979, Ty Y tế Quảng Nam tổ chức điều tra ở 5 xã của huyện Trà My với sự giúp đỡ của Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả đợt điều tra là việc tìm thấy 1.337 cây trong 211 ô tiêu chuẩn. Trọng lượng trung bình thân rễ sâm là 5,26 gam; số thân có trọng lượng trên 25 gam là 7,39% và số thân rễ có trên 10 sẹo (ước tính trên 8 năm tuổi) là 36,9%. Đợt điều tra này đã thu được 1 thân rễ có tới 52 sẹo (ước tính cây trên 50 năm tuổi), đường kính 1,2 cm, tuy đây chưa phải là thân rễ sống lâu nhất. Trong những đợt tìm kiếm, điều tra về sau còn phát hiện ra cây khoảng 82 năm tuổi có rễ, củ và thân rễ dài hơn nửa mét.
Danh pháp khoa học
Ngày 8 tháng 6 năm 1973 tại văn phòng Ban Dân y Khu 5 dược sĩ Đào Kim Long, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu sâm Ngọc Linh đã nêu rõ đặc điểm hình thái, sinh thái học, quần thể, thảm thực vật, khả năng thích nghi, cách phát tán, khả năng tái sinh của cây nhân sâm này, kèm theo báo cáo có các tiêu bản mẫu cây ép khô, ảnh chụp và 3kg sâm đã phơi khô. Dược sĩ Đào Kim Long đã đặt tên khoa học của cây sâm Ngọc Linh này là Panax articulatus KL Dao (trong kháng chiến để giữ bí mật nên thường gọi là Sâm K5), hay Panax articulatusKim Long Đào theo tên người phát hiện. 12 năm sau, tên Nhân sâm Việt Nam và tên khoa học là Panax vietnamesis Ha et Grushy, họ Ngũ gia Araliaceae, được công bố tại Viện Thực vật Kamarov (Liên Xô cũ) năm 1985, do Hà Thị Dung và I. V. Grushvistky đặt tên. Áp dụng Quy tắc quốc tế về danh pháp thực vật công bố năm 1994 (ICBN - Tokyo code), điều 1, mục 3 phần C, danh pháp khoa học của sâm Ngọc Linh có thể được nối tên của người thứ hai công bố với tên người thứ nhất qua chữ ex, và khi đó tên khoa học của cây nhân sâm Ngọc Linh được viết hợp pháp theo luật quốc tế hiện nay sẽ phải là Panax articulatus KL Dao (1973) ex Ha et Gruskv (1985).
Mô tả:
Cây:
Cây thảo sống lâu năm, cao 40-100 cm. Thân - rễ mọc bò ngang như củ hoàng tinh đường kính từ 1-2 cm, dài 5 - 40 cm, có nhiều đốt mang những vết sẹo do thân khí sinh rụng hàng năm để lại, thân- rễ có nhiều rễ phụ. Thân khí sinh thẳng đứng, màu lục hoặc hơi tím, nhỏ, đường kính thân độ 4-8 mm, thường tàn lụi hàng năm, thỉnh thoảng cũng tồn tại một vài thân trong vài năm. Lá kép hình chân vịt mọc vòng, thường là 3 - 5 ở ngọn thân. Cuống lá kép dài 6 - 12 mm, mang 5 lá chét, lá chét ở chính giữa lớn hơn cả, dài 12 - 15 cm, rộng 3 - 4 cm. Lá chét phiến hình bầu dục, mép khía răng cưa, chóp nhọn, lá có lông ở cả hai mặt. Cây 4-5 năm tuổi, có hoa hình tán đơn, cuống tán hoa dài 10-20 cm có thể kèm 1 - 4 tán phụ hay một hoa riêng lẻ ở phía dưới tán chính. Mỗi tán có 60-100 hoa cuống hoa ngắn 1 – 1,5 cm, lá đài 5, cánh hoa 5, màu vàng nhạt, nhị 5, bầu 1 ô với 1 vòi nhuỵ, Quả nang màu đỏ thắm, có một chấm đen ở đỉnh, có 1 - 2 hạt hình thận, màu trắng ngà. Cây ra hoa tháng 4 - 6, kết quả tháng 7 - 9.
Dược liệu:
Thân rễ thường nhiều đốt, cong ngoằn ngoèo, ít khi có hình trụ thẳng, dài 3-15 cm, đường kính 0,5-1,5 cm. Mặt ngoài màu nâu hay màu vàng xám, có những vết nhăn dọc, mảnh; những vết vân ngang nổi rõ chia thân rễ thành nhiều đốt, đặc biệt có nhiều sẹo do thân khí sinh hàng năm tàn lụi để lại. Thể chất cứng chắc, giòn, dễ bẻ, mặt bẻ lởm chởm, màu xám nhạt. Mùi thơm nhẹ đặc trưng, vị đắng, hơi ngọt.
Rễ củ có dạng hình con quay dài 2,4 - 4 cm, đường kính 1,5 - 2 cm (ở cây mọc hoang), thường hợp thành bó 2 - 4 rễ củ hình thoi, đôi khi có rễ trụ dài (ở cây trồng). Rễ củ có màu nâu nhạt, có những vân ngang và nốt các rễ con. Thể chất nạc, chắc, khó bẻ gãy. Vị đắng, hơi ngọt.
Bộ phận dùng:
Rễ và thân - rễ (củ) đã chế biến khô của cây nhân sâm Việt Nam (Radix et Rhizoma Panacis Vietnamemensis)
Phân bố:
Loài đặc hữu của Việt Nam, mọc tập trung trong phạm vi 13 xã của huyện miền núi Ngọc Lĩnh thuộc 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam - Ðà Nẵng, ở độ cao từ 1500m trở lên 2100m; ở độ cao 1700-2000m, cây mọc dày thành đám dưới tán rừng hỗn giao có độ che phủ cao, ít dốc, dọc theo các suối ẩm, trên đất nhiều mùn.
Đặc điểm sinh thái:
Trong tự nhiên, sâm Ngọc Linh là loài đặc hữu hẹp, phân bố trong vùng xuất xứ núi Ngọc Linh, thường mọc dưới tán rừng ẩm, nhiều mùn, thích hợp với nhiệt độ ban ngày từ 20°C - 25°C, ban đêm 15°C - 18°C, sâm Ngọc Linh có thể sống rất lâu, thậm chí trên 100 năm sinh trưởng khá chậm.
Là cây thuốc quý của Việt Nam, với những tác dụng đặc biệt, hiện nay Sâm Ngọc Linh đã được đưa vào qui trình trồng làm cây dược liệu. Sâm Ngọc Linh thích hợp trồng trong các điều kiện đặc trưng của vùng xuất xứ.
- Về điều kiện khí hậu: Nhiệt độ thích hợp trung bình năm dao động từ 14-180C (thấp nhất 8-110C, cao nhất 20-250C); độ ẩm trung bình từ 85-90%; lượng mưa trung bình từ 2.800 - 3.400 mm/năm và có lượng mưa khá trong các tháng mùa khô (từ tháng 3-7).
- Về điều kiện tự nhiên và đất đai: Sâm Ngọc Linh thích hợp trồng ở vùng với những đặc điểm về điều kiện khí hậu kể trên và có độ cao so với mực nước biển từ 1.500m trở lên, thuận lợi ở độ cao từ 1.800m trở lên. Đất có đủ ẩm, giàu dinh dưỡng, lượng mùn hữu cơ trong đất cao, còn giữ cấu trúc rừng nguyên sinh và có độ tán che từ 70-90%.
Cách trồng:
Sau khi phát hiện, sâm Việt Nam đã được nghiên cứu trồng tại chỗ và đang thử phát triển ở Sa Pa, Đà Lạt.
Cây được nhân giống bằng hạt. Khi quả chín thu về, xát hết phần thịt quả, rửa sạch, xử lý vói thuốc chống nấm và đem gieo ngay. Đất vườn ươm cần làm thật kỹ, để ải, xử lý đất diệt sâu bệnh, lên luống rồi gieo hạt. Có thể gieo vãi, gieo rạch hoặc chọc lỗ, sao cho cây con mọc lên có khoảng cách 5 x 10 cm là vừa. Gieo xong, phủ nhẹ đất, tưới nước và làm giàn che, chỉ để 25 - 30% ánh sáng lọt vào. Hạt nảy mầm sau 2 - 3 tháng. Để hạn chế nấm bệnh, giun, dế hại hạt, không nên bón lót cho vườn ươm mà chỉ bón sau khi cây mọc. Cần bón cân đối NPK để cây đủ dinh dưỡng, khỏe mạnh. Nếu bón phân chuồng phải dùng phân thật hoai mục. Vườn ươm luôn thoáng, đủ ẩm, thoát nưóc và sạch cỏ dại. Sau khoảng một năm, đánh cây con đi trồng lúc mầm còn đang ngủ.
Đất ở những vùng trồng sâm Việt Nam là đất bazan, đất mùn núi, tơi xốp, giữ ẩm nhưng thoát nước. Đất cần cày bừa kỹ, để ải, đập nhỏ, lên luống, cỏ, rác, lá khô (và rơm rạ nếu có) cần rải trên mặt luống rồi đốt. Luống đánh cao hay thấp tùy theo địa hình, sao cho tiện thoát nước và chăm sóc.
Đất quá dốc cần làm luống theo đường đồng mức. Mặt luống rộng 60 - 70 cm là vừa. Mỗi hecta cần bón lot 20 - 25 tấn phân chuồng trộn vói tro bếp ủ thật hoai mục. Bón theo hốc với khoảng cách 15 x 20 cm hoặc theo rạch, mỗi rạch cách nhau 20 cm. Trộn đều phân với đất, sau đó đánh cây con ra trồng. Cần trồng nhẹ tay, không để rễ cong, phủ đất đến cổ rễ. Trồng đến đâu tưói ngay đến đó.
Che bóng là yêu cầu bắt buộc đối với sâm Việt Nam. Trồng xong, cần làm giàn che ngay. Giàn phải làm chắc chắn, cao 1,5 m trở lên, xung quanh che chắn chống gió. Mái giàn phải dùng những vật liệu chịu được mưa nắng tương đối lâu, khi khô lá không rụng, che bót 70 - 75% ánh sáng.
Cần thường xuyên làm cỏ, xói xáo nhẹ, đảm bảo đất luôn toi xốp, thoáng, đủ ẩm. Hàng năm, bón thúc 3 - 4 lần vào thời kỳ cây sinh trưởng mạnh (tháng 4 đến tháng 8). Chủ yếu dùng phân chuồng thật hoai mục, tro bếp. Có thể bón thêm phân vi sinh hoặc khô dầu.
Sâm Việt Nam bị khá nhiều sâu bệnh phá hại. Sâu hại có sâu xám hại mầm, sâu xanh, sâu đo, rệp, nhện hại thân lá. Ngoài ra, còn có dế, chuột, sên hại mầm non, thân rễ. Cần kiểm tra để phòng trừ kịp thời, ít có thể dùng tay, nhiều thì dùng thuốc, đánh bả. Thuốc hiện nay có nhiều, cần dùng đúng chủng loại, pha đúng nồng độ.
Bệnh của sâm Việt Nam cũng nhiều như rỉ sắt, khô lá, phấn ttắng, xoăn lá, bạch tạng, thối loét củ... Phòngbằng cách xử lý đất, vệ sinh đồng ruộng và dùng các thuốc đặc hiệu để diệt trừ.
Sâm Việt Nam trồng sau 4 - 7 năm mới đưcK: thu hoạch. Thưòng thu củ vào vụ đông, sau khi thu hạt để làm giống. Nếu không thu hạt, có thể thu củ vào lúc cây ra nụ.
Thu hái:
Chỉ nên thu hoạch củ, của những cây sâm đã 3 tuổi, tức là có ít nhất có một vết sẹo (cây Sâm Việt Nam chỉ có một lá duy nhất từ năm thứ 1 đến năm thứ 3). Từ năm thứ 4 trở đi mới có 2 đến 3 lá.
Rửa sạch, rồi đồ (hấp) bằng hơi nước ở nhiệt độ 80-90 phút (như chế biến Hồng Sâm), rồi sấy khô ở 600C đến khô (thường độ 4 - 5 giờ)
Thành phần hóa học:
Thân rễ và rễ củ chứa 32 hợp chất saponin triterpen, trong đó có 30 chất là saponin dammaran, là thành phần hoạt chất có tác dụng sinh học chủ yếu của sâm. Hàm lượng saponin toàn phần rất cao đến 10,75% ở thân rễ cây mọc hoang. Còn có 7 hợp chất polyaceytylen; 17 acid béo trong đó có các acid palmitic, stearic, oleic, linoleic và linolenic; 17 acid amin trong đó có đủ 8 loại acid amin cần thiết cho cơ thể; 20 nguyên tố vi lượng trong đó có Fe, Mu, Co, Se, K, Các thành phần khác là glucid, tinh dầu. Trong thân rễ tươi có daucosterol.
Tác dụng dược lý:
1. Tác dụng trên hệ thần kinh trung ương:
Sâm Việt Nam liều thấp có tác dụng kích thích thần kinh, làm tăng hoạt động vận động và trí nhớ, nhưng liều cao lại ức chế thần kinh.
2. Tác dụng chống trầm cảm:
Sâm Việt Nam có tác dụng chống trầm cảm ở liều uống một lần 200 mg/kg hoặc liều 50 - 100 mg/kg dùng luôn 7 ngày ở chuột nhắt trắng, majonosid R 2 tiêm trong màng bụng có tác dụng chống trầm cảm ở cả 3 liều 3,1; 6,2 và 12,5 mg/kg.
3. Tác dụng tăng sinh lực:
Sâm Việt Nam có tác dụng tăng lực trong thí nghiệm chuột bơi, làm tăng sinh lực chống lại sự mệt mỏi, giúp phục hồi sức lực.
4. Tác dụng sinh thích ứng:
- Trong stress vật lý, cho chuột nhắt trắng uống sâm Việt Nam liều 100 mg/kg có tác dụng làm tăng khả năng chịu đựng đối vối nóng (37 - 42°C) và lạnh (- 5°C), làm kéo dài thòi gian sống thêm của chuột thí nghiệm.
- Trong stress cô lập, chuột nhắt trắng được nuôi riêng từng con trong 4 tuần, thời gian ngủ khi liêm natri barbital giảm đi 30%. Sâm Việt Nam liều uống 50 - 200 mg/kg hoặc hoạt chất majonosid R2 tiêm trong màng bụng liều 3,1 - 12,5 mg/kg làm cho thời gian ngủ trở lại gần bình thưòng.
5. Tác dụng chống oxy hóa:
Trên thí nghiệm in vitro dùng dịch nổi của mô não, gan và phân đoạn vị thể gan của chuột nhắt trắng, saponin sâm Việt Nam ở nồng độ 0,05 - 0,5 mg/ml có tác đụng chống oxy hóa, ức chế sự hình thành MDA (malonyl dialdehyd) là sản phẩm của quá trình oxy hóa lipid màng sinh học.
6. Tác dụng kích thích miễn dịch:
- Bột chiết sâm Việt Nam liều uống 500 mg/kg và majonosid R2 tiêm trong màng bụng có tác dụng làm tăng chỉ số thực bào trong thí nghiệm in vitro và in vivo ở chuột nhắt trắng.
- Dùng liều Escherichia coli gây chết chuột nhắt trắng. Nếu kết hợp dùng sâm và majonosid R2 với liều như trên sẽ làm tăng tỷ lộ số chuột sống sót. Có lẽ do thuốc làm tăng tác dụng thực bào vói E. coli.
7. Tác dụng hồi phục máu:
Trong thí nghiệm làm giảm hồng cầu và bạch cầu ở động vật thí nghiệm, sâm Việt Nam có tác dụng làm phục hồi số lượng hồng cầu và bạch cầu đã bị giảm.
8. Các tác dụng dược lý khác:
Sâm Việt Nam còn có tác dụng tăng cường nội tiết tố sinh dục, điều hòa hoạt động của tim, tác dụng chống tăng cholesterol máu, tác dụng bảo vệ gan do các yếu tố gây độc vói gan, có tác dụng chống viêm và ức chế sự phát triển của vi khuẩn Streptococcus gây bệnh viêm họng ở người.
Tác dụng:
Có tác dụng kích thích nhẹ ở liều thấp làm tăng vận động, tăng trí nhớ nhưng tác dụng ức chế ở liều cao đối với hệ thần kinh; làm tăng sinh lực chống lại sự mệt mỏi, giúp hồi phục sức lực tương tự nhân sâm; làm tăng sự thích nghi của cơ thể trước những bất lợi của điều kiện môi trường sống; tác dụng bảo vệ tế bào giúp hồi phục số hồng cầu, bạch cầu bị giảm; tác dụng tăng nội tiết tố sinh dục; tác dụng kháng viêm; tác dụng điều hoà hoạt động của tim; tác dụng hạ cholesterol máu, chống xơ vữa động mạch; tác dụng giải độc gan và tác dụng kháng khuẩn nhất là đối với Streptococcus gây bệnh viêm họng.
Công năng:
Bổ khí, bổ phế.
Công dụng:
Thân rễ và rễ củ sâm có thể dùng như nhân sâm làm thuốc bổ; tăng lực, chống suy nhược, hồi phục sức lực bị suy giảm, kích thích nội tiết sinh dục, tăng sức chịu đựng, giải độc và bảo vệ gan, điều hoà thần kinh trung ương, điều hoà tim mạch, chống xơ vữa động mạch, giảm đường huyết. Lại có thể dùng làm thuốc trị viêm họng.
Cách dùng, liều lượng:
Ngày dùng 1-2g dưới dạng thuốc sắc, dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.
Bài thuốc:
1. Hiện nay đã sản xuất các chế phẩm: Vinagnseng pastilles (mỗi viên chứa 12mg saponin), Vinapanax viên (mỗi viên chứa, 10mg saponin) và Sâm quy dưỡng lực gồm Sâm Việt Nam và một số dược liệu khác.
2. Dân tộc Xê đăng sống ở vùng núi cao trên dãy Trường Sơn dùng “thuốc giấu” (Sâm Việt Nam) như một loại thuốc trong những bài thuốc cổ truyền cầm máu, lành vết thương, làm thuốc bổ, sốt rét, đau bụng, phù thũng, tăng lực, chống mệt mỏi khi đi rừng dài ngày.
Một số cách sử dụng sâm Ngọc Linh:
- Sử dụng Sâm Ngọc Linh theo kiể pha trà: Thái mỏng sâm Ngọc Linh thành nhiều lát, khi pha cho vài lát sâm (khoảng 1g - 2g) vào ấm, đổ nước sôi vào như pha trà. Đợi 5 phút có thể uống. Dùng đến khi nước nhạt thì lấy bã ra nhai và nuốt như ăn bình thường.
Trà sâm Ngọc Linh xay bột: Sâm Ngọc Linh sấy khô, tán bột thật mịn hoặc có thể đun sôi nhỏ lửa để phát huy hết tối đa dược tính, công dụng của sâm Ngọc Linh, mỗi lần dùng từ 1g - 2g.
- Sử dụng sâm Ngọc Linh bằng cách ngậm trong miệng: Những người bệnh lâu ngày, chán ăn, mệt mỏi, mắc chứng phế hư (phổi yếu, hen suyễn, thở gấp, chức năng hô hấp kém) thường sử dụng theo cách này.
Thái sâm Ngọc Linh thành từng lát thật mỏng. Ngậm lát sâm trong miệng cho đến khi mềm rồi nuốt. Mỗi lần ngậm 1 lát, ngày ngậm 3-4 lát.
- Sử dụng sâm Ngọc Linh dưới dạng thuốc sắc: Dùng cho bệnh nhân mất máu sau phẫu thuật, cấp cứu khẩn cấp, cơ thể suy yếu.
Thái lát sâm Ngọc Linh cho vào nồi, cho thêm 20 - 30g đường, sắc nhỏ lửa khoảng 20 - 30 phút để uống. Ngày dùng 5 - 10g, chia làm nhiều lần ăn trong ngày (ăn cả nước lẫn cái). Trường hợp bệnh nhân cấp cứu tăng thêm 30 - 60g sắc uống hết trong một lần.
- Sử dụng sâm Ngọc Linh dưới dạng ngâm rượu: Dùng để bồi bổ sức khỏe, nhất là với nam giới thường xuyên phải uống bia rượu, thì nên thay thế bằng rượu sâm Ngọc Linh để bảo vệ gan, thận.
Cách ngâm rượu: Sâm Ngọc Linh rửa sạch, để ráo nước, tráng lại với rượu. Chọn bình thủy tinh vừa với lượng sâm cần ngâm. Thả nguyên củ sâm vào bình. Sau đó đổ rượu trắng 30 độ ngập củ sâm và đậy kín nắp bình lại. Ngâm Sâm Ngọc Linh theo tỉ lệ 100g Sâm Ngọc Linh ngâm với 2 - 3 lít rượu. Ngâm trong khoảng thời gian từ 2-3 tháng là có thể uống được.
Ngày dùng 50 - 100ml. Không dùng rượu sâm Ngọc Linh trong trường hợp đau bụng thể hàn, đau bụng tiết tả, lạnh bụng. Không nên dùng vào buổi tối vì có thể gây mất ngủ.
- Sử dụng sâm Ngọc Linh bằng cách nấu cháo: Thường dùng cho người già suy yếu hay người mắc các bệnh mãn tính đường tiêu hóa. Thái lát 3g sâm Ngọc Linh rồi sắc với nước. Tiếp tục thêm gạo và nước vào nồi nấu thành cháo.
- Sâm Ngọc Linh hấp với trứng gà: Trứng gà rửa sạch, khoét 1 lỗ nhỏ trên đỉnh. Cho 1 - 2g bột Sâm Ngọc Linh vào bên trong quả trứng, trộn đều. Lấy một miếng khăn giấy thấm ướt hoặc một mảnh vải để dán kín lại rồi hấp chín. Mỗi ngày dùng 1 quả.
- Dùng sâm ngâm mật ong: rửa thật sạch sâm, để ráo, cắt thành lát mỏng cho vào bình thủy tinh đậy kín ngâm với mật ong nguyên chất. Sau 2-3 tháng là dùng được. Mỗi ngày dùng 1-2 lát sâm Ngọc Linh ngâm mật ong rất tốt, vị ngọt củaa mật ong làm dịu vị đắng của sâm, lại thơm ngon bổ dưỡng tốt cho sức khỏe.
Kiêng kỵ:
- Thể tạng hư hàn, phải chích gừng. Không dùng chung với Lê lô.
- Phụ nữ đang mang thai tuyệt đối không được sử dụng sâm Ngọc Linh vì sâm có tác dụng tăng cường nội tiết tố sinh dục và co bóp thành tử cung nên sẽ gây ảnh hưởng đến thai nhi.
- Cũng như các loại sâm khác, sâm Ngọc Linh cũng không được dùng trong các trường hợp: đau bụng (thể hàn, tiết tả...), lạnh bụng, chướng bụng sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
- Ngoài ra, những người cao huyết áp cũng không nên sử dụng sâm Ngọc Linh. Tránh dùng Sâm vào buổi chiều hoặc tối đối với người mất ngủ.
- Khi dùng sâm với trẻ em, sâm chỉ được dùng (thường là dùng bổ sung) khi trẻ bị suy dinh dưỡng, còi xương, thiếu máu, suy nhược cơ thể,... Còn với các trẻ có thể chất khỏe mạnh, phát triển bình thường, không mắc các bệnh lý thuộc hư chứng thì không được dùng sâm Ngọc Linh.
- Đối với Sâm Ngọc Linh tươi nên bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
- Trường hợp muốn dùng lâu dài thì ngâm với mật ong nguyên chất (không lẫn nước) để bảo quản và dùng lâu dài. Rửa thật sạch, thái lát mỏng và ngâm với mật ong. Phương pháp này khi ngâm có thể sử dụng liền. Mật ong là chất chóng mốc và còn là thuốc bổ nên sẽ tăng cường tác dụng của sâm Ngọc Linh.
Ghi chú: Các thứ (var.) của Sâm ngọc linh
- Sâm lai châu: Panax vietnamensis var. fuscidiscus K.Komatsu, S.Zhu & S.Q.Cai được đánh giá là tương đồng với sâm Ngọc Linh về thành phần cũng như ngoại hình. Chúng chỉ khác nhau ở hai kiểu gen, với thành phần giống sâm Ngọc Linh và hình thái bên ngoài giống y chang sâm Ngọc Linh. Đây cũng là loài sâm được đánh giá có chất lượng tốt được bà con địa phương sử dụng từ lâu. Ở địa phương bà con dân tộc gọi là Củ Đỏ. Những người Trung Quốc thu mua sâm Lai Châu và tam thất hoang ở các tỉnh phía Bắc Bắc từ những năm 1980 dẫn tới hiện tại tam thất hoang và sâm Lai Châu gần như cạn kiệt. Đây là những loại thảo dược quý của Tây Bắc đang bị đe dọa tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Sâm Lai Châu là loại được dùng làm giả sâm Ngọc Linh nhiều nhất, với các nhà khoa học đánh giá hàm lượng hoạt chất và tác dụng tương đồng nhau. Hiện tại trên thị trường mọi người thường gọi là sâm Ngọc Linh phía Bắc
- Sâm Lâm Đồng Đây là loại vào năm 2016 được tìm thấy ở vùng núi langbiang Lâm Đồng có tên khoa học là Panax vietnamensis var. langbianensis Được khai thác nhiều có ngày lên đến vài tạ sâm này có vị nhạt hơn hẳn các loại sâm khác. Khi mang đi kiểm định thì không có thành phần MR2 đặc trưng trong sâm Việt Nam. Hàm lượng saponin tổng hợp của sâm này tương đương đối thấp v đã số được làm giả sâm Ngọc Linh. Với cũng có hình thái bên ngoài giống như các loại sâm tôi nêu trên lá có hai mặt lông đốt củ so le nhau, vị đắng ngọt. Sâm này kiểm định sẽ có thể nhận biệt được vì không có thành phần MR2 đặc trưng.
- Sâm Nghệ An hay còn gọi là sâm Lào, được đặt tên là sâm Sâm Puxailaileng Sâm Nghệ An được tìm thấy ở các vùng núi cao phía tây của tỉnh Nghệ An Sâm Nghệ An cũng có saponin đặc trưng là MR2 đây cũng là loài sâm được dùng để làm giả sâm Ngọc Linh.
Tham khảo:
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004
- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 2004
- theplanlist.org
- duoctutam.vn
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Rau mác bao - Pontederia vaginalis
- Công dụng của cây San dẹp - Paspalum dilatatum
- Công dụng của cây Áo cộc - Liriodendron chinense
- Công dụng của cây Nghệ sen - Curcuma petiolata
- Công dụng của cây Cao lương đỏ - Sorghum bicolor
- Công dụng của cây Dương đào dai - Actinidia coriacea
- Công dụng của cây Lục đạo mộc trung quốc - Abelia chinensis
- Công dụng của cây Sú- Aegiceras corniculatum
- Công dụng của cây Ấu tàu - Aconitum carmichaelii
- Công dụng của cây Bù dẻ hoa đỏ - Uvaria rufa
- Công dụng của cây Chùm ruột núi- Antidesma pentandrum
- Công dụng của cây Cánh diều - Melanolepis multiglandulosa
- Công dụng của cây Sang sóc - Schima wallichii
- Công dụng của cây Tường anh - Parietaria micranta
- Công dụng của cây Bèo đất - Drosera burmannii
- Công dụng của cây Mắc cỡ tàn dù - Biophytum sensitivum
- Công dụng của cây Quả bánh mì - Artocarpus parvus
- Công dụng của cây Sồi bạc - Quercus incana
- Công dụng của cây Sang trắng - Putranjiva roxburghii
- Công dụng của Cỏ ba lá - Trifolium repens