PHÒNG KỶ-Chữa đau nhức mình mẩy
PHÒNG KỶ (防己)
Radix Stephaniae tetrandrae
Phấn phòng kỷ: Stephania tetrandra S. Moore.; Ảnh french.alibaba.com and depontmolecular.en.made-in-china.com
Tên khác:
Phấn phòng kỷ, Phòng kỷ bắc
Tên khoa học:
Stephania tetrandra S. Moore., họ Tiết dê (Menispermaceae).
Bộ phận dùng:
Vị thuốc là rễ (Radix Stephaniae tetrandrae) phơi sấy khô của cây Phấn phòng kỷ (Stephania tetrandra S. Moore.)
Mô tả:
Cây:
Phấn phòng kỷ là một cây sống lâu năm, mọc leo, rễ phình to thành củ, đường kính của rễ có thể đạt 6cm, mặt ngoài rễ có mầu tro nhạt, hay mầu nâu. Thân mềm, có thể dài tới 2,5-4m, vỏ thân mầu xanh nhạt, phía gốc hơi đỏ. Lá mọc so le, hình khiên, dài 4-6 cm, rộng 4,5-6 cm, gốc lá hình tim, đầu lá nhọn, mép nguyên, hai mặt đều có lông ngắn, mềm, mặt trên xanh, mặt dưới mầu tro. Cuống lá dài gần bằng chiều dài của lá, không đính vào đáy lá mà vào phía trong phiến lá. Hoa nhỏ, đực cái khác gốc, mầu xanh nhạt. Quả hạch, hình cầu hơi dẹt. Mùa hoa tại Trung Quốc vào các tháng 4-5 ; mùa quả vào các tháng 5-6.
Dược liệu:
Rễ hình trụ không đều, hoặc hình nửa trụ, thường cong queo, dài 5 - 10 cm, đường kính 1 - 5 cm. Mặt ngoài màu vàng, nơi uốn cong thường có rãnh ngang, trũng sâu, có mấu và mắt gỗ. Thể nặng, chất rắn chắc, mặt bẻ gẫy phẳng, màu trắng xám, rải rác có tinh bột,. Mùi nhẹ, vị đắng.
Phân bố:
Cây này chưa thấy ở Việt Nam, vị thuốc nhập từ Trung Quốc.
Sinh thái:
Mọc ở nơi đất cây bụi ở lề làng, cánh đồng trống, ven đường
Thu hái:
Thu hoạch vào mùa thu, đào lấy rễ, rửa sạch, cạo bỏ vỏ ngoài, phơi tái, cắt khúc 5 - 20 cm, rễ nhỏ để nguyên, rễ to bổ dọc, phơi hoặc sấy khô.
Bào chế:
Loại bỏ tạp chất, ngâm nước cho mềm, rửa sạch, thái lát dày, phơi khô.
Bảo quản:
Dược liệu dễ ẩm mốc nên cần phơi cho thật khô và bảo quản ở nơi cao, thoáng và độ ẩm thấp.
Tác dụng dược lý:
+ Nhiều loại alcaloid của Hán phòng kỷ có tác dụng hạ áp nhanh. Thuốc có tác dụng giãn mạch vành, tăng lưu lượng máu ở mạch vành, làm giảm lượng tiêu hao oxy của cơ tim. Thuốc có tác dụng chống rối loạn nhịp tim.
+ Tetrandrine A và B đều có tác dụng chống viêm. Các Tetrandrine đều có tác dụng giảm đau. Thuốc còn có tác dụng giải nhiệt chống dị ứng, có khả năng chống choáng quá mẫn. Quảng phòng kỷ cũng có tác dụng giảm đau, kháng viêm và giải nhiệt.
+ Dược liệu có tác dụng làm thư giãn cơ vân.
+ Dược liệu có tác dụng chống ung thư (chủ yếu do phòng kỷ tố A), Phòng kỷ tố A, B, đều có tác dụng kháng amíp. Phòng kỷ tố A có tác dụng ức chế trực khuẩn lỵ Shigella.
Thành phần hoá học:
Alcaloid nhân isoquinolein: Tetrandrin, fangchinolin, menisin, menisidin, cyclanolin, fanchinin, demethyltetradrin.
Tính vị:
Vị đắng, cay, tính hàn.
Quy kinh:
Tỳ, thận và bàng quang.
Công năng:
Lợi thuỷ tiêu thũng, khu phong, chỉ thống.
Công dụng:
Chữa đau nhức mình mẩy, thuỷ thũng, cước khí, tiểu tiện không thông lợi, thấp chẩn, nhọt độc, phong thấp tê đau, chứng cao huyết áp.
Cách dùng, liều lượng:
Ngày dùng 6 - 12g, dạng thuốc sắc, hoàn, tán.
Bài thuốc:
1. Chữa viêm khớp sưng đau:
+ Phòng kỷ thang: Phòng kỷ, Bạch truật, Sinh khương, Bạch linh đều 12g, Cam thảo 9g, Ô đầu 6g, Quế chi 3g, sắc nước pha thêm rượu uống.
+ Mộc phòng kỷ 15g, Ý dĩ nhân 15g, Mộc qua, Ngưu tất đều 9g, sắc uống.
+ Mộc phòng kỷ 10g, Uy linh tiên 12g, Tàm sa 10g, Kê huyết đằng 15g, sắc nước uống. Chữa thấp khớp và đau dây thần kinh.
2. Chữa thấp khớp cấp (nhiệt tý):
Dùng rượu phòng kỷ 10% uống ngày 2 - 3 lần, mỗi lần 10 - 20ml, cứ 10 ngày là một liệu trình. Dùng liền 3 - 6 liệu trình, khoảng cách giữa các liệu trình từ 4 - 5 ngày.
3. Chữa chứng phù thũng, tiểu tiện ít:
+ Phòng kỷ, Bạch truật đều 10g, Sinh Hoàng kỳ 16g, Cam thảo 5g, sắc nước uống.
+ Phòng kỷ, Phục linh, Hoàng kỳ, Quế chi đều 10g, Cam thảo 6g sắc uống.
Ghi chú:
Một số vị thuốc mang tên Phòng kỷ
+ Quảng phòng kỷ là rễ cây Aristolochia westlandi Hemsl., họ Dây hương (Aristolochiaceae).
+ Hán trung phòng kỷ là rễ cây Aristolochia heterophylla Hemsl., họ Dây hương (Aristolochiaceae).
+ Mộc phòng kỷ là rễ cây Cocculus trilobus DS., họ Tiết dê (Menispermaceae).
+ Nam phòng kỷ (Radix Momordicae) là rễ cây Gấc Momordica cochinchinensis (Lour) Spreng, họ Bầu bí (Cucurbitaceae).
+ Những nghiên cứu gần đây cho thấy trong một số cây thuộc chi Aristolochia và Asarum thuộc họ Dây hương có acid aristolochic gồm hai loại acid aristolochic 1 và acid aristolochic 2, đều là những tác nhân có độc tính cao, trong đó acid aristolochic 1 có độc tính cao hơn. Các chất này có bằng chứng có nguy cơ cao gây ung thư hoặc làm suy thận
Kiêng kỵ:
- Không dùng cho người có âm hư nhưng không có thấp nhiệt.
- Dược liệu có vị rất đắng và tính hàn, dùng nhiều có thể gây tổn thương tỳ vị. Do đó không nên dùng cho người có tỳ vị hư.
- Suy nhược hàn tính không nên dùng.
Tham khảo:
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004
- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 2004
- theplanlist.org
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Bạch cập - Bletilla striata
- Cây Hài nhi cúc - Aster indicus L. chữa viêm tinh hoàn
- Công dụng của cây Bồng Nga truật - Boesenbergia rotunda
- Công dụng của cây Gõ mật - Sindora siamensis
- Công dụng của cây tía tô cảnh - Coleus monostachyus
- Công dụng của cây Đậu kiếm - Canavalia gladiata
- Công dụng của cây é dùi trống - Hyptis brevipes
- Công dụng của cây Chây xiêm - Buchanania siamensis
- Công dụng của cây Chiếc chum - Barringtonia racemosa
- Công dụng của cây Cỏ cói - Bolboschoenus yagara
- Công dụng của cây Gai lan - Boehmeria clidemioides
- Công dụng của cây Rau mác bao - Pontederia vaginalis
- Công dụng của cây San dẹp - Paspalum dilatatum
- Công dụng của cây Áo cộc - Liriodendron chinense
- Công dụng của cây Nghệ sen - Curcuma petiolata
- Công dụng của cây Cao lương đỏ - Sorghum bicolor
- Công dụng của cây Dương đào dai - Actinidia coriacea
- Công dụng của cây Lục đạo mộc trung quốc - Abelia chinensis
- Công dụng của cây Sú- Aegiceras corniculatum
- Công dụng của cây Ấu tàu - Aconitum carmichaelii