Logo Website

RAU ĐẮNG ĐẤT-dùng hạ sốt, chữa bệnh về gan, vàng da

08/01/2021
Rau đắng đất có tên khoa học: Glinus oppositifolius (L.) Aug.DC.; Họ rau đắng (Molluginaceae). Công dụng: Rau đắng đất được dùng làm thuốc hạ sốt, chữa bệnh về gan, vàng da. Nhân dân ta có dùng cây đem đốt thành tro dùng ngâm lấy nước gội đầu.

RAU ĐẮNG ĐẤT

Herba Glini oppositifolii

Rau đắng đất Glinus oppositifolius

Rau đắng đất: Glinus oppositifolius (L.) Aug.DC.; Ảnh tsammalex.clld.org

Tên khác: 

Rau đắng lá vòng, Bitter Cumin, Slender carpetweed (Anh).

Tên khoa học: 

Glinus oppositifolius (L.) Aug.DC.; Họ rau đắng (Molluginaceae).

Tên đồng nghĩa

Glinus cambessedesii Fenzl; Glinus cambessedesii var. nudiusculus Fenzl; Glinus cambessedesii var. villosus Fenzl; Glinus denticulatus (Guill. & Perr.) Fenzl; Glinus mollugo Fenzl; Glinus oppositifolius var. parviflorus Hauman; Glinus spergula (L.) Steud.; Glinus spergula var. rotundifolia (Ewart & A.H.K.Petrie) Ewart & P.H.Jarrett; Mollugo glinoides A. Rich.; Mollugo oppositifolia L.; Mollugo serrulata Sond.; Mollugo spergula L.; Pharnaceum spergula (L.) Dillwyn

Mô tả: 

Cây thảo, sống lâu năm. Thân và cành mảnh, mọc tỏa sát mặt đất, dài và nhẵn. Lá mọc vòng 2-5 to nhỏ không đều, hình mác thuôn, mép nguyên, dài 1-1,5cm, rộng 3-10 mm. Gân phụ không rõ, gốc và đầu nhọn. Lá kèm rất nhỏ, sớm rụng. Cụm hoa dạng tán, lá bắc ở gốc. Hoa mọc tụ tập 2-5 cái ở kẽ lá, mầu lục nhạt, có cuống dài 1-1,5 cm, không có cánh hoa. Mảnh bao hoa 5, hơi không đều, các lá đài ngoài ngắn hơn và có mầu đậm hơn các lá đài trong. Nhị 5, chỉ nhị đều. Nhụy có bầu thuôn dần ở đỉnh, 3 ô. Vòi nhụy uốn cong, ngắn, ở đỉnh có răng và hơi phình rộng. Quả nang thuôn dài 3-4 mm, mở bởi 3-4 van. Hạt hình thận.

Bộ phận dùng: 

Toàn cây (Herba Glini oppositifolii)

Phân bố: 

Trên thế giới phân cây bố ở vùng nhiệt đói châu Á, từ Ân Độ đến Malaysia, Campuchia, Việt Nam và đảo Hải Nam Trung Quốc. Ở Việt Nam, cây phân bố từ Hải Phòng, Nam Định tới Sóc Trăng và Trà Vinh. Thường gặp trên đụn cát dọc bờ biển hay vùng ngập theo mùa, ao hồ và ruộng.

Sinh thái:

Cây ưa sáng, thưòng mọc trên đất pha cát ở các ruộng hoang, các hố nông cạn nước về mùa khô, đôi khi thấy cả ở quanh làng, ven đường đi. Do khả năng phân nhánh khỏe, nên cây thưòng mọc thành đám dày đặc, lấn át các loại cỏ khác. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt.

Thu hái, sơ chế:

Thường thu hái ngay khi cây vừa ra hoa. Sau đó đem phơi khô và cất dùng dần.

Bảo quản:

Nơi khô ráo, tránh ẩm và mối mọt.

Thành phần hóa học: 

Rau đắng đất có saponin, flavonoid. Từ lá đã phân lập được các chất: spergulagenin A, spergulin A, spergulin B, spergulacin và spergulacin A.

Tác dụng dược :

Tác dụng lợi tiểu, giúp cải thiện tình trạng đái buốt và đái khó.

Giảm cholesterol và chất béo triglyceride trong máu, giúp điều hòa huyết áp, điều trị các bệnh về gan và ngăn ngừa xơ vữa động mạch.

Tác dụng giải độc, thanh nhiệt và chữa các bệnh ngoài da do gan nóng.

Dược liệu có tác dụng chống oxy hóa và giảm đau dạ dày, đau bụng (theo tạp chí Dược phẩm sinh học – Pharmaceutical Biology).

Phần ngọn của rau đắng đất có tác dụng hạ sốt, trị mụn nhọt, làm lành vết thương và giảm đau nhức xương khớp.

Thực nghiệm trên chuột bị tiểu đường cho thấy, rau đắng đất có tác dụng ngăn ngừa máu nhiễm mỡ và hạ lượng đường trong máu.

Nước ép từ rau đắng đất còn có tác dụng tăng cường miễn dịch và kháng viêm.

Tính vị:

Vị đắng, tính bình.

Qui kinh:

Quy vào kinh Bàng Quang.

Công năng: 

Có tác dụng kích thích tiêu hóa, khai vị, kháng sinh, lợi tiểu, nhuận gan và hạ nhiệt.

Công dụng:

Rau đắng đất được dùng làm thuốc hạ sốt, chữa bệnh về gan, vàng da.

Nhân dân ta có dùng cây đem đốt thành tro dùng ngâm lấy nước gội đầu. 

Cách dùng, liều dùng: 

Mỗi ngày 20-30g, sắc nước uống

Bài thuốc:

1. Bị sỏi mật, vàng da, rụng tóc, gan không lọc máu:

Dùng mỗi ngày 200g rau đắng đất, 200g dây cứt quạ, sắc với 750ml nước còn 0,5 lít uống khi khát.

2. Giúp giải độc và duy trì chức năng gan:

Nguyên liệu: Ké đầu ngựa, rau đắng đất, dây khổ qua và cỏ xước mỗi thứ 6g, cam thảo 3g, dành dành và nhân trần mỗi thứ 5g.

Cách tiến hành: Đem các vị tán bột rồi luyện thành viên hoặc sắc lấy nước uống, nên dùng trước khi ăn.

3. Thanh can giải độc: 

Rau đắng đất 6g, Nhân trần 5g, Dành dành 5g, cỏ Xước 6g, Ké đầu ngựa 6g, dây Khổ qua 6g, cỏ Mực 8g, Muồng trâu 6g, rễ cỏ Tranh 6g, Sài đất 6g, Cam thảo 3g, sắc uống hoặc tán bột, luyện viên uống (Lương y Đỗ Văn Thanh, An Giang)

4. Người luôn nóng nực, cổ họng ngứa ngáy, khô khan:

Dùng 100gr rau đắng, 100gr cây me đất, sao khử thổ, nấu trong 0,5 lít nước còn 250ml. Uống 3 lần sáng, trưa, tối. Trong 7 ngày.

5. Chữa mụn nhọt, ghẻ lở, mề đay mẩn ngứa và dị ứng:

Nguyên liệu: Cả cây tươi.

Cách tiến hành: Rửa sạch và giã nát, sau đó đắp trực tiếp lên vùng da nổi mụn nhọt, ghẻ và ngứa ngáy.

6. Lợi mật, thanh nhiệt, giải độc, nhuận gan và thông tiện:

Nguyên liệu: Hạt bìm bìm biếc 2g, lá atiso 15g và toàn cây rau đắng 12g.

Cách tiến hành: Dùng các vị sắc lấy nước uống.

7. Hỗ trợ điều trị thoát vị đĩa đệm và đau nhức xương khớp:

Nguyên liệu: 3 – 5 lít rượu gạo 40 độ và 500g rau đắng đất phơi khô.

Cách tiến hành: Đem các dược liệu rửa sạch, để ráo và ngâm với rượu trong 30 ngày. Mỗi lần dùng 1 ly nhỏ sau khi ăn, ngày dùng 2 lần và duy trì bài thuốc trong vòng 30 ngày.

Chú ý:

Cần phân biệt rau đắng đất và rau đắng biển.

Ngoài các bài thuốc trên, có thể chế biến rau đắng đất thành các món ăn như cháo cá lóc, canh rau đắng, rau đắng xào,… để bồi bổ sức khỏe.