Logo Website

TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU TRI THỨC VÀ KINH NGHIỆM SỬ DỤNG CÂY THUỐC CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở VIỆT NAM

28/06/2021

TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU TRI THỨC VÀ KINH NGHIỆM SỬ DỤNG CÂY THUỐC CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở VIỆT NAM 

Các dân tộc thiểu số nói chung, do đời sống gắn liền với khai thác sử dụng thực vật nên có nhiều kinh nghiệm và tri thức quý trong quá trình chế biến, sử dụng thực vật, đặc biệt là các kinh nghiệm sử dụng cây thuốc. Tuy nhiên, các tri thức và kinh nghiệm dân tộc thường được sử dụng và lưu truyền trong một phạm vi hẹp (dân tộc, dòng họ, gia đình), vì vậy không được phát huy để phục vụ cho xã hội và có nguy cơ thất thoát rất cao. Nhận thức được tầm quan trọng này, trong khoảng 10 năm trở lại đây, nghiên cứu cây thuốc dân tộc được đặc biệt quan tâm tại một số cơ sở của nước ta và đã thu được nhiều kết quả khả quan. 

Kết quả điều tra được ghi nhận từ các kinh nghiệm sử dụng cây thuốc của cộng đồng dân tộc ở các địa phương trong cả nước. Các nhà khoa học thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật trong những năm qua đã có nhiều công trình nghiên cứu về trí thức và kinh nghiệm sử dụng cây thuốc của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Đặc biệt là các nghiên cứu về y học cổ truyền của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc trong những năm gần đây như: Điều tra nghiên cứu về tri thức sử dụng các loài cây thuốc của cộng đồng dân tộc Cơ Tu và Vân Kiều tại vùng đệm VQG Bạch Mã của tác giả Ninh Khắc Bản và cộng sự năm 2013 [23]; Đa dạng nguồn tài nguyên thực vật tại KBTTNXuân Nha, tỉnh Sơn La của tác giả Trần Huy Thái năm 2012 [24] Năm 2001, Nguyễn Nghĩa Thìn và cộng sự đã nghiên cứu cây thuốc của đồng bào Thái ở Con Cuông, Nghệ An [25]. 

Nhiều công trình điều tra về thành phần loài và kinh nghiệm sử dụng cây thuốc của các dân tộc thiểu số ở nước ta đã được tiến hành trong những năm vừa qua. Nhiều nghiên cứu về cây thuốc đã được phòng Thực vật dân tộc học thuộc Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật thực hiện với các công đồng dân tộc thiểu số như: H’ Mông, Dao, Tu Dí, Mường ... tại một số tỉnh chủ yếu ở Tây bắc. Ngoài ra còn nhiều các nghiên cứu của nhiều tác giả như: Trần Văn Hải và cộng sự nghiên cứu khá chi tiết về các loài thực vật làm thuốc được đồng bào dân tộc H’ Mông sử dụng tại khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên-Văn Bàn [26]. Nguyễn Phương Hạnh, Nguyễn Quốc Bình nghiên cứu đa dạng cây thuốc thuộc ngành ở VQG Chư Yang Sin [27]. Đỗ Sĩ Hiến, Đỗ Thị Xuyến đã nghiên cứu các loài thực vật được đồng bào dân tộc Mường tại KBTTNHang Kia-Pà Cò sử dụng làm thuốc trị bệnh thận [28] . . . Kết quả của các nghiên cứu trên cho thấy các dân tộc nước ta có nhiều tri thức quý giá và kinh nghiệm sử dụng cây thuốc độc đáo để phòng và chữa bệnh. 

Nhiều bài thuốc dân tộc có hiệu quả chữa trị cao đã được thu thập và đưa vào nghiên cứu thực nghiệm. Đồng thời, đã phát hiện nhiều loài cây thuốc mới; đặc biệt là các công dụng mới của nhiều loài cây thuốc. Như vậy, nghiên cứu cây thuốc truyền thống của các dân tộc thiểu số đã góp phần sử dụng hiệu quả hơn nguồn tài nguyên cây thuốc ở nước ta. 

Cùng với việc điều tra thành phần loài, kinh nghiệm sử dụng cây thuốc của các cộng đồng thiểu số; nghiên cứu sàng lọc các bài thuốc dân tộc sử dụng rộng rãi góp phần chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế xã hội được chú trọng nghiên cứu trong những năm gần đây. Từ kinh nghiệm truyền thống của các dân tộc đã có những nghiên cứu và sản xuất thành công các loại thuốc chữa bệnh cho người dân. Có thể nhận thấy, nghiên cứu cây thuốc dân tộc không chỉ góp phần sử dụng bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc của đất nước, mà còn là cơ sở để sản xuất các loại dược phẩm mới để điều trị các bệnh hiểm nghèo. Đây thực sự là hướng nghiên cứu có triển vọng lớn trong tương lai. 

Nguồn: Trịnh Ngọc Hiệp; Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn, sử dụng tài nguyên cây thuốc tại khu BTTN Kon Chư Răng, tỉnh Gia Lai; Luận văn thạc sĩ sinh học; Hà Nội - 2019

Tài liệu tham khảo:

23. Trần Huy Thái (2012), Đa dạng nguồn tài nguyên thực vật tại khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha, tỉnh Sơn La. Tạp chí Sinh học, tr 88 – 93.
24. Nguyễn Nghĩa Thìn, Nguyễn Thị Hạnh, Ngô Trực Nhã (2001), Cây thuốc của đồng bào Thái ở Con Cuông, Nghệ An, NXB. Nông Nghiệp, Hà Nội. 

25. Trần Văn Hải, Trần Minh Hợi, Đỗ Thị Xuyến, Các loài thực vật được đồng bào dân tộc H’Mông tại khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên – Văn Bàn sử dụng làm thuốc chữa bệnh gan. Báo cáo Khoa học về Sinh thái và Tài nguyên sinh vật – Hội nghị sinh thái khoa học toàn quốc lần thứ tư. NXB. Nông nghiệp, Hà Nội. tr. 1112 - 1115 

26. Nguyễn Phương Hạnh, Nguyễn Quốc Bình (2015), Bước đầu nghiên cứu đa dạng cây thuốc thuộc ngành (Magnoliophyta) ở Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, tỉnh Đắc Lắk, Báo cáo Khoa học về Sinh thái và Tài nguyên sinh vật – Hội nghị sinh thái khoa học toàn quốc lần thứ sáu. NXB. Nông nghiệp, Hà Nội. tr. 1100 – 1105. 

27. Đỗ Sĩ Hiến, Đỗ Thị Xuyến (2011), Các loài thực vật được đồng bào dân tộc Mường tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò sử dụng làm thuốc trị bệnh thận, Báo cáo Khoa học về Sinh thái và Tài nguyên sinh vật – Hội nghị sinh thái khoa học toàn quốc lần thứ năm. NXB. Nông nghiệp, Hà Nội. tr. 1026 – 1039 

28. Nguyễn Nghĩa Thìn (1997), Cẩm nang nghiên cứu đa dạng sinh vật. NXB. Nông Nghiệp. 223tr.