Logo Website

TRINH NỮ HOÀNG CUNG-Chữa u xơ tuyến tiền liệt, ung thư vú

31/12/2020
Cây Trinh nữ hoàng cug có tên khoa học: Crinum latifolium L., họ Thuỷ tiên (Amaryllidaceae). Công dụng: Điều trị một số dạng ung thư như ung thư phổi, u xơ tuyến tiền liệt, ung thư vú, trị u tử cung, ho, dị ứng, đau khớp, viêm da, mụn nhọt...

TRINH NỮ HOÀNG CUNG

Folium Crinii latifolii

Trinh nữ hoàng cung Crinum latifolium

Trinh nữ hoàng cung: Ảnh tropical.theferns.info and thailandplant.com

Tên khác: 

Náng lá rộng, Tỏi lơi lá rộng, Tây nam văn châu lan, Tỏi Thái Lan, Vạn châu lan hay Thập bát học sỹ.

Tên khoa học: 

Crinum latifolium L., họ Thuỷ tiên (Amaryllidaceae).

Tên đồng nghĩa:

Amaryllis insignis Ker Gawl.; Amaryllis littoralis Salisb.; Amaryllis moluccana Ker Gawl.; Crinum cochinchinense M.Roem.; Crinum esquirolii H.Lév.; Crinum insigne (Ker Gawl.) Sweet; Crinum jemenicum Dammann; Crinum longistylum Herb. ex Steud.; Crinum moluccanum Roxb. ex Ker Gawl.; Crinum ornatum var. latifolium (L.) Herb.; Crinum speciosum Herb.; Crinum yemense Dammann 

Mô tả: 

Trinh nữ hoàng cung là một loại cỏ, thân hành như củ hành tây to, đường kính 10-15cm, bẹ lá úp nhau thành một thân giả dài khoảng 10-15cm, có nhiều lá mỏng kéo dài từ 80-100cm, rộng 5-8cm, hai bên mép lá lượn sóng. Gân lá song song, mặt trên lá lỡm thành rãnh, mặt dưới lá có một sống lá nổi rất rõ, đầu bẹ lá nơi sát đất có màu đỏ tím. Hoa mọc thành tán gồm 6-18 hoa, trên một cán hoa dài 30-60cm. Cánh hoa màu trắng có điểm màu tím đỏ. Quả gần hình cầu (ít gặp). Mùa hoa quả: tháng 8-9. Từ thân hành mọc rất nhiều củ con có thẻ tách ra để trồng riêng dễ dàng.

Bộ phận dùng: 

Lá (Folium Crinii latifolii), thân hành của cây

Phân bố: 

Cây có nguồn gốc từ Ấn Độ, sau trồng ở các nước vùng Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Malaysia và phía Nam Trung Quốc. Cây Trinh nữ hoàng cung đang được trồng ở nhiều nơi nước ta, từ miền Bắc đến miền Nam.

Sinh thái:

Trinh nữ hoàng cung là cây ưa ẩm, ưa sáng hoặc có thể chịu bóng một phần, sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện khí hậu nóng và ẩm của vùng nhiệt đới, với nhiệt độ trung bình từ 22 đến 27°C, lượng mưa trên 1500 mm/năm. Trinh nữ hoàng cung sinh trưởng mạnh trong mùa xuân hè, mỗi năm 1 cây có thể sinh ra 6 - 8 lá mói. Cây trồng ở các tỉnh phía bắc có hiện tượng hơi tàn lụi vào mùa đông. Cây có khả năng đẻ nhánh khỏe, hàng năm có thêm 3 - 5 hành con từ thân hành mẹ. Cây trồng được 3 năm sẽ tạo thành một khóm lớn, có đến 20 nhánh ở các tuổi khác nhau.

Trinh nữ hoàng cung ra hoa hàng năm, nhưng không đậu quả ở Việt Nam. Trong khi đó, ở Thái Lan, Ấn Độ..., có thể thu được hạt giống để nhân trồng.

Cách trồng:

Trinh nữ hoàng cung đang được trồng ở nhiều nơi, từ miền Bắc đến miền Nam.

Cây được nhân giống bằng thân hành vào mùa xuân (tháng 2 - 3) ở miền Bắc và vào đầu mùa mưa ở miền Nam. Chọn thân hành bánh tẻ, chưa ra hoa, không sâu bệnh để làm giống. Năm đầu, cây hầu như không đẻ nhánh. Từ năm thứ hai trở đi, cây mới bắt đầu đẻ nhánh. Vì vậy, tốc độ nhân giống rất chậm, nhất là khi cần nhân một dòng đã chọn lọc. Hiện nay, đã có phương pháp nhân dòng vô tính khá nhanh bằng kỹ thuật nuôi cấy in vitro.

Trinh nữ hoàng cung hơi ưa bóng, ưa ẩm (luôn luôn là 60 - 70%). Chọn loại đất thịt nhẹ hoặc trung bình, có khả năng giữ ẩm. Đất cần cày bừa kỹ, để ải, bón lót cho mỗi hecta 25 - 30 tấn phân chuồng, 500 kg supe lân, 300 kg sulfat kali. Trộn đều phân với đất, lên luống cao 25 - 30 cm, mặt luống rộng 0,8 m rồi trồng 2 hàng, mỗi hốc trồng 1 thân hành với khoảng cách 40 x 40 cm. Khi trồng, cần cắt bỏ hết rễ, cắt bớt lá, vùi sâu vừa hết phần thân hành.

Thường xuyên làm cỏ, xới xáo, vun kín thân hành, tưới đủ ẩm. Cây có thể chịu được úng ngập trong vài ngày.

Sau khi trồng 40 - 50 ngày, bắt đầu bón thúc lần đầu, mỗi hecta dùng 50 kg urê pha loãng với nước, tưới xung quanh gốc. Đến tháng 6 - 7, đã có thể thu hoạch lá. Sau mỗi lần thu lá (khoảng 25 - 30 ngày), lại bón thúc như trên. Chỉ thu những lá bánh tẻ, thu đến khi cây ngừng sinh trưởng (vào mùa đông, nhất là ở miền Bắc). Trồng một lần có thể thu hoạch trong nhiều năm. Hàng năm, khi cây chuẩn bị sinh trưởng trở lại, cần bón thúc thêm phân, lượng phân các loại bằng 1/2 lượng bón lót để duy trì độ phì và độ tơi xốp của đất.

Thời gian đầu, có thể trồng xen cây họ đậu, cỏ ngọt, kim tiền thảo hoặc cam, chanh, bưởi, quýt, nhưng chú ý chỉ được che bóng không quá 30%.

Trinh nữ hoàng cung bị một loại sâu đặc hiệu gây hại rất nghiêm trọng, đó là Brithys crini Fabricius thuộc họ Noctuidae, bộ Lepidoptera. Sâu xuất hiện vào đầu tháng hai, gây hại tất cả các bộ phận. Phòng trừ bằng Tập kỳ 1,8 EC (8 ml/10 1 nước, tương đương 0,0144 g a.i/10 l nước) hoặc Vicarp 95 BHN (0,1 - 0,2%), phun toàn cây vào buổi chiều râm mát.

Thu hái: 

Tháng 6-7, có thể thu hoạch lá. Chỉ thu những lá bánh tẻ, thu đến khi cây ngừng sinh trưởng.

Sơ chế:

Dùng tươi: Thu hoạch cây thuốc, ngâm rửa sạch sẽ để loại bỏ đất cát, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật có thể còn sót lại. Sau đó sử dụng để sắc thuốc, giã nát đắp thuốc,… tuỳ vào bài thuốc.

Dùng khô: Sau khi thu hoạch dược liệu, đem rửa sạch sau đó thái nhỏ, đem phơi khô, sấy khô hoặc sao vàng trên bếp.

Tác dụng dược lý:

1. Chống u xơ tử cung, u xơ tiền liệt tuyến, ung thu tử cung, ung thu tiền liệt tuyến, dạ dày, phổi, gan

Cao, chiết xuất toàn phần cây trinh nữ hoàng cung(crinum latifolium extract) có tác dụng ức chế phân bào, ức chế phát triển khối u, và ức chê di căn của ung thư.

Hoạt chất lycorin từ chiết xuất trinh nữ hoàng cung(crinum latifolium extract) có tác dụng ức chế đột biến AND, làm tế bào ung thư chết theo chương trình (Apoptosis).

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, dịch chiết cây Trinh nữ hoàng cung(crinum latifoliumextract)  có chứa Crinamidine có tác dụng kích hoạt men IDO (Indoleamine 2,3 – Dioxygenase) trong đại thực bào gây ức chế tăng trưởng tế bào ác tính và làm giảm tăng sinh tế bào.

Cơ chế phòng chống ung thư của chiết xuất Trinh nữ hoàng cung(chaste tree extract)  còn liên quan tới tác dụng của Trinh nữ hoàng cung chống oxy hóa, chống viêm và tăng cường miễn dịch.

Chiết xuất Trinh nữ hoàng cung(crinum latifolium extract)  được sử dụng để điều trị  u xơ tử cung, u xơ tiền liệt tuyến và một số loại ung thư: tử cung, tiền liệt tuyến vú phổi dạ dày, gan.

Một số alcaloid trong cây trinh nữ hoàng cung có hoạt tính sinh học. Lycorin ức chế sự tổng hợp protein và DNA của tế bào chuột, và ức chế sự phát triển của u báng cấy ở chuột. Trong thử nghiệm in vitro, lycorin làm giảm khả năng sống của các tế bào u. Lycorin ức chế sinh tổng hợp vitamin C trong cây cỏ, làm ngừng sự phát triển vữus gây bệnh bại liệt, ức chế sự tổng hợp các tiền chất cần cho sự sinh trưởng của virus gây bệnh bại liệt, và enzym poliopeptidase, và có tác dụng kháng vữus. Lycorin có độc tính cấp tính thấp.

Lycorin-O-glycosid ở mức liều microgam gây kích thích các tế bào lympho lách chuột nhắt trắng, có tác dụng điều hòa miễn dịch. Pseudolycorin có tác dụng làm ngừng sự phát triển tế bào Hela, ngăn cản sự tổng hợp protein trong tế bào u báng và làm chậm lại quá trình tổng hợp DNA. Hippadin ức chế một cách hồi phục được sự thụ tinh của chuột cống đực; 1, 2-ß-epoxyambellin có tác dụng hoạt hóa tế bào lympho lách chuột nhắt. Hỗn hợp ambellin và 1, 2-ß-epoxyambellin gây hoạt hóa tế bào lympho giống như chất concanavalin A.

Thuốc Panacrin cũng được dùng cho 3 nhóm bệnh nhân ung thư dạ dày, ung thư gan và u lympho ác tính, có kiểm chứng, thấy được dung nạp tốt và có ít tác dụng không mong muốn. Sau 3 tháng dùng thuốc, mức độ đáp ứng của bệnh nhân dùng Panacrin có thuận lợi hơn so với nhóm đối chứng, nhưng vì cỡ mẫu nghiên cứu còn nhỏ nên chưa tạo ra được sự khác biệt có ý nghĩa thống kê.

2.Tác dụng chống oxy hóa

Các hoạt chất của chiết xuất trinh nữ hoàng cung (crinum latifolium extract) có tác dụng chống các gốc tự do.

Kết quả nghiên cứu đánh giá ORAC (Oxygen Radical Absorbance Capacity) cho thất dich chiết trinh nữ hoàng cung(crinum latifolium extract) đạt chỉ số ORAC = 1610 ±150 mil TE/g, cao hơn nhiều loại thảo mộc khác (Liao H., Branbury LK; Leach DN -2008).

3.Tác dụng kháng sinh, chống viêm

Với các hoạt chất alcaloid, flavonoid, chiết xuất trinh nữ hoàng cung (crinum latifolium extract) có tác dụng ức chế một số vi khuẩn, virus.

Dịch chiết cây trinh nữ hoàng cung (crinum latifolium extract) kích hoạt men IDO cũng có tác dụng chống viêm.

Hoạt chất Crinamidine trong chiết xuất trinh nữ hoàng cung (crinum latifolium extract) có tác dụng chống viêm có hiệu quả.

Lycorin có tác dụng ức chế phát triển của virus.

Trinh nữ hoàng cung (crinum latifolium extract) đã được sử dụng để điều trị viêm khớp, nhiễm trùng, mụn nhọt, ho. Viêm phổi, dị ứng viêm tiết niệu.

4.Tác dụng tăng khả năng miễn dịch

Các hoạt chất trong chiết xuất trinh nữ hoàng cung (crinum latifolium extract)  có tác dụng:

Kích thích các tế bào miễn dịch Lympho T, đặc biệt là CD3, CD4 và CD8.

Kích thích tăng bạch cầu thực bào.

Ức chế IL-2. TNF-α.

Kích thích phục hồi bạch cầu hạt trung tính và bạch cầu ưa acid.

5. Cao methanol của rễ, thân và cao chiết alcaloid toàn phần của cây này đều có tác dụng ức chế phân bào.Trong vài mô hình gây u báng sacom và ung thư đùi ở chuột nhắt, hợp chất chứa cao cây này hạn chế sự phát triển khối u và hạn chế sự di căn tế bào. Một số alcaloid trong cây này có hoạt tính sinh học. Lycorin ức chế protein và DNA của tế bào chuột và ức chế sự phát triển của u báng cấy ở chuột. Trong thử nghiệm, lycorin làm giảm khả năng sống của tế bào u. Lycorin làm ngừng sự phát triển virus gây bệnh bại liệt, ức chế sự tổng hợp các tiền chất cần cho sự sinh trưởng của virus gây bệnh bại liệt. (Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt-nam)

Thành phần hoá học : 

Từ năm 1983 cho đến nay, các công trình nghiên cứu về trinh nữ hoàng cung đã công bố thành phần hóa học của nó có khoảng 32 alcaloid, có hai nhóm là không dị vòng (latisoin, beladin…) và dị vòng (crinafolin, crinafolidin, pratorin…). Trong số đó đáng quan tâm là một số alcaloid có tác dụng kháng u như: crinafolin, crinafolidin, lycorin, và  β -epoxyambellin tác dụng trên tế bào T - lymphocyte và còn có tác dụng kháng khuẩn như hamayne (bulbispenmin, flavonoid, demethylcrinamin). Ngoài alcaloid còn có các hợp chất bay hơi, aldehyd, acid hữu cơ, terpen và glucan A, glucan B.

Công năng: 

Có tác dụng tăng huyết áp tạm thời, có tác dụng kháng sinh mạnh, ức chế khối u, ức chế phát triển của tế bào ung thư. Có tác dụng gây sung huyết da.

Công dụng: 

Điều trị một số dạng ung thư như ung thư phổi, u xơ tuyến tiền liệt, ung thư vú, trị u tử cung, ho, dị ứng, đau khớp, viêm da, mụn nhọt... 

Cách dùng, liều lượng:

Ngày 20-50g dạng nước sắc.

Bài thuốc: 

1. Chữa đau khớp, chấn thương tụ máu:

+ Lá Trinh nữ hoàng cung lượng vừa đủ, xào nóng, băng đắp nơi đau.

+ Củ trinh nữ hoàng cung 20g, dây Đau xương 20g, Huyết giác 20g, lá Cối xay 20g, Cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày một thang.

+ Củ Trinh nữ hoàng cung nướng cho nóng, đập dập, băng đắp nơi sưng đau (Kinh nghiệm Ấn độ).

2. Chữa ho, viêm phế quản:

+ Lá trinh nữ hoàng cung 20g, Tang bạch bì 20g, Xạ can 10g, Cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần trong ngày.

+ Lá Trinh nữ hoàng cung 20g, lá Bồng bồng 12g, lá Táo chua 12g, Cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.

3. Chữa u xơ tuyến tiền liệt (đái không thông, đái đêm, đái buốt, đái dắt ở người cao tuổi)

+ Lá Trinh nữ hoàng cung 20g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.

+ Lá Trinh nữ hoàng cung 20g, hạt Mã đề (Xa tiền tử) 12g, Cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần trong ngày.

+ Lá Trinh nữ hoàng cung 20g, Huyết giác 20g, rễ Cỏ xước 12g, dây Ruột gà (Ba kích sao muối 10g), Cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.

4. Chữa u xơ tử cung (đau bụng dưới, có thể rong kinh, rong huyết, ra máu âm đạo...)

+ Lá Trinh nữ hoàng cung 20g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.

+ Lá Trinh nữ hoàng cung 20g, Hạ khô thảo 20g, rễ Cỏ xước 12g, Hoàng cầm 8g, Cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.

+ Lá Trinh nữ hoàng cung 20g, Huyết giác 20g, Ích mẫu 12g, Ngải cứu tươi 20g, lá Sen tươi 20g, Cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.

+ Lá Trinh nữ hoàng cung 20g, lá Trắc bách sao đen 12g, Cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày một thang.

5. Chữa ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới

Bài 1: Thu hoạch 3 – 5 lá cây, thái thành sợi nhỏ sau đó sao vàng cho khô rồi sắc thành nước thuốc uống mỗi ngày sau khi ăn. Liệu trình gồm 3 đợt, uống 1 tuần nghỉ 1 tuần, tổng cộng thời gian sử dụng 5 tuần lễ.

Bài 2: Sắc 2 bát nước cùng với các thảo dược gồm 20g lá trinh nữ hoàng cung, 12g xa tiền tử và 6g hương tư tử, thu về 1 bát nước rồi chia thành nhiều lần uống hết trong ngày.

Bài 3: Dùng 20 lá dược liệu, 20g huyết giác, 12g rễ ngưu tất nam, 10g ba kích đã sao muối và 6g hương tư tử nấu thành nước thuốc cô đặc, ngày uống 2 – 3 lần.

6. Chữa mụn nhọt:

+ Lá hoặc củ Trinh nữ hoàng cung, lượng vừa đủ, giã nát (hoặc nướng chín) đắp lên mụn nhọt khi còn nóng.

+ Lá Trinh nữ hoàng cung 20g, Bèo cái 20-30g, Cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.

+ Lá Trinh nữ hoàng cung 20g, Kim ngân hoa 20g. Cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.

7. Chữa dị ứng mẩn ngứa: 

Lá Trinh nữ hoàng cung 20g, Kim ngân hoa 20g, Ké đầu ngựa 12g, Cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.

Chú ý: 

Hiện nay trong nhân dân có nhiều người nhầm lẫn cây trinh nữ hoàng cung với một số cây náng khác, đặc biệt là cây Náng hoa trắng (Crinum asiaticum  L.), sử dụng lá đun sôi lấy nước uống bị ngộ độc, nôn ói. Do đó phải phân biệt rõ cây Trinh nữ hoàng cung với các cây náng khác có tại Việt Nam. 

Kiêng kỵ, chú ý

Kiêng ăn rau muống, đậu xanh trong quá trình điều trị bệnh bằng dược liệu này Hoàng cung trinh nữ. Không tự ý dùng dược liệu này chữa bệnh mà chưa thông qua ý kiến thầy thuốc, bác sĩ.

Phụ nữ đang mang thai dùng dược liệu này có thể gây sảy thai, sinh non rất nguy hiểm. Người bị suy gan, suy thận không nên dùng, người đang dùng thuốc Tây chữa bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Sử dụng nước thuốc sau khi ăn no 30 phút, không nên uống khi bụng đang rỗng để có hiệu quả nhất.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 2004

- theplanlist.org