Logo Website

BẰNG LĂNG ỔI-chữa tiêu chảy

02/02/2021
Bằng lăng ổi có tên khoa học: Lagerstroemia calyculata Kurz; thuộc họ Tử vi (Lythraceae). Công dụng: Kinh nghiệm đồng bào các dân tộc BaNa, Gia Rai ở Tây Nguyên đã dùng nước sắc vỏ cây bằng lăng tía để rửa đắp vết thương, vết bỏng, chữa lỵ và ghẻ lở. Nhân dân ở các tỉnh miền Trung đã dùng cao bằng lăng tía phối hợp với cao lá ổi, lá sim để chữa vết thương phần mềm, chữa hắc lào và eczema đạt kết quả tốt.

BẰNG LĂNG ỔI

Bằng lăng ổi Lagerstroemia calyculata

Bằng lăng ổi: Lagerstroemia calyculata Kurz; Ảnh wikiwand.com and worldofsucculents.com

Tên khác: 

Bằng lăng cườm, Thao lao, Săng lẻ, Bằng lăng tía, Rờ pa, Tơ ruôn, Tờ ru on (Ba Na).

Tên khoa học: 

Lagerstroemia calyculata Kurz; thuộc họ Tử vi (Lythraceae).

Tên đồng nghĩa

Murtughas calyculata Kuntze     

Mô tả (Đặc điểm thực vật)

Cây gỗ lớn. Thân có bạnh, vỏ có mảng bong tròn tròn, to 2-3cm. Lá dài tới 20cm, có lông dày ở mặt dưới. Cụm hoa ngù dài 20-30cm, có lông vàng. Hoa trắng nhỏ, đài có lông dày, cánh hoa 6, dài 5-6mm. Quả nang dài 12mm, có 6 mảnh.

Bộ phận dùng: 

Vỏ (Cortex Lagerstroemiae).

Phân bố: 

Cây của miền Ðông Dương, mọc trên đất hơi ẩm vùng rừng núi. Bằng lăng tía là một trong số ít loài, phân bố tương đối phổ biến ở một số tỉnh miền Bắc và miền Nam như Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, các tỉnh ở Tây Nguyên và Tây Nam bộ. 

Sinh thái:

Loài này có ở độ cao phân bố thường dưới 800 m. Cây còn thấy nhiều ở Lào và Campuchia. Bằng lăng tía là loại cây gỗ lớn, thường mọc rải rác, đôi khi cũng khá tập trung, cùng một số loài cây: Cratoxylum polyanthumShorea obtusaCareya sphaericaAnisoptera costata…tạo nên kiểu rừng nửa rụng lá nhiệt đới điển hình ở Việt nam.

Bằng lăng tía ưa mọc trên các loại đất đỏ bazan, dễ thấm nước và có hàm lượng mùn trung bình.

Cây ưa loại đất sâu dày có độ ẩm trung bình. Tái sinh bằng hạt và chồi đều tốt. Tốc độ sinh trưởng chậm. Hoa tháng 6 - 7. Quả tháng 3 - 4 năm sau.

Cây ra hoa quả nhiều hàng năm. Khả năng tái sinh từ hạt và từ gốc sau khi chặt khá tốt. Bằng lăng tía là cây thường xuyên được khai thác để lấy gỗ, củi.

Thành phần hoá học: 

Vỏ cây bằng lăng tía chứa alcaloid, flavonoid, saponin, tanin, coumarin, và sterol tanin trong vỏ chủ yếu là tanin catechic 23% và một lượng nhỏ tanin gallic 7%. ngoài ra còn có đường, chất nhầy, gôm và pectin. Gôm và chất nhầy trong lá cao hơn trong vỏ thân, còn tỷ lệ tanin trong lá lại thấp hơn trong vỏ.

Tác dụng dược lý:

Kháng khuẩn:

Trong thí nghiệm in vitro, cao lỏng vỏ cây bằng lăng tía có tác dụng ức chế sự phát triển của các vi khuẩn theo theo thứ tự hoạt tính giảm dần như sau: Shigella shigaeBacillus subtilisProteus vulgarisSh. flexneri, Sh. sonnei, Salmonella typhi, Escherichia coli, Staphylococcus aureus, Pseudomonas aeruginosa.

Kháng nấm:

Bằng phương pháp pha loãng, đã xác định nồng độ ức chế tối thiểu của cao lỏng vỏ cây bằng lăng tía đối với những nấm gây bệnh ngoài da như: Epidermophyton inguinale (1:1), Trichophyton rubrum(1,5:1), Trichophyton gypseum (1,5:1) v<2 Candida albicans (2:1) Tanin là thành phần chủ yếu trong vỏ và lá cây bằng lăng tía có tác dụng kháng khuẩn. LD50 trong thí nghiệm cho uống trên chuột nhắt trắng của vỏ cây là 60g/kg, và của lá là 112,5g/kg.

Chữa lỵ:

Trong thử nghiệm in vitro trên những chủng nấm phân lập từ người bệnh, cao nước vỏ bằng lăng tía cũng có tác dụng ức chế đối vối 4 loại nấm đã nêu trên, tác dụng mạnh nhất đối vối E. inguinale. Cao vỏ cây bằng lăng tía không diệt nấm mà chỉ kìm hãm sự phát triển của nó trong một số ngày.

Đã áp dụng cồn vỏ cây bằng lăng tía 30% để điều trị bênh nấm ngoài da trên người đạt tỷ lệ khỏi 86% trong số 60 bệnh nhân. Đã áp dụng viên bào chế từ cao vỏ cây điều trị lỵ trực khuẩn đạt hiệu quả điều trị rất tốt đối với lỵ nhẹ, hơn hẳn tetracyclin và cloramphenicol, tương đương với bactrim.

Đối vối bệnh lỵ mức độ vừa, thuốc không có hiệu lực bằng bactrim, và có hiệu lực tương đương tetracyclin và cloramphenicol. Áp dụng trong điều trị bỏng ở các mức độ khác nhau, cao đặc vỏ cây bằng lăng tía có tác dụng làm se khô và tạo màng thuốc che phủ các vết thương bỏng, không cần phải băng, tránh được đau đớn cho người bệnh khi thay băng. Đồng thời cao này còn có tác dụng làm giảm nhiễm khuẩn và làm rụng nhanh những hoại tử ở vết bỏng.

Áp dụng điều trị cho một nhóm bệnh nhân bỏng có diện bỏng 5 – 15% cơ thể, thấy cao thuốc tạo được màng thuốc chữa bỏng nông, gây xót; đối với bỏng sâu hơn, cao bàng lăng tía không tạo được màng thuốc liên tục, màng dễ bị rạn nứt, nên tác dụng kém hơn. Ở Ấn Độ, một số loài khác thuộc chi Lagerstroemia đã được nghiên cứu sàng lọc dược lý trên động vật thực nghiệm. Cả cây trừ rễ của L. speciosa có tác dụng chống siêu vi khuẩn bệnh Ranikhet. Nó cũng có tác dụng gây giảm huyết áp.

Tính vị: 

Vỏ cây có vị chat.

Tác dụng: 

Có tính làm săn da.

Công dụng: 

Cũng như vỏ cây các loài Bằng lăng khác, có thể dùng sắc nước đặc uống trị bệnh ỉa chảy.

- Kinh nghiệm đồng bào các dân tộc BaNa, Gia Rai ở Tây Nguyên đã dùng nước sắc vỏ cây bằng lăng tía để rửa đắp vết thương, vết bỏng, chữa lỵ và ghẻ lở.

- Nhân dân ở các tỉnh miền Trung đã dùng cao bằng lăng tía phối hợp với cao lá ổi, lá sim để chữa vết thương phần mềm, chữa hắc lào và eczema đạt kết quả tốt.

- Công dụng gỗ: Gỗ có dác lõi phân biệt, dác màu trắng, lõi màu vàng xám hay màu nâu, cứng và nặng. Tỷ trọng 0,71 - 0,90, vòng năm khó thấy, tia rất nhỏ, mật độ rất cao. Gỗ kém bền nếu để ra ngoài trời, dễ cưa xẻ nhưng khó gia công.

Cách dùng: 

- Để chữa lỵ, dùng vỏ cây bằng lăng tía nấu cao, rồi bào chế thành viên để uống.

- Để chữa các bệnh nấm ngoài da, dùng cao chiết với cồn 60% vỏ cây bằng lăng tía 15% bôi trên da ở nơi bị bệnh.

- Để điều trị bỏng, dùng cao đặc vỏ cây bằng lăng tía bôi lên những vết thương bỏng để che phủ vết thương không cần phải băng. Cũng làm như vậy đối với vết thương phần mềm, sau khi đã rửa sạch vết thương.

Tham khảo:

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Danh lục cây thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật, Hà Nội  (Viện Dược Liệu)

- theplanlist.org 

- Cây gỗ kinh tế - Trần Hợp, Nguyễn Bội Quỳnh - trang 481.