Logo Website

CÂU KỶ TỬ

04/05/2020
CÂU KỶ TỬ có tên khoa học: Lycium chinense Mill.; họ Cà (Solanaceae). Công dụng: Thuốc bổ, chữa ho lao, đau lưng mỏi gối, di tinh, mắt ra nhiều nước, mắt mờ, tiểu đường.

CÂU KỶ TỬ (枸杞子)

Fructus Licii

Câu kỷ tử Lycium chinense

Câu kỷ: Lycium chinense Mill.; Photo Qwert1234 and asklepios-seeds

Tên khác: Kỷ tử, Câu khởi, Khởi tử, Địa cốt tử, Khủ khởi, Phặc khau khỉ (Tày)..

Tên khoa học: Lycium chinense Mill.; họ Cà (Solanaceae).

Tên đồng nghĩa: Boberella rhombifolia (Moench) E.H.L.Krause; Jasminoides rhombifolium Moench; Lycium barbarum var. chinense (Mill.) Aiton; Lycium chinense var. chinenseLycium chinense var. ovatum (Poir.) C.K. Schneid.; Lycium chinense var. rhombifolium (Moench) S.Z.Liu; Lycium megistocarpum var. ovatum (Poir.) Dunal; Lycium ovatumPoir.; Lycium rhombifolium (Moench) Dippel; Lycium sinense Gren.; Lycium trewianum Roem. & Schult.; Teremis turbinata Raf.

Mô tả:

Cây: Cây nhỏ, mọc đứng thành bụi sum sê, cao 0,5 - 1m. Cành cứng đôi khi có gai ngắn ở kẽ lá. Lá nguyên mọc so le hoặc tụ tập 4 -5 cái, hình mũi mác, mép uốn lượn, mặt trên màu lục sẫm bóng, mặt dưới nhạt; cuống lá ngắn. Hoa nhỏ, mọc đơn độc hoặc 2 - 3 cái ở kẽ lá, màu tím nhạt hoặc tím đỏ, tràng hình phễu, 5 cánh, có lông ở mép, nhị 5 đính ở đỉnh của ống tràng. Quả mọng, hình trứng, khi chín màu đỏ sẫm hoặc vàng đỏ; hạt nhiều, hình thận dẹt.

Ngoài ra còn có loài câu kỷ quả tím đen (Lycium ruthenicum Murray) cũng được dùng.

Dược liệu: Quả hình trứng dài hay trái soan, hai đầu hơi lõm, dài 6-20 mm, đường kính 3-10 mm. Mặt ngoài màu đỏ cam, mềm, bóng, thường nhăn nheo. Gốc quả có vết cuống quả màu trắng còn sót lại, đỉnh quả có điểm nhỏ hơi nhô lên. Quả có nhiều hạt nhò hình thận dẹt, hai mặt hơi cong phồng hoặc có một mặt lõm. Hạt màu vàng nâu có nội nhũ, rốn hạt là một điểm lõm nhỏ ở mép hạt. Chất mềm, vị ngọt hơi chua.

Bộ phận dùng: Quả chín phơi khô (Fructus Licii) của cây Câu kỷ tử hay Khủ khởi (Lycium chinense Mill.), họ Cà (Solanaceae). 

Phân bố, sinh thái: Câu kỷ quả đỏ (Lycium chinense Mill.), có nguồn gốc từ vùng Tây Á. Mọc hoang và trồng nhiều ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Malaysia, Indonesia … Cây trồng ở Đà Lạt (Lâm Đồng), Hà Nội và một số nơi khác chủ yếu là lấy lá và ngọn non để ăn. Từ năm 1996, Trạm nghiên cứu Dược liệu Thanh Hóa đã nghiên cứu trồng loài L. chineseMill. thành công và hàng năm đều thu hoạch được nhiều quả. Vị thuốc phải nhập từ Trung Quốc.

Câu kỷ quả đỏ (Lycium chinense Mill.), có nguồn gốc từ vùng Tây Á. Mọc hoang và trồng nhiều ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Malaysia, Indonesia ...

Ở Việt Nam, loài này không rõ được nhập trồng từ bao giờ. Cây trồng ở Đà Lạt (Lâm Đồng), Hà Nội và một số nơi khác chủ yếu là lấy lá và ngọn non để ăn. Từ năm 1996, Trạm nghiên cứu Dược liệu Thanh Hóa đã nghiên cứu trồng loài Lycium chinense Mill., thành công và hàng năm đều thu hoạch được nhiều quả.

Nhìn chung là cây ưa sáng và ưa ẩm. Cây sinh trưởng tốt trong vụ xuân - hè, có hoa quả vào cuối mùa hè đến đầu mùa thu. Về mùa đông có hiện tượng rụng lá. Đối với loài câu kỷ quả đỏ, muốn có hoa quả, không được thu hoạch ngọn và lá làm rau. Câu kỷ có khả năng tái sinh cây chồi sau khi chặt. Từng đoạn thân, cành đem vùi xuống đất cũng có khả năng tái sinh.

Cách trồng:

Câu kỷ có khả năng thích ứng rộng, có thể trồng được ở cả miền núi, trung du và đồng bằng. Cây thích đất pha cát, thoát nước không bị úng ngập, có tầng canh tác sâu. Là cây sống nhiều năm, câu kỷ hơi chịu bóng lúc còn nhỏ, từ năm thứ 3 trở đi, cây cần được chiếu sáng đầy đủ.

Câu kỷ có thể được nhân giống bằng hạt hoặc bằng cành. Trong sản xuất, thường dùng cách gieo hạt trong vườn ươm, sau đó đánh cây con đi trồng. Hạt gieo từ tháng 2 đến tháng 5. Giâm cành có thể tiến hành từ tháng 4 đến tháng 6.

Đất vườn ươm cần làm nhỏ, lên thành luống cao 15-20cm, rộng 0,8-1m, sau đó đánh thành rạch cách nhau 10 -12cm. Hạt được ngâm đủ nước, vớt ra để ráo và gieo vào rạch. Gieo xong, dùng rơm rạ phủ lên và tưới giữ ẩm thường xuyên. Sau 7-10 ngày, hạt bắt đầu nảy mầm, dỡ bỏ rơm rạ. Khi cây cao 5-7 cm, cần tỉa bớt để giữ khoảng cách giữa các cây từ 7 đến 10cm. Khi cây đạt chiều cao 15-20cm (khoảng tháng 5, 6) đánh đi trồng. Vườn ươm cần luôn sạch cỏ, đủ ẩm. Nếu cây còi cọc, có thể tưới thúc bằng nước phân chuồng, nước giải pha loãng.

Nếu nhân giống bằng cành thì chọn cành bánh tẻ, cắt thành từng đoạn dài 15-20cm, giâm trong vườn ươm hoặc trồng thẳng ra ruộng.

Đất trồng câu kỷ cần cày bừa, lên thành luống cao 25-30cm, mặt luống rộng 40cm, sau đó bổ hốc thành một hàng, hốc cách nhau 70-80cm. Dùng 10-15 tấn phân chuồng mục, 200kg supe lân, 100kg kali trộn đều để bón lót theo hốc cho mỗi hecta. Sau khi trồng cần tưới ẩm và đảm bảo sạch cỏ thường xuyên cho tới khi cây giao tán. Mùa mưa cần thoát nước kịp thời.

Câu kỷ sống nhiều năm và đòi hỏi nhiều dinh dưỡng, nhất là khi cây đã lớn. Hàng năm, cần bón thúc ít nhất 3 lần, vào đầu mùa xuân, đầu mùa hạ và cuối mùa thu. Lần thứ nhất và lần thứ hai nên dùng các loại phân nước để tưới, lần thứ ba, dùng 1 – 2kg phân chuồng mục để bón kết hợp vun cho mỗi gốc.

Câu kỷ trồng ở Việt Nam sang năm thứ hai đã bắt đầu cho thu hoạch quả. Thời kỳ quả chín kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10. Quả chín đến đâu cần thu hoạch ngay đến đó, nếu không thu kịp thời quả sẽ rụng. Cần thu vào buổi sáng sau khi tan sương hoặc chiều mát. Nếu thu vào buổi trưa quả sẽ kém chất lượng.

Câu kỷ ít bị sâu bệnh hại. Năng suất quả trung bình có thể đạt khoảng 700-1000kg/ha.

Thu hái, sơ chế: Vào mùa Hạ và mùa Thu khi quả đã chuyển màu đỏ vàng. Sau khi phơi âm can để vỏ ngoài nhăn lại, lấy ra phơi nắng hoặc sấy nhẹ đến khi vỏ ngoài quả khô và cứng, thịt quả mềm. Loại bỏ cuống.

Bào chế:

Theo Trung y:

Lựa thứ quả đỏ tươi, tẩm rượu vừa để một hôm, giã dập dùng.

Theo kinh nghiệm Việt Nam:

Quả: thường dùng sống trong thuốc thang, không tẩm sao. Có khi tẩm rượu sấy (chóng khô), hoặc có khi tẩm mật, rồi đem sắc ngay. Khi làm hoàn tán, sấy nhẹ cho khô giòn, tán bột mịn.

Lá: nấu canh với thịt để trị ho, sốt; với cật heo ăn bổ phòng sự Vỏ rễ (xem địa cốt bì)

Bảo quản: Qủa dễ bị thâm đen nên phải để trong lọ cho kín gió, dưới lót vôi sống để hút ẩm. Nếu bị đen có thể sấy hơi diêm sinh hoặc phun rượu, rồi xóc lên sẽ trở lại màu đỏ đẹp.

Tác dụng dược lý

Câu kỷ tử

1. Tăng cường miễn dịch. Nước sắc câu kỷ tử 50% với liều 2,5g/kg/ngày, dùng bằng đường uống trong 3 ngày liên tiếp, làm tăng cường khả năng thực bào của đại thực bào trong xoang bụng chuột nhắt, đồng thời tăng cường hoạt động của men lysozym trong huyết thanh và nâng cao hiệu quả kháng thể kháng hồng cầu cừu của huyết thanh và tăng số lượng tế bào có kháng thể hình thành trong tổ chức lách.

Quan sát trên lâm sàng ở những người già mà chức năng miễn dịch giảm, dùng dạng chiết từ câu kỷ tử hoặc ăn quả câu kỷ tươi thì hệ thống miễn dịch đã bị giảm của họ được điều chỉnh, tỷ lệ chuyển hóa của nguyên bạch cầu (leukocytoblast), globulin miễn dịch trong huyết thanh như IgG, IgA và IgM đều tăng.

2. Hạ cholesterol huyết, đường huyết, bảo vệ gan. Dạng chiết nước từ câu kỷ tử dùng cho chuột cống trắng và thỏ có tác dụng làm giảm cholesterol và có tác dụng bảo vệ gan. Nuôi chuột dài ngày (75 ngày) bằng thức ăn có trộn dạng chiết từ câu kỷ tử (0,5% và 1%) hoặc betain (0,1%) có tác dụng bảo vệ gan, chống lại những tổn thương do tetraclorua cacbon gây nên.

Dạng chiết từ quả L. barbarum dùng cho chuột cống trắng có tác dụng hạ đường huyết rõ rệt và kéo dài, đồng thời khả năng dung nạp đường tăng cao.

Trên lâm sàng, những người già trên 60 tuổi uống dạng chiét từ câu kỷ với liều l00 mg liên tục trong 4 tuần lễ thì cholesterol huyết, ß-lipoprotein và triglycerid đều giảm.

3. Tác dụng làm chậm sự suy lão. Dạng chiết nước từ câu kỷ tử cho vào thức ăn của ruồi giấm (2%) làm cho sức ăn của ruồi giấm tăng 47% và ức chế sự tích luỹ fuscin của ruồi.

Người già mỗi ngày dùng 5g quả câu kỷ trong 10 ngày liên tiếp thì hoạt độ của men superoxid dismutase (SOD) tăng 48%, hemoglobin (Hb) tăng 12% và lipid peroxyd giảm 65%.

4. Tấc dụng đối với hệ thống máu. Nước sắc câu kỷ tử (10%) dùng cho chuột nhắt trắng với liều 0,5ml/chuột, liên tục trong 10 ngày làm tăng lượng bạch cầu. Dạng đông khô câu kỷ tử có tác dụng ngăn ngừa hiện tượng giảm bạch cầu do cyclophosphamid gây nên trong điều trị ung thư thực nghiệm trên chuột cống trắng.

Người bình thường hoặc bệnh nhân ung thư ăn quả khô câu kỷ 5g/ngày liên tục trong 10 ngày thì số lượng bạch cầu tăng lên rõ rệt.

5. Các tác dụng khác. Betain làm tăng trọng lượng gà nuồi thịt so với lô đối chứng, và làm tăng lượng trứng đẻ ở gà mẹ. Dịch chiết câu kỷ tử tác dụng trực tiếp lên tuyến yên của chuột cống trắng kích thích rụng trứng.

Độc tính: Câu kỷ tử có độc tính thấp.

Địa cốt bì

1. Tác dụng hạ sốt. Dạng chiết nước, chiết cồn từ địa cốt bì trên thỏ gây sốt thực nghiệm có tác dụng hạ sốt rõ rệt, còn dạng chiết bằng ether không có tác dụng hạ sốt.

2. Tác dụng hạ đường huyết. Trên thỏ, nước sắc địa cốt bì bằng đường uống với liều 8g/kg, có tác dụng hạ đường huyết, tác dụng xuất hiện tối đa sau khi dùng thuốc 4 - 5 giờ, trung bình hạ 14%.

3. Tác dụng hạ cholesterol máu. Trên thỏ, cao lỏng địa cốt bì bằng đường uống làm giảm cholesterol toàn phần trong máu một cách rõ rệt, còn đối với triglycerid thì ảnh hưởng không lớn lắm. Chất betain có tác dụng bảo vệ gan chống nhiễm mỡ.

4. Tác dụng hạ huyết áp. Trên chó, mèo, thỏ gây mê và trên chuột cống trắng không gây mê, nước sắc và cao lỏng địa cốt bì có tác dụng hạ huyết áp. Tác dụng hạ huyết áp ở mức độ trung bình, thòi gian hạ áp ngắn. Tác dụng hạ áp của địa cốt bì ngoài nguyên nhân ở trung ương thần kinh, còn liên quan đến sự phong bế các tận cùng thần kinh giao cảm.

5. Tác dụng kháng khuẩn. Nước sắc địa cốt bì có tác dụng ức chế rõ rệt các khuẩn gây bệnh đường ruột như Bacilus typhiB. paratyphiShigella shigaeSh. flexneri; còn đối với Staphylococus aureus không có tác dụng. Ngoài ra nước sắc địa Cốt bì còn có tác dụng ức chế virus cúm.

Độc tính: Nước sắc địa cốt bì trên chuột nhắt trắng dùng qua đường dạ dày với liều 262,6g/kg súc vật vẫn không chết.

Thành phần hoá học : 

Quả chứa betain, 8-10% acid amin trong đó chừng một nửa ở dạng tự do, acid ascorbic (vitamin C), caroten, thiamin, riboflavin, acid nicotinic, tinh dầu và các nguyên tố vi lượng như phospho, calci, sắt.

Quả câu kỷ chứa tinh dầu, trong đó 36 thành phần trung tính đã được nhận dạng bằng sắc ký khí liên hợp vói phổ khối. Hai sesquiterpen được nhận dạng là dehydro–α– cyperon và solavetivon. Methyl linoleat chiếm tỷ lệ cao (18%) trong phân đoạn trung tính. Các ester của các acid béo C14, C16 và C18 cũng có với tỷ lệ cao. Ngoài ra, quả còn có betain, Zeaxanthin, physalien.

Hạt chứa nhiều sterol: 4,4–dimethylsterol, cycloartanol, cycloartenol, 24-methylen cycloartanol (các chất này chiếm tỳ lệ cao), một số dẫn chất của lanosterol (các dẫn chất này chiếm tỷ lệ thấp). Trong số các sterol này có gramisterol (44%), citrostadienol (18%), lophenol (9%), cycloeucalenol (8%), nor-cycloartenol (6%), obtusifoliol (6%).

Hai chất còn được chiết tách từ quả và nhận dạng là β – sitosterol và acid melissic.

Vỏ cây cũng chứa β-sitosterol và acid melissic. Ngoài ra, còn có acid linoleic, 5α- stigmastan-3,6-dion, sugiol.

Vỏ rễ chứa một alcaloid gọi là kukoamin và một dipeptid gọi lyciumamid (N -benzoyl-L-phenylalanyl-L-phenylalaninol acetat).

Lá chứa betain, các lycinumwithanolid A và B, tinh dầu trong đó có hydroxydehydro -β-ionol.

Câu kỷ còn được ghi là có scopoletin, acid vanilic, betain, nicotinamin.

Quả câu kỷ vẫn được nhập, lấy từ loài Lycium barbarum L., một loài rất phổ biến trong y học cổ truyền của Trung Quốc. 100 quả chứa 3,1g protein, 1,9g lipid, 9,1g carbohydrat, 1,6g chất xơ, 22,5mg Ca, 56mg p, 1,3mg Fe, 19,6mg caroten, 0,08 thiamin, 0, 14mg riboflavin, 0,67mg acid nicotinic và 42,6mg acid ascorbic.

Theo A.Y.Leung và cộng sự, 1996, quả chứa 8-10% acid amin trong đó khoảng một nửa ở dạng tự do: acid aspartic 1,2%, prolin 0,65%, acid glutamic 0,63%, alanin 0,37%, arginin 0,19%, serin 0,14% và 9 acid amin khác.

Tính vị: Vị ngọt, tính bình. 

Quy kinh: Phế, can và thận.

Công năng: Dưỡng can, minh mục, bổ thận, ích tinh, nhuận phế.

Công dụng: Thuốc bổ, chữa ho lao, đau lưng mỏi gối, di tinh, mắt ra nhiều nước, mắt mờ, tiểu đường.

Cách dùng, liều lượng: Ngày dùng 4 - 10g, dạng thuốc sắc hay ngâm rượu.

Bào chế: Quả thường dùng sống, hoặc tẩm rượu sao, đem sắc ngay hoặc sấy nhẹ (dưới 50 oC) đến khô giòn, tán bột hoặc phun rượu cho quả trở nên đỏ tươi, khi dùng giã nát.

Bài thuốc:

1. Trị da mặt sần sùi và nám sạm: Sinh địa 3 cân và kỷ tử 10 cân. Dược liệu tán thành bột mịn, mỗi lần dùng 1 thìa uống với rượu ấm. Ngày dùng 3 lần trong thời gian dài để cải thiện làn da.

2. Chữa can thận âm hư gây đổ mồ hôi trộm, hoa mắt, sốt về chiều, đau mắt, giảm thị lực: Thục địa 16g, phục linh, câu kỷ tử và đơn bì mỗi thứ 6g, cúc hoa 12g. Tán thành bột mịn và sau đó làm thành viên. Mỗi lần dùng 6g/ 2 lần/ ngày, nên uống cùng nước muối nhạt.

3. Chữa mắt mộng thịt, thận hư, hoa mắt và suy nhược cơ thể: 1 cân câu kỷ tử, 40g tiểu hồi hương, 40g thục tiêu, 40g chi ma, bạch phục linh, thục địa và bạch truật mỗi thứ 40g, mật và rượu: Ngâm rượu với 1 cân kỷ tử, sau đó chia thành 4 phần bằng nhau. Phần đầu sao vàng, 3 phần còn lại lần lượt sao với chi ma, tiểu hồi hương và thục tiêu. Sau đó thêm bạch truật, thục địa và bạch phục linh vào, đem tất cả tán thành bột mịn, luyện với mật làm thành viên và dùng hằng ngày.

4. Chữa chứng lao nhiệt gây đau nhức âm ỉ trong xương: Thanh hoa, địa cốt bì, thục địa, mạch môn đông, câu kỷ tử, ngưu tất và miết giáp: Đem sắc uống. Lưu ý: Nếu đi kèm với chứng lạnh, sốt, ho do phế nhiệt và âm hư, nên gia thêm tỳ bà diệp, thiên môn đông và bách bộ.

5. Chữa vô sinh và giảm chức năng sinh lý ở nam giới: 15g câu kỷ tử.: Nhai kỷ tử trước khi ngủ, thực hiện liên tục cho đến khi khỏi.

6. Chữa đau mỏi vùng thắt lưng, thận hư: Hoàng tinh và câu kỷ tử bằng lượng nhau: Tán bột, sau đó trộn với mật làm thành viên. Mỗi lần uống 12g với nước ấm, ngày dùng 2 lần cho đến khi khỏi.

7. Chữa di tinh, huyết trắng nhiều, thận hư, suy nhược, lưng đau và mỏi gối: Sơn thù nhục 160g, sơn dược sao vàng 160g, thục địa 320g, câu kỷ tử 160g, quy bản sao, thỏ ty tử và lộc giao sao mỗi thứ 160g, ngưu tất 120g: Đem tán bột mịn, trộn với mật làm thành hoàn. Ngày dùng 2 – 3 lần, mỗi lần uống từ 12 – 16g.

8. Chữa đục thủy tinh thể, hoa mắt, cườm mắt và giảm thị lực: Ba kích thiên và cúc hoa mỗi thứ 8g, nhục thung dung 12g, kỷ tử 20g và ba kích thiên 8g. Các vị sắc lấy nước uống.

9. Chữa dạ dày bị viêm mãn tính: Một lượng câu kỷ tử khô. Dùng 20g/ ngày, chia thành 2 lần dùng. Đem nhai khi bụng đói, thực hiện bài thuốc trong 2 tháng.

10. Chữa chảy nước mắt khi ra gió và sinh bệnh ở mắt do can hư: Câu kỷ tử khô và rượu. Kỷ tử ngâm với rượu trong 5 – 7 ngày. Mỗi lần dùng 1 – 2 thìa rượu, ngày uống 2 lần.

11. Chữa đau mắt đỏ: Câu kỷ tử tươi: Giã nát câu kỷ tử, lấy nước và nhỏ vào khóe mắt 3 – 4 giọt.

12. Chữa chảy nước mắt do can hư: 960g câu kỷ tử và rượu: Đem kỷ tử ngâm rượu trong 21 ngày, dùng uống mỗi ngày cho đến khi khỏi.

13. Chữa chứng suy nhược khi thay đổi thời tiết: Ngũ vị tử và câu kỷ tử. Tán bột dược liệu, sau đó hòa với nước sôi uống như trà.

14. Chữa xơ gan và viêm gan mãn tính do âm hư: Đương quy, mạch môn và bắc sa sâm mỗi thứ 12g, sinh địa 24 – 40g, câu kỷ tử 12 – 24g và xuyên luyện tử 6g: Đem các vị sắc lấy nước uống.

15. Chữa chứng cườm mắt tuổi già: Câu kỷ tử, cúc hoa mỗi thứ 120g, đơn bì và phục linh mỗi thứ 80g, thục địa 320g, sơn dược 160g và sơn thù 160g: Tán mịn dược liệu, luyện với mật làm hoàn. Mỗi lần dùng 10 – 12g, ngày dùng 2 – 3 lần.

16. Trà câu kỷ tử thải độc cho gan: Trà, mật ong, câu kỷ tử khô và nước đun sôi: Hãm các nguyên liệu với nước sôi trong 10 phút, uống hằng ngày để giải độc cho gan.

17. Bài thuốc tăng số lượng và chất lượng tinh trùng, hỗ trợ chữa chứng vô sinh – hiếm muộn ở nam giới. Nhục thung dung, câu kỷ tử, lộc giác giao, lộc nhung, câu kỷ tử, đương quy, xuyên khung, đảng sâm, đan sâm, táo nhân, sinh địa, nhân sâm. Đem ngâm các vị với 10 lít rượu 40 độ. Sau đó đun 300g đường phèn với 0.5 lít nước cho tan ra, đợi nguội và đổ vào rượu. Ngâm rượu trong 30 ngày. Ngày dùng 3 ly, mỗi ly khoảng 25ml.

Kiêng kỵ: Tỳ vị hư yếu, đại tiện sống phân hoặc phân lỏng không nên dùng.

Ghi chú: 

- Vỏ rễ của cây Khủ khởi được gọi là Địa cốt bì dùng chữa sốt, ho khan, ho ra máu, đi tiểu ra máu...

- Hiện nay trên thị trường sử dụng vị thuốc Hương gia bì (Periploca sepium Bge.) dưới tên Địa cốt bì.

- Một số địa phương dùng vỏ rễ cây Đại thanh (Bọ mẩy) với tên Địa cốt bì nam 

Tham khảo:

Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)