Logo Website

CÂY VÚ BÒ

10/05/2020
CÂY VÚ BÒ có tên khoa học: Ficus heterophylla L.f., họ Dâu tằm (Moraceae). Công dụng thuốc bổ trong các trường hợp hư lao, tắc tia sữa, chữa phong thấp.

CÂY VÚ BÒ

Tên khác: Cây vú chó, Ba ngạc, Tam ngũ gia bì, Vú bò, Ngưu nhũ mộc.

Tên khoa học: Ficus heterophylla L.f., họ Dâu tằm (Moraceae). 

Tên đồng nghĩaFicus aquatica K.D.Koenig ex Willd.; Ficus biglandula Blume; Ficus cannabina Lour.; Ficus denticulata Vahl; Ficus denticulata Willd.; Ficus elongata Miq.; Ficus grossularioides var. subpanduriformis(Miq.) Kuntze; Ficus heterophylla var. scabrella (Roxb.) King; Ficus panduriformis Miq.; Ficus politoria Lour.; Ficus rufescens Vahl; Ficus scabrella Roxb.; Ficus subpanduriformis Miq.; Ficus torteana Miq.; Ficus truncataVahl; Urostigma subpanduriforme Miq.; Urostigma truncatum Miq.

Mô tả: Cây nhỏ, cao 1-2m. Ngọn non có lông. Thân ít phân cành, có lông dày. Lá mọc so le, thường tập trung ở ngọn thân, hình bầu dục, gốc tròn hoặc hơi hình tim, đầu thuôn nhọn, có 3-5 thùy (thường là 3), mặt trên nháp, mặt dưới có lông nhỏ, mép khía răng, gân gốc 3; cuống là có lông dày cứng; lá kèm hình ngọn giáo. Cụm hoa mọc ở kẽ lá gồm hoa đực và hoa cái; hoa đực không cuống, lá đài 4, hình dải, dính nhau ở gốc, nhị 2; hoa cái có cuống, lá đài 4, thuôn tù, bầu hình trái xoan. Quả phức, hình cầu, khi chín màu vàng.

Mùa hoa quả: tháng 9-12.

Bộ phận dùng: Rễ, nhựa mủ, phần trên mặt đất. 

Phân bố: Vú bò phân bố rải rác khắp các tỉnh từ vùng núi thấp (dưới 600m) đến Trung du và đồng bằng.

Thu hái và chế biến: Thường rễ đào về, thái mỏng, phơi hay sấy khô. Có khi sao vàng hay tẩm mật sao cho thơm. Có khi nấu thành cao đặc mà dùng.

Thành phần hoá học: acid hữu cơ, acid amin; các chất triterpen, alcaloid và coumarin.

Tác dụng dược lý:

- Tác dụng kháng khuẩn: Dịch chiết nước vú bò ức chế các loại vi khuẩn như tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn dung huyết, phế cầu, não mô cầu, trực khuẩn bạch hầu, trực khuẩn lỵ Flexener (Shigella Paradysenteriae), trực khuẩn mủ xanh, Leptospira hebdomadia.

- Tác dụng nhuận tràng: Có tác dụng lợi mật, bảo vệ gan, lợi tiểu.

Công năng: Khu phong thấp, tráng gân cốt, khứ ứ, tiêu thũng, sinh tân.

Công dụng: Thuốc bổ trong các trường hợp hư lao, tắc tia sữa, chữa phong thấp.

Cách dùng, liều lượng: Chữa phong thấp: Ngày dùng 15-20g dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rượu. Mỗi lít rượu ngâm 100-200g rễ sao vàng, mỗi ngày uống 15- 20ml rượu này.

Chữa ngã bị ứ huyết, ngực bụng đau nhức, hòn cục: Toàn cây Vú bò giã nát, thêm rượu và ít muối, sao nóng đắp lên nơi đau.

Bài thuốc: 

1. Chữa đau dạ dày, viêm tinh hoàn, lòi dom, sa tử cung: Vú bò 30g; Tô mộc, Hồi đầu thảo, Ngưu tất, Mộc thông mỗi vị 12 g. Sắc uống (Lê Trần Đức).

2. Chữa bế kinh, sau khi đẻ ứ huyết đau bụng: Rễ vú bò 30-60g. Sắc nước rồi thêm ít rượu uống.

3. Chữa đau phong thấp: Rễ vú bò 60g, móng giò lợn 250g, rượu 60g. Thêm ít nước, sắc còn nửa bát, chia làm 2 lần uống trong ngày cách nhau 4-6 giờ.

4. Chữa ngã bị ứ huyết, ngực bụng, đau nhức, hòn cục: toàn cây vú bò giã nát, thêm rượu và ít muối, sao nóng đắp lên nơi đau.

5. Chữa đầy trướng, không tiêu, mặt vàng: ô long vĩ (bồ hóng bếp rây nhỏ), nhựa mủ cây vú bò vừa đủ để làm thành viên, viên to bằng hạt nhãn. Mỗi ngày uống 1 viên; dùng nước sắc gừng mà chiêu thuốc.

Chú ý: Rễ cây này thường gọi là Hoàng kỳ nam dùng thay thế Hoàng kỳ và còn dùng chữa ho, phong thấp.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)

- theplanlist.org