Logo Website

CỎ SỮA LÁ LỚN

17/06/2020
Cỏ sữa lá lớn có tên khác: Cỏ sữa lá to, Cỏ sữa lông, Cồ nhả mực (Thái), Đạng pồ (Kho). Công dụng: Chữa lỵ trực khuẩn, lỵ amíp. Viêm ruột cấp, khó tiêu, viêm ruột non do Trichomonas; Viêm khí quản mạn tính. Dùng ngoài trị eczema, viêm da, hắc lào, zona, apxe vú, viêm mủ da.

CỎ SỮA LÁ LỚN

Herba Euphorbiae Hirtae.

Tên khác: Cỏ sữa lá to, Cỏ sữa lông, Cồ nhả mực (Thái), Đạng pồ (Kho).

Tên khoa học:  Euphorbia hirta L., họ Thầu dầu (Euphorbiaceae). 

Tên đồng nghĩaChamaesyce gemella (Lag.) Small; Chamaesyce hirta (L.) Millsp.; Chamaesyce hirta var. glaberrima (Koidz.) H.Hara; Chamaesyce hirta f. glaberrima (Koidz.) Hurus.; Chamaesyce hirta var. laeticinctaCroizat; Chamaesyce hirta f. litoralis Hurus.; Chamaesyce karwinskyi (Boiss.) Millsp.; Chamaesyce pekinensisvar. glaberrima (Koidz.) Makino & Nemoto; Chamaesyce pilulifera var. glaberrima (Koidz.) H.Hara; Chamaesyce rosei Millsp.; Desmonema hirta (L.) Raf.; Ditritea hirta (L.) Raf.; Euphorbia bancana Miq.; Euphorbia capitataLam.; Euphorbia chrysochaeta W.Fitzg.; Euphorbia gemella Lag.; Euphorbia globulifera Kunth; Euphorbia hirtavar. destituta L.C.Wheeler; Euphorbia hirta var. glaberrima Koidz.; Euphorbia karwinskyi Boiss.; Euphorbia nodiflora Steud.; Euphorbia obliterata Jacq.; Euphorbia pilulifera var. arechavaletae Herter; Euphorbia piluliferavar. discolor Engelm.; Euphorbia pilulifera var. glabrescens Thell.; Euphorbia pilulifera var. guaranitica Chodat & Hassl.; Euphorbia pilulifera var. hirta (L.) Thell.; Euphorbia pilulifera var. hirta (L.) Griseb.; Euphorbia piluliferaf. humifusa Domin; Euphorbia pilulifera var. obliterata (Jacq.) Hitchc.; Euphorbia pilulifera f. rubromaculataDomin; Euphorbia pilulifera f. viridis Domin; Euphorbia verticillata Vell.

Mô tả: Cây thảo sống hằng năm hay nhiều năm, có thân mảnh cao 15-40 cm, toàn cây có lông ráp và có nhựa mủ trắng. Lá mọc đối, cuống ngắn, phiến lá hình mũi mác, dài 4-5 cm, rộng 7-15 mm, mép có răng cưa nhỏ. Gốc cuống lá có 2 lá kèm nhỏ hình lông cứng. Nhiều cụm hoa hình chén nhỏ ở các nách lá. Mỗi chén mang các hoa đơn tính. Quả rất nhỏ, đường kính khoảng 1,5mm, khi già nứt thành 3 mảnh vỏ mang 3 hạt rất nhỏ. Ra hoa quanh năm.

Bộ phận dùngToàn cây bỏ rễ (Herba Euphorbiae Hirtae).

Phân bố: Cây mọc hoang khắp nơi, ở những chỗ đất có sỏi đá, các kẽ gạch hay sân xi măng, đường tàu hỏa, bãi cỏ, đường đi. trên đất có sỏi, đá, các kẽ gạch hay sân xi măng, đường tàu hỏa… Trên thế giới câyphân bố ở một số nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Ấn Độ, Philipin.

Thu hái, sơ chế:  Cây được thu hái quanh năm nhưng tốt nhất vào mùa hè thu, rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô dùng dần.

Thành phần hoá học : 

- Dịch chiết methanol phần trên mặt đất phân lập có các chất: Afzelin, quercitrin, và myricitrin.

- Khảo sát thành phần Cỏ sữa lá to - E. hirta has có các hợp chất rutin, quercitin, euphorbin-A, euphorbin-B, euphorbin-C, euphorbin-D, 2,4,6-tri-O-galloyl-β-d-glucose, 1,3,4,6-tetra-O-galloyl-β-d-glucose, kaempferol, acid gallic và protocatechuic acid.

- Ngoài ra Cỏ sữa lá to còn có các chất: β-amyrin, 24-methylenecycloartenol, β-sitosterol, heptacosane, nnonacosane, acid shikmic, tinyatoxin, choline, camphol, và dẫn chất quercitol derivatives có đường rhamnose và acid chtolphenolic.

Tác dụng dược lý: Các nghiên cứu cho thấy Cỏ sữa lá to có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, chống sốt rét, lợi sữa, chữa hen suyễn, chữa tiều đường, chống ung thư, chống oxy hóa, giảm mật độ tinh trùng, ức chế sự phát triển của Entamoeba histolytica, và chống nấm

Tính vị: tính lạnh, vị đắng, chua.

Công năng: Tiêu viêm, lợi tiểu, giải độc, chống ngứa, thông sữa; cây còn có tính làm dịu, chống co thắt và làm dễ thở.

Công dụng: Cỏ sữa lá lớn dùng để chữa: 

- Lỵ trực khuẩn, lỵ amíp.

- Viêm ruột cấp, khó tiêu, viêm ruột non do Trichomonas

- Viêm khí quản mạn tính.

- Viêm thận, viêm bể thận. 

- Dùng ngoài trị eczema, viêm da, hắc lào, zona, apxe vú, viêm mủ da. 

- Còn dùng cho phụ nữ đẻ ít sữa hoặc tắc tia sữa. 

- Ở Ấn Ðộ, Cỏ sữa lá lớn được dùng trị bệnh giun ở trẻ em, bệnh đường ruột và ho; dịch lá dùng trị lỵ và cơn đau bụng, nước sắc cây dùng trị bệnh về phế quản và hen; nhựa cây đắp trị hột cơm, mụn cóc. Ở phương Tây, Cỏ sữa được dùng trị bệnh đường hô hấp (hen, sổ mũi, khí thũng, ho mạn tính). Còn dùng chữa bệnh về mắt (viêm kết mạc, loét giác mạc). Nó có tính gây xót đối với niêm mạc dạ dày nên cần uống thuốc trước các bữa ăn.

Cách dùng, liều lượng: Có thể dùng dưới nhiều dạng. Nếu hãm, lấy 1g cho vào trong 1 chén nước sôi, mỗi ngày uống 2 chén. Hoặc dùng cao lỏng 0,50g - 1,50g hàng ngày. Hoặc dùng cao nước rượu 0,05-0,10g hàng ngày, dạng poxio. Hoặc dùng cồn thuốc 1-3g mỗi ngày. Người ta cũng thường dùng nước nấu cây để chữa bệnh ngoài da hoặc giã đắp ngoài.

Bài thuốc:

1. Chữa đau bụng tiêu chảy, đi ngoài nhiều lần, mệt mỏi, rã rời chân tay: Cỏ sữa lá to 20g, Bàng hôi 20g, Chiêu liêu 16g, Tô mộc 20g. Sắc uống ngày một thang.

2. Chữa lỵ: Cỏ sữa lá to phối hợp với Hoàng đằng, nấu thành cao lỏng để uống.

3. Chữa lỵ trực trùng: dùng Cỏ sữa 100g. Rau sam 80g sắc với 300ml nước, lấy 150ml, chia 3 lần uống trong ngày. 

4. Chữa zona (giời leo): Cỏ sữa lá to tươi lượng vừa đủ giã nát vắt lấy nước thêm bột Hùng hoàng 2g. Trộn đều xoa tại chỗ, mỗi ngày 3-4 lần.

5. Dùng bà mẹ sau sinh lợi sữa: Cây tươi 100g, hạt cây Gạo 40g, hai thứ sắc kỹ, lấy nước nấu cháo gạo ăn. 

6. Chữa viêm da nổi mẩn ngứa: Cỏ sữa giã nát xoa hay nấu nước rửa.

7. Chữa hen suyễn: Cỏ sữa lá to 10g, lá cây Bồng Bồng 3 lá, lá dâu 20g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần.

8. Chữa mẩn ngứa: Cỏ sữa lá to 1kg, Bồ cu vẽ 2 kg, Nhân trần 250g. Sắc đặc, tùy theo chỗ bệnh mà tắm, ngâm hay bôi bên ngoài. Nếu bị nhiễm trùng kết hợp Xuyên tâm liên, Sài đất, Kim ngân hoa mỗi thứ 15g sắc uống mỗi ngày một thang.

9. Chữa xơ gan cổ trướng: Cây cỏ sữa lá lớn 10g, vỏ cây gáo 10g, cây cỏ xước 15g đun với 1,5 lít nước đun cạn còn 600ml chia 3 lần uống trong ngày.

10. Chữa nước ăn chân: Lấy 1 năm cây tươi đun nước, để nước nguội ngâm chân trong thời gian 20 phút. Ngày làm 1 lần, làm liên tục 3 ngày là hết ngứa.

11. Đại tiện ra má do nóng nhiệt: 100g cỏ sữa lá nhỏ, 60g cỏ nhọ nồi, sắc với 400ml nước cho đến khi còn 100ml, chia uống 2 lần trong ngày, dùng liên tục 2-3 ngày để có hiệu quả.

12. Chữa vết thương hay vết bỏng: Cây cỏ sữa phơi khô tán thành bột mịn rồi trộn với nước thành hỗn hợp nhão rồi đắp lên vùng da bị thương. Bài thuốc này còn có thể trị mụn cóc.

13. Làm đẹp, cây cỏ sữa còn nổi tiếng với công dụng làm trắng da, trị mụn, chống lão hóa da hiệu quả. Trong dân gian vẫn lan truyền rằng các cô gái người Dao luôn có làn da mịn màng, trắng trẻo là do họ thường lấy lá cỏ sữa về tắm hoặc giã đắp. Tuy nhiên, tác dụng trên vẫn chưa được khoa học chứng minh, do đó mọi người nên thận trọng khi dùng.

 Chú ý, kiêng kỵ

- Không nên dùng cỏ sữa lá to liều cao vì có thể gây kích ứng dạ dày và gây nôn mửa, vì vậy nên uống sau khi ăn.

- Không dùng quá liều vì cây có độc, sẽ gây ỉa chảy và làm tim hoạt động bất thường. Có thể giải độc bằng nước sắc Cam thảo và Kim ngân hoa, mỗi vị 12-16g.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu)

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi)

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi)

- theplanlist.org

- Williamson EM. China: Churchill Livingstone; 2002. Major Herbs of Ayurveda.

- Liu Y, Murakami N, Ji H, Abreu Pedro, Zhang S. Antimalarial flavonol glycosides from Euphorbia hirta. Pharm Biol. 2007;45:278–81.

- Rastogi RP, Mehrotra BN. 3rd. Lucknow, India: Central Drug Research Institute; 2002. Compendium of Indian Medicinal Plants, 3rd Vol. 

-  Rastogi RP, Mehrotra BN. 4th. Lucknow, India: Central Drug Research Institute; 2002. Compendium of Indian Medicinal Plants. 

- Sood SK, Bhardwaj R, Lakhanpal TN. India: Scientific Publishers; 2005. Ethnic Indian Plants in cure of diabetes.