Logo Website

Hoàng Đàn

18/05/2020
Hoàng Đàn có tên khoa học Cupressus torulosa D. Don. Công dụng: Tinh dầu hoàng đàn được sử dụng trong dược liệu và hương liệu. Gỗ hoàng đàn được sử dụng làm đồ mỹ nghệ.

Hoàng Đàn

Tên khoa học

Cupressus torulosa D. Don, 1825. 

Tên khác

Hoàng đàn chi lăng

Họ: 

Hoàng đàn - Cupressaceae

Phân bố

Phân bố ở Trung Quốc và Việt Nam. Ở Việt Nam, trước kia hoàng đàn được phát hiện ở Cao Bằng (Thạch An), Lạng Sơn (Bắc Sơn, Chi Lăng, Hữu Lũng), Tuyên Quang (Na Hang). Hiện nay, hoàng đàn chỉ còn được bắt gặp ở KBT Hữu Liên, Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.

Công dụng: 

Tinh dầu hoàng đàn được sử dụng trong dược liệu và hương liệu. Gỗ hoàng đàn được sử dụng làm đồ mỹ nghệ.

Tình trạng bảo tồn và mối đe dọa

Hoàng đàn được xếp vào nhóm nguy cấp (E) trong Sách Đỏ Việt Nam 2007 và nằm trong nhóm Ia của Nghị Định 32-CP. Hiện nay, hoàng đàn gần như tuyệt chủng trong tự nhiên, hiện còn khoảng vài chục cá thể ở KBT Hữu Liên, Lạng Sơn. Các cá thể trong tự nhiên còn rất ít, thường xuyên bị đe dọa bởi lửa rừng và khai thác bất hợp pháp. Nguy cơ bị tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao. Gỗ bán rất đắt. Giá trên thị trường tại thời điểm tháng 6/2010 tại địa phương là 1-1,5 triệu đồng/kg. Giá bán một cây con có thể làm cảnh từ 1,5-2 triệu đồng/cây. Ngoài ra, lửa rừng và khả năng tái sinh thấp cũng là yếu tố làm cho kích thước quần thể loài suy giảm nhanh chóng. Loài được người dân nhân giống, trồng thử nghiệm tại địa phương.

Số lượng quần thể: 

Theo nhiều nguồn tài liệu trước đây, hoàng đàn có ở tỉnh Cao Bằng (Thạch An), Lạng Sơn và Tuyên Quang. Theo điều tra hiện nay, hoàng đàn chỉ còn được bắt gặp ở KBT Hữu Liên (xã Hữu Liên, Yên Thịnh và Vạn Linh), tỉnh Lạng Sơn, với 27 cá thể trong tự nhiên. Chiều cao trung bình của các cá thể trong tự nhiên từ 2 đến 5 m và đường kính gốc từ 3-16 cm. Ngoài ra còn có khoảng 100 cây (hai năm tuổi) được người dân gây trồng tại địa phương và trong đó có khoảng 40 cá thể (gây trồng) có đường kính D1,3 > 10 cm tại khu vực trạm gác rừng xã Hữu Liên.

Nguồn trích: Điều tra đánh giá tình trạng bảo tồn các loài thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm thuộc danh mục nghị định 32/2006/NĐ-CP theo vùng sinh thái.

Bài viết Thực vật khác