Logo Website

HÚNG CHANH

12/09/2020
Cây Húng chanh có tên khoa học: Plectranthus amboinicus (Lour.) Spreng.; họ Bạc hà (Lamiaceae). Công dụng: Chữa cảm cúm, chữa ho, thổ huyết, chảy máu cam. Dùng ngoài giã đắp lên những vết do rết và bọ cạp cắn.

HÚNG CHANH

Folium Colei

Tên khác: 

Dương tử tô, Rau thơm lông, Rau tần lá dày.

Tên khoa học: 

Plectranthus amboinicus (Lour.) Spreng.; họ Bạc hà (Lamiaceae). 

Tên đồng nghĩa

Coleus amboinicus Lour.; Coleus amboinicus var. violaceus Gürke; Coleus aromaticusBenth.; Coleus carnosus Hassk.; Coleus crassifolius Benth.; Coleus subfrutectosus Summerh.; Coleus suborbicularis Zoll. & Moritzi; Coleus suganda Blanco; Coleus vaalae (Forssk.) Deflers; Majana amboinica(Lour.) Kuntze; Majana carnosa (Hassk.) Kuntze; Majana suganda (Blanco) Kuntze; Ocimum vaalae Forssk.

Mô tả: 

Cây cỏ sống lâu, cao 30 - 70cm. Thân gần tròn, mập, ròn, có lông tơ dày. Lá hình trứng rộng hay gần tròn, cỡ 3 - 7 x 2 - 6cm; phiến lá dày dòn, chóp lá nhọn hay tù, gốc tròn hay cụt, mép lá xẻ răng cưa, cả hai mặt có lông ngắn. Gân bên 4 - 5 đôi, cuống lá dài 1 - 3cm. Cụm hoa dạng chùy ở tận cùng, dài 10 - 15cm, có lông. Lá bắc hình trứng rộng, không cuống, có lông, Đài hình chuông, dài 2,5 - 3mm, có lông tơ và điểm tuyến ở phía ngoài, 2 môi. Môi trên 1 thùy lớn, đứng không men xuống ống, môi dưới 4 thùy gần bằng nhau, quả đài đồng trưởng dài 5 - 6mm. Tràng màu tím nhạt dài 8 - 12cm, có lông ở phía ngoài, nhẵn ở bên trong, 2 môi. Môi trên 4 thùy nhỏ đứng, môi dưới 1 thùy lớn, lõm hình lòng thuyền. Nhị 4, hơi thò khỏi tràng, hướng xuống phía dưới, chỉ nhị nhẵn, dính liền ở phía dưới và bao lấy vòi nhụy. Bao phấn chụm lại. Bầu nhẵn, vòi dài hơn nhị, đỉnh xẻ 2 thùy, Đĩa mật có thùy trước cao hơn bầu. Quả gần hình cầu, màu nâu.

Bộ phận dùng: 

Lá tươi (Folium Colei) hoặc cất lấy tinh dầu.

Phân bố: 

Trên thế giới có ở ấn Độ, Inđônêxia, Philippin. Ở Việt Nam, cây trồng ở Hà Nội, Đồng Tháp và nhiều ở các tỉnh trong cả nước.

Sinh thái

Cây ra hoa tháng 10 - 12 cây ưa sáng và ẩm, đôi khi chịu hạn. Cây trồng trên đất cát vùng ven biển miền Trung, vào mùa khô, nhiều ngày không tưới nước, cây vẫn sinh trưởng, phát triển được. Cây trồng ở các tỉnh phía bắc có hiện tượng rụng lá vào mùa đông; ít khi thấy có hoa. Húng chanh có khả năng tái sinh vô tính khỏe. Thường được trồng để lấy tinh dầu hoặc làm rau ăn.

Trồng trọt:

Hứng chanh được nhân giống bằng cành. Vào tháng 2 - 3 , chọn những cây tương đối già, có rễ ở các đốt, cắt thàỉih những đoạn có 2 - 3 đốt để làm giống. Cũng có thể áp cành xuống mặt đất, phủ đất cho cành ra rễ rồi cắt đoạn như trên.

Húng chanh có thể trồng trong vườn, ngoài ruộng hoặc trong chậu. Cần chọn chỗ đất cao, thoát nước, nhiều mùn. Sail khi làm đất, đánh luống cao 20 - 25cm, rộng 70 - 80 cm, rạch thành hàng ngang sâu 10 - 15 cm, cách nhau 30 cm. Trộn một ít phân chuồng mục vào rãnh rồi đặt hom giống, hom nọ cách hom kia 20 - 25 cm. Hom được đặt nghiêng và vùi kín khoảng 2/3, sau đó tưới nước. Có thể dùng rơm rạ phủ trên mặt luống để giữ ẩm, sau 5 ~ 7 ngày cây mọc thì dỡ bỏ. Khi cây bắt đầo mọc và sau mỗi lần thu hái, dùng nước phân chuồng, nước giải hoặc phân đạm pha loãng (1 - 2%) để tưới thúc. Mỗi lần thúc phân, cần kết hợp làm cỏ, xới xáo.

Sau 2 - 3 tháng, có thể thu hái lá. Thường chỉ thu hái lá bánh tẻ, lá phía ngọn được giữ lại cho cây tiếp tục sinh trưởng.

Về mùa mưa, cây hay bị thối gốc, vàng lá. Cần chú ý thoát nước nhanh sau mưa, tỉa bớt thân lá cho cây thoáng đãng và bón thêm lân, kali hoặc tro bếp

Thu hái, sơ chế: 

Có thể thu hái lá quanh năm, thường dùng tươi, dùng đến đâu hái đến đó. Lúc trời khô ráo, hái lá bánh tẻ, loại bỏ các lá sâu hay lá già úa vàng, đem phơi nắng nhẹ hay sấy ở 40-45oC đến khô.

Bảo quản:

Đối với lá húng chanh khô cần được bảo vệ ở nơi khô mát.

Thành phần hoá học: 

Lá chứa ít tinh dầu (0,05-0,12%), trong tinh dầu có đến 65,2% các hợp chất phenolic trong đó có carvacrol, thymol, eugenol, salicylat và chavicol. Đặc biệt, trong lá có chất màu đỏ là colein 

Tác dụng dược lý:

1. Kháng khuẩn

Vị thuốc húng chanh có công dụng kháng khuẩn. Ngay từ những năm đầu, Húng chanh đã được sử dụng làm thuốc dân gian để chống lại hoạt động của vi khuẩn gây bệnh. Ở Cuba, thuốc sắc của lá được dùng cho những bệnh nhân bị ho mãn tính hoặc bệnh lao và các nghiên cứu khoa học sau đó cho thấy có hoạt tính chống vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis).

Hơn nữa, người ta đã chứng minh rằng dịch chiết xuất từ lá của Húng chanh thể hiện hoạt tính kháng khuẩn chống lại mầm bệnh vết thương tiểu đường, E. coli , S. aureusP. mirabilisP. aeruginosa và K. pneumonia. Chiết xuất nước nóng của lá Húng chanh ức chế sự phát triển của mầm bệnh, Escherichia coli và Salmonella typhimurium.

Tinh dầu Húng chanh được báo cáo là làm tăng tác dụng của thuốc kháng sinh nhóm aminoglycosid trong điều trị các chủng vi khuẩn kháng thuốc.

Năm 1961, phòng đông y Viện vi trùng có nghiên cứu tác dụng kháng sinh của tinh dầu húng chanh đối với các loại vi trùng theo phương pháp Rudat và thấy tinh dầu húng chanh có tác dụng kháng sinh mạnh đối với vị trùng Staphyllococcus 209 P. Salmonella typhiShigella flexneri – Shigella sonneiShigella dysenteria (ShigaSubtilisColi pathogeneColi bothesda, StreptococcusPneumonia mococcus, Dipheri và Bordet Gengou (Y học thực hành, 11 – 1961).

2. Chống nấm

Vị thuốc húng chanh có công dụng chống nấm. Một số nấm bị ức chế phát triển đến 60% bởi tinh dầu dễ bay hơi trong húng chanh.

3. Chống virus

Vị thuốc húng chanh có công dụng chống virus. Chiết xuất có hoạt tính kháng virus khi thử nghiệm với virus VSV nồng độ tối thiểu 0,1 mg/mL.

4. Hỗ trợ bệnh về hô hấp

Húng chanh thường được trích dẫn trong điều trị ho mãn tính, hen suyễn, viêm phế quản và viêm họng. Theo đó, lá có hoạt tính giãn phế quản dương tính khi thử nghiệm trên chuột lang. Ở Cuba, tinh dầu từ húng chanh được sử dụng để điều trị hen suyễn.

5. Giúp mau lành vết thương

Húng chanh có khả năng giảm nguy cơ nhiễm trùng và các biến chứng của nó ở bệnh nhân tiểu đường. Ghi nhận dùng chiết xuất húng chanh giảm diện tích vết thương lên tới 76,6% trên chuột thí nghiệm. Chiết xuất này giúp thúc đẩy chữa lành vết thương bằng cách tăng cường lắng đọng collagen và thu nhỏ vết thương.

6. Chống bệnh ngoài da

Húng chanh đã được sử dụng ở Brazil từ những ngày đầu để điều trị loét da. Ở Ấn Độ, nước ép của lá còn được sử dụng để điều trị dị ứng da. Nó cũng được sử dụng để điều trị bỏng ở khu vực châu Á trong đó có Việt Nam. Tinh dầu húng chanh cũng ức chế sự phát triển của nấm gây ra gàu.

Tính vị:

tính ấm, vị cay và không độc

Công năng: 

Lợi phế, trừ đờm, giải cảm, làm ra mồ hôi, làm thông hơi, giải độc. Colein trong lá có tác dụng kháng sinh mạnh đối với một số vi trùng, nhất là ở vùng họng, mũi, miệng và cả ở đường ruột.

Công dụng

Chữa cảm cúm, chữa ho, thổ huyết, chảy máu cam. Dùng ngoài giã đắp lên những vết do rết và bọ cạp cắn.

Cách dùng, liều lượng: 

10 - 16g lá tươi một ngày. Dạng thuốc sắc, xông, dầu xoa hoặc vắt lấy nước uống. 

Bài thuốc:

1. Chữa ho, viêm họng, khản tiếng: Lá Húng chanh non 5-10g giã nát vắt lấy nước cốt nóng. Hoặc đem giã nhỏ một nắm lá (15-20g), thêm nước, vắt lấy nước uống làm hai lần trong ngày. Đối với trẻ em, thêm ít đường, đem hấp cơm cho uống làm 2-3 lần.

2. Chữa đau bụng: Lá húng chanh non rửa sạch, 1-2 lá nhai với một ít muối, ngậm nuốt dần dần.

3. Chữa sốt cao, không ra mồ hôi: húng chanh 20g, lá tía tô 15g, gừng tươi 5g cắt lát mỏng, cam thảo đất 15g. Sắc uống nóng cho ra mồ hôi.

4. Chữa chảy máu cam: húng chanh 20g, lá trắc bá sao đen 15g, hoa hòe sao đen 10g, cam thảo đất 15g. Sắc uống ngày một thang. Lá húng chanh đem vò nát, nhét vào bên mũi chảy máu.

5. Chữa hôi miệng: Húng chanh khô một nắm đem sắc lấy nước, thường xuyên ngậm và súc miệng rồi nhổ ra. Cần làm 5-7 lần.

6. Chữa bò cạp cắn hoặc ong đốt sinh đau nhức: húng chanh 20g, muối ăn vài hạt, tất cả đem giã nhỏ hoặc nhai kỹ, nuốt nước, bã đắp vào chỗ ong đốt.

7. Chữa dị ứng nổi mề đay: lá húng chanh nhai nuốt nước, bã thì đắp hay xoa xát.

Kiêng kỵ:

Cây húng chanh có thể gây kích hoạt dị ứng phát triển. Vì vậy, người mẫn cảm với thành phần của thuốc tốt nhất không nên sử dụng. Bên cạnh đó, tác dụng phụ do loại cây này gây ra đến nay vẫn chưa xác định rõ. Do đó, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú cũng không nên dùng húng chanh chữa bệnh.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 2004

- theplanlist.org

- efloras.org

- Thực vật chí Việt Nam, Vũ Xuân Phương,  NXB Khoa Học Kỹ Thuật 2000, tập 2, trang 55