KHỔ SÂM CHO LÁ-Chữa loét dạ dày tá tràng
KHỔ SÂM CHO LÁ (苦 參)
Folium Tonkinensis
Tên khác:
Khổ sâm Bắc bộ, cù đèn, co chạy đón (Thái), croton du Tonkien, croton du Nord Vietnam (Pháp)
Tên khoa học:
Croton kongensis Gagnep., họ Thầu dầu (Euphorbiaceae).
Tên đồng nghĩa:
Croton tonkinensis Gagnep.
Mô tả:
Cây nhỏ cao 1-1,5m, cành non mảnh. Lá mọc so le, có khi tụ họp 3-4 lá như kiểu mọc vòng, hai mặt có lông óng ánh như lá nhót, phủ dày hơn ở mặt dưới; phiến lá hình ngọn giáo, dài 5-9cm, rộng 1-3cm, chóp nhọn dài thành mũi nhọn, mép nguyên, 3 gân toả từ gốc, cũng với 2 tuyến dạng răng cưa. Hoa nhỏ trắng mọc thành chùm ở nách lá hoặc đầu cành, đơn tính cùng gốc. Quả có 3 mảnh vỏ. Hạt hình trứng, màu nâu. Mùa hoa quả tháng 5-8.
Phân bố, sinh thái :
Cây mọc hoang tự nhiên ở vùng đồi cây bụi và được trồng ở khắp nơi, trong các vườn gia đình hoặc vườn thuốc, chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam (Võ Vãn Chi, 1997)..
Khổ sâm thuộc loại cây bụi, ưa sáng và có thể hơi chịu hạn. Cây rụng lá hàng năm về mùa đông, sinh trưởng mạnh vào hè - thu, ra hoa quả nhiều, tái sinh tự nhiên chủ yếu bằng hạt và cây chồi sau khi chặt.
Trồng trọt:
Khổ sâm được trồng rải rác ở nhiều nơi để làm thuốc và làm cảnh. Trồng bằng cành hoặc bằng hạt vào tháag 2 - 3 . Cây không kén đất, chỉ cần không úng ngập. Trồng ở vườn với khoảng cách 1 - 1,5 m. còn được trồng trong chậu. Cây có khả năng chịu hạn tốt, không bị sâu bệnh.
Thu hái:
Thu hái lá khi cây đang có hoa, đem phơi hoặc sấy khô. Khi dùng sao vàng.
Bộ phận dùng:
Lá (Folium Tonkinensis)
Thành phần hoá học :
Flavonoid, alcaloid, tanin, polyphenol.
Lá khổ sâm chứa alcaloid toàn phần 0,32% flavonoid toàn phần 2,78%, tanin, hợp chất polyphenol (Bế Thị Thuấn và cs, 1995).
Từ lá, đã phân lập được 6 alcaloid (Phạm Hoàng Ngọc và cs, 1996).
Phan Tống Sơn và cs, 1999 đã phân lập được từ lá một chất được nhận dạng là ent - 7ß, 18 - dihydroxy -16 - kauren - 15 - on 18 acetat (I).
Tác dụng dược lý:
Hoạt tính kháng tụ cầu khuẩn của lá khổ sâm: Một hợp chất diterpenpoids được phân lập từ lá khô của cây thuốc đặc hữu Việt Nam Croton tonkinensis Gagnep. (Euphorbiaceae), đã được đánh giá có hoạt tính ức chế chống lại tụ cầu khuẩn rất đáng kể. Nghiên cứu được tiến hành bởi các nhà khoa học Nhật Bản và Việt Nam.
Phát hiện độc tính gây độc tế bào từ lá cây Khổ sâm Việt Nam: Thí nghiệm được tiến hành bởi các nhà nghiên cứu Nhật Bản cho thấy, dịch chiết lá Khổ sâm đã gây chết tôm, chứng tỏ độc tính gây độc tế bào của loại cây này.
Phát hiện 2 hợp chất kháng viêm và kháng ung thư từ lá cây Khổ sâm: Hai hợp chất Crotonkinin A – B và Diterpenoids từ cây Khổ sâm Croton tonkinensis là chất chống viêm và chống ung thư, đây là kết quả của công trình nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học Việt Nam và Quốc Tế.
Khổ sâm có tác dụng kháng sinh đối với trực khuẩn lỵ và đồng thời có tác dụng kháng amip lỵ, làm đơn bào co thành kén. Khổ sâm còn có tác dụng an thần, lợi tiểu, chống dị ứng và có tác đụng bảo vệ nâng cao tỷ lệ sống đối với nhóm động vật được tiêm liều chết nọc rắn hổ mang.
Nước sắc của bài thuốc gồm khổ sâm và vỏ bưởi có tác dụng ức chế ký sinh trùng sốt rét mạnh trên động vật thí nghiệm được gây nhiẻm sốt rét, nhưng tái phát ưong thời gian 10 ngày theo dõi. Trên mô hình thực nghiệm chuột nhắt nhiễm Plasmodium berghei và gà nhiễm Plasmodium gallinaceum, alcaloid chiết xuất từ khổ sâm không thể hiện rõ tác dụng chống sốt rét in vivo.
Flavonoid từ lá khổ sâm có tác dụng kháng khuẩn in vitro. Alcaloid toàn phần lá khổ sâm ức chế sự phát triển của Plasmodium berghei và p. falciparum in vitro. Khổ sâm có tác dụng chống oxy hóa in vitro.
Tính vị:
Lá khổ sâm có vị đắng, tính bình, hơi độc.
Quy kinh:
Đại tràng.
Công năng:
Có tác dụng thanh nhiệt tiêu độc, sát khuẩn.
Công dụng:
Khổ sâm được dùng trị nhọt, sang lở, chốc đầu (sắc uống và dùng ngoài), đau bụng khó tiêu, lỵ, viêm loét dạ dày, tá tràng.
Cách dùng, liều lượng:
Ngày dùng 10 - 20g, dạng thuốc bột hay thuốc sắc.
Bài thuốc:
1. Chữa loét dạ dày tá tràng:
+ Lá khổ sâm, Bồ công anh, Nhân trần, mỗi vị 12g; lá Khôi, Chút chít, mỗi vị 10g. Tán bột, mỗi ngày uống 30g với nước đun sôi để nguội.
+ Lá Khổ sâm 12g, lá Khôi 40g, Bồ công anh 20g, Uất kim, Hậu phác mỗi vị 12g, Ngải cứu 8g, Cam thảo 8g. Sắc uống, hoặc nấu cao pha siro uống.
2. Chữa đau bụng không rõ nguyên nhân: Hái mấy lá Khổ sâm, nhai với mấy hạt muối; nếu có nôn hay sôi bụng thì nhai với một miếng gừng sống.
3. Chữa đau bụng lâm râm, hay sau khi ăn đau bụng, khó tiêu: Lá Khổ sâm, dây Ngấy hương, đều phơi khô, mỗi thứ một nắm (30-40g), thêm 3 lát gừng, sắc uống. Hoặc thường dùng sắc 2 thứ lá trên uống thay trà.
4. Chữa kiết lỵ hay đau bụng đi ngoài: Dùng lá Khổ sâm và lá Phèn đen mỗi thứ một nắm sắc uống, hoặc lá Khổ sâm, Rau sam, Cỏ sữa, Nhọ nồi, Lá mơ lông, mỗi vị 10g sắc uống, ngày 1 thang.
5. Chữa khắp mình nổi mẩn ngứa, muốn gãi luôn: Dùng lá Khổ sâm, Kinh giới, lá Đắng cay, lá Trầu không, nấu nước xông và tắm rửa.
6. Chữa vẩy nến: Khổ sâm 15g, Huyền sâm 15g, Kim ngân 15g, Sinh địa 15g, quả Ké 10g, tán bột làm thành viên, ngày uống 20-25g.
7. Điều trị bệnh viêm đại tràng: Lá khổ sâm 20 gram đun nước, lấy khoảng 300ml nước uống vào buổi sáng sớm. Kết hợp với ăn món trứng gà lá mơ lông tía ăn hàng ngày. Bệnh nhân viêm đại tràng kiên trì dùng cách trên khoảng 1 tháng tiêu hóa sẽ tốt hơn rất nhiều.
8. Chữa sa sinh dục: Khổ sâm l0g, phèn phi 25g, bồ công anh l0g, thổ phục linh l0g. sắc lấy nước rửa âm đạo, cách một ngày làm một lần.
9. Viêm da thần kinh thểphong nhiệt mới mắc bệnh:
- Lá khổ sâm 12g; sinh địa, thổ phục linh, mỗi vị 16g; cúc hoa, kim ngân hoa, ké đầu ngựa mỗi vị 12g; đan bì 8g. sắc uống ngày một thang.
- Lá khổ sâm 12g; kinh giới, sinh địa, mỗi vị 16g; phòng phong, kim ngân, cúc hoa, tạo giác thích, mỗi vị 12 g; thuyền thoái 6g. sắc uống ngày một thang.
Chú ý:
Dễ nhầm với cây Xoan rừng (Brucea javanica (L.) Merr.) thuộc họ Thanh thất (Simaroubaceae) cũng mang tên Khổ sâm.
Kiêng kỵ:
Cơ thể bị suy nhược, táo bón không dùng được, dùng liều cao gây buồn nôn, nhức đầu, khi ngừng thuốc sẽ tự hết các triệu chứng trên.
Tham khảo:
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004
- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 2004
- theplanlist.org
- efloras.org
- Giang, P.M., Son, P.T., Matsunami, K. et al. Anti-staphylococcal activity of ent-kaurane-type diterpenoids from Croton tonkinensis. J Nat Med 60, 93–95 (2006).
- Phan Minh Giang, Phan Tong Son, Yumi Hamada, Hideaki Otsuka, Cytotoxic Diterpenoids from Vietnamese Medicinal Plant Croton tonkinensis GAGNEP., Chemical and Pharmaceutical Bulletin, 2005, Volume 53, Issue 3, Pages 296-300
- Ping-Chung Kuo, Yuh-Chiang Shen, Mei-Lin Yang, Su-Hui Wang, Tran Dinh Thang, Nguyen Xuan Dung, Po-Cheng Chiang, Kuo-Hsiung Lee, E-Jian Lee, and Tian-Shung Wu; Crotonkinins A and B and Related Diterpenoids from Croton tonkinensis as Anti-inflammatory and Antitumor Agents. Journal of Natural Products 2007 70 (12), 1906-1909
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của cây Nghệ sen - Curcuma petiolata
- Công dụng của cây Cao lương đỏ - Sorghum bicolor
- Công dụng của cây Dương đào dai - Actinidia coriacea
- Công dụng của cây Lục đạo mộc trung quốc - Abelia chinensis
- Công dụng của cây Sú- Aegiceras corniculatum
- Công dụng của cây Ấu tàu - Aconitum carmichaelii
- Công dụng của cây Bù dẻ hoa đỏ - Uvaria rufa
- Công dụng của cây Chùm ruột núi- Antidesma pentandrum
- Công dụng của cây Cánh diều - Melanolepis multiglandulosa
- Công dụng của cây Sang sóc - Schima wallichii
- Công dụng của cây Tường anh - Parietaria micranta
- Công dụng của cây Bèo đất - Drosera burmannii
- Công dụng của cây Mắc cỡ tàn dù - Biophytum sensitivum
- Công dụng của cây Quả bánh mì - Artocarpus parvus
- Công dụng của cây Sồi bạc - Quercus incana
- Công dụng của cây Sang trắng - Putranjiva roxburghii
- Công dụng của Cỏ ba lá - Trifolium repens
- Công dụng của cây Trạch quạch - Adenanthera pavonina
- Công dụng của cây Sung dâu - Ficus callosa
- Công dụng của cây Neem - Azadirachta indica