Logo Website

MẠN KINH TỬ-Chữa cảm mạo phong nhiệt, nhức đầu, đỏ mắt, nhiều nước mắt

29/10/2020
Cây Mạn kinh có tên khoa học: Vitex trifolia L., họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae). Công dụng: Cảm mạo phong nhiệt, nhức đầu, đỏ mắt, nhiều nước mắt, mắt mờ nhìn không rõ, chóng mặt, hoa mắt, lợi răng sưng đau.

MẠN KINH TỬ (蔓荆子)

Fructus Viticis

Mạn kinh tử Vitex trifolia

Mạn kinh tử: Vitex trifolia L.; Photo commons.wikimedia.org and tcmwiki.com

Tên khác: 

Quan âm, cây thuốc ôn, Thuốc kinh, Đẹn ba lá, Từ bi biển, Vạn kim tử, mác nim (Tày), Indian wild pepper (Anh).

Tên khoa học: 

Vitex trifolia L., họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae). 

Tên đồng nghĩa

Vitex agnus-castus var. javanica Kuntze; Vitex agnus-castus var. subtrisecta Kuntze; Vitex agnus-castus var. trifolia (L.); Vitex benthamiana Domin; Vitex bicolor Willd.; Vitex indica Mill.; Vitex integerrima Mill.; Vitex iriomotensis Ohwi; Vitex langundi W.G.Maxwell; Vitex negundo var. bicolor (Willd.) H.J.Lam; Vitex negundo var. philippinensis Moldenke; Vitex neocaledonica Gand.; Vitex paniculata Lam.; Vitex petiolaris Domin; Vitex rotundifolia f. heterophylla (Makino ex H.Hara) Kitam.; Vitex rotundifolia var. heterophylla Makino ex H.Hara; Vitex rotundifolia var. heterophylla Mak.; Vitex trifolia var. acutifolia Benth.; Vitex trifolia f. albiflora Moldenke; Vitex trifolia var. bicolor (Willd.) Moldenke; Vitex trifolia var. heterophylla(Makino ex H.Hara) Moldenke; Vitex trifolia var. parviflora Benth.; Vitex trifolia var. subtrisecta (Kuntze) Moldenke; Vitex trifolia subsp. trifoliaVitex trifolia var. trifoliaVitex trifolia var. variegata Moldenke; Vitex triphylla Royle; Vitex variifolia Salisb.; Vitis triphylla Noronha

Mô tả:

Cây: 

Cây nhỏ hay cây bụi. Cành non có 4 cạnh, có lông mềm, mầu xám nhạt; cành già tròn, nhẵn, mầu nâu. Lá kép mọc đối, 3 lá chét (lá ở ngọn có hoa thường đơn), lá chét hình trứng, gốc tròn, đầu tù hoặc hơi nhọn, mép nguyên, mặt trên nhẵn hoặc đen lại khi khô, mặt dưới phủ đầy lông trắng, lá chét giữa lớn hơn; lá vò ra có mùi thơm; cuống dài 1-3cm. Cụm hoa là một chùy tận cùng, đôi khi có lá ở gốc, có lông dày; mang nhiều xim mọc đối, mỗi xim có 2-3 hoa mầu tím nhạt hoặc lam nhạt; lá bắc nhỏ, hình dải; đài hình chuông, có lông trắng, 5 răng nhỏ đều; tràng hình trụ có lông mặt ngoài trừ phần gốc, môi trên có 2 thùy ngắn, môi dưới 3 thùy, thùy giữa lớn hơn hai thùy bên; nhị 4, thò ra ngoài. Quả hạch, hình cầu, có rãnh nhỏ, rộng khoảng 6mm. Mùa hoa quả: tháng 5-7.

Loài này còn có một thứ Vitex trifolia L. f. var. ovata (Thunb.) Makino gọi là Mạn kinh lá nhỏ, Quan âm biển, cây chỉ cao 10-20cm, thân mọc bò, lá chỉ có 1 lá chét. Cũng được dùng.

Dược liệu: 

Quả hình cầu, đường kính 4 - 6 mm, mặt ngoài màu xám đen hoặc nâu đen, phủ lông nhung màu xám nhạt như sương, có 4 rãnh dọc nông, đỉnh hơi lõm, đáy có đài tồn tại màu xám nhạt và cuống quả ngắn. Đài hoa  bao bọc 1/3 - 2/3 quả, có 5 răng, trong đó có 2 răng xẻ tương đối sâu, được phủ kín lông tơ mượt. Chất nhẹ và cứng, khó đập vỡ. Mặt cắt ngang quả có 4 ô, mỗi ô có một hạt. Mùi thơm đặc biệt, vị nhạt, hơi cay.

Bộ phận dùng: 

Dược liệu là quả chín đã phơi hay sấy khô của cây Mạn kinh (Fructus Vitici).

Phân bố, sinh thái

Cây mạn kinh có nguồn gốc ở Nam Phi, vùng phân bố từ Madagasca, đến Xrilanca, Afghanistan, Ấn Độ, Myanma, Nam Trung Quốc, Nhật Bản xuống các nước vùng Đông - Nam Á đến vùng Bắc Australia và phía đông Caledonia, ở Việt Nam, mạn kinh phân bố rải rác ở khắp các tỉnh vùng núi thấp xuống đến trung du và đôi khi gặp ỏ cả đồng bằng. Độ cao phân bố thường dưới l000m.

Mạn kinh là cây bụi lớn hoặc gỗ nhỏ, thường mọc rải rác ở ven rừng, đồi cây bụi lẫn với nhiều loại cây bụi khác. Cây ưa sáng và có thể chịu được hạn, do có hệ thống rễ cọc phát triển cắm sâu xuống đất. Cây phân cành nhiều, ra hoa quả đều hàng năm. ở một số nước vùng Nam và Đông Nam Á khác, cây ra hoa gần như quanh năm. Cây mọc ở các tỉnh vùng núi phía bắc có hiện tượng rụng lá về mùa đông và mọc lá non vào giữa mùa xuân. Tái sinh chủ yếu từ hạt; phần còn lại sau khi chặt đều có khả năng tái sinh chồi. Cây trồng được bằng hạt, sau 1 năm tuổi có thể cao tới gần 1m.

Gỗ thân và cành mạn kinh thường bị chặt làm củi, cành và lá làm phân xanh.

Thu hái, sơ chế: 

Thu hoạch vào mùa thu, lấy quả đã già, loại bỏ tạp chất, phơi hay sấy khô.

Bào chế

Lấy mạn kinh tử sạch, cho vào nồi, dùng lửa nhỏ sao đến vàng hoặc vàng sém, mặt bẻ màu sẫm là được. Khi sao sém dược liệu dễ cháy có thể phun ít nước sạch, lại sao khô hoặc phơi khô.

Bảo quản:

Dược liệu nên được bảo quản tại những nơi khô ráo, thoáng mát.

Thành phần hoá học: 

Quả chứa vitexin và tinh dầu. Lá chứa tinh dầu trong đó có: L-pinen, camphen, teroinyl acetal, diterpen alcol, các flavonoid; aucubin agnusid, casticin, orientin iso-orientin, Intcolin 7 -glucosisd.

Tác dụng dược lý:

1. Chất acid p-hydroxybenzoic với nồng độ 10-3 mol/lít, có tác dụng ức chế men tyrosinase đạt 71%, còn chất acid p-anisic với cùng nồng độ đạt 34%.

2. Thành phần thu được từ cất kéo lá mạn kinh, bằng đường tiêm tĩnh mạch với liều lượng l0mg/kg có tác dụng đối kháng với những rối loạn tuần hoàn ở kết mạc mắt và màng treo ruột do dextran gây nên như độnhớt của máu tăng cao, ngưng tập hồng cầu, tốc độ lưu truyền máu giảm. Điều đó cho thấy lá mạn kinh có tác dụng tăng cưòng vi tuần hoàn ngoại biên và nội tạng.

3. Theo tài liệu Ấn Độ, lá mạn kinh có tác dụng kháng khuẩn và diệt côn trùng. Dịch chiết từ lá đã được chứng minh có tác dụng ức chế vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis). Dịch hãm từ lá có tác dụng hạ sốt.

Tính vị:

Tính hàn, vị hơi đắng và có mùi thơm nhẹ.

Qui kinh:

Can, phế và bàng quang.

Công năng: 

Sơ tán phong nhiệt, thanh lợi đầu, mắt.

Công dụng: 

Cảm mạo phong nhiệt, nhức đầu, đỏ mắt, nhiều nước mắt, mắt mờ nhìn không rõ, chóng mặt, hoa mắt, lợi răng sưng đau.

Cách dùng, liều lượng: 

Ngày dùng 6 - 12g dạng thuốc sắc hoặc 2 - 3g dưới dạng bột hay ngâm rượu.

Bài thuốc:

1. Chữa đau đầu do cảm mạo: dùng bài Cúc chung ẩm: Mạn kinh tử 12g, Cúc hoa 12g, Phòng phong, Toàn phúc hoa mỗi thứ 12g, Xuyên khung 6g, Khương hoạt 6g, Sinh thạch cao 20g, Chỉ xác 8g, Cam thảo 4g, sắc nước uống.

2. Chữa đau đầu do huyết áp cao: Mạn kinh tử thang: Mạn kinh tử 12g, Cúc hoa 12g, Bạc hà 8g (cho sau), Bạch chỉ 8g, Câu đằng 12 - 16g sắc nước uống.

3. Chữa đau nửa đầu (thiên đầu thống): Mạn kinh tử 10g, Cam cúc hoa 8g, Xuyên khung 4g, Tế tân 3g, Cam thảo 4g, Bạch chỉ 3g, đổ 600ml nước sắc đặc còn 1/3 chia 3 lần uống trong ngày.

4. Chữa đau mắt đỏ do phong nhiệt (Viêm màng tiếp hợp cấp): 

+ Mạn kinh tử 16g, Cúc hoa 12g, Chi tử 12g, Hoàng cầm 12g, Mộc tặc 12g, Thiền thoái 4g sắc nước uống hoặc dùng bài:

+ Mạn kinh tử 12g, Cúc hoa 12g, Thảo quyết minh 12g, Đưong qui 12g, Đào nhân 8g, sắc nước uống. Trường hợp hư chứng (khí hư là chính) dùng thêm bài Bổ trung ích khí.

5. Chữa đau mắt sưng đỏ, có màng che, chảy dử, quáng mắt: Mạn kinh tử, hạt Muồng (sao), hạt Mào gà trắng, hạt Mã đề, hạt ích mẫu, các vị bằng nhau, tán bột làm viên, uống với nước chè, hoặc dùng mỗi vị 12g sắc uống (Nam dược thần hiệu). 

6. Chữa cảm sốt, nhức đầu, mắt sưng đỏ: Mạn kinh tử 15g Cúc hoa, Chi tử, Bạc hà, mỗi vị 12g, Kinh giới 10g, Xuyên khung 4g, đổ nước, bịt kín ấm, sắc rồi xông đầu mắt cho ra mồ hôi và uống thuốc khi còn nóng. 

7. Chữa ho, cảm sốt, nhức đầu, hoa mắt: Dùng 20 g Mạn kinh tử. Sau khi rửa sạch dược liệu với nước muối, thực hiện phơi khô dược liệu dưới bóng râm, nhiều gió. Cho dược liệu vào nồi cùng với 800ml nước lọc. Sau đó đun cạn còn 600ml. Chia thuốc thành 3 lần uống trong ngày. Dùng thuốc liên tục trong 7 ngày để bệnh tình có thể thuyên giảm.

8. Điều trị sưng vú: Dùng 100 g dược liệu. Sau khi rửa sạch dược liệu với nước muối, thực hiện phơi khô dược liệu dưới bóng râm, nhiều gió. Cho dược liệu vào chảo, sao vàng và tán thành bột mịn. Cho dược liệu vào bình thủy tinh có nắp đậy và bảo quản tại nơi khô ráo. Mỗi ngày lấy 4 g bột dược liệu hòa cùng với 60ml rượu trắng. Gạn lấy rượu thuốc để uống. Bã đắp lên vú. Thực hiện 1 lần/ngày cho đến khi bệnh tình thuyên giảm.

9. Điều trị tóc bạc sớm, tóc yếu gãy rụng: Dùng 10 g Mạn kinh tử. Sau khi rửa sạch dược liệu với nước muối, thực hiện phơi khô dược liệu. Tán dược liệu thành bột. Trộn đều bột dược liệu cùng với mật gấu và bôi lên tóc. Sử dụng 1 – 2 lần/ngày trong 10 ngày.

10. Điều trị đau mắt sưng đỏ, dử mắt, mắt có màng che, quáng mắt: Dùng 12 g dược liệu, 12 g hạt màu gà trắng, 12 g hạt muồng (sao), 12 g hạt ích mẫu, 12 g hạt mã đề. Rửa sạch tất cả nguyên liệu cùng với nước muối. Phơi khô dược liệu, sao vàng và tán thành bột mịn. Trộn đều bột và vo thành viên. Sử dụng thuốc mỗi ngày cùng với nước chè. Hoặc cho tất cả dược liệu sạch vào nồi. Rót thêm 800ml nước lọc vào cùng và thực hiện sắc thuốc cho đến khi lượng nước trong nồi chỉ còn lại một nửa. Uống ngay khi còn ấm. Sử dụng thuốc liên tục trong 7 ngày.

Kiêng kỵ: 

Huyết hư không nên dùng.

Người bị đau đầu, đau mắt đỏ do huyết hư không nên sử dụng Mạn kinh tử.

Chú ý:

Loài này còn có một thứ Vitex trifolia L. f. var. ovata (Thunb.) Makino (V. ovata Thunb.) gọi là mạn kinh lá nhỏ, quan âm biển, cây chỉ cao 10 - 20cm, thân mọc bò, lá chỉ có một lá chét. Cũng được dùng.

Tham khảo:

- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004

- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997

- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 2004

- theplanlist.org

- efloras.org