MƠ MUỐI-Qủa mơ chữa phế hư, ho lâu ngày
MƠ MUỐI
Fructus Mume praeparatus
Cây Mơ: Prunus armeniaca L.; họ Hoa hồng (Rosaceae); Photo plantsam.com and antropocene.it
Tên khác:
Diêm mai, Bạch mai, Ô mai (乌梅), Mai, Hạnh, Má pheng (Thái), Mác mòi (Tày).
Tên khoa học:
Prunus armeniaca L.; họ Hoa hồng (Rosaceae).
Tên đồng nghĩa:
Amygdalus armeniaca (L.) Dumort.; Armeniaca armeniaca (L.) Huth; Armeniaca vulgaris Lam.
Mô tả:
Cây:
Cây mơ là một loại cây nhỏ, cao chừng 4-5m. Lá mọc so le, có cuống, phiến lá hình bầu dục, nhọn ở đầu, mép lá có răng cưa nhỏ. Cuối mùa đông ra hoa có 5 sắc trắng hoặc hồng, mùi thơm. Quả chín vào tháng 3-4. Ðây là một quả hạch, hình cầu, màu vàng xanh, có nhiều thịt, trong có một hạt. Ngoài cây mơ nói ở đây, tại một số tỉnh miền Bắc có loài song mai, mỗi đốt mọc 2 quả được coi là quý hơn.
Dược liệu:
Quả hạch hình cầu dẹt, to nhỏ không đều, đường kính 1 - 3 cm. Mặt ngoài màu nâu nhạt có nhiều nếp nhăn. Đáy có vết cuống quả hình tròn lõm sâu. Thịt quả mềm dính muối, thịt quả bị rách để lộ vỏ quả trong cứng rắn, màu nâu nhạt. Hạt hình trứng dẹt, màu vàng nhạt. Vị chua, mặn.
Phân bố, sinh thái:
Mơ có nguồn gốc từ Trung Quốc hay Nhật Bản. ở đây cây được trồng từ lâu đời, sau lan xuống Việt Nam, Lào và Thái Lan. ở Việt Nam, mơ được trồng phổ biến ở các tỉnh từ Thanh Hoá trở ra, nhiều nhất là Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu (Điện Biên, Tuần Giáo), Hoà Bình, Hà Tây (vùng xung quanh Chùa Hương), Vĩnh Phúc (Tam Dương, Lập Thạch)... Ở miền Nam không thấy trồng mơ.
Mơ là cây của vùng ôn đói ấm và cận nhiệt đới, ưa khí hậu ôn hoà, nhiệt độ trung bình dưới 24°C. về mùa đông, cây có thể tồn tại ở nhiệt độ thấp tới 0°C. Cây ưa sáng, rụng lá mùa đông; hoa nở vào đầu xuân trước khi ra lá; thụ phấn nhờ côn trùng. Tỷ lộ đậu quả thường rất cao. Cây có khả năng mọc cây chồi từ rễ. Loại chồi này có thể sử dụng làm cây giống để trồng.
Trồng trọt:
Mơ được coi là cây ưa nóng nhất trong các cây ăn quả thuộc họ Hoa hồng, nhưng nhất thiết phải có rét, tốt nhất là 4 - 7°C, vào tháng 12-1 trước khi ra hoa. Năm nào không có rét thì năm đó mất mùa mơ. Vì vậy, mơ chỉ được trồng ở miền Bắc. Các tỉnh trồng nhiều mơ là Hà Tây, Hoà Bình, Hà Nam và Ninh Bình. Có nhiều giống mơ, khác nhau về hình thái, chất lượng và thòi gian chín của quả. Phổ biến nhất là giống mơ vàng, còn gọi là mơ Chùa Hương.
Mơ có thể nhân giống bằng chiết, ghép hoặc bằng hạt.
Muốn có nhiều cây con để trồng trên diên tích lớn thì áp dụng phương pháp nhân giống bằng hạt. Hạt mơ phải tốt, lấy từ cùng một cây 10-20 năm tuổi. Hạt có vỏ cứng, phải trải qua thời gian ngủ nghỉ bắt buộc khoảng 4 - 6 tháng, nên cần ủ trong cát ẩm, Mii bắt đầu nảy mầm mới đem ưofm ở vườn ươm, với khoảng cách 30 x 50cm. Mỗi luống trồng 2 hàng, khoảng cách giữa hàng luống nọ và hàng luống kia khoảng 1 - 1,1m . Khi cây cao 0,8 - 1m, đánh đi trồng.
Nếu dùng làm gốc ghép thì sau 6 - 7 tháng, đường kính thân đạt 5 - 7mm, có thể ghép. Thời gian ghép tốt nhất là tháng 2 - 3 hoặc tháng 9. Mắt ghép hoặc cành ghép đều phải chọn ở những đoạn cành bánh tẻ của cành xiên phía ngoài tán. Ghép xong, cắm cọc đỡ để cành ghép không bị gió lay bong ra. Sau một thời gian, cần bấm ngọn để cành ghép mập, không dài quá. Sau khi ghép 18-24 tháng, có thể đánh đi trồng. Còn có thể ghép mơ lên gốc đào hoặc mận.
Mơ cũng có thể nhân giống bằng phương pháp chiết cành đơn giản. Nên lấy cành to, cành xiên ở phía ngoài. Mùa chiết tốt nhất là tháng 5 - 6 khi đã thu hoạch quả.
Nhân dân thường có kinh nghiệm trồng mơ ở khe núi, vừa có đất tốt, vừa ít bị ảnh hưởng của gió mùa đông bắc. Trồng ở quanh nhà, ven đồi, ven sông cũng được.
Cây ưa đất đá vôi, pH trên 6, tầng đất mặt sâu, đủ ẩm, thoát nước, đủ ánh sáng.
Thời vụ trồng mơ tốt nhất là tháng 11 - 12, khi cây đã rụng lá, ngừng sinh trưởng. Lúc này có thể trồng rễ trần vẫn đạt tỷ lệ sống cao. Đào hố 50 x 50 x 50cm, bón lót mỗi hố 30 - 40 kg phân chuồng hoai. Trên đất tốt gần nhà, có thể trồng khoảng cách 6 x 8m, ở đất đồi xa nhà, ít có điều kiện thâm canh nên trồng dày hơn, khoảng 4 x 4 m.
Trồng xong, cần chăm sóc ngay vì mơ sinh trưởng tập trung vào tháng 1 đến tháng 4, nếu không sẽ lỡ mất một mùa sinh trưởng. Đặc biệt, cần tưới đủ nước. Có thể dùng rơm, rác, cỏ khô phủ gốc, trồng xen các cây họ lúa, rau đậu, cây phân xanh để giữ độ ẩm và hạn chế cỏ dại. Không trồng xen cây họ Cà, cây Bầu bí.
Những năm đầu, cần bón thúc 2 - 3 lần vào các tháng 2, 3, 6, 7 và 9, 10. Khi cây đã có hoa quả, chỉ bón 2 lần vào trước khi ra hoa (tháng 9-10) và sau khi thu quả (tháng 4-5). Lượng phân bón đối với cây còn nhỏ khoảng 90-100kg N và 60-80 kg P2O5/ha. Khi cây có quả, bón 160 kg N, 60 kg P2O5 và 200 kg K2O/ha. Nếu có phân chuồng thì giảm bớt phân khoáng, 1 tấn phân chuồng tính tương đương với 3 kg N, 2kg P2O5 và 4kg K2O. Ngoài ra, còn có thể bón thêm vi lượng (Bo, Zn). Phân vi lượng phun khi quả còn nhỏ có tác dụng chống rụng quả rất tốt.
Mơ rụng lá hàng năm, lúc này cần đốn tỉa. Nếu đốn tỉa đúng kỹ thuật, có thể tăng năng suất tới 30 %.
Mơ bị khá nhiều sâu bệnh hại. Sâu chính là bọ cánh cứng mình dẹt (Adoretus compressus) hại lá mơ non vào ban đêm. Diệt trừ bằng các thuốc chứa lân hữu cơ. Ngoài ra, còn có các loại rệp, nhện hại lá, cành, quả .
Bệnh chủ yếu là bệnh chảy gôm (Pseudomonas), trị bằng Bordeaux hoặc clorua oxyd đồng. Bệnh thối rễ (Armillaria và Rosellinia) tạo thành một màng tơ trắng giữa vỏ và gỗ làm thối rễ gây chết cây. Phòng chủ yếu bằng chọn giống chống sâu bệnh và luân canh
Mơ chín từ tháng 3 đến tháng 5, tuỳ theo giống. Khi vỏ quả chuyển từ xanh sang vàng là có thể thu hái, năng suất ước tính đạt 8 -10 tấn/ha/năm.
Bộ phận dùng:
Quả già đã chế muối (Mơ muối - Fructus Mume preparatus); Nhân hạt (Hạnh nhân).
Chế biến:
Diêm mai (Bạch mai): Hái quả Mơ gần chín vàng, không bị rụng, phơi héo, dùng nước rửa sạch, để ráo, sau đó cho vào vại sành, muối như muối cà (không đổ nước). Được 3 ngày, 3 đêm, vớt ra, phơi khô tai tái rồi lại cho vào vại muối lần thứ 2 một ngày một đêm nữa. Sau đó lấy ra, phơi, sấy đến độ ẩm dưới 15%, trên quả Mơ muối kết tinh thành lớp màu trắng là được.
Thành phần hoá học:
Thịt quả chứa acid hữu cơ, flavonoid, carotenoid. Nhân hạt ngoài dầu béo (35-40%) còn có chứa glycosid cyanogenic là amigdalin.
Tác dụng dược lý:
– Nước quả mơ pha đường có tác dụng làm cho công nhân làm việc ở nơi nóng, khô đỡ khát nước, giảm lượng mồ hôi, giảm lượng nước uống, giảm lượng muối mất đi do mồ hôi trong lao động.
– Nước quả mơ pha đường còn làm thời gian phản xạ ít kéo dài hơn và làm sức bền bỉ dẻo dai ít giảm sút vào cuối buổi lao động cũng như bớt được hiện tượng đái ra máu vi thể.
Năm 1972, Đỗ Chung Võ, Lê Thị Minh Liên và cộng sự đã tiến hành thí nghiệm tương tự trên công nhân lò nóng ở nhà máy xi măng Sài Sơn (Hà Tây) bằng nước muối mơ (dư phẩm chế ô mai) cũng đi đến những kết luân tương tự. Người ta cho rằng thịt quả mơ có tác dụng là do các acid hữu cơ, chất đường, vitamin C.
Nhân hạt mơ tác dụng do chất amygdalin. Chất này vào cơ thể sẽ cho HCN và aldehyd benzoic hay benzandehyd. Chất HCN tác dụng đối với trung khu thần kinh, lúc đầu có tác dụng hưng phấn, sau ức chế có thể dẫn tới co quắp và sau đó hôn mê. Đối với khu trung hô hấp lúc đầu cũng có tác dụng kích thích, về sau ức chế. Nhưng HCN là một chất độc, dùng quá liều có thể gây tử vong, nhưng khi dùng liều nhỏ hoặc uống amygdalin vào cơ thể, chất HCN chỉ giải phóng từ từ sẽ có tác dụng trấn tĩnh trung khu hô hấp do đó dùng để chữa ho.
Gần đây, với sự phát hiện ra vitamin B-15 trong hạt mơ, một số tác dụng dùng mơ chế rượu uống cho những người có tuổi có thể được giải thích.
Tính vị, quy kinh, công năng:
Hạt có vị đắng, tính ôn, có ít độc; có tác dụng giáng khí, chỉ khái, bình suyễn, nhuận trường, thông tiện. Quả có tác dụng kháng khuẩn, nhuận phổi; ở Ấn Độ, được xem như nhuận tràng và hạ sốt. Ô mai (vị chua) và bạch mai (vị chua, mặn) tính mát; có tác dụng chỉ khát, sinh tân dịch. Lá mơ (mai diệp) có tính chua, bình, không độc. Quy kinh Phế, Đại trường.
Công dụng:
Qủa mơ chữa phế hư, ho lâu ngày, lỵ lâu ngày, ỉa chảy kéo dài, hư nhiệt tiêu khát, hồi quyết (chữa đau bụng giun đũa).
Các phần của cây mơ làm thuốc:
Nhân hạt mơ (hạnh nhân) các chứng ho do phong hàn hoặc phong nhiệt, ho suyễn do phế nhiệt, táo bón do tràng táo. Ho ngược đưa khí lên, họng tắc hạ khí, tâm lạnh bôn đồn. Kinh giản, dưới tâm phiền nhiệt, khí phong đi lại, váng đầu thời tiết, giải cơ, tiêu tan cấp mãn ở dưới vùng tâm.
Cành mơ (mai ngạnh): thông khí cách mô trên dưới đồng thời trị đàn bà đẻ non (Bản sao thần hiệu phương).Đàn bà có mang 3 tháng, lâu quen đẻ non trăm thuốc không công hiệu, dùng 3 - 5 cành mơ, sắc nước uống, lại uông “Thang long nhãn” không có trường hợp nào không giữ được (Đạo thính tập).
Rễ cây mơ (mai thục căn): lấy rễ không ra ngoài mặt đất, còn nằm kín trong đất. Rễ mơ lộ ra ngoài đất không thể dùng vì nếu dùng là giết người (Bản thảo cương mục). Rễ cây mơ có tác dụng chữa phong tý.
Rễ mơ sắc uống trị miệng nôn trôn tháo (vừa bị nôn mà lại bị đi ngoài). Rễ mơ cùng rễ đào lý, nấu nước tắm cho trẻ lúc mới sinh thì không có mối lo lở loét do nhiệt (Thôi thị toát yếu).
Mai tử là tên gọi quả mơ (ở đây gọi mai thực). Vị ngọt, không độc tính bình hòa làm thuốc, làm sương ô mai chế. Chớ nên ăn sống hại răng.
Dầu hạt mơ (dầu hạnh nhân) làm thuốc bổ, thuốc nhuận tràng...
Cách dùng, liều lượng:
Ngày dùng 3 - 6 g, dạng thuốc sắc. Thường phối hợp với các loại thuốc khác. Bạch mai dùng thịt quả bỏ hạch cứng, dùng sắc thuốc thì không cần bỏ hạch cứng.
Bài thuốc: Có mơ và Ô mai
1. Chữa đau họng hoặc ho lâu bị mất tiếng (Hải Thượng Lãn Ông): Mơ chín vàng 100 quả, nước quả chanh 1 chén, cam thảo 1 lạng. Tất cả nấu nhừ, bỏ bã rồi cô thành cao mà ngậm.
2. Chữa ho lâu năm: Mơ muối, Thiên môn, Mạch môn, Bách bộ, Tang bạch bì. Các dược liệu phơi khô, trừ mơ muối, tán nhỏ, luyện với mật ong và nước gừng, làm viên bằng hạt nhãn, mỗi lần dùng một viên và nuốt dần.
3. Chữa ho lâu ngày, khản tiếng, viêm phế quản, viêm họng: Ô mai 8g, lá Tre 8g, Tô mộc 8g, Cam thảo dây 5g, lá Chanh 4g, Gừng sống 2g, nước sắc 500ml. Sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày.
4. Chữa kiết lỵ khát nước: Ô mai 2-3 quả, thêm nước vào đun sôi, giữ sôi 15 phút. Dùng uống thay nước trong ngày.
5. Chữa giun chui ra mồm, mũi: Ô mai 2 quả, thêm 300ml nước, đun sôi, giữ sôi 15 phút, thêm đường vừa đủ ngọt, uống vào buổi tối trước khi đi ngủ.
6. Chữa băng huyết: Ô mai 7 quả, thiêu tồn tính, tán nhỏ, chia làm 3 lần uống trong ngày. Dùng nước cơm để chiêu thuốc.
Kiêng kỵ :
Bệnh cần phát tán không nên dùng.
Tham khảo:
- Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Viện dược liệu), Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, 2004
- Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi), Nhà xuất bản Y học, 1997
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Đỗ Tất Lợi), Nhà xuất bản Y học, 2004
- theplanlist.org
- efloras.org
Bài viết Cây thuốc - Vị thuốc khác
- Công dụng của Sáp ong vàng
- Công dụng của Trạng nguyên lá nhỏ
- Công dụng của cây Mè đất
- Công dụng của Đậu rồng Psophocarpus tetragonolobus
- Công dụng của Quả cóc
- Công dụng của Hoa tóc tiên - Ipomoea quamoclit L.
- Công dụng của cây Bù dẻ lá lớn - Uvaria cordata
- Rau má trẻ hóa làn da
- Công dụng của cây Thạch anh
- Công dụng của cây Còng - Samanea saman
- Cây Vông vang người bạn tuyệt vời của hệ tiết niệu - Abelmoschus moschatus
- Công dụng của cây Hồng
- Công dụng của Rau bò khai - Erythrophalum scandens
- Công dụng của Thù du Hồng kông - Cornus hongkongensis
- Cách dùng xơ mướp chữa trĩ
- Công dụng của cây Mía
- Công dụng của cây Tô liên cùng màu Torenia concolor
- Công dụng của Nghệ đen Curcuma aeruginosa
- Công dụng của cây Giác hồ ma - Martynia annua
- Công dụng của hoa Gừng - Zingiber officinale