Rau sạch từ chuối rừng Việt Nam
THỰC PHẨM AN TOÀN TỪ CHUỐI RỪNG.
Chuối rừng là những cây thân thảo nhiều năm, cao từ 2-5m, có phần thân ngầm mang nhiều chồi thường được gọi là “củ chuối”. Phần thân phía trên mặt đắt gọi là thân khí sinh. Phiến lá mọc ra liên tục từ phần lõi của thân khí sinh, phiến lá khi non thường cuộn tròn, sau đó trải ra hình thuôn dài có kích thước dài 1-1,5m rộng 20-40cm. Cụm hoa mọc ra từ thân khí sinh, các lá bắc hình nón, màu tím (hoặc đỏ, da cam tùy loài), ôm chặt các cụm hoa khi còn non. Quả hình thoi, mọng nước, khi non màu xanh xám, khi chín màu vàng, dài 9-15cm.
Chuối rừng: Musa acuminata: Ảnh tropical.theferns.info and commons.wikimedia.org
Chuối rừng ở nước ta có nhiều loài: loài chuối rừng phổ biến (Musa acuminata) nhất có cụm hoa cong và quả dẹp, ngoài ra còn có loài khác như chuối rừng hoa đỏ (M. troglodytarum) thì cho cụm hoa màu đỏ và thẳng, loài chuối rừng hoa da cam (M. paracoccinera) thì cho cụm hoa màu da cam và thẳng.
Theo kiến thức bản địa nhiều vùng trên cả nước thì chuối rừng cho thực phẩm ở hầu hết các bộ phận. Thân non khi bóc hết bẹ, thái nhỏ, ngâm nước để làm rau ăn ghém hoặc muối dưa. Hoa chuối rừng thái nhỏ làm nộm hoặc nấu canh cua cá, xào thịt lợn, thịt bò, ăn rất ngon. Củ chuối rừng (thân ngầm) cạo sạch vỏ, thái nhỏ nấu canh hoặc xào. Quả khi còn non thái lát mỏng ăn thay rau hoặc xào.
Ghi chú: Ngoài ra chuối rừng còn dùng trong y học truyền thống. Nước từ thân chuối rừng hỗ trợ điều trị tiểu đường. Vỏ quả chuối rừng đã chín dùng phơi khô sắc uống chữa đau bụng, tiêu chảy. Củ chuối rừng dã ép lấy nước uống hạ sốt cao. Chuối rừng cũng có thể được sử dụng làm cây cảnh cho biệt thự sân vườn.
Nguồn trích: Rau rừng Việt Nam