SƯNG CÓ ĐUÔI-dùng làm dầu sơn
SƯNG CÓ ĐUÔI
Sưng có đuôi: Semecarpus caudata Pierre. Ảnh Hoàng Thanh Sơn
Tên khoa học:
Semecarpus caudata Pierre.
Họ:
Xoài: Anacardiaceae
Mô tả:
Cây gỗ cao 15-17 m. Cành non phủ lông tơ ngắn, màu nâu đỏ. Vỏ màu xám trắng, có vân nứt dọc. Lá đơn, mọc cách, tập trung ở đầu cành, hình lưỡi mác dạng trứng ngược, dài 18-50 cm, rộng 8-16 cm, đầu có mũi nhọn dài, gốc tròn, nhẵn, gân bên hình mạng lưới, nổi rõ 2 mặt. Cuống lá dài 0,8 cm. Cụm hoa đực dài 10-15 cm, mang những lông tuyến thưa, dựng đứng, màu trắng nhạt có cuống hoa dài. Cụm hoa cái mọc đầu cành, cuống hoa dài 0,1-0,2 cm. Cánh đài dài 0,1 cm, nhẵn, mép có tuyến. Cánh tràng hình lưỡi mác, dài 0,25 cm, nhẵn. Bầu nhỏ. Cụm quả dài 18 cm, chia nhánh gần gốc. Quả hạch, khi chín màu vàng, dạng trứng, lệch, dài 2 cm, rộng 1,6 cm, đế quả bọc lấy 1/3 quả phía dưới, mép lượn sóng, vỏ quả dày, bóng, vỏ quả trong mỏng. Hạt lệch.
Đặc điểm sinh học:
Mùa ra hoa tháng 2-4, mùa quả chín tháng 6-7.
Sinh thái:
Cây thường gặp trong rừng khô rụng lá theo mùa và thường mọc trên các đồi cỏ, cây bụi, trên đất bazan thoái hóa, hoặc trong rừng khộp ở độ cao 450-650 m.
Phân bố:
Đồng Nai, Bình Phước, Đắc Nông.
Công dụng:
Tất cả các bộ phận đều có nhựa độc. Nhựa có thể dùng làm dầu sơn.
Nguồn trích: Hoàng Thanh Sơn, Trịnh Ngọc Bon, Võ Quang Trung, Nguyễn Văn Linh, Trần Lâm Đồng; Sổ tay nhận biết các loài thực vật phổ biến ở Khu dự trữ Sinh quyển Đồng Nai; Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội – 2018