Logo Website

BA ĐẬU

18/02/2018
Bỏ vỏ, giã ba đậu cho nhỏ, gói bằng giấy bản rồi ép, sau thay giấy bản, lại ép, đến khi nào dầu không thấm ra nữa thì thôi. Sao qua cho vàng (ba đậu sương). Ngày dùng 0,05 đến 0,02g.

BA ĐẬU

Tên khoa học: Croton tiglium L. Họ thầu dầu (Euphorbiaceae)

Bộ phận dùng: hạt loại già chắc, không mốc, không lép, không đen, không thối là tốt.

Thành phần hóa học: hạt chứa dầu béo, albumin, crotonosid, acid crotonic, acid tiglic v.v…

Tính vị - quy kinh: vị cay, tính nhiệt, rất độc (bảng A). Vào hai kinh vị và đại trường.

Chủ trị - liều dùng:

a. Theo Tây y: chỉ dùng dầu của ba đậu làm thuốc trị tê thấp, viêm phổi, đau ruột; là thuốc tẩy mạnh. Ngày uống một giọt hòa tan trong dầu khác.

b. Theo Đông y: dùng hạt đã loại bỏ dầu. Thường phối hợp với các vị khác.

Kiêng kỵ: người tạng nhiệt thì cấm dùng.

Cách bào chế:

Theo Trung y: đem đánh nát, cho vào nửa dầu vừng, nửa rượu, nấu cho cạn khô, nghiền nát như cao để dùng (Lôi Công). Dùng ba đậu có khi dùng nhân, có khi dùng vỏ, có khi dùng dầu, có khi dùng sống, có khi bọc cám sao, có khi nấu với giấm, có khi đốt tồn tính, có khi bọc giấy nghiền nát, ép bỏ dầu (ba đậu sương) (Lý Thời Trân).

Ghi chú: bào chế ba đậu phải bảo vệ mắt và tay vì dầu nó rất nóng gây rộp da.

Theo kinh nghiệm Việt Nam:

a. Bỏ vỏ, giã ba đậu cho nhỏ, gói bằng giấy bản rồi ép, sau thay giấy bản, lại ép, đến khi nào dầu không thấm ra nữa thì thôi. Sao qua cho vàng (ba đậu sương). Ngày dùng 0,05 đến 0,02g.

b. Làm như trên rồi sao đen, gọi là hắc ba đậu. Ngày dùng có đến 1g.

Bảo quản: hạt và dầu ba đậu là thuốc độc bảng A. Cần để nơi khô ráo, mát, tránh nóng, tránh ẩm vì hạt dễ bị đen thối và mọt.

Tham khảo Bào chế Đông Dược 2005