Logo Website

CÔNG DỤNG CỦA VỊ XUNG UẤT TỬ

13/04/2021

ĐIỀU 184. CÔNG DỤNG CỦA VỊ XUNG UẤT TỬ 

Ông Nguyễn Trọng Chế, 60 tuổi, người thôn Bài Lâm, xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa, Hà Đông (nay là Hà Sơn Bình) bị bệnh đau đầu đến nỗi ù cả hai tai, đến y tế Hà Đông điều trị. Bác sĩ ở y tế cho đơn, phải đi mua thuốc ngoài để cổng và tiêm. Qua một thời gian 10 ngày, bệnh thế không giảm. Tới khám lại, vị bác sĩ hứa: sẽ chuyển ra bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, để thử máu. Nghe hai tiếng "thử máu", ông Chế sợ, chuồn ra chỗ nhà con cháu ở Hà Nội. Do có người giới thiệu, ngày 5- 7-64 đến tôi yêu cầu chẩn trị. Tôi trông người vẻ học trò, gầy gò, nhưng tinh thần hoạt bát, chưa đến nỗi yếu lắm. 

Hiện tại bệnh tình: đầu vừa nhức, vừa choáng, hai tai ù, thường như có tiếng "ọc ạch" ở trong tai, lúc nhức đầu quá, hai mắt như mờ đi. Nước tiểu đỏ và ít. 

Mạch trọng án Huyền Sác có lực. 

Định bệnh: huyết hư. Can hỏa thượng xung. 

Liền dùng độc vị Xung uất tử 3 lạng, sắc đặc cho uống. Uống hết 2 gói, cộng là 6 lạng, bệnh thế giảm được 7, 8 phần 10; uống thêm 3 lạng nữa, khỏi hẳn. Sở dĩ tôi cho uống Xung uất tử là vì tôi căn cứ vào tính năng của nó ở trong Bản thảo. 

Theo chủ trị của Xung uất tử ở trong Bản thảo thì "sáng mắt, thêm tinh, trừ chứng thủy khí, uống lâu thân thể nhẹ nhàng (Bản kinh); chữa chứng huyết nghịch đại nhiệt, nhức đầu và tâm phiền (Biệt lục). 

Mâu Hy Ung trong Bàn thảo kinh sớ viết: “Xung uất tử vị tân, cam, hơi hàn, không độc. Dẫn vào hai kinh Thủ, Túc quyết âm. Tính nó vừa bổ mà lại hay hành, tân tán mà lại nhuận. Mắt là khiếu của Can. Vì nó có tác dụng ích Can hành huyết nên mới có hiệu năng sáng mắt thêm tinh. Khí của nó thuần dương, tân tẩu mà không chỉ đứng một nơi, nên mới có hiệu năng trừ được thủy khí. Can tạng có hỏa thì huyết nghịch, nếu Can gặp được mát thì sẽ dịu mà giáng xuống. Các chứng đại nhiệt, nhức đầu và Tâm phiền. đều là biểu hiện của huyết hư và nhiệt, giờ dùng Xung uất tử có tác dụng thanh Can, tán nhiệt và hòa huyết. nên các chứng hậu trên đều khỏi". 

Bệnh đau đầu của ông Chế là do "huyết hư, can hỏa thượng xung”, thích hợp với hiệu năng của Xung uất, nên chỉ uống có mấy lạng mà bệnh khỏi. 

Nguồn trích: CHƯƠNG X: VỊ THUỐC VÀ PHƯƠNG THUỐC - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990