Logo Website

PHÂN TÍCH VIỆC DÙNG SÂM PHỤ

20/04/2021

ĐIỀU 190. PHÂN TÍCH VIỆC DÙNG SÂM PHỤ 

Sâm với Phụ là hai vị thường dùng đối với trường hợp bổ hư. Nhưng tựu trung cũng phải phân biệt bệnh tình thế nào thì nên dùng, thế nào thì không nên dùng, chứ không thể dùng liều. Tôn Đài Thạch nói: Xét trong Thần nông bản thảo: "Nhân sâm vị cam, khí hơi hàn, không độc, chủ về bổ 5 tạng, yên tinh thần, định hồn phách, khỏi kinh quí, ôn trung, phá các chứng tích tụ rắn, huyết hà, hàn thấp chân trệt, co quắp gối đau, không đi được. Dùng vào bổ tễ nên dùng chín; muốn cho ôn tán thì dùng sống. Nhân sâm bổ tạng phủ nguyên khí. Phụ tử giúp ích chân dương của Tạng phủ, Hỏa suy dương yếu, không có nó không cứu sống được. Nếu ốm lâu khí huyết hư yếu, và tất cả các chứng hư tổn đều nên dùng Nhân sâm. Nếu Mệnh môn hỏa suy, trung khí ngày một kém sút, và tất cả các chứng hư hàn, đều nên dùng Phụ tử. Các đanh y đờì trước, mỗi khi sử dụng bổ tễ thường gia thêm mấy đồng cân Phụ tử để giúp sức cho Sâm Kỳ, để thu hồi khí nguyên dương khi đã sắp tan mất. Công dụng của Sâm Phụ thật không nhỏ. Nhưng nếu gặp những loại bệnh như "ngược tà” chưa giải tán được hết, các y giả phần nhiều dựa theo cái thuyết "Chính khí mạnh thì tà tự lui” mà chuyên dùng phép bổ, có khác chi đóng cửa sổ để đuổi kẻ trộm, kẻ trộm còn chạy ra đằng nào. Và bệnh tà được bổ thì lại mạnh thêm, bệnh càng thêm nặng, chính là đã phạm vào cái lỗi: "Tổn bất túc và ích hữu dư”. Cổ nhân lại có câu: "Phế nhiệt lại làm hại Phế.” Xem đó, Sâm cũng không thể dùng liều. Các y giả đời nay, gặp người giàu sang, liền sợ là hư, không hỏi chi đến bệnh hư hay thực, hết thảy đều dùng bổ, cũng là không đúng. So với tình trạng "cần phải dùng mà không dùng”, thật không khác mấy. Sỡ dĩ có những sai lầm đó, chẳng qua chỉ vì không thấu rõ bệnh tình đó thôi. 

- Triệu Vũ Hoàng nói: Muốn bệnh không bệnh nào khó chữa bằng chứng hư. Kinh nói: "Không chữa được bệnh hư, còn hỏi chi các bệnh khác”. Bởi cái nghĩa chữ "hư" cũng như là "rỗng không”. Nhà nước đến thời kỳ rỗng không, nếu không cân kiệm, ky cóp, nuôi dưỡng nhân dân thì nước làm sao vững bền được? Tật bệnh đến giai đoạn hư cũng giống như vậy. Cho nên chủ yếu chữa chứng hư, trước phải ôn bổ; mà tác dụng về ôn bổ, đứng đầu là Sâm, Phụ. Sâm có tác dụng giúp ích cho nguyên khí. Người sức yếu dùng nó, như mây mù được thấy mặt trời, sinh cơ tự nhiên phát triển, thật là một loại thuốc "khởi tử hồi sinh" rất có giá trị. Cho nên không những người khí hư nên dùng, cho đến người huyết hư cũng nên dùng. Bệnh phiền khát phát sinh bởi hỏa tà, được cái lực lượng của Sâm thì âm tinh sẽ tự sinh sôi; bệnh trướng thũng phát sinh bởi khí ủng, được cái lực lượng của Sâm thì bĩ muộn sẽ tự tiêu tán. 

Cho đến ăn không muốn nuốt, ăn vào lại đầy; hoặc phiên Vị, ế cách, ỉa lỏng vong âm, rờn rợn ố hàn, nhiều hãn sợ gió, v.v... Đều nhờ cái đại lực của Sâm, để làm chỗ dựa cho nguyên khí. Có lắm người nông nổi, cho là: Phế nhiệt lại làm hại Phế, uống Sâm thêm đầy thật là khờ dại. Nên biết rằng: Phế kim bị nung nấu, không Nhân Sâm thì lấy gì giải cứu được? Tỳ thổ bị trướng đầy, không Sâm Truật thì lấy gì cho kiện vậy? Công trạng rất nhiều, nói không kể xiết. Đến như Phụ tử có tác dụng dũng mãnh như một vị tướng giật cờ phá lũy. Ngu Bác nói: có năng lực dẫn các loại thuốc bổ khí đi suốt 12 kinh, để thu hồi cái khí nguyên dương bị tiêu tán; dẫn các loại thuốc bổ huyết vào huyết phận, để thấm nhuần khí chân âm không đầy đủ; dẫn các loại thuốc phát tán ra tấu lý, để dồn đuổi khí phong hàn tại bộ phận biểu; dẫn các loại ôn dược suốt tới hạ tiêu để dồn bỏ khí ẩm lạnh tại bộ phận lý. Công dụng của Phụ to lớn là chừng nào? Mọi người chỉ biết tay chân quyết lãnh, ỉa sống phân, là những loại bệnh âm hư thường dùng Phụ. Đó chẳng qua chỉ về phương diện "chính trị". Đến như cái chỗ hay của nó, lại còn có thể lấy nhiệt trị nhiệt. Thí dụ khi Vị dương nảy sinh các chứng miệng loét lưỡi nát; Thận dương mà sinh các chứng mặt tía lưỡi đỏ. Dùng Phụ dẫn vào trong các loại thuốc "tư âm bổ khí". chẳng bao lâu có thể nóng lui tỉnh táo. là bởi nó có tác dụng "phản bản hồi dương" và "tráng hỏa ích thổ". Người đời ưa dùng hàn lương, sợ dùng ôn bổ, hễ thấy Sâm Phụ tức thì chê bai, có biết đâu khí hậu của mùa Thu Đông, muôn vật có sinh trưởng được bao giờ. Đến như chứng ngoại cảm phục dương, dương quyết, dùng tới nó sẽ phát cuồng, đó là tội do tự mình gây ra, Sâm Phụ có lỗi gì đâu?” 

Tôi xét: Công dụng của Sâm Phụ có thể tóm lại là: 

Nhân Sâm lấy bổ dương làm chủ, cho nên phàm bệnh vô luận là hàn hay nhiệt, nếu hư nhiều, rất nên dùng Sâm. Phụ tử lấy tán hàn làm chủ, cho nên phàm bệnh vô luận là hư hay thực, nếu hàn nhiều, rất nên dùng Phụ. Ở đời, thật có lắm người thiên về bổ, gặp những chứng hơi hư, đã dùng ngay Sâm Kỳ, vít chặt lấy tà khí; hoặc dùng ngay Phụ tử, để sinh ra quá táo ảnh hưởng tới sinh mệnh con người thật không nhỏ. Lại như thuyết của 2 họ Tôn, Triệu ở trên, người thì nói “Phế nhiệt không nên dùng liều”, người thì nói "Phế nhiệt chỉ có Nhân sâm mới có thể cứu”. Thật ra thì bệnh Phế nhiệt, có khi do phong tà phạm phế, lưu lại không tan, rất kỵ ôn bổ; có khi do nội thương Phế diệp khô, thành chứng hư táo, rất cần phải nhuận bổ. Theo thuyết của họ Tôn có phần đáng tin cậy hơn. 

Nguồn trích: CHƯƠNG X: VỊ THUỐC VÀ PHƯƠNG THUỐC - TỬ SIÊU Y THOẠI KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ VÀ HỌC TẬP LÀM THUỐC, NHÀ XUẤT BẢN KHOA HỌC XÃ HỘI HÀ NỘI – 1990